Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Dòng sông huyền thoại

Nguyễn Quý Thường 14/08/2024 11:39

Hẳn nhiều người dân Hà Nội không biết được Tô Lịch là một dòng sông huyền thoại, huyền thoại cả cái tên của nó, huyền thoại với ngàn năm văn hiến của đất Thăng Long kinh kỳ...

song-to-lich-1-01.png
Hình ảnh mô phỏng sông Tô Lịch sau khi được cải tạo thành công viên Lịch sử văn hoá tâm linh. Ảnh: JVE.

Tôi mời anh bạn đồng nghiệp người Pháp đến nhà chơi ở phố Nguyễn Khang. Sau vài lời thăm hỏi thân tình, anh bạn nói một câu nửa như hỏi, nửa như chê trách:

- Sao ở đây lại để cái cống thoát nước bẩn lộ thiên thế này? Nước đen kít và thật hôi thối!

Tôi hiểu ngay là anh bạn đang nói về dòng sông Tô Lịch huyền thoại “chảy” ngay trước mặt nhà tôi. Không hiểu anh ấy nghĩ thế nào mà lại cho đây là cống thoát nước bẩn? Mà có lẽ cũng đúng vì chỉ có những cống thải nước mới đen kít, nồng nặc mùi xú uế như thế này.

- Sông đấy. Có từ hơn 2000 năm rồi. Một dòng sông huyền thoại!

- Dòng sông huyền thoại? Bạn không đùa đấy chứ?

- Và mùi hôi thối như hiện nay cũng có một phần nhỏ “đóng góp” của nhà nước bảo hộ Pháp.

Rất đỗi ngạc nhiên anh nói với tôi, này bạn, bạn làm tôi tò mò đấy.

Đúng là tôi đã đánh trúng tâm lý thích khám phá của những người làm lịch sử và thích du ngoạn như anh. Trước ở trường Science Po của Pháp, một ngôi trường nổi tiếng ở Châu Âu, anh nghiên cứu lịch sử Phương Đông, trong đó có Việt Nam. Tôi lại nghiên cứu về lịch sử nước Pháp.

Trước đôi mắt có phần háo hức pha chút đợi chờ của một người thích khám phá lịch sử Phương Đông như anh, vậy là tôi kể.

Dòng sông Tô lịch đã miệt mài chảy suốt trên 2000 năm cho đến tận thế kỉ 19 cửa sông bị phù sa bồi tụ, nước sông Hồng khó vào được và đến năm 1889 nhà nước bảo hộ Pháp lại cho lấp một phần đầu nguồn sông nối với sông Hồng để xây nên 36 phố phường như hiện nay. Vô hình chung việc làm đó đã bức tử dòng chảy của sông. Năm tháng trôi đi, thời gian không ở lại, để đến bây giờ dòng sông Tô Lịch mộng mơ trở thành “cái cống nước thải đặc quánh”.

Nghe đến đây anh bạn Pháp của tôi gật gù, thì ra thế, được 36 phố phường quá tuyệt vời nhưng lại đánh mất dòng sông huyền thoại. Anh lại nói, 36 phố cổ không thể xây mới được nhưng dòng sông này cũng không thể để mất đi được vì nó là dòng sông huyền thoại đã tồn tại mấy nghìn năm và tin rằng với công nghệ hiện đại ngày nay dòng sông sẽ lại được hồi sinh. Anh nói đúng, tôi cũng nghĩ như vậy.

Hẳn nhiều người dân Hà Nội không biết được Tô Lịch là một dòng sông huyền thoại, huyền thoại cả cái tên của nó, huyền thoại với ngàn năm văn hiến của đất Thăng Long kinh kỳ. Hỏi trên đất Bắc này đã có mấy dòng sông lại được đặt theo tên một nhân vật lịch sử cách đây trên hai nghìn năm, đó là tên ngài Tô Lịch đức độ thương dân được phong là Thành Hoàng làng Long Đỗ khi dòng sông trong xanh này chảy qua trước cổng làng, và cũng từ đó dòng sông đã trở thành Tô Lịch giang.

Long Đỗ là ngôi làng được hình thành gần như đầu tiên ở đây và đã trở thành tiền thân của kinh thành Thăng Long, ngày càng được mở rộng theo năm tháng và được dòng sông Tô uốn khúc quanh co gần như ôm gọn vào lòng. Chẳng thế mà những dấu tích xưa vẫn như còn đâu đó. Phố Cầu Gỗ, phố chợ Gạo chính là cửa sông, phố Hàng Lược ngày nay chính lại là phố sông Tô Lịch xưa vì cả con phố này nằm gọn trên dòng sông. Rồi nữa, phố Nguyễn Siêu và phố Ngõ Gạch vẽ lên một đường cong mềm mại chính là dấu tích uốn lượn của đoạn sông Tô. Sông Tô ngày ấy như một nét chấm phá nằm giữa sông Nhị Hà (sông Hồng) và Hồ Hoàn Kiếm, tô thêm vẻ đẹp cho đất Thăng Long kinh kỳ:

Nhị Hà quanh Bắc sang Đông

Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này

Khen ai khéo họa dư đồ

Trước sông Nhị thủy, sau Hồ Hoàn Gươm. (1)

Và cứ thế Tô Lịch giang đã miệt mài xuôi dòng chảy vòng về Nghĩa Đô. Thật may mắn đoạn sông từ đây chảy qua các quận huyện nối vào Nhuệ Giang vẫn trơ trơ cùng tuế nguyệt cho đến tận ngày nay, dù rằng nó chỉ là một con sông chết.

Gọi Tô Lịch là con sông huyền thoại không chỉ vì nó được gắn với tên của ngài Tô Lịch mà đã gắn bó với biết bao đổi thay thăng trầm của đất kinh kỳ Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Nhờ được nước sông Hồng nuôi dưỡng nên sông Tô luôn đầy ắp nước, thuyền bè ngược xuôi buôn bán tấp nập. Rất nhiều làng nghề thủ công, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt của cư dân Thăng Long. Tô Lịch tạo thành mạng lưới giao thông thủy rất thuận lợi, giúp đưa hàng hóa từ sông Đáy, sông Nhuệ về kinh thành Thăng Long. Cuộc sống sông nước buôn buôn, bán bán thật sống động, chả thế mà:

Nước sông Tô vừa trong vừa mát,

Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh.

Dừng chèo muốn tỏ tâm tình,

Sông bao nhiêu nước thương mình bấy nhiêu. (1)

Và nữa, nơi triền sông véo von những khúc dân ca, những tiếng giảng bài, đọc thơ của các danh nhân đến đây ngâm vịnh trong những đêm trăng thanh gió mát. Ngày ấy Trường Phương Đình của danh nhân Nguyễn Siêu, người xây đền Ngọc sơn, người để lại bút tích Tả Thanh Thiên ở Tháp Bút, đã lung linh soi mình xuống dòng sông Tô rộng lớn mênh mang.

Ngày ấy sông Tô chảy dài trên 30 cây số vượt qua nhiều địa điểm của Thăng Long để chảy vào sông Nhuệ. Cuộc sống cư dân dọc theo dòng chảy Tô Lịch thật thanh bình:

Hỡi cô đội nón quai thao,

Đi qua Thanh Liệt thì vào làng anh.

Làng anh Tô Lịch trong xanh,

Có nhiều vải, nhãn ngon lành em ăn. (1)

Hoặc:

Kể chơi một huyện Thanh Trì

Có sông Tô Lịch uốn quanh xóm làng

Bên bờ vải, nhãn hai hàng

Dưới sông cá lội từng đàn tung tăng. (1)

Thế đấy. Tô Lịch Giang thuở xưa là thế đấy.

Nghe vậy anh bạn người Pháp tỏ vẻ tâm đắc về dòng sông Tô huyền thoại với kinh kỳ Thăng long xưa và với Hà Nội ngày nay. Anh ngần ngừ, nhưng… Tôi hiểu anh đang nghĩ gì, muốn gì và chính đó cũng là điều tôi đang định nói với anh về dòng sông Tô Lịch nhân chuyến du lịch giàu cảm xúc trên dòng sông Chicago nước Mỹ của tôi.

Tôi đã từng mơ ước về một ngày mai của dòng sông Tô quê hương khi được thưởng ngoạn bằng du thuyền trên dòng sông Chicago ở trung tâm thành phố Chicago. Tôi say ngắm những làn nước trong xanh, lấp loáng sóng phủ bạc đầu mỗi khi gặp những con thuyền rẽ sóng. Tất cả những biệt thự, những công trình cổ kính, những tòa nhà trọc trời và cả những cây cầu có từ hàng trăm năm trước cứ lấn lướt trong đầu. Đêm dần buông, dòng sông không ngủ mà lại bừng sáng lên, long lanh, rung rinh huyền ảo dưới ánh đèn muôn màu muôn sắc. Và những đoàn du thuyền vẫn miệt mài ngược xuôi không biết mệt mỏi.

Tôi say xưa với sóng nước, với âm thanh rộn rã của du thuyền, với nắng vàng cùng gió mang nặng hơi nước mà sao dòng chảy trong đầu vẫn cứ lấn lướt về một nơi, mà nơi đó có dòng sông Tô đang chết.

Nhìn những đoàn người xếp hàng mua vé, những đoàn người rồng rắn đợi được lên những chiếc du thuyền hai tầng chứa hàng trăm du khách tấp nập ngược xuôi. Nhẩm một phép tính không khỏi ngỡ ngàng: mỗi ngày có cả vạn người đến đây bỏ ra 55 đô để được trải nghiệm du ngoạn trên dòng sông trong xanh này, vậy thì bình quân một vạn người trong một ngày nó đã mang lại cho thành phố hơn nửa triệu đô, tức hơn mười tỷ đồng tiền ta một ngày. Nghe tưởng vô lý nhưng đó lại là sự thật.

Tự dưng thấy thèm, thèm một cái gì đó cứ lướng vướng trong đầu, thì ra thèm có được cái sôi động, thèm có được dòng nước trong xanh, thèm được nhìn những đàn cá tung tăng bơi lội vờn trong sóng nước và thật thèm được thu hàng đống tiền mỗi ngày như ở đây của dòng sông Tô Lịch tương lai.

Thật may mắn trong đoàn du lịch đến Chicago có một thành viên là người liên quan đến cải tạo sông Tô Lịch, tôi đã không bỏ qua cơ hội để “giãi bày” mơ ước của mình, rằng liệu mươi năm nữa dòng sông Tô Lịch có được trong xanh như xưa? Anh cười rất tươi và rằng, không còn lâu nữa đâu dòng sông Tô sẽ xanh trong trở lại. Hãy tin tôi đi!

Biết tôi bán tín bán nghi anh lại cười và đưa cho tôi xem một videoclip trong đó anh và một số người trong trang phục quần áo bảo hộ tỏ ra rất hể hả bước ra từ một ống cống tròn rất to còn bóng màu sơn. Trời, lại có thể đi bộ được trong ống cống, ở nước nào vậy? Cống dưới gầm sông Tô Lịch đấy, anh bảo vậy và nói thêm, đây là hệ thống siêu đường ống ngầm của Việt Nam nằm dưới đáy sông với đường kính lớn nhất đạt tới 2200 cm, nhỏ nhất cũng đã là 600 cm.

Thực tế hệ thống cống gom nước thải được khởi công từ tháng 3 năm 2020 do công ty Takken Nhật bản thi công bằng công nghệ khoan kích ngầm. Ưu điểm của phương pháp này là chỉ cần đào sâu ở các điểm giếng mà không đào hở trên toàn tuyến. Cống ngầm được đặt sâu trong lòng đất và cách mặt đất ít nhất là 6 mét, chỗ sâu nhất lên tới 19 mét. Cũng do áp dụng phương pháp này nên việc thi công cả tuyến dài tới 15 km rất âm thầm lặng lẽ khiến hầu hết người dân nằm ven sông không hề biết rằng dưới đáy sông kia không khí làm việc hết sức sôi động, mấy khoan kích ngầm đang hối hả ngày đêm, hàng trăm ống cống to nhỏ lần lượt nối đuôi nhau luồn lách trong lòng đất chẳng khác gì một con trăn khổng lồ trườn dần về phía hạ nguồn sông Tô.

Hệ thống cống ngầm khổng lồ này có nhiệm vụ thu gom toàn bộ nước thải đổ ra sông Tô Lịch. Số nước này sẽ được đưa về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá để xử lý theo công nghệ Nhật Bản. Nguồn nước sau khi xử lý xong sẽ đạt tiêu chuẩn nước sinh hoạt nhưng không phải dùng nước này cho sinh hoạt của người dân mà sẽ được bơm trả dòng sông. Điều này đồng nghĩa với việc nước sông Tô Lịch sẽ trở nên trong xanh.

Nghe anh nói mà lòng dạ cứ xốn xang, thế là mơ ước của mình, của triệu triệu con người đất Hà Thành sắp thành hiện thực. Nhưng rồi sực nhớ ra, công trình cải tạo sông Tô thật là chuẩn, thật là sáng suốt của lãnh đạo thành phố, nhưng biết đến bao giờ dòng nước trong vắt từ nhà máy Yên Xá mới được bơm trở lại dòng sông? Thật mừng khi nghe anh nói, chỉ một năm nữa thôi, ấy là năm 2025. Đến giờ công trình ngầm dưới sông Tô Lịch và nhà máy xử lý nước thải Yên Sở đã hoàn thành trên 90%. Rất tiếc dự án hệ thống cống ngầm sông Lừ do một tập đoàn Việt Nam đảm nhiệm không bảo đảm tốc độ đến mức thành phố Hà Nội phải cho thay thế nhà thầu khác. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc nhà máy Yên Sở bơm nước sạch trở lại cho sông Tô Lịch.

Vậy thì chỉ một năm nữa thôi Tô Lịch sẽ chuyển mình. Trước khi dòng nước trong vắt từ nhà máy trở về, sẽ là hàng triệu tấn bùn bẩn hôi thối nằm sâu dưới đáy hàng thế kỉ nay sẽ được rời đi, và rồi, sau đó sẽ mọc lên những con đường, những cây cầu, những biểu tượng tâm linh, những công trình văn hóa… Không hiểu tôi có phải người lạc quan tếu hay không, nhưng đã mường tượng ra du khách trên những du thuyền đầu rồng ngược xuôi trên dòng sông Tô Lịch sẽ thỏa thích ngắm nhìn dòng sông trong vắt lấp loáng dưới ánh trăng vàng, ngắm nhìn những đàn cá tung tăng bơi lội, những tòa cao ốc hiện đại đan xen các di tích, thắng cảnh trải dài suốt hai bên bờ. Tất nhiên rồi, những kiot bán vé cũng được dựng lên để đón khách thập phương đến thưởng ngoạn dòng sông Tô Lịch huyền thoại đã thức giấc trở về cùng dòng nước trong xanh vốn có của mình từ ngàn xưa.

Sông Tô nước chảy trong ngần,

Con thuyền buồm trắng chạy gần chạy xa.

Thon thon hai mũi chèo hoa,

Lướt đi lướt lại như là bướm gieo. (1)

(1) Ca dao tục ngữ nói về sông Tô Lịch

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Nguyễn Quý Thường. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.
Bài liên quan
  • Những tượng đài cảm tử trong lòng Thủ đô
    Hà Nội có tận 3 tượng đài cảm tử ở ngay trung tâm thành phố nhưng nhiều người không biết hoặc có đôi lúc bị lãng quên bên cuộc sống nhộn nhịp, hối hả. Nhưng với tôi, đó là những bức hình đẹp nhất để kể cho mọi người nghe về một thời kỳ lịch sử đau thương và oai hùng của Thủ đô dấu yêu.
(0) Bình luận
  • Nhớ gì khi xa Hà Nội
    Thanh xuân tươi đẹp nhất của tôi gắn bó cùng Hà Nội. Đó là quãng đời sinh viên tươi vui, hồn nhiên được cùng các bạn đồng trang lứa sinh sống và học tập giữa lòng Thủ đô, dưới mái trường Học viện hành chính Quốc gia. Lần đầu tiên bước ra khỏi ngưỡng cửa an toàn của gia đình, Hà Nội đã hiếu khách đón nhận, ôm tôi vào lòng, gieo vào tâm hồn thật nhiều kỉ niệm đặc biệt. Để rồi sau khi ra trường, trở về quê hương công tác, lòng tôi lại bồi hồi xao xuyến mỗi khi nhớ về Hà Nội với những hồi tưởng xuyến xao về quãng đời sinh viên.
  • Tô thắm Hà Nội bốn mùa hoa
    Có lẽ hiếm có Thủ đô của đất nước nào trên thế giới lại có đủ thời tiết đặc trưng của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, cùng với đó là thiên nhiên tuần hoàn luân chuyển quay vòng bốn mùa như Hà Nội. Để tạo nên diện mạo của Thủ đô, ngoài các công trình kiến trúc, danh lam thắng cảnh… thì còn có cả hệ thống cây xanh và hoa cỏ được trồng khắp các nẻo đường của Hà Nội.
  • Một thoáng Thủ đô, một đời vương vấn
    Tôi đến Thủ đô vào một ngày hè chói chang nắng lửa. Cảm giác nóng nực không ngăn nổi sự hiếu kì trong tôi về mảnh đất ngàn năm văn hiến, về những con người tao nhã, văn minh. Tôi thả hồn phiêu diêu qua từng con phố, lắng tai nghe nhịp thở của Hà thành mà nao nao hồi tưởng về những điều mình đã đọc, đã biết về lịch sử, con người nhân kiệt nơi đây.
  • Giai nhân trong bức ảnh Hà thành bất tử
    Nhân dịp 70 năm giải phóng Thủ đô xin được dâng truyện ngắn này như một nén nhang thơm để tưởng nhớ những nghĩa sĩ anh hùng đã dâng hiến đời mình cho cuộc chiến đấu giải phóng Thủ đô. Trong đó có vợ chồng ông Hai Hiên. Hai Hiên - vị lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa “Hà thành đầu độc” năm 1908. Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng đã làm chấn động 3 cõi Đông Dương khiến Paris phải run sợ. Ông Hai Hiên lúc đó mới ngoài 30 tuổi, bị thực dân Pháp xử tử chặt đầu, rồi treo thủ cấp ở Cửa Đông thành, nhằm uy hiếp tinh th
  • Nắng thu theo lối tôi về Hà Nội
    7 giờ sáng, đáp xuống nơi Thủ đô, trái tim của cả nước, tôi lại càng tự hào vì là người con Việt Nam. Đã lâu lắm rồi, kể từ ngày tôi xa nơi đây, hân hoan lắm, 7 tiếng trên máy bay đem tôi về quê nhà. 7 năm xa nhà, tôi từ nơi xa học và làm việc trở về nhưng ký ức của tôi và nơi này không thể xóa nhòa. Từ trên máy bay và từ sân bay về trung tâm, tôi càng thấy sự thay đổi rõ rệt của một Hà Nội chuyển mình, hiện đại, văn minh.
  • Cả nhà ước năm mới
    Đêm 30, sau khi tôi và Thạo (con cả của tôi) chuẩn bị xong mâm cúng giao thừa, như đã thống nhất, cả nhà quây quần bên bàn trà để cùng nhau mơ ước.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Dòng sông huyền thoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO