Tản văn

Những mùa xuân nối tiếp

Tản văn của Dương Thắng 06:27 18/03/2024

Mùa xuân vẫn về qua cây cầu vắt ngang sông. Một khúc sông rộng đủ để những chuyến đò ngang bối rối, chênh chao. Khi không còn chở đò nữa, bóng người lái đò cứ thế xa dần, mờ dần phía cuối con đê. Bến đỗ, nẻo về ngoằn ngoèo, xa tít tắp. Ai đó còn gọi với: thầy ơi, u ơi. Chiếc lá rơi vào chiều lỗi hẹn. Quê và những mùa xuân nối tiếp làm xao động tấm chân tình.

image1fbgntd.jpg

Tôi và những mùa xuân chẳng bao giờ hẹn ước. Sau những hành trình vẫn cần một nơi ngồi lại ngơi nghỉ, nhìn thấu trong mắt nhau. Sông rộng để sải gió không còn uốn lượn, quanh co. Gió lan tỏa, bám lấy mặt sông tìm vũ khúc sóng lòng. Rồi lọc lấy lọn tinh khôi nhất táp vào mặt tôi. Đâu cần những ngọn cỏ may bám dính, kiệm lời găm vào gấu quần, tay áo. Tôi dễ dàng xoa dịu lòng mình từ lọn gió đó. Gió của tâm hồn. Mắt tôi chẳng phải cay xè, tim tôi chẳng phải thắt lại. Dẫu xa xa, những vạt hoa cải đã tàn lụi, thôi trổ vàng. Con sông bình lặng ru mùa đông trôi dạt tìm bãi bờ cố định. Tôi vo viên những xơ rối, cỏ úa nát nhàu, ném đi mà không cố định cổ tay mình. Trong không gian, cái thứ nặng mà hóa nhẹ, nhẹ mà lướt phiêu bồng. Không còn thấy mây bay ngang trời hờ hững nữa.

Mùa xuân! Lặng ngắm khuôn mặt bừng tỉnh, thôi thúc trong diệu vợi, xa xăm. Tôi như con đò cột mình, nép vào khúc sông quê, khúc sông nguồn cội. Đã thôi chèo chống, đã thôi khua khoắng sóng nước chao đảo mạn thuyền. Dù có chút ngả nghiêng cũng không còn say nữa. Tôi cập bến đợi, muốn bám víu vào triền đê thoai thoải nơi có rặng tre. Từ bao giờ, người ta đã trồng những rặng tre. Tre ngả bóng vào nhau, tre làm giàu nỗi nhớ. Những cánh cò đậu xuống đây và cũng cất lên từ đây. Sải cánh gầy chưa thôi mùa vất vả, đắng cay, lam lũ. Cả cánh diều đứt dây chao liệng. Khi đứt dây mới thấy niềm chới với, hụt hờ. Tôi không làm cánh diều nữa khi trở lại bến mơ. Đây rồi, bụi tre và hai phía lở bồi. Chúng thật gần, ăn mòn vào nhau, sinh sôi, cựa mình trong khắc khoải nỗi nhớ quê. Tôi lim dim, ru mình nằm trong lòng sông, cột lại ở bến sông, mênh mang tôi ngợp sóng vỗ mạn chờ.

Trong đôi mắt mùa xuân, tôi vẫn thấy mai đào nở rộ. Dường như hoa đậm sắc hơn, đằm hơn. Dẫu ngày tháng có phai dần, mờ dần vẫn dịu dàng với gió đông. Ngày ấy, cái độ lên mười, chỉ ước nhà có cành đào nhỏ mỗi khi xuân về ánh lên trong mắt mẹ. Sau này lớn lên, tôi đã trồng cây đào nhỏ trước ngõ, để mẹ dù mắt nhòa, chân yếu, tay đau không còn run run ra ngóng lối nhiệm màu. Lối mà chỉ những người con đi xa mới hiểu. Nếu không về kịp, ngồi lại với xuân này, có chắc hít hà trọn vị tuổi thơ. Có chắc muốn vùi đầu vào cái mùi ngai ngái, nồng nồng lẫn hương cỏ non, rạ úa. Trên chiếc áo nâu mẹ đã gấp lại cùng năm tháng, tôi nhận ra màu vôi trầu quết dở. Bàng bạc, khô tróc, vụn rơi.

Tôi còn khắc cốt, ghi tâm bấy nhiêu đó những lời. “Mỗi mùa xuân sang, mẹ tôi già thêm một tuổi, mỗi mùa xuân sang, ngày tôi xa mẹ càng gần. Rồi một ngày kia, tóc trắng mẹ bay như gió như mây bay qua thời gian, như gió như mây bay qua đời con. Ôi mẹ của tôi”. Ai còn canh cánh, xào xạc như tán lá chuối sau vườn, cứ tướp, cứ rách toạc mọi âu lo. Gió bấc. Chỉ những đêm gió bấc không thổi tan loãng khu vườn. Chỉ thổi vào lời chuối ngự. Cái tiếng xào xạc ấy, trong đêm khuya thanh vắng ấy, theo gió, luồn qua khe cửa sổ hẹp, nơi có tấm ni lông che lại, thêm ủ ấm chút hồn người. Cửa sổ nhà tôi, bấy nhiêu lời mùa đông đi qua, bấy nhiêu giá lạnh đi qua. Có lời nhắn gửi: “mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng con thời mồ côi”. Tôi với ai ơi. Về cùng nỗi đời nghe gió mùa thốc thổi. Trong manh áo mới, tim đập vơi đầy. Gió bấc và những guộc gầy, chưa vơi niềm nhớ.

Trong nụ cười mùa xuân, tôi nhớ những tháng Giêng non đắp đầy, xanh tươi. Mơn mởn những lọn khoai lang tắm táp mưa phùn trên cánh đồng đã thôi hanh hao từng thớ đất. Nước tháo ải chảy vào, ngấm vào làm bở tơi niềm vun trồng, gối vụ. Phù sa ướp ngọt, thấm tháp môi cười. “Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta/ Cấy cày vốn nghiệp nông gia/ Ta đây trâu đấy ai mà quản công/ Bao giờ cây lúa còn bông/ Thời còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”. Con trâu hiền lành theo cha cày xới. Chẳng cần chiếc roi vung lên, chẳng vội. Bởi thiện lương là bạn của nhà nông. Cứ chầm chậm thôi trong nỗi ruộng đồng. Lát nữa nghỉ ngơi đứng bờ gặm cỏ. Sẽ thấy sau giọt mồ hôi mướt mải bao nhiêu là gió.

Gió làm dịu ánh mắt, dịu ngày tháng sạn chai. Phía xa, cách đó mấy thửa ruộng, lưng mẹ đã mỏi nhừ vẫn thoăn thoắt cấy. Chiếc nón mê đội đầu cụp xuống cam chịu “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Tay mẹ chống gối, tách từng rẻ mạ. Gió xuân thầm thì thổi vào đôi má. Để con thuộc lời cây cao bóng cả: “Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”.

Trong nỗi buồn mùa xuân, tôi từng lỡ hẹn với mai đào. Năm ấy, tôi đón giao thừa trong bệnh viện, ngồi đếm những giọt truyền thầm lặng rơi phía vai cha nằm. Mắt cha nhắm chặt, tay tôi run lên khi cha quờ không nói thành lời. Tôi sợ những tiếng giật mình, thảng thốt. Tiếng còi xe cấp cứu. Những đôi mắt mệt mỏi, đượm buồn. Rồi cha tỉnh lại, mùa xuân kéo tôi trở lại. Tôi nghe thấy tiếng thì thào trên lá non mềm. Hạt mưa nào bám dính dẫu vụng dại trong sắc xuân vơi.

Những mùa xuân nối tiếp đi qua nhau. Bình lặng, êm đềm có. Xa cách, nhớ nhung có. Hụt hờ, lo sợ có. Ai dệt mùa xuân bên khung cửa nhỏ. Ai đan chiếc áo rộng dài cho nỗi nhớ mùa sau. Khi tóc mẹ bạc bởi những dãi dầu. Khi mỗi đường cày cha không còn bước nữa. Ai đón mùa xuân về bên bậc thềm, lối ngõ. Ngồi xuống trầm tư khe khẽ nhắc xuân mình. Và những mùa xuân cứ thế lặng thinh. Chẳng thể đếm đong làm đầy kí ức. Tôi và tháng năm hít căng lồng ngực. Có cha, còn mẹ, xuân vẫn rộng dài.

Tôi về, vẫn ước mình trở lại với xuân xưa. Nơi xác pháo hồng dạt bay đường làng, ngõ xóm. Có những mùa xuân nối tiếp như chỉ để kéo dài thêm kí ức vẹn nguyên. Xuân ngắn, đọng trong nỗi nhớ rộng dài. Xuân không phôi phai và chưa bao giờ lỗi hẹn. Với ai, xuân bây giờ là những chuyến đi xa, khám phá thêm vùng đất mới. Còn tôi vẫn thế. Vẫn khâu vá, kết nối, đắp đổi tháng năm canh cánh ngày về./.

Bài liên quan
  • Trà Hương vị du ca
    Trong những tinh túy ẩm thực, trà là đồ uống mang hành trình gợi đầy chiêm nghiệm. Trà đến với người bởi nhớ, bởi duyên và bởi sự mê đắm của người, bảo tri kỷ thật chẳng sai.
(0) Bình luận
  • Hương sen vương vấn sợi trà
    Những ngày còn công tác ở Hà Nội, ông ngoại tôi đã xin được giống sen Hồ Tây về trồng trong đám ruộng lầy cải tạo thành ao, bờ mòn dần hóa thành đầm sen đầu tiên ở bản. Những nhà hàng xóm ngắm bông sen to, đẹp thơm ngát một vùng thì đến xin vài ngó già.
  • Những cô hàng xén bây giờ ở đâu?
    Sớm mai, khi mà trời mới tảng sáng, có khi còn cả giăng với sao, có khi thì mờ sương chả rõ mặt người, người làng này, làng kia đã cùng đi chợ sớm. Ai cũng mong những bán sớm mua sớm cho chọn được hàng ưng ý. Có những khi mưa gió, áo tơi, nón che không nhận ra nhau.
  • Yêu một người Hà Nội
    Chuyến bay lúc 4 giờ chiều hạ cánh xuống sân bay Nội Bài với lời chào là bản nhạc "Nhớ về Hà Nội". Trống ngực tôi loạn xạ cứ như đang đến cuộc hẹn đã mong đợi từ lâu.
  • Gác nhớ
    Ở phố, đâu thiếu những nhà cao chọc trời nhưng vẫn thấy nhớ một căn gác nhỏ. Lạ nỗi, mỗi khi lên đó nhìn ra phố, tôi bỗng thấy cuộc đời này thật khác. Căn gác như một nơi trốn chạy thực tại, một cách yêu thương mình bằng những kỉ niệm.
  • Chiếc ghế mây của cha
    Những ngày mưa to gió lớn, không đi làm nương được, mẹ rủ đám con gái chúng tôi lấy ghế mây ra đầu hè ngồi khâu vá. Bà nội tôi đeo kính lão xỏ kim, bà cười móm mém theo những câu chuyện kể tếu táo của đám trẻ chúng tôi. Chiếc ghế mây phát ra âm thanh kin kít chịu đựng sức nặng cơ thể con người theo những điệu cười khúc khích.
  • Phượng tím vắt ngang trời thương nhớ
    Đến Đà Lạt vào ngày nắng chói, đôi mắt chị dõi tìm loài hoa gieo thương nhớ, phượng tím. Đà Lạt mùa nào sắc đó, đều là những loài đặc trưng của xứ sở ngàn hoa. Mùa dã quỳ vàng hoang hoải, mùa cỏ hồng bềnh bồng như mây, mùa hoa ban trắng tinh khôi, mùa anh đào ngọt ngào trong trẻo. Với chị, lưu luyến nhất vẫn là mùa phượng tím. Mùa này phượng rải sắc tím ngăn ngắt khắp đất cùng trời, gợi lên trong lòng xiết bao lưu luyến.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Người dân đội nắng đứng bên đường khóc tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về lòng đất mẹ
    Trong thời tiết nắng nóng Hà Nội lên tới 40 độ C, nhưng rất nhiều người dân vẫn đội nắng đứng trên các tuyến đường hướng về Nghĩa trang Mai Dịch để tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối.
  • Những dòng sổ tang nhoè nước mắt tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà
    Rất đông người dân ở mọi độ tuổi, có người già, thanh thiếu niên, trẻ nhỏ... lặn lội từ các quận, huyện của thành phố Hà Nội và các tỉnh đến để tiễn đưa người lãnh đạo đáng kính.
  • Người dân nghẹn ngào, tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Tại quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội, những đôi mắt đỏ hoe, cùng hàng ngàn giọt lệ đã, đang và sẽ rơi là những hình ảnh đầy xúc cảm, thể hiện sự tiếc thương, kính trọng của người dân đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
  • Toàn văn lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Ngày 26/7, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội). Lễ truy điệu cũng được tổ chức đồng thời tại Hội trường Thống Nhất (thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Trong niềm tiếc thương vô hạn, Chủ tịch nước Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Lễ tang đã đọc Lời điếu tại Lễ Truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
  • [Video] Người dân từ mọi miền đất nước xếp hàng để được thắp nén tâm hương tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Tang lễ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức theo nghi thức Quốc tang trong hai ngày 25 và 26/7/2024. Lễ viếng đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội, bắt đầu từ 7 giờ đến 22 giờ ngày 25/7 và từ 7 giờ đến 13 giờ ngày 26/ 7/ 2024. Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Những mùa xuân nối tiếp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO