Tản văn

Ký ức mùa quả chín

Tản văn của Hà Vinh Tâm 11/10/2023 05:25

Mấy bữa nữa là giỗ bà ngoại rồi. Mẹ đã vội vàng từ Hà Nội về quê. Sáng, mẹ gọi điện báo: “Con à, xoài và vải đã chín cả rồi, mai Hoàn nghỉ về quê hái xoài và vải cho mẹ nhé!”... Vậy là một mùa quả chín lại về.

1592885429660_trai-nghiem-vai-4.jpg

Trong ký ức của tôi hiện lên khu vườn yên tĩnh có những hàng xoài lúc lỉu quả vàng thơm và những cây vải chi chít quả đỏ chín trên cành. Mùa hạ được gọi về từ những hương quả chín dần lên trong vườn như thế. Mùa nối mùa,...

Thường là vào dịp ra xuân, cây cối trong vườn đua nhau nảy lộc và những chùm hoa vải, hoa xoài trắng xanh bé xinh xuất hiện trong từng vòm lá. Gió xuân hây hẩy gieo niềm rạo rực của đất trời vào từng nụ hoa để đến một ngày hoa bung nở từng chuỗi như những chùm pháo hoa trắng xanh vừa dịu dàng, bình dị vừa đầy quyến rũ, say mê. Lũ ong mê mẩn bay xung quanh giống như những anh chàng đa tình đang ngẩn ngơ, quyến luyến trước sắc hương được phát tiết một cách tự nhiên của người phụ nữ mình yêu. Khu vườn trở nên rộn ràng hơn với những chuyến ong bay đến bay đi. Thế mới thấy đời sống của tự nhiên cũng thật rộn ràng theo thời gian. Thiên nhiên biến đổi không ngừng theo dòng chảy của đất trời để cùng hòa nhịp vào sự sống.

Trong ấn tượng của tôi, đường gân của hoa xoài màu tía đầy nồng nàn và sự rắn rỏi như chàng trai mới lớn sung sức để nâng từng chùm quả đang lớn dần. Đường gân của hoa vải màu xanh gợi sự thanh bình, nhẹ nhàng, mến thương của một cô gái thôn quê chỉn chu, đảm đang mà dịu hiền.

1574750592_4663ca7c57ee00aec30305c0167bf6d9_yjmm.jpg

Cùng với nắng, gió đất trời, sự gieo duyên của những chú ong, sự cần mẫn của đất mẹ, sự chăm bón của bàn tay người gieo trồng, những chùm quả xoài, quả vải lúc lỉu đã hiển lộ trên các cành cây. Hương quả ngọt ngào líu ríu bước chân mẹ và đánh thức các loài côn trùng ưa mật ngọt của trái cây. Những quả xoài và vải chuyển sang màu phớt hồng hây hây như má người con gái đến độ xuân thì.

Mỗi lần ra vườn, tôi thích nhất là nhón từng quả vải đưa vào miệng, cảm nhận được vị ngọt lịm tan dần trên đầu lưỡi. Tôi có thói quen, hái xoài xuống là lột luôn lớp vỏ ngoài để lộ phần thịt vàng ươm, ngọt ngào, mềm mại ấy để cắn từng miếng đến khi chỉ còn trơ lại hạt xoài trắng lép phía trong. Mỗi thứ quả có một hương vị riêng nhưng đều thật ngọt ngào, thương mến đối với tôi. Thứ quả đó là mùi vị quê hương, là tình mẹ yêu thương đi suốt cuộc đời tôi!

Đầu mùa thu hoạch mẹ luôn chọn những quả to nhất, đẹp nhất để đặt lên bàn thờ thắp hương cho bà ngoại. Tôi nhớ ngày xưa, mỗi lần xoài rụng lộp bộp trước cổng nhà, mỗi lần có cơn gió mạnh thổi là bà ngoại thường cắp rổ ra nhặt. Dáng bà lom khom vừa nhặt vừa chép miệng: “Thương quá, chưa chín mà đã rụng!”. Nhặt xong bà rửa sạch, lấy dao gọt những chỗ nứt, cắt ra những đĩa quả thật ngon lành cho chúng tôi ăn. Tiếp đó là lựa quả ngon ngọt, cho vào túi để đi biếu anh em, hàng xóm xung quanh. Thế mới thấy hết bao nghĩa tình trong những thứ quả quê thơm lừng đó.

Những mùa quả, mẹ thu hoạch với sự tất bật trong niềm vui của người gieo trồng. Mẹ thuê người hái xoài, hái vải. Mỗi mùa như vậy, mồ hôi mẹ rịn cả chiếc áo khoác nắng, lấm tấm trên trán, cổ và nhỏ giọt xuống dưới cằm. Hai cô cháu gái con cậu em và hai cậu con trai nhà tôi tụ tập về nhà mẹ. Đứa nhặt xoài vào rổ, đứa lau xoài, đứa cân xoài và vải cho bà. Các cháu được học bài về việc bảo quản quả sạch, chọn quả cho khách theo nhu cầu và sắp xếp xoài, vải vào thùng cho khách. Chị em tôi bất kể làm nghề gì cũng phụ mẹ cân đếm để bán để biếu thêm cho những khách hàng quen thuộc. Cả nhà rộn ràng với bạt ngàn xoài và vải được xếp đầy góc nhà.

Nhìn màu vỏ, nếm vị ngọt ngon của xoài, của vải là một niềm yêu thích của biết bao người thưởng thức nhưng lắng lại để ngửi mùi thơm của xoài và vải đang dâng lên khi đã đến độ chín căng tròn thì đó là nhã thú của người biết sống sâu và chậm để nhận ra đầy đủ, vẹn tròn hương vị cuộc sống. Đó cũng chính là cách sống riêng của mỗi người. Cách đón nhận các thức quả cũng thể hiện nét văn hóa, tầm ứng xử của người nhận quả.

Mỗi người đều có một ký ức tuổi thơ đặc biệt. Với tôi đó là ký ức về khu vườn của mẹ đầy những hoa thơm, trái ngọt, mỗi loại cây đều cho mình những bài học quý giá về cách sống, về cách ứng xử trong cuộc đời. Nếu chỉ nhìn thiên nhiên như một thế giới bên ngoài, ta sẽ không hiểu hết đời sống bí ẩn và vẻ đẹp của mỗi loài cây trái quanh ta cùng những chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời. Hãy sống đến tận cùng từng hơi thở, chúng ta sẽ cảm nhận được sự kỳ diệu đầy bí ẩn, mê hoặc của thiên nhiên!

Bài liên quan
  • Những hàng thông lặng im
    Những hàng thông đã lặng im từ lâu lắm. Như từ hóa thạch, như từ lòng đất, như từ đại dương, những đại dương san hô mà loài người đã vô tình quên lãng. Thông như là sự hóa thạch của những trầm tích ấy. Những trầm tích mà hôm nay, ngày mai, bất cứ khi nào có thể lại sẽ reo ca trong lòng bạn. Này hỡi em yêu! Và đó là một sự nhiệm màu!
(0) Bình luận
  • Hương sen vương vấn sợi trà
    Những ngày còn công tác ở Hà Nội, ông ngoại tôi đã xin được giống sen Hồ Tây về trồng trong đám ruộng lầy cải tạo thành ao, bờ mòn dần hóa thành đầm sen đầu tiên ở bản. Những nhà hàng xóm ngắm bông sen to, đẹp thơm ngát một vùng thì đến xin vài ngó già.
  • Những cô hàng xén bây giờ ở đâu?
    Sớm mai, khi mà trời mới tảng sáng, có khi còn cả giăng với sao, có khi thì mờ sương chả rõ mặt người, người làng này, làng kia đã cùng đi chợ sớm. Ai cũng mong những bán sớm mua sớm cho chọn được hàng ưng ý. Có những khi mưa gió, áo tơi, nón che không nhận ra nhau.
  • Yêu một người Hà Nội
    Chuyến bay lúc 4 giờ chiều hạ cánh xuống sân bay Nội Bài với lời chào là bản nhạc "Nhớ về Hà Nội". Trống ngực tôi loạn xạ cứ như đang đến cuộc hẹn đã mong đợi từ lâu.
  • Gác nhớ
    Ở phố, đâu thiếu những nhà cao chọc trời nhưng vẫn thấy nhớ một căn gác nhỏ. Lạ nỗi, mỗi khi lên đó nhìn ra phố, tôi bỗng thấy cuộc đời này thật khác. Căn gác như một nơi trốn chạy thực tại, một cách yêu thương mình bằng những kỉ niệm.
  • Chiếc ghế mây của cha
    Những ngày mưa to gió lớn, không đi làm nương được, mẹ rủ đám con gái chúng tôi lấy ghế mây ra đầu hè ngồi khâu vá. Bà nội tôi đeo kính lão xỏ kim, bà cười móm mém theo những câu chuyện kể tếu táo của đám trẻ chúng tôi. Chiếc ghế mây phát ra âm thanh kin kít chịu đựng sức nặng cơ thể con người theo những điệu cười khúc khích.
  • Phượng tím vắt ngang trời thương nhớ
    Đến Đà Lạt vào ngày nắng chói, đôi mắt chị dõi tìm loài hoa gieo thương nhớ, phượng tím. Đà Lạt mùa nào sắc đó, đều là những loài đặc trưng của xứ sở ngàn hoa. Mùa dã quỳ vàng hoang hoải, mùa cỏ hồng bềnh bồng như mây, mùa hoa ban trắng tinh khôi, mùa anh đào ngọt ngào trong trẻo. Với chị, lưu luyến nhất vẫn là mùa phượng tím. Mùa này phượng rải sắc tím ngăn ngắt khắp đất cùng trời, gợi lên trong lòng xiết bao lưu luyến.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Người dân đội nắng đứng bên đường khóc tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về lòng đất mẹ
    Trong thời tiết nắng nóng Hà Nội lên tới 40 độ C, nhưng rất nhiều người dân vẫn đội nắng đứng trên các tuyến đường hướng về Nghĩa trang Mai Dịch để tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối.
  • Những dòng sổ tang nhoè nước mắt tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà
    Rất đông người dân ở mọi độ tuổi, có người già, thanh thiếu niên, trẻ nhỏ... lặn lội từ các quận, huyện của thành phố Hà Nội và các tỉnh đến để tiễn đưa người lãnh đạo đáng kính.
  • Người dân nghẹn ngào, tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Tại quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội, những đôi mắt đỏ hoe, cùng hàng ngàn giọt lệ đã, đang và sẽ rơi là những hình ảnh đầy xúc cảm, thể hiện sự tiếc thương, kính trọng của người dân đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
  • Toàn văn lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Ngày 26/7, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội). Lễ truy điệu cũng được tổ chức đồng thời tại Hội trường Thống Nhất (thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Trong niềm tiếc thương vô hạn, Chủ tịch nước Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Lễ tang đã đọc Lời điếu tại Lễ Truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
  • [Video] Người dân từ mọi miền đất nước xếp hàng để được thắp nén tâm hương tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Tang lễ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức theo nghi thức Quốc tang trong hai ngày 25 và 26/7/2024. Lễ viếng đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội, bắt đầu từ 7 giờ đến 22 giờ ngày 25/7 và từ 7 giờ đến 13 giờ ngày 26/ 7/ 2024. Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Ký ức mùa quả chín
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO