Độc đáo phương ngữ miền Nam
Tiếng Việt sẽ nghèo nàn đi nhiều nếu không được một số lớn từ vựng miền Nam bổ sung vào hệ thống từ vựng chung cùng với những cách sử dụng giàu sắc thái phương ngữ, đáng chú ý là phương ngữ Nam bộ.
Tiếng miền Nam phát triển trong quá trình giao lưu, hội tụ với ngôn ngữ các dân tộc Hoa, Khmer, Chăm... và không thể không nhắc đến ngôn ngữ các nước Anh, Hoa Kỳ, Pháp. Đó là một thứ tiếng, ở không ít trường hợp, là nói một đằng, viết một nẻo - nhưng nhiều khi viết đúng (thí dụ: nói dui dẻ mà vẫn viết vui vẻ). Ở những biến thể từ vựng, biến thể ngữ âm của tiếng miền Nam nhiều khi không những không khiến người vùng khác khó nghe, mà ngược lại, chúng còn làm giàu có thêm từ vựng - ngữ nghĩa, giọng nói ngôn ngữ dân tộc.
Để phản ánh đời sống chiến tranh, người miền Nam có những từ: bưng biền, đồng khởi, mũ tai bèo, thêm nữa: đầm già, cá nẹp, cá rô, cán gáo (các loại máy bay địch), chống càn, ác ôn, ruồng bố, trái nổ (lựu đạn)... Về thiên nhiên, sản vật, có: gió chướng, nước lớn, nước ròng, sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, thơm (dứa), mãng cầu (na), lục bình, đước, tràm, trâm bầu…
Về vật dụng, có: chén (bát), mền (chăn), nón (mũ), mùng (màn), xà bông, bột giặt (xà phòng), bột ngọt (mì chính, gia vị), dầu ăn, dầu thắp, đậu phộng (lạc)... Về sinh hoạt hằng ngày, có: bao tử (dạ dày), trái banh (quả bóng), đánh lộn, quậy (phá phách, gây phiền), tiêu xài, nhậu, say xỉn, mánh mung, chôm chỉa (ăn cắp vặt), xạo, ba trợn ba trạo (ranh mãnh, điêu toa, xấc xược, hỗn láo), rùm beng, tùm lum (rối ren, lộn xộn), hoàn tất, công chuyện, thu gom, bán mua trọn gói, xịn (tốt), dởm (xấu, dối trá), hàng nhái (hàng giả), mắc (đắt), chỉ, cây (đồng cân, lạng vàng), chà răng, chụp hình, xả láng, quá xá, quá trời, dễ ợt, hết sảy, hết trơn, hết trọi (hết sạch, mất trắng), tới số, hết cỡ, to bự, coi bộ, ra tuồng, ngưng (ngừng), kẹt (vướng), ốm (gầy yếu), dạ (vâng)... Riêng về đường sá, đi lại, có: xa cảng, phi trường (bến xe, sân bay), lộ trình, quá giang, quẹo, bùng binh, xe đò, chạy xe, thả bộ...
Những từ khác: ngõ hầu (nhằm mong), đặng (được), khỏi lo, khỏi nói (đừng hoặc không cần lo lắng, nói năng), buồn thấy mồ đau thấy bà, sướng thấy cha, không tiền khoáng hậu, cưng (yêu, quý, mến, nuông chiều) hên và sui (may và không may mắn)...
Tiếng miền Nam nói chung và phương ngữ Nam bộ nói riêng giàu sức gợi, có tính hài hước, tính rút gọn, nhiều tượng hình, tượng thanh, nói được rất cụ thể về đời sống ngoại cảnh và cả nội tâm, phản ánh tính cách con người phóng khoáng, ngẫu hứng, "chịu chơi", chân thật, giản dị, vô tâm, bộc trực... của vùng sông nước đầy nắng gió, dễ làm ăn. Xin dẫn ra một lời ca trong Điệu lý con cóc:
Chiều chiều bắt nhái cắm câu
Nhái kêu cái ẹo thảm sầu nhái ơi
Cóc chết nàng nhái mồ côi
Chàng lui tới hỏi, lắc đầu hổng ưng
Con cóc ngồi ở gốc bưng…
Lời ca đã trở nên rất quen thuộc đối với người miền Bắc, ấy thế mà từ chỉ âm thanh ẹo, những từ hổng ưng, biểu ưng, lại tạo nên ấn tượng là lạ, ngồ ngộ về cách giao tiếp, ứng xử, vừa dễ thương vừa hóm hỉnh.
Mặc dù pha tạp hoặc nghiêng về phía khẩu ngữ, nhưng tiếng miền Nam vẫn có nhiều ưu điểm, trước hết là có nhiều từ hay, thú vị, dành riêng cho một vùng, đồng thời có thể đóng góp vào hệ thống từ vựng chung. Chỉ cần dẫn ra ngẫu nhiên một số từ như: rùm beng, tùm lum, đánh lộn, mánh mung, chôm chỉa... đã thấy khó tìm được những từ khác hay đến để thay vào. Và thả bộ nữa: Chúng ta hãy hình dung về một người đi bộ, dạo chơi, buông đôi chân, thả đôi gót, thả buông cả tấm thân và tâm trạng, từng bước từng bước thong dong, thảnh thơi trên đường, Chỉ người miền Nam mới nói được đúng và tinh tế, ý nhị đến thế về một cử chỉ, hành động quá quen thuộc.