Tản văn

Về nghe tiếng lá rơi thềm

Kim Loan 18/09/2023 11:47

Đã lâu rồi tôi không được thảnh thơi nằm đu đưa trên chiếc võng bên thềm nhà, nghe tiếng gió la đà vòm hoa khế tím. Những bông hoa khế li ti cứ hễ có cơn gió đi qua là rụng xuống, rải đầy trên bậc tam cấp đã xanh màu rêu.

laroibenthem.jpg

Tia nắng dịu dàng xuyên qua giấc mơ trưa, bầu trời xanh trên đầu bình yên quá đỗi. Cũng lâu rồi tôi không được ngủ vùi trong làn gió mơn man, làn gió thanh bình xoa dịu bao nỗi đau và ôm ấp đứa con của quê hương vào lòng, dịu dàng yêu thương như vòng tay của mẹ.

Nếu có thể tôi muốn quay về tuổi thơ dưới hiên nhà lộng gió, nắng rơi bên thềm thơm hương tóc mẹ vừa hong. Ba ngồi uống trà nói chuyện mùa màng, ruộng nương, con mèo mướp cuộn tròn đợi bàn tay ve vuốt. Giàn bí ngoài vườn lúc la lúc lỉu, mẹ hái bí, hái rau vào thềm ngồi nhặt, chuẩn bị cho bữa cơm trưa. Thềm nhà ngày xưa chứng kiến hầu hết những sinh hoạt của gia đình. Có lẽ thời đó chưa có điện, nên ai cũng muốn tận dụng gió và ánh sáng. Tôi còn nhớ những bữa cơm của một gia đình gần chục người mà thức ăn chỉ vỏn vẹn trong một chiếc mâm nhỏ, mẹ tôi bưng ra thềm rồi cả nhà cùng ngồi bệt dưới nền được tráng xi măng. Cái sân nhà tôi khi ấy cũng được tráng xi măng, và đó cũng là thiên đường của bọn tôi trong những đêm trăng sáng.

Đó là những đêm gió mát, ngọn cau ngoài ngõ tắm dưới ánh trăng vàng, những buồng hoa cau trắng nõn nà tỏa ngát hương thơm. Cơm chiều xong hầu như cả nhà tôi đều ra thềm hóng mát. Ba tôi thì nằm đong đưa trên võng ôm cái đài nghe chương trình thời sự, sau đó nghe cải lương rồi chương trình tiếng thơ. Mẹ trải chiếc chiếu ngoài sân, vặn cái đèn nhỏ cùng chị gái lựa hạt giống, còn bọn tôi thì chạy nhảy chơi trốn tìm, đến khi mệt nhoài thì nhào vào nằm gối đầu lên chân mẹ. Chúng tôi nhìn lên bầu trời chi chít những ngôi sao và thi nhau kể tên, này là sao Nhân Mã, này là sao Bắc Đẩu. Rộn ràng được một lúc thì mẹ giục vào ngủ, giấc mơ bên thềm lơ lững những vì sao.

Cũng thềm trăng ấy nhưng khi lớn hơn một chút, tôi thích tha thẩn sau những giờ học bài để vẽ lên trong đầu những ước mơ. Những chiếc lá vàng bị gió thổi rơi trên thềm, tiếng rơi khe khẽ trong không gian bình yên vô tận. Trăng càng khuya càng sáng, bóng tôi nghiêng nghiêng trên các bậc thềm như bóng của mẹ khi ngồi chải tóc trong nắng sớm mai. Thỉnh thoảng có tiếng chó sủa từ phía xa vọng lại, hòa với tiếng côn trùng ngoài vườn chuối, tạo nên bản hòa nhạc của đêm quê. Đêm thềm xưa vương vấn hương bưởi, hương chanh, đêm với những ước mơ thời niên thiếu lâu quá rồi tôi cũng không còn nhớ nữa. Chỉ cảm giác muốn ở lại bên thềm thêm chút nữa, để vầng trăng nuôi nấng giấc mộng tuổi hoa niên đang dào dạt trong tâm hồn.

Những chiều mưa rơi bên thềm, tôi thích thú đưa tay hứng những dòng nước mưa rơi xuống từ mái ngói âm dương. Khi mưa tạnh nhưng nước còn ngập khoảng sân, chúng tôi lấy giấy tập cũ xếp thành những con thuyền giấy, rồi thả đua xem thuyền ai bơi nhanh nhất, tiếng hò hét cổ vũ vui đùa vang cả khoảng sân. Thế rồi những chiếc thuyền giấy không còn được chú ý khi ba mẹ đi ruộng về, trên đầu cuốc của ba thế nào cũng có vài con cá. Mẹ treo quang gánh và áo mưa bên thềm, lấy bó rau trong thúng làm món canh nóng hổi cho bữa chiều mưa. Sau này lớn hơn không còn chơi thuyền giấy, tôi lại nhớ những chiều mưa bên thềm suy nghĩ vu vơ, suy nghĩ về sự vất vả của ba mẹ và cả về người trai thoáng gặp.

Mẹ hay cắt tóc cho bọn tôi ngoài thềm, nhưng khi chúng tôi lên lớp 6 thì mẹ muốn chị em tôi để tóc dài nên chỉ cắt tỉa cho bằng chân tóc chứ không cắt ngắn nữa. Năm tóc tôi dài đến ngang vai thì chị gái tôi đi lấy chồng xa xứ, tóc chị dài thắt đáy lưng ong. Ngày chị về thăm nhà, vừa bước chân lên thềm đã gọi mẹ ơi, ngày chị trở lại nhà chồng, cũng bên thềm ấy, mẹ dấm dúi ôi thôi là quà, tưởng như con mình còn nhỏ. Rồi tôi cũng đi học xa nhà, chiếc thềm cũng chứng kiến bao cuộc hội ngộ, bao cuộc tiễn đưa. Chỉ có cây khế là vẫn đứng im tự bao giờ, cơn gió đi qua, hoa và lá vàng rụng rơi thềm vắng.

Đã bao năm rồi mà tôi vẫn nhớ những ngày tháng bên thềm mưa nắng, tuổi thơ ngọt ngào dưới mái nhà xưa. Càng nhớ hơn những khi lòng chênh vênh, cần một nơi chốn bình yên để làm điểm tựa. Một nơi chốn bình yên những đêm trăng sáng bên thềm, nghe êm đềm chiếc lá khẽ khàng rơi./.

Bài liên quan
  • Nơi gió được sinh ra
    Gió không về với nhân gian mà dạo chơi nữa. Trưa, nắng gắt gao nở một nụ cười bí hiểm. Yên gió, hàng cây đứng lặng ngả bóng vào nhau. Lá rơm rớm giọt sầu gục xuống. Phố thấp thoáng những bóng người chạy trốn, bịt kín khuôn mặt. Từng luồng bụi vẫn bay lơ lửng trên không trung, biến hình mờ ảo bám vào nóc nhà, khe cửa, vấn vít hàng quán, vỉa hè, lối người qua lại. Tôi chạy vội về với cánh đồng trong cơn mơ, gió yên lặng ngả xuống vai mình.
(0) Bình luận
  • Phượng tím vắt ngang trời thương nhớ
    Đến Đà Lạt vào ngày nắng chói, đôi mắt chị dõi tìm loài hoa gieo thương nhớ, phượng tím. Đà Lạt mùa nào sắc đó, đều là những loài đặc trưng của xứ sở ngàn hoa. Mùa dã quỳ vàng hoang hoải, mùa cỏ hồng bềnh bồng như mây, mùa hoa ban trắng tinh khôi, mùa anh đào ngọt ngào trong trẻo. Với chị, lưu luyến nhất vẫn là mùa phượng tím. Mùa này phượng rải sắc tím ngăn ngắt khắp đất cùng trời, gợi lên trong lòng xiết bao lưu luyến.
  • Phù sa đời cha
    Cha trầm lành như đất, tôi là con gái nhưng lại đáo để, nghịch ra trò. Vậy mà hai cha con lại bện nhau như hình với bóng.
  • Dáng quê
    Ai cũng có trong lòng một dáng hình quê hương để mà thương, mà nhớ. Với tôi, đó là hình dáng con đường đi học, của bụi tre làng thấp thoáng trong đêm trăng; là dáng mẹ gánh lúa trên đê hay dáng cha đang lom khom cày ruộng. Quê hương không chỉ là nơi ta được sinh ra và nuôi lớn, mà còn là nơi chan chứa nhiều kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ.
  • Những mùa xuân nối tiếp
    Mùa xuân vẫn về qua cây cầu vắt ngang sông. Một khúc sông rộng đủ để những chuyến đò ngang bối rối, chênh chao. Khi không còn chở đò nữa, bóng người lái đò cứ thế xa dần, mờ dần phía cuối con đê. Bến đỗ, nẻo về ngoằn ngoèo, xa tít tắp. Ai đó còn gọi với: thầy ơi, u ơi. Chiếc lá rơi vào chiều lỗi hẹn. Quê và những mùa xuân nối tiếp làm xao động tấm chân tình.
  • Bà ngoại của tôi
    Bà ngoại tôi có dáng người gầy gầy, lưng bà hơi còng, tóc bà xen kẽ sợi đen, sợi bạc. Khuôn mặt bà nhiều nếp nhăn, nhưng khi bà cười, gương mặt bà vô cùng phúc hậu.
  • Trà Hương vị du ca
    Trong những tinh túy ẩm thực, trà là đồ uống mang hành trình gợi đầy chiêm nghiệm. Trà đến với người bởi nhớ, bởi duyên và bởi sự mê đắm của người, bảo tri kỷ thật chẳng sai.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Hiểu rõ hơn lịch sử Quốc Tử Giám dưới thời nhà Lý
    Tại Nhà Đông vu, khu Đại Thành thuộc Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), những hiện vật được trưng bày thường xuyên với chủ đề “Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên” giúp du khách tìm hiểu rõ hơn về lịch sử Quốc Tử Giám dưới thời Lý.
  • Phát động Cuộc thi sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
    Sáng nay 9/5, Sở VH&TT Hà Nội phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) phối hợp Phát động Cuộc thi Sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
  • Giao hưởng Điện Biên - thành tựu mới của nhà thơ Hữu Thỉnh
    Chiến thắng Điện Biên là chiến thắng vĩ đại “lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu” (Tố Hữu), làm rạng danh nước Việt trên thế giới “Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Nguyễn Đình Thi). Ngày 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trên nóc hầm tướng De Castriest, ngày 12/5 Bác Hồ đã có bài thơ dài đăng trên báo Nhân Dân: “Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ”. Rồi sau đó, Tố Hữu có bài thơ nổi tiếng “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”. Bên cạnh những tác phẩm thơ, Điện Biên còn được nhắc đến trong nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết, các cuốn sách hồi ký, biên khảo…
  • Hội thảo Văn hóa năm 2024 khơi nguồn lực, tạo động lực phát triển thiết chế văn hóa
    Thông tin từ Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, ngày 12/5 tại tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Quảng Ninh sẽ phối hợp tổ chức Hội thảo Văn hóa năm 2024 với chủ đề “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao”.
  • Khai mạc Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y Dược Việt Nam lần thứ 31
    Sáng 9/5, Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y Dược Việt Nam lần thứ 31 – VIETNAM MEDI-PHARM 2024 đã chính thức khai mạc tại Cung Văn hoá Hữu nghị (số 91 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Đừng bỏ lỡ
Về nghe tiếng lá rơi thềm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO