Tản văn

Mắm cáy

Tản văn của Chung Tiến Lực 19:38 23/09/2023

Mắm cáy là món ăn dân dã từ bao đời nay gắn bó với người dân quê tôi như củ khoai nước, quả cà pháo... Mâm cơm nhà nông thời hợp tác xã thường có món rau khoai lang luộc, đĩa cá kho và bát nước mắm cáy (người dân thường vẫn gọi thân mật là nước cáy). Giản dị vậy thôi mà sao mỗi khi đi xa lại nhớ đến nao lòng.

mam-cay-rau-lang-2.jpg

Nước mắm cáy có màu nâu nhạt, đặc sánh màu của đất phù sa tươi mịn, nhìn bắt mắt; mùi vị mặn mòi, đậm, bùi béo, ngọt. Nước mắm cáy hội đủ các yếu tố của nước mắm truyền thống “kinh điển”. Nói đến sự đặc sắc của mắm cáy, là phải nói đến mùi vị đậm ngọt, hăng hăng, nồng nồng và cay cay rất ấn tượng, riêng có. Mắm cáy tôn vinh và hòa quyện hương liệu tự nhiên của rau củ quả hay thịt luộc khi dùng làm nước chấm. Đặc biệt, nước mắm cáy hợp cạ với ngọn khoai lang, rau muống luộc. Vị chan chát của cà pháo muối xổi hay chua chát mặn của quả cà pháo muối dưa đều tranh nhau ca ngợi vị đậm ngọt lại hăng nồng của nước mắm cáy. Ai cũng bảo: Bữa cơm có nước mắm cáy tốn cơm phải biết!

Nước mắm cáy dứt khoát phải có tỏi đập dập băm nhỏ, ớt chỉ thiên cay gắt, nước vắt chanh thanh thanh. Sự kết hợp đến hài hòa, uyển chuyển nên hương ấy tạo sự cộng hưởng, giao thoa với những pha lệch và biên độ khác nhau, tuyệt tác lắm. Bát nước mắm cáy trong mâm, mùi vị ngon nức mũi, nghe nhưng nhức lưỡi. Chính nước mắm cáy là chủ công trong việc tạo điểm nhấn, có sức hấp dẫn lạ thường; bảo đảm ăn một lần nhớ mãi hương vị của nắng gió nội đồng. Ngoài tông màu hút hồn thì nước mắm cáy còn là sự cân bằng dinh dưỡng hợp lý với các thành phần vi lượng có lợi cho sức khỏe con người. Nó còn góp tiếng nói tạo ra tâm trạng, sinh lý thoải mái dễ chịu. Ăn xong cơm thấy người khoan khoái, nhẹ nhàng chứ không ấm ách, nặng nề. Không phải vô cớ mà các cụ từ xưa đã có câu: “Ăn cơm thịt bò thì lo ngay ngáy, ăn cơm mắm cáy thì ngáy o o” quả thật đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Những ngày nghỉ hè, đám trẻ chăn trâu chúng tôi có bao nhiêu điều thú vị xung quanh triền đê sông Ninh Cơ. Sông Ninh Cơ hiền hòa với bờ bên quê tôi là bãi bồi lại thoai thoải dốc như bãi tắm biển Đồ Sơn. Từ con sông này chúng tôi lớn lên, và đứa nào cũng bơi giỏi. Sau kỳ nghỉ hè, nước da chúng tôi nâu sạm màu phù sa nhưng rắn rỏi và nhanh nhạy. Một thích thú, ham mê không bao giờ chán là đi câu cáy. Con cáy cũng có tám cẳng hai càng nhưng mình nhỏ và nhát hơn con cua đồng gan lỳ ngang ngược; vì thế mà có câu ví von: “nhát như cáy”. Toàn thân cáy màu đỏ tía và có những đốm đen hình lục giác, cẳng và càng có lông tơ ngắn, óng ánh đỏ. Thể hình con cáy được tạo hóa còn nguyên nét chạm khắc sắc sảo, nhìn ram ráp những góc với cạnh. Chúng thích sống nơi có nước phù sa như bờ sông, bờ mương dẫn nước nội đồng hay bờ ruộng lúa. Nó đào hang, bò ra ngoài khi kiếm ăn và trốn chui trong hang. Thức ăn của cáy là con sâu đất, côn trùng và hạt thóc rơi vãi. Vốn tinh nhanh lại nhút nhát nên đánh bắt cáy rất khó. Thông thường người ta đánh bắt chúng bằng đào lỗ, bỏ lờ ống và câu.

mam-cay-rau-lang-1.jpg

Thả cho trâu ăn cỏ trên triền đê, cử một bạn ở lại giữ không cho trâu ăn lúa, chúng tôi dùng cần câu đi câu cáy với cái thú mải mê của người đi săn trên đồng cỏ. Dùng cần tre dài buộc sợi chỉ ngang mình con cào cào thóc, tôi đứng từ xa, thật im, khẽ khàng nhử mồi cào cào trước hai gọng càng của con cáy. Nó thấy món ăn khoái khẩu là dùng hai càng vơ lấy ngay, lúc ấy từ từ nhấc cần câu lên. Bị nhấc bổng bất ngờ nhưng vốn dĩ tham ăn, con cáy nhất định không chịu nhả mồi ra. Câu cáy thích lắm nhưng phải đứng thật im và di chuyển thật khẽ, chỉ hơi động, cựa là chúng chui tọt vào trong hang hay nhảy xuống nước biến mất tăm. Để tránh nắng gắt, chúng tôi thường đi câu cáy vào buổi sáng sớm, đứng dưới hàng tre chắn sóng thả cần câu xuống bờ sông, chỉ chốc lát đã đầy một giỏ. Tôi không bao giờ quên được hình ảnh những con cáy đỏ tía, chắc mẩy, đứng như những chiến binh La mã so hai gươm ngắn giơ lên chào mặt trời. Thấy mồi ngon là con cáy quàng ngay lấy, ghì chặt. Cảm giác thích nhất và gây nghiện chính là khi nhấc cần câu lên nghe nằng nặng ở đầu sợi dây chỉ. Thú vị biết bao nhiêu.

Con cáy có nhiều cách chế biến để thành những món ăn ngon. Bóc gỡ yếm và mai cáy, giã hoặc xay, lọc lấy nước cốt nấu canh rau đay, rau mồng tơi hoặc nấu riêu cà chua, rau rút ăn với bún. Ngoài vị đậm ngọt béo, ngon, canh nấu cáy rất mát và lành. Canh nấu cáy giữ nguyên được mùi vị hăng nồng nên rất kích thích vị giác. Con cáy rang mặn thì giòn tan, nghe lan tỏa trong miệng mùi vị mặn mòi bùi béo ngậy, là thức ăn, ăn với cơm; dù có là cơm độn ngô khoai ăn cũng rất dễ nuốt. Trứng cáy chưng với mỡ, ăn trong tuần ngon phải biết. Mắm cáy là món ăn dần gối vụ. Cáy rửa sạch được chao qua nước sôi làm rụng lông, cho vào cối đá giã nhuyễn với muối trắng, tỷ lệ hợp lý, xong cho vào chum nhỏ để lên men tự nhiên với chất xúc tác là mấy ly rượu nếp và riềng thái lát. Mẹ tôi bảo chum nước mắm cáy bưng miệng bằng vải màn để có sự thông khí trong quá trình ủ lên men và tránh côn trùng đẻ trứng. Phơi nắng mấy ngày để nơi thoáng mát bảo quản ăn cả năm.

Ngày nay, do lạm dụng thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ nên ruộng đồng đang bị ô nhiễm. Con cáy vì thế mà mất nơi sinh sống. Mắm cáy trở thành của hiếm. Trên thị trường có rất nhiều loại nước mắm với những chiến lược quảng cáo rầm rộ. Những người đã ăn mắm cáy dù chỉ một lần vẫn nhớ tiếc nước mắm cáy vừa ngon vừa lành, đặc sắc về mùi vị./.

Bài liên quan
  • Nơi gió được sinh ra
    Gió không về với nhân gian mà dạo chơi nữa. Trưa, nắng gắt gao nở một nụ cười bí hiểm. Yên gió, hàng cây đứng lặng ngả bóng vào nhau. Lá rơm rớm giọt sầu gục xuống. Phố thấp thoáng những bóng người chạy trốn, bịt kín khuôn mặt. Từng luồng bụi vẫn bay lơ lửng trên không trung, biến hình mờ ảo bám vào nóc nhà, khe cửa, vấn vít hàng quán, vỉa hè, lối người qua lại. Tôi chạy vội về với cánh đồng trong cơn mơ, gió yên lặng ngả xuống vai mình.
(0) Bình luận
  • Người đi về phía biển
    Khi biển sinh ra, tôi chưa biết hát. Khi biển lớn lên, em chưa biết khóc. Khi biển mặn mòi, thì đã có những dấu chân đi về phía biển. Biển ở phía đường chân trời, một nơi tưởng chừng như chưa từng có sự nhọc nhằn, vất vả. Bởi chân trời luôn luôn là ước mơ.
  • Bên thềm giếng cũ
    Chiều cao nguyên giăng giăng mây phủ, khói sương mờ ảo giữa thăm thẳm núi đồi, tiếng chim chíu chít gọi nhau về tổ trên nền trời rực ánh tà dương. Vạt sáng huyền hoặc cuối ngày ấy trở thành sợi chỉ mảnh dắt kẻ tha phương lần về miền nhớ.
  • Về ăn cơm mẹ nấu
    Chiều chậm trôi bên nhánh sông hiền hòa chảy êm dòng văn vắt. Mùa lúa chín đã qua còn lưu lại bao miết mải phù sa trên từng gốc rạ se sắt, hanh hao trồi lên khỏi mặt ruộng khô nứt.
  • Nhớ giàn nho của ngoại
    Sớm mai thức giấc, ánh nắng lọt qua khung cửa sổ, dịu dàng rơi trên bàn làm việc, lướt nhẹ lên những đồ vật quen thuộc: vài cuốn sách đang đọc dở, ly trà còn vương hơi ấm và... một chùm nho. Đưa mắt nhìn thật lâu vào chùm nho ấy, một cảm giác xao xuyến đầy mến thương y như vừa tìm được một người bạn cũ lâu ngày không gặp ùa về trong tôi.
  • Mùa về trên tay mẹ
    Kề má vào bàn tay mẹ, lòng tôi nghẹn ngào xót xa khi thấy từng vệt chai sần trên những đường nhăn chằng chịt nứt nẻ tựa trái na khô. Đôi tay mẹ bây giờ không còn khỏe, lập cập lẫn run run như buổi chiều hôm mòn vẹt vì nắng gió. Những mùa màng xưa cũ , những vệt trầm thăng đã quá nửa đời người lần lượt hiện lên trên đôi tay mẹ. Và ký ức tôi lại sụt sùi nhẩm đếm. Dẫu bốn mùa xuân - hạ - thu - đông đã neo sẵn vào đất trời nhưng mùa của mẹ còn ngổn ngang nhiều hơn cả thế.
  • Hương hoa mùa xuân tụ trong chén trà
    Năm nay mọi thứ dường như trôi qua chậm hơn, Lập Xuân rồi mà vẫn cứ rét ngọt và nắng hanh hao mãi. Phải đến qua Nguyên tiêu mới thấy lác đác mưa phùn cùng gió nồm ẩm thổi vào Giêng hai Bắc bộ. Chiều nay trà thất của tôi đón khách quý từ phương xa ghé thăm.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Gợi mở tư duy cải cách từ những thăng trầm của kinh tế Việt Nam
    Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức: tăng trưởng chậm lại, thị trường bất động sản trầm lắng, yêu cầu cải cách thể chế ngày càng rõ rệt…, việc nhìn lại những bài học từ lịch sử là điều cần thiết hơn bao giờ hết. Cuốn sách “Kinh tế Việt Nam – Thăng trầm và đột phá” (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2025) của hai tác giả Phạm Minh Chính và Vương Quân Hoàng mang đến một nền tảng tri thức khoa học và thực tiễn để suy ngẫm, định hướng cho hiện tại và tương lai.
  • Sách “Người Hà Nội, chuyện ăn, chuyện uống một thời” được vinh danh tại Trung Quốc
    Cuốn sách “Người Hà Nội, chuyện ăn, chuyện uống một thời” của tác giả Vũ Thế Long, ấn bản tiếng Trung do Công ty Cổ phần Văn hóa Chi – Chibooks thực hiện và bán bản quyền cho Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật Quảng Tây, vừa chính thức được trao giải thưởng “Sách Đông Nam Á có sức ảnh hưởng tại Trung Quốc năm 2025”.
  • Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Ngành Văn hóa
    Chương trình sẽ diễn ra với nhiều tiết mục hấp dẫn. Các tác phẩm tập trung nhấn mạnh và khẳng định những thành tựu văn hóa của đất nước; ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị to lớn, sự trường tồn và tầm ảnh hưởng của văn hóa qua 80 năm...
  • SeABankers Vì trẻ thơ - Một thập kỷ yêu thương khởi nguồn từ trái tim
    “Hành động nhỏ hôm nay sẽ làm nên điều diệu kỳ cho thế hệ trẻ mai sau” là tinh thần xuyên suốt hành trình 10 năm của chương trình “SeABankers Vì trẻ thơ” - sáng kiến thiện nguyện đầy tính nhân văn do chính cán bộ nhân viên (CBNV) SeABank khởi xướng và thực hiện từ năm 2015 đến nay.
  • Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
    Trong bối cảnh thị trường lao động không ngừng biến động bởi chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Thành phố Hà Nội đang tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Đây là một trong những giải pháp chiến lược nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững Thủ đô trong giai đoạn mới.
Đừng bỏ lỡ
Mắm cáy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO