Góc nhìn

Cái hay của từ nối

Phạm Đình Ân 15:50 14/03/2023

Giáo sư ngôn ngữ học, dịch giả, nhà văn Cao Xuân Hạo từng kể một chuyện vui rằng có một tác giả nọ gửi bài đến tòa soạn báo, bị biên tập viên gạch xóa hết những từ nối thì, là, mà (từ nối loại này có trường hợp được gọi là liên từ, hư từ). Tác giả bài báo quá buồn nhưng bỏ qua vì ông không tin rằng người ta có thể hiểu ra vấn đề.

Một dịp khác, Giáo sư ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dân cũng có bài giải oan cho thì, là, mà; tên bài trùng tên một cuốn sách của ông.
Trong bài viết này xin được nêu một số dẫn chứng về sự hợp lý và cái hay của câu văn khi có chữ thì và chữ mà (xin ẩn danh tác giả của lời nói, câu văn).

1. Chữ thì

- “Mùa thu ở thành phố có vẻ như không mát lắm. Ở miền núi cao quê tôi, mùa thu khác hẳn”. Nên nói “(…) Ở miền núi cao quê tôi thì mùa thu lại khác hẳn”. (Câu này, nếu ở dạng viết thì có thể dùng dấu phẩy thay cho thì, nhưng nghĩa phân biệt khí hậu hai nơi không được nhấn mạnh như mong muốn).

- “Chúng cháu nói mẹ cháu chỉ lắc đầu thôi”. Nên viết (hoặc nói): “Chúng cháu nói thì mẹ cháu chỉ lắc đầu thôi”.

- “Đã túng thiếu, lại còn ghen tuông nữa, vợ chồng lục đục chứ sao”. Nên viết (hoặc nói): “Đã túng thiếu (…) thì vợ chồng lục đục chứ sao”.
- “Thật ra, bác hơi vội vàng, bác gái giận là đúng rồi”. Nên viết (hoặc nói): “Thật ra, do bác hơi vội vàng thì bác gái giận là đúng rồi”. (Ở đây, thì có thể thay bằng cho nên).

Tục ngữ - ca dao có câu rất hay:
Xới cơm thì xới lòng ta
So đũa thì phải so ra lòng người.
Nguyễn Du viết: Đã tu, tu trót qua thì, thì thôi (Truyện Kiều, câu 3048).


2.
Chữ mà

- “Mục tiêu chúng ta phải đạt được là…”. Nên viết: “Mục tiêu mà chúng ta phải đạt được là…”.

- “Bài nói ông ta trình bày trong buổi tổng kết...”. Nên viết: “Bài nói mà ông ta trình bày trong buổi tổng kết…”

- “Đây là một trải nghiệm chúng tôi sẽ nhớ mãi”. Nên viết: “Đây là một trải nghiệm mà chúng tôi sẽ nhớ mãi”.

- “Ông hứa sẽ quay lại ngay, chúng tôi đợi chờ sốt cả ruột”. Nên viết: “Ông hứa sẽ quay lại ngay, thế mà để chúng tôi đợi chờ sốt cả ruột”.
Tục ngữ - ca dao cũng có câu này:

Non cao ai đắp mà cao
Sông sâu ai bới, ai đào mà sâu.
Nguyễn Du viết:
Hoa tàn mà lại thêm tươi
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa.
(Truyện Kiều, câu 2123 - 2124)

3. Thì, mà được dùng cùng một lúc

Nhà thơ Thi Hoàng có hai câu thơ nổi tiếng được làm từ ba bốn mươi năm trước:

Trời thì xanh như rút ruột mà xanh
Cây thì biếc như vặn mình mà biếc
(Những năm mới đây, tác giả bỏ chữ thì ở câu thứ hai, thay bằng chữ cứ. Có lẽ ông muốn bớt đi một chữ trùng lặp? Theo người viết bài này, cứ để nguyên như ban đầu thì hay hơn).

Trong lời giới thiệu cuốn sách hồi ức tuổi thơ “Tôi và làng tôi” của nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự, nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ: “Cái làng tôi mà anh kể trong cuốn sách này là làng Nguyệt Lãng, xã Thiệu Lý, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa, nhưng xem ra cũng chẳng khác gì cái làng Điền Trì ao chuôm đồng bãi của tôi. Thì cũng vẫn là một rẻo đồng bằng”. Nếu lược bỏ đi hai chữ đang được bàn đến thì câu văn chắc chắn sẽ kém hẳn đi sự khúc chiết, uyển chuyển, mềm mại, thân tình đáng có.

Rõ ràng, tại những văn cảnh tình huống nhất định, hai chữ thì, mà rất cần được sử dụng, chúng không hề làm cho câu văn thô thiển, vụng về, vướng víu (phải chăng có người hiểu như vậy?), mà ngược lại, chúng góp phần tăng thêm sự mạch lạc, chắc gọn và làm lộ ra ưu điểm tinh tế của câu văn, lời thơ.

Bài liên quan
  • Bản lĩnh người viết trẻ: Bền bỉ  từ nội lực
    Để đứng vững trước những biến thiên của thời cuộc, để tạo cho mình một chỗ đứng nhất định trong văn giới, để khẳng định bút lực của mình so với các thế hệ đi trước, có chăng, “bản lĩnh” là yếu tố song hành cần thiết bên cạnh những người viết trẻ?
(0) Bình luận
  • Một dạng từ láy
    Dần dần, từ từ, thường thường, đều đều, mãi mãi, nhanh nhanh, hay hay, luôn luôn… là những cặp từ láy đôi trùng lặp. Hầu hết từ láy đôi trùng lặp đều có chức năng diễn tả nhịp độ, tần suất sự việc đang trải qua trong tiến trình thời gian. Những từ chỉ dùng một tiếng thì nghĩa sẽ khác khi dùng cả hai (từ láy), như vậy, sự lầm lẫn, thiếu chính xác khi sử dụng ít xảy ra. Riêng hai cặp từ mãi mãi và luôn luôn, khi nào chỉ dùng một từ, khi nào dùng cả từ láy và điều cần bàn, nếu muốn cho lời nói, câu văn chuẩn xác.
  • Ngôn từ viết cho trẻ em cần sáng trong, giản dị, dễ hiểu
    Văn chương hoặc văn bản thông tin dành cho trẻ em, trước tiên cần hồn nhiên, sáng trong, giản dị, dễ đọc - dễ hiểu - dễ nhớ; đồng thời nên gieo mầm về khả năng quan sát, cảm nhận thế giới của các em. Tùy theo lứa tuổi của các em, người viết nên lưu ý để đáp ứng nhu cầu nêu trên cho thích hợp. Những dẫn chứng về lời văn dưới đây cần xem lại, xin chia sẻ cùng bạn đọc.
  • Nhận thức mới về một đề tài văn học
    Đó là chủ đề của chương trình toạ đàm “Mê cung của ký ức” diễn ra vào tối 15/09/2023 tại không gian văn hoá Montauk, do Linh Lan Books tổ chức.
  • Câu mập mờ
    Vấn đề đem ra bàn bạc ở đây không phải là câu văn, câu thơ đa nghĩa, (hoặc mơ hồ), chứa nghĩa hàm ẩn, “ý tại ngôn ngoại”, mà là câu mập mờ.
  • Ấn tượng Vũ Minh Huệ
    Mấy năm gần đây, các hội viên mới được kết nạp vào Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Hà Nội có không ít gương mặt ấn tượng. Một trong số đó là nữ nhà thơ Vũ Minh Huệ, không chỉ xinh đẹp trẻ trung mà còn để lại dấu ấn bằng những sáng tác rất mới, có cá tính và giàu nữ tính.
  • Chuyển đổi từ Hán Việt sang từ thuần Việt
    Như đã biết, từ Hán Việt chiếm phần lớn trong vốn từ vựng tiếng Việt. Từ Hán Việt có ưu điểm như: súc tích, diễn đạt tốt được ý nghĩa trang trọng, tính khái quát cao, cần được dùng nhiều trong các văn bản hành chính, khoa học…
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Phát động cuộc thi viết “Khát vọng Tây Hồ - Khát vọng Thăng Long” năm 2024
    Chiều 4/10, Quận ủy Tây Hồ tổ chức Lễ phát động cuộc thi viết “Khát vọng Tây Hồ - Khát vọng Thăng Long” năm 2024.
  • Những hàng thông lặng im
    Những hàng thông đã lặng im từ lâu lắm. Như từ hóa thạch, như từ lòng đất, như từ đại dương, những đại dương san hô mà loài người đã vô tình quên lãng. Thông như là sự hóa thạch của những trầm tích ấy. Những trầm tích mà hôm nay, ngày mai, bất cứ khi nào có thể lại sẽ reo ca trong lòng bạn. Này hỡi em yêu! Và đó là một sự nhiệm màu!
  • Khai mạc triển lãm Mỹ thuật Thủ đô 2023
    Hướng tới kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023), Hội Mỹ thuật Hà Nội đã tổ chức khai mạc triển lãm Mỹ thuật Thủ đô 2023 vào chiều ngày 3/10/2023 tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Hà Nội.
  • Hà Nội tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
    Thành ủy Hà Nội vừa ban hành kế hoạch số 181-KH/TU về việc Thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
  • Vinh danh 18 "Nông dân Thủ đô xuất sắc" năm 2023
    Sáng 4/10, Hội Nông dân TP Hà Nội tổ chức hội nghị Tổng kết đợt thi đua cao điểm chào mừng Đại hội đại biểu Hội Nông dân các cấp TP Hà Nội, nhiệm kỳ 2023 – 2028; biểu dương “Nông dân Thủ đô xuất sắc” năm 2023.
Đừng bỏ lỡ
Cái hay của từ nối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO