Tản văn

Dịu dàng Hà Nội vào thu

Tản văn của Hà Kim Quy 07/09/2023 16:16

Phố trở mình giã từ mùa hạ. Tháng nghiêng mình nhẹ bước vào thu. Bàn chân muốn chùng chình nhịp bước. Gió se se chút lạnh giao mùa.

chup-anh-duong-phan-dinh-phung-ha-noi-3.jpg

Đang oi ả với tiết trời mùa hạ, một ngày thức dậy ta chợt ngỡ ngàng. Hình như thu chớm về bên song cửa. Hoa sữa đầu mùa thoang thoảng hương đưa. Những tia nắng dịu dàng gọi tên mùa thu. Bầu trời xanh như chẳng còn mây trắng. Từng chiếc lá bay đùa cùng tia nắng, vẽ mong manh yêu dấu bên thềm.

Tháng Tám qua, tháng Chín gọi thu về nhẹ nhàng như cơn gió mát của buổi sớm mai. Đường phố bớt nhộn nhịp hơn. Nhịp sống như chậm hơn, hình như ai cũng muốn sống chậm lại để cảm nhận vẻ đẹp của mùa thu dịu dàng quá đỗi. Những cơn gió mát luồn qua vạt nắng khiến trái tim ta run rẩy trước mùa thu. Một ngày ta bỗng thấy xuất hiện những xúc cảm diệu kỳ, lòng mình xao động trước những điều giản dị, muốn yêu thương tất thảy, muốn bao dung, thứ tha, bao lo toan của cuộc sống dường như biến mất, ấy là khoảnh khắc mùa thu bình yên đã về. Ta chợt nhận ra hạnh phúc thật giản dị. Lòng ta tràn ngập yêu thương với cây cỏ hoang dã bên đường, với những bàn tay ấm áp, với ánh nắng trong veo. Dù đi dưới cơn mưa bất chợt hay cơn nắng gắt chẳng làm ta mảy may khó chịu. Một bông hoa dại bên đường hay một tiếng chim gù cũng trở nên thi vị lạ thường.

Bài hát về mùa thu Hà Nội của tác giả Trần Quang Lộc và nhà thơ Tô Như Châu từ đâu đó vang lên. “Có phải em mùa thu Hà Nội/ Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm/ Có phải em mùa thu xưa...”. Tôi say mê hát theo từng lời ca. Tiếng dương cầm vọng ra từ căn gác. Những nốt nhạc ngân nga, rộn rã trong lòng, đã lấp đầy tâm hồn tôi với khoảng trống mênh mông.

Những đường phố không còn sắc phượng hồng, không còn bằng lăng tím đến nao lòng lữ khách, chẳng có cơn nắng mùa hè bỏng rát, chẳng còn những cơn mưa xối xả lúc trưa hè. Đã lặng rồi cả những tiếng ve. Bức tranh thiên nhiên Hà Nội thêm nhiều cảnh sắc, đa chiều. Thu về, chiếc lá vàng khẽ rơi vì hết một chu kỳ sinh tồn, biết vậy mà lòng ta vẫn bâng khuâng đi dưới tán cây trên đường Kim Mã, Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng… Một thảm nắng lá vàng như lụa trải mềm dưới bước chân khiến lòng ta xao xuyến, tưởng như đang bước vào một khu vườn cổ tích mà nhớ đến bức tranh “Mùa thu vàng” của danh họa Levitan.

e80f6ae52506919ebdfca5162413941b.png

Thu đã gọi tôi về bằng hương cốm thơm, gói trong lá sen nồng nàn mùa hạ. Chẳng có chút lý do gì để tôi chối từ món quà mùa thu Hà Nội. Bên góc phố xưa, thu nhắc gọi tên người. Tôi ngồi bệt dưới gốc cây và chợt mỉm cười. Có phải thu về làm lòng người lãng đãng. Cốc nước sấu ven hồ mát lạnh. Tôi sợ lòng mình bối rối trước mùa thu. Cốm Hà Nội thơm ngon đặc biệt, được làm từ lúa nếp cái hoa vàng có màu xanh mạ pha màu vàng của lúa non dẻo thơm, có vị của sữa non thanh mát. Ăn cốm vàng với chuối chín trứng cuốc hoặc quả hồng chín mọng sẽ tăng thêm vị ngon của cốm. Nhìn những gói cốm được gói trong từng chiếc lá sen cuối mùa còn sót lại thơm đẫm mùi hương đồng nội, bất chợt tôi nhớ đến câu thơ của Trương Nam Hương: “Chớm vào thu cốm đã thơm/ Lá sen ơi, gói nỗi buồn hộ anh”.

Thu gọi tôi về theo những gánh hàng rong, xuôi ngược khắp nẻo đường, ngõ ngách. Những chuyến xe hoa trôi trong chiều nhẹ mưa tí tách, hoa cúc, hoa hồng như những đóa môi thơm. Những quang gánh, những xe đạp chất đầy hoa quả thảo thơm. Những xe ổi Đông Dư, hồng xiêm Xuân Đỉnh, chuối trứng cuốc, quả thị vàng thơm hay quả hồng chín đỏ được xếp đặt như một nghệ thuật tinh tế cứ chầm chậm len vào lòng phố. Những hình ảnh này đã là đề tài của bao nhiêu nhiếp ảnh gia, làm đẹp thêm cho mùa thu Hà Nội. Nó sẽ cùng tiếng rao hàng, tiếng mời chào cùng nụ cười tỏa nắng và ánh mắt long lanh của cô bán hàng khiến du khách chẳng thể nào quên được Hà Nội mùa thu.

Chiều, tôi lang thang trên Hồ Tây để cảm nhận hoàng hôn mùa thu. Mặt trời chìm dần xuống đáy hồ hắt ra những tia nắng cuối ngày hình rẻ quạt thật đẹp. Hoàng hôn nhuộm bầu trời một màu tím mộng mơ khiến lòng dâng đầy hoài niệm.

Đêm về. Hà Nội như tĩnh lặng hơn. Mùa thu len lỏi vào những rêu phong, cổ kính, trầm mặc của những con phố. Chỉ về đêm mới cảm nhận được hết linh hồn phố cổ. Những ngôi nhà lặng lẽ ngủ dưới ánh trăng. Êm đềm và bình yên. Ánh trăng trùm lên những vồng hoa sữa, hương thơm cứ thế lan xa ven hồ, phảng phất rồi nồng nàn khiến ai đã hít hà một lần đâu dễ quên hoa sữa mùa thu. Hồ Gươm dường như xanh hơn, lặng lẽ mơ màng ngủ dưới những gốc liễu buông mình trong gió. Mặt hồ phẳng lặng, lãng đãng hơi sương. Gió mơn man, se se lạnh không đủ sức làm cho ta run rẩy nhưng lại khiến cho ta thèm một bàn tay ấm áp, chân thành của ai đó ở mùa thu trước. Có lẽ trước mùa thu, đôi khi ta cũng có những giây phút suy tư bảng lảng, giăng mắc như tơ nhện. Tôi tự hát ru lòng mình nhưng hình như nỗi nhớ càng da diết hơn.

“Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội. Mùa hoa sữa về thơm từng cơn gió, mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ. Cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua…”

Đêm. Thi thoảng tiếng rao đêm thổn thức vọng lên rồi lại chìm vào yên lặng. “Ai bánh khúc đi!... Ai bánh khúc nào!...”. Chẳng ngủ được, tôi chợt thèm vị bánh khúc nơi Hà Thành, tôi nằm mà tưởng tượng ra mùi thơm của vị rau khúc cùng mùi hành phi, nhân đỗ và miếng thịt bé xíu đậm đà gia vị được bao bọc bởi một lớp gạo nếp thơm phức...

Có tiếng chổi quét lá bên đường nhè nhẹ. Bóng chị lao công nhập nhòa dưới ánh đèn đường. Chị vẫn cần mẫn với công việc của mình để sáng mai, mọi người thức dậy lại có một buổi sáng trong veo, tinh khôi với mùa thu Hà Nội.

Tháng Tám qua là năm học mới bắt đầu. Một mùa thu khởi đầu với bao suy tư, ao ước, khát khao về những điều mới mẻ trong tương lai. Tôi thường về Hà Nội vào thu, lang thang trên phố chỉ để nhớ về thời quá vãng sôi nổi của mình. Ước gì ta có thể neo lại thời gian để mỗi lần nhớ về mùa thu Hà Nội ta có thể mở ra mà ngắm, mà yêu./.

Bài liên quan
  • Cây đàn của ông
    Trước mắt tôi bây giờ là căn nhà với mảnh vườn rộng lớn ngập tràn tiếng chim hót ríu rít trong tán cây xanh mơn mởn. Tôi bước vào nhà, thấy ông đang thư thái trên chiếc ghế gỗ quen thuộc và nhâm nhi chén trà chiều.
(0) Bình luận
  • Phượng tím vắt ngang trời thương nhớ
    Đến Đà Lạt vào ngày nắng chói, đôi mắt chị dõi tìm loài hoa gieo thương nhớ, phượng tím. Đà Lạt mùa nào sắc đó, đều là những loài đặc trưng của xứ sở ngàn hoa. Mùa dã quỳ vàng hoang hoải, mùa cỏ hồng bềnh bồng như mây, mùa hoa ban trắng tinh khôi, mùa anh đào ngọt ngào trong trẻo. Với chị, lưu luyến nhất vẫn là mùa phượng tím. Mùa này phượng rải sắc tím ngăn ngắt khắp đất cùng trời, gợi lên trong lòng xiết bao lưu luyến.
  • Phù sa đời cha
    Cha trầm lành như đất, tôi là con gái nhưng lại đáo để, nghịch ra trò. Vậy mà hai cha con lại bện nhau như hình với bóng.
  • Dáng quê
    Ai cũng có trong lòng một dáng hình quê hương để mà thương, mà nhớ. Với tôi, đó là hình dáng con đường đi học, của bụi tre làng thấp thoáng trong đêm trăng; là dáng mẹ gánh lúa trên đê hay dáng cha đang lom khom cày ruộng. Quê hương không chỉ là nơi ta được sinh ra và nuôi lớn, mà còn là nơi chan chứa nhiều kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ.
  • Những mùa xuân nối tiếp
    Mùa xuân vẫn về qua cây cầu vắt ngang sông. Một khúc sông rộng đủ để những chuyến đò ngang bối rối, chênh chao. Khi không còn chở đò nữa, bóng người lái đò cứ thế xa dần, mờ dần phía cuối con đê. Bến đỗ, nẻo về ngoằn ngoèo, xa tít tắp. Ai đó còn gọi với: thầy ơi, u ơi. Chiếc lá rơi vào chiều lỗi hẹn. Quê và những mùa xuân nối tiếp làm xao động tấm chân tình.
  • Bà ngoại của tôi
    Bà ngoại tôi có dáng người gầy gầy, lưng bà hơi còng, tóc bà xen kẽ sợi đen, sợi bạc. Khuôn mặt bà nhiều nếp nhăn, nhưng khi bà cười, gương mặt bà vô cùng phúc hậu.
  • Trà Hương vị du ca
    Trong những tinh túy ẩm thực, trà là đồ uống mang hành trình gợi đầy chiêm nghiệm. Trà đến với người bởi nhớ, bởi duyên và bởi sự mê đắm của người, bảo tri kỷ thật chẳng sai.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • Ghi danh Cửu Đỉnh - Hoàng Cung Huế là di sản tư liệu thế giới
    “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế” đã được Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO ghi danh là di sản tư liệu thế giới.
  • Hà Nội: Lễ hội tôn vinh mối tình cao đẹp của Chử Đồng Tử - Tiên Dung
    Lãnh đạo UBND xã Hồng Vân (huyện Thường Tín, TP. Hà Nội) vừa chia sẻ, công tác chuẩn bị tổ chức Lễ hội tình yêu 2024 tại xã Hồng Vân đã hoàn tất. Tối 8/5, tại Quảng trường Thống Nhất (phố đi bộ đêm) xã Hồng Vân, Lễ hội tình yêu 2024 sẽ khai màn.
  • Nhớ chuyến chụp ảnh ở Điện Biên năm ấy
    Thấm thoắt Chiến thắng Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã qua 70 năm. Ngày ấy tôi còn nhỏ, chưa đủ tuổi tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Hằng ngày, tôi chỉ thấy người lớn mua và đọc báo Tia sáng đưa tin về các máy bay của hãng “Đa-cô-ta”, máy bay “Bê-vanh-xít” (B.26) tại các sân bay Bạch Mai, Gia Lâm (Hà Nội) và phi trường Cát Bi (Hải Phòng - tên gọi sân bay Cát Bi ngày ấy), máy bay liên tục cất và hạ cánh chở lính nhảy dù, xe tăng, trọng pháo đổ xuống Mường Thanh - Điện Biên Phủ
  • Những kỷ vật biểu tượng của chiến dịch Điện Biên Phủ
    Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là dấu son chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa, nhưng giá trị và thông điệp từ những kỷ vật kháng chiến của những năm tháng không thể nào quên sẽ còn mãi. Nó gợi nhớ một thời đạn bom, hy sinh thầm lặng, những cống hiến, đóng góp lớn lao của các thế hệ cha anh vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc.
  • Triển lãm giao lưu mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh - Huế - Hà Nội
    Mục tiêu của cuộc triển lãm nhằm thắt chặt tình cảm của hội viên  Hội Mỹ thuật 3 miền, thúc đẩy mối quan hệ học tập sáng tạo nghệ thuật trong lĩnh vực mỹ thuật của 3 thành phố lớn.
  • Xúc động lá thư gửi từ Điện Biên của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng gửi bạn thơ 66 năm trước
    Trong cuốn sách “Bốn năm sau và những trang viết về Điện Biên” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (nhà văn Nguyễn Huy Thắng biên soạn và chú dẫn), vừa được NXB Trẻ tái bản và phát hành, độc giả không khỏi xúc động với lá thư của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết từ Điện Biên năm 1958 gửi nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh.
  • "Những ngày Văn học châu Âu" tại Việt Nam: Giới thiệu những tác phẩm về đa dạng giới tính
    “Những ngày văn học châu Âu” sẽ diễn ra từ nay đến 19/5 tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, giới thiệu những tác phẩm về đa dạng giới tính.
  • Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2024
    Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định 1196/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức “Liên hoan Kịch nói toàn quốc - 2024”.
  • Giám sát biểu diễn nghệ thuật Ca Huế, sản phẩm du lịch độc đáo trên sông Hương
    Để phát huy hơn nữa hoạt động quản lý, tổ chức và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch độc đáo trên sông Hương phục vụ du khách, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ra Quyết định số 21/2024/QĐ-UBND về việc Quản lý và tổ chức hoạt động biểu diễn Ca Huế.
  • Huyện Phú Xuyên (Hà Nội): Tổ chức triển lãm Chiến thắng Điện Biên Phủ và tri ân các chiến sĩ
    Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và hướng tới Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng huyện Phú Xuyên (30/7/1954 – 30/7/2024), Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện Phú Xuyên (TP. Hà Nội), Hội Cựu chiến binh và Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đầy tổ chức triển lãm ảnh kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Dịu dàng Hà Nội vào thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO