Tản văn

Phố núi đợi mùa

Tản văn của Hoàng Ngọc Thanh 27/12/2023 08:10

Sớm mai thức giấc, cơn gió mang cái lạnh se sắt từ đâu ùa về. Tia nắng mỏng manh không đủ sức tan đi giọt sương khuya còn ướt đầm trên lá, ngược lại, biến chúng thành những viên ngọc lóng lánh cười trong nắng. Mới dăm hôm trước, nắng thu vẫn còn ấm áp cả không gian, mà nay, khí trời bàng bạc như thể mùa đông chạm ngõ. Ngó bên hiên nhà, hoa dã quỳ bừng nở, thay thời gian báo hiệu mùa về.

pho-nui-doi-mua.jpg

Men theo tiếng gọi của sắc vàng hoang hoải, ta lang thang trên quanh co đồi dốc, mê mải dõi theo bóng dáng dã quỳ. Mặt trời lên cao, dã quỳ hướng về phía ánh sáng ấy mà rực rỡ. Vừa nãy hãy còn là những nụ hoa e ấp trong ánh ban mai, giờ đã vươn mình khoe sắc. Núi đồi như thay áo mới, căng tràn sức sống, mặc cho giá rét mùa đông đang lăm le đến gần.

Dã quỳ không mọc từng cây đơn lẻ, mà hợp thành bụi, thành triền. Khắp cao nguyên miên man hoa là hoa, bát ngát sắc vàng như mật, khiến ta xuyến xao, khiến ta say đắm, khiến ta như gã mộng du lạc bước chốn địa đàng. Giữa ngàn vạn hoa của thành phố mờ sương, dã quỳ vẫn hấp dẫn bởi vẻ dụ hoặc của riêng mình. Không ai trồng, không ai tưới, chẳng ai chăm, dã quỳ vẫn bền bỉ sống giữa thiên nhiên hoang dại, nép mình vào núi đồi, nương rẫy, góp nhặt ánh nắng ngày hè, uống nước từ những cơn mưa dầm đẫm đất, lặng lẽ bước qua xuân, hạ, rồi thu, để bung mình tỏa sáng khi ngày đông ngập ngừng trước ngõ.

Dã quỳ mọc trước hiên sau hè, trên triền dốc thênh thang, dưới thung sâu heo hút. Hoa mọc trong suối trong khe, mọc cả trên những triền đồi xa tít. Hoa e ấp dưới gốc thông già, hoa mềm mại tựa vào thân gốc xù xì, hồn nhiên cất tiếng khiến hàng thông ngàn năm thinh lặng phải cựa mình lao xao. Phố vốn mờ mịt sương giăng, bỗng bừng lên ánh sáng từ triệu triệu đóa hoa thức giấc. Mỗi đóa hoa là một mặt trời nhỏ xinh, khúc khích cười, như những thiên thần hồn nhiên dạo chơi cõi trần, theo gió véo von ca hát.

doei-mu.png

Dã quỳ quanh co uốn lượn trên những con đường đèo dốc, nhìn từ xa như dải lụa mềm với hai sắc vàng xanh nổi bật giữa cái nắng nhạt của ngày đông. Dã quỳ len lỏi trên những con đường đất đỏ dẫn vào rẫy nương, đem vẻ đẹp của mình tô điểm cho mùa màng đang chờ thu hái. Người nông dân ngày ngày lam lũ trên mảnh đất của mình, bất chợt ngước mắt nhìn thấy dã quỳ, lòng ấm áp đôi chút giữa cơn rét buốt, tạm gác lại nỗi lo mùa màng giá cả, nở nụ cười tươi tắn cùng hoa.

Trên bước chân phiêu lãng, dã quỳ tràn cả vào những vườn rau xanh mướt ở Đơn Dương, chen chúc khoe sắc vàng giữa rẫy cà phê đang mùa chín đỏ ở núi đồi Nam Ban. Hoa dắt tay nhau rải sắc màu trên đồi chè Cầu Đất. Phải chăng những cây chè quanh năm chỉ biết xanh rì ấy cũng ngóng đợi đông về, chờ đón nàng dã quỳ đến khoác chiếc khăn hoa ngọt ngào lên ngực, để nàng nổi bật giữa nền xanh thăm thẳm cho sắc hoa lung linh.

Thật là lạ, có biết bao loài hoa kiêu sa đài các, được người chăm sóc nâng niu, nhưng ít có loài hoa nào mang theo nỗi ngóng trông thương nhớ như dã quỳ. Khi gió đông hanh hao về trên phố, những chuyến xe tấp nập đưa đón khách phương xa, vượt qua chặng đường vài trăm cây số đèo dốc, chỉ để ngắm nhìn khoảnh khắc dã quỳ bừng cháy. Người người nói về dã quỳ. Những ai chưa có dịp đến thăm cũng khắc khoải hình bóng nàng, lòng rộn ràng theo cánh hoa hé mở trên cao nguyên lộng gió. Rồi kiếm tìm hết thảy những manh mối nào liên quan đến loài hoa ấy, mà thăm hỏi, đã thấy dã quỳ nở chưa. Rồi tiếc nuối, rồi mơ màng thả hồn theo dấu chân người lữ khách.

Mùa về. Dập dìu nam thanh nữ tú diện váy áo đẹp đẽ dạo bước trên những cung đường tràn ngập dã quỳ. Nàng điệu đà hái đóa hoa cài lên mái tóc. Chàng kiên nhẫn len lỏi vào sâu bên trong triền hoa, tìm những nhành hoa xinh nhất, khéo léo kết thành vòng hoa tình tứ cho nàng làm vương miện đội đầu, làm vòng hoa trước ngực, biến nàng thành cô công chúa điệu đà, e ấp ôm trên tay bó dã quỳ rực rỡ. Người người say sưa ngắm nhìn, say sưa tạo dáng, say sưa canh chỉnh sao cho trên ống kính hiện lên những khung hình đẹp nhất, để thay lời nói với bạn bè phương xa, rằng ta đã đến với Đà Lạt vào ngày chớm đông se sắt, đến với phố núi mờ sương, đến với mùa vàng dã quỳ hoang dại trên cao nguyên thông reo gió hát. Mỗi khi ống kính giơ lên, có phải ta ảo giác hay không, mà thấy đóa dã quỳ cười rạng rỡ. Phải chăng hoa cố sức tươi thắm hết mình, rực cháy hết mình, để khắc ghi dấu vết sau một năm dài lặng lẽ.

Mùa về. Dã quỳ dù ở trong lòng phố đông đúc hay nơi ngoại thành thưa vắng, ở dưới khe sâu hay trên đồi cao lộng gió, đều nhất loạt hẹn nhau, nghe cái lạnh chớm đông liền bừng tỉnh sau giấc ngủ say. Nhờ vậy mà mùa đông trên phố núi đẹp hơn, thơ hơn, tươi thắm hơn. Nếu phương Bắc có hoạ mi gọi đông về thì trên cao nguyên lừng lững này, có dã quỳ làm sứ giả báo đông sang. Nếu hoạ mi thanh khiết trắng mong manh, thì dã quỳ vô tư vàng hoang hoải. Dã quỳ hay hoạ mi đều làm say đắm lòng người, đều làm thi nhân mặc khách không ngớt lời tán dương, ca tụng. Và đời hoa của các nàng đều ngắn ngủi khiến không ít người luyến tiếc khi lỡ bước mùa sang.

Dã quỳ lặng lẽ rời đi khi mùa xuân vừa hé, khi trăm sắc hoa đua nở chào đón chúa xuân về. Phải chăng hoa chỉ hợp với đời sống hoang dại, không bon chen khoe sắc với những đóa hoa lộng lẫy trong vườn, nên nhẹ nhàng giấu mặt để các nàng hoa kia tỏa sáng. Hay vì hoa biết mùa đông giá buốt lắm, sương giăng mờ mịt lắm, cành lá khẳng khiu trơ trọi, đất trời một màu xám ngắt, nên hoa cố sức vươn mình trong nắng lạnh, để mùa đông phố núi thôi buồn, để những đôi tình nhân có nơi gửi trao tâm sự, để đôi môi run rẩy tìm thấy dư vị ngọt ngào, để nỗi nhớ niềm yêu sưởi ấm phố núi lúc đông về.../.

Bài liên quan
  • Mùa ngô nếp đến
    Mùa ngô nếp, chẳng còn ai bảo chính xác nó đến vào mùa nào. Vì bây giờ quanh năm đều có ngô. Nhưng trong tâm trí tôi, một kẻ tha hương thì khác. Khi cơn gió heo may lùa vào da thịt đã biết tê biết cóng; khi những vạt nắng vàng, sớm nhạt màu lúc bóng chiều buông, đích thực mùa ngô nếp sẽ đến.
(0) Bình luận
  • Hương sen vương vấn sợi trà
    Những ngày còn công tác ở Hà Nội, ông ngoại tôi đã xin được giống sen Hồ Tây về trồng trong đám ruộng lầy cải tạo thành ao, bờ mòn dần hóa thành đầm sen đầu tiên ở bản. Những nhà hàng xóm ngắm bông sen to, đẹp thơm ngát một vùng thì đến xin vài ngó già.
  • Những cô hàng xén bây giờ ở đâu?
    Sớm mai, khi mà trời mới tảng sáng, có khi còn cả giăng với sao, có khi thì mờ sương chả rõ mặt người, người làng này, làng kia đã cùng đi chợ sớm. Ai cũng mong những bán sớm mua sớm cho chọn được hàng ưng ý. Có những khi mưa gió, áo tơi, nón che không nhận ra nhau.
  • Yêu một người Hà Nội
    Chuyến bay lúc 4 giờ chiều hạ cánh xuống sân bay Nội Bài với lời chào là bản nhạc "Nhớ về Hà Nội". Trống ngực tôi loạn xạ cứ như đang đến cuộc hẹn đã mong đợi từ lâu.
  • Gác nhớ
    Ở phố, đâu thiếu những nhà cao chọc trời nhưng vẫn thấy nhớ một căn gác nhỏ. Lạ nỗi, mỗi khi lên đó nhìn ra phố, tôi bỗng thấy cuộc đời này thật khác. Căn gác như một nơi trốn chạy thực tại, một cách yêu thương mình bằng những kỉ niệm.
  • Chiếc ghế mây của cha
    Những ngày mưa to gió lớn, không đi làm nương được, mẹ rủ đám con gái chúng tôi lấy ghế mây ra đầu hè ngồi khâu vá. Bà nội tôi đeo kính lão xỏ kim, bà cười móm mém theo những câu chuyện kể tếu táo của đám trẻ chúng tôi. Chiếc ghế mây phát ra âm thanh kin kít chịu đựng sức nặng cơ thể con người theo những điệu cười khúc khích.
  • Phượng tím vắt ngang trời thương nhớ
    Đến Đà Lạt vào ngày nắng chói, đôi mắt chị dõi tìm loài hoa gieo thương nhớ, phượng tím. Đà Lạt mùa nào sắc đó, đều là những loài đặc trưng của xứ sở ngàn hoa. Mùa dã quỳ vàng hoang hoải, mùa cỏ hồng bềnh bồng như mây, mùa hoa ban trắng tinh khôi, mùa anh đào ngọt ngào trong trẻo. Với chị, lưu luyến nhất vẫn là mùa phượng tím. Mùa này phượng rải sắc tím ngăn ngắt khắp đất cùng trời, gợi lên trong lòng xiết bao lưu luyến.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Người dân đội nắng đứng bên đường khóc tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về lòng đất mẹ
    Trong thời tiết nắng nóng Hà Nội lên tới 40 độ C, nhưng rất nhiều người dân vẫn đội nắng đứng trên các tuyến đường hướng về Nghĩa trang Mai Dịch để tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối.
  • Những dòng sổ tang nhoè nước mắt tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà
    Rất đông người dân ở mọi độ tuổi, có người già, thanh thiếu niên, trẻ nhỏ... lặn lội từ các quận, huyện của thành phố Hà Nội và các tỉnh đến để tiễn đưa người lãnh đạo đáng kính.
  • Người dân nghẹn ngào, tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Tại quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội, những đôi mắt đỏ hoe, cùng hàng ngàn giọt lệ đã, đang và sẽ rơi là những hình ảnh đầy xúc cảm, thể hiện sự tiếc thương, kính trọng của người dân đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
  • Toàn văn lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Ngày 26/7, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội). Lễ truy điệu cũng được tổ chức đồng thời tại Hội trường Thống Nhất (thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Trong niềm tiếc thương vô hạn, Chủ tịch nước Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Lễ tang đã đọc Lời điếu tại Lễ Truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
  • [Video] Người dân từ mọi miền đất nước xếp hàng để được thắp nén tâm hương tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Tang lễ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức theo nghi thức Quốc tang trong hai ngày 25 và 26/7/2024. Lễ viếng đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội, bắt đầu từ 7 giờ đến 22 giờ ngày 25/7 và từ 7 giờ đến 13 giờ ngày 26/ 7/ 2024. Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Phố núi đợi mùa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO