Để đứng vững trước những biến thiên của thời cuộc, để tạo cho mình một chỗ đứng nhất định trong văn giới, để khẳng định bút lực của mình so với các thế hệ đi trước, có chăng, “bản lĩnh” là yếu tố song hành cần thiết bên cạnh những người viết trẻ?
Vượt qua ngờ vực
Thời nào cũng vậy, “sự viết” của các cây bút trẻ (dưới tuổi 35 - quy ước của Hội Nhà văn Việt Nam) thường gặp không ít những định kiến, nghi ngờ hoặc thậm chí là sự phủ nhận của nhiều người. Nhưng, thực tế cho thấy, không phải cứ trẻ là mọi thứ từ tư duy, trải nghiệm, vốn sống, khả năng viết đều mặc định là ít ỏi hơn những người đi trước. Có lẽ đã đến lúc công chúng cần “cơi nới” góc nhìn của mình để đánh giá, nhận định sáng tác của các tác giả trẻ một cách khách quan hơn, bao dung hơn, hồ hởi hơn thay vì tâm thế trịnh thượng hay xem nhẹ những sáng tạo nghệ thuật của đội ngũ những người viết trẻ.
Như một cánh tay biểu quyết đứng về phía các tác giả trẻ, tại hội thảo khoa học “Văn học trẻ hôm nay: Mạch riêng và nguồn chung” do trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức, nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa khẳng định: “Nhiều người đã tỏ ra bi quan khi thi thoảng lại đưa ra cảm thán, rằng văn chương đang lâm nguy, rằng người trẻ ngày càng thực dụng, chẳng còn mấy ai đoái màng văn chương… Xem ra sự bi quan này là hệ lụy của thói quan liêu, nghĩa là họ không đọc, không quan sát nhưng vẫn cứ… phán như đúng rồi.”
Điều này cũng cho thấy một thực tế, nhiều người đưa ra những đánh giá, bàn luận một cách cảm tính về các tác phẩm văn học trẻ, trong khi từ phía mình, họ có thể chưa thực sự đọc, tìm hiểu, nghiền ngẫm về những gì đang diễn ra trong sáng tác của người viết trẻ hiện nay. Độ phủ sóng của các cây bút trẻ trải rộng trên nhiều phân mảng thể loại, đề tài khác nhau. Họ làm thơ, viết văn xuôi, viết nghiên cứu phê bình, dịch thuật… Ở mỗi lĩnh vực đều xuất hiện những gương mặt nổi bật với bút lực và sức sáng tạo dồi dào.
Vậy làm thế nào để người viết trẻ có thể đứng vững trước những hoài nghi, dè dặt từ công chúng? Tiến sĩ Hà Thanh Vân (Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ) cho rằng, điều cốt yếu với những người viết trẻ là không bao giờ được so sánh mình với những người khác. Đôi khi, so sánh là hành động mang tính đo lường khập khiễng. Nếu những người viết trẻ hôm nay luôn so sánh mình với những người viết kỳ cựu đi trước thì rất có thể bên trong họ sẽ hình thành những nỗi lo lắng, sợ hãi, mặc cảm cùng tâm thế cho rằng mình nhỏ bé có thể nhấn chìm sự tự tin, nhiệt huyết nơi họ.
Cùng với đó, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đều cho rằng, viết là sự độc hành. Trên con đường tự mình bước đi, tự mình rong ruổi sẽ không thể tránh khỏi những thử khách, khó khăn; những ngờ vực, nghi kỵ; những ánh mắt dòm ngó, có thể còn là cả những cái bĩu môi đầy khinh miệt. Đó là lý do vì sao người viết trẻ buộc phải trang bị cho mình một “bản lĩnh” đủ chắc, đủ mạnh để không bị đánh gục trước những yếu tố ngoại cảnh. Điều quan trọng nhất mà họ cần có lẽ là ngọn lửa đam mê, sự khát khao, kiên định với “hành trình cô độc” mà mình đã lựa chọn.
Chỉ là “danh xưng”, thì sao?
Không khó để bắt gặp câu hỏi của các bậc phụ huynh về việc, nếu con cái họ theo học viết văn thì sau này ra trường sẽ làm nghề gì? Đó là câu hỏi mà đôi khi chính những người đang bước những bước chân đầu tiên trên con đường văn chương cũng còn lúng túng. Rõ ràng cái tên gọi “nhà văn” thực chất cũng chỉ là một danh xưng, còn có kiếm được tiền từ những con chữ mình viết ra hay không, đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Ngay như thi sĩ Tản Đà, một người vừa là nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng của Việt Nam đầu thế kỷ XX cũng phải thốt lên trong bài thơ “Hầu giời”:
Văn chương hạ giới rẻ như bèo
Kiếm được đồng lãi thực rất khó
Kiếm được thời ít, tiêu thời nhiều
Làm mãi quanh năm chẳng đủ tiêu
Theo tiến sĩ Hà Thanh Vân, nhà văn chỉ là một danh xưng, họ vẫn phải làm nhiều nghề khác nhau để kiếm sống. Nhà văn Vinh Huỳnh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn học trẻ Hà Nội thì nhấn mạnh: “Cơm áo không đùa với khách thơ. Nhà văn (là người tài) mà lại nhếch nhác thì khó chấp nhận”. Rốt cuộc, khởi nghiệp bằng văn chương không thể dễ dàng thu về lợi nhuận khổng lồ như chứng khoản hay bất động sản. Giá trị của nhiều tác phẩm không thể ngày một ngày hai mà thẩm định, đánh giá mà đôi lúc phải chờ thời gian đủ chín, tác phẩm mới thực sự sống cuộc đời của riêng nó. Phải chăng, những chính sách hỗ trợ kịp thời, thiết thực từ các cơ quan Nhà nước có liên quan, từ các tổ chức hội nghề nghiệp là một sự đảm bảo cần thiết để duy trì ngọn lửa sáng tạo đối với những người viết trẻ.
Nhưng trước khi nhận được sự hỗ trợ trực tiếp từ các cấp ngành, hội đoàn liên quan, đội ngũ người viết trẻ vẫn nên trang bị cho mình một bản lĩnh, đúng hơn là khả năng vượt khó để có thể sống và tự tạo lực viết cho bản thân mình.
Giới hạn riêng - chung
Văn học trẻ hôm nay là những mạch riêng, đã và đang tạo những dòng chảy đơn lẻ để góp vào dòng chảy chung của văn chương nước nhà. Đó chắc hẳn là một hành trình không dễ dàng, ngược lại, đầy ắp gian nan và cả những giới hạn cần phải vượt qua. Giới hạn với những di sản trước đó của cha anh, giới hạn với công chúng, giới hạn với chính bản thân mình…
Theo góc nhìn của nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm: “Những tác giả, tác phẩm đã làm nên giá trị của di sản văn chương thời chiến và đầu thời kỳ Đổi mới, có lẽ sẽ còn được nhắc lại nhiều nữa trong đời sống văn chương, học thuật nước nhà. Nhưng, chúng ta khó có thể điểm ra những tên tuổi nhà văn trẻ đủ sức thuyết phục người đọc về giá trị, tầm vóc cũng như khả năng hiện diện một cách ấn tượng, bền bỉ trong lòng công chúng đương đại”. Nhận định này không mang tính phủ nhận tài năng của đội ngũ những người sáng tác trẻ hôm nay. Tuy vậy, nếu đặt ra những đối sánh cụ thể giữa các tác phẩm văn học trẻ hiện thời với những sáng tác mang tầm vóc của các thế hệ đi trước thì vẫn còn những sự vênh lệch nhất định. Phần lớn sáng tác của người viết trẻ thời đại này hướng tới những vấn đề mang tính chất thế sự hoặc những câu chuyện đi sâu vào con người cá nhân. Bởi đơn giản, đó là câu chuyện của đời sống hôm nay. “Những vấn đề mang tính phổ quát như tự do, quốc gia, chủng tộc, văn hoá, nhân tính, nhân loại, môi trường, sự sống, cái chết… vẫn xuất hiện trong văn chương nghệ thuật nhưng dưới những trải nghiệm và tường thuật cá nhân”, nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm nêu rõ.
Sinh ra và lớn lên, tiếp cận với sự phát triển nhanh chóng của internet, của công nghệ 4.0, thời đại của những người viết trẻ hôm nay đã có những khác biệt rất lớn so với các lớp nhà văn, nhà thơ đi trước. Họ quan tâm nhiều hơn đến những gì đang chuyển động xung quanh cuộc sống hiện tại và biểu hiện chúng theo những cách rất riêng qua từng tác phẩm. Mặc dù ở họ có những “cái riêng”, “cái lạ”, “cái mới” nhưng họ vẫn dành một sự quan tâm đặc biệt tới một số đề tài hướng về cái chung, đó là quá khứ và lịch sử dân tộc. Họ lựa chọn lịch sử là yếu tố để khai thác, đào sâu. Họ đi vào những khía cạnh về thân phận con người, về chiến tranh, về những câu chuyện tưởng chừng đã qua nhưng có thể ngay lập tức sống dậy nhờ bút lực của văn chương.
Điểm qua một số tác giả trẻ sáng tác về đề tài lịch sử có thể thấy ở họ một hướng đi gợi mở đầy hứa hẹn. Đó là Phan Cuồng với “Lí triều dị truyện”, “Đại Nam dị truyện”, Đinh Phương với “Nắng thổ tang”, Nguyễn Thị Kim Hòa với “Hương thôn dã”, “Con chim phụng cuối cùng”, Nguyễn Hữu Nam với “Gốm và vua Thành Thái”, Đặng Hằng với “Nhân gian nằm nghiêng”, Phạm Thúy Quỳnh với “Trăng trong cõi…” Khi nhìn vào sáng tác của những người viết trẻ, ta sẽ thấy một đề xuất khác về lối tiếp cận lịch sử từ nhiều góc cạnh khác nhau.
Vậy hẳn chăng, đây là những dấu hiệu tích cực cho thấy bản lĩnh của các cây bút trẻ hôm nay. Họ không đơn thuần là những dòng mạch riêng rẽ, đơn lẻ mà ở họ đang có những bước dịch chuyển để tiệm cận với nguồn mạch chung của văn chương nước nhà. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tâm cũng nhận định, đi vào một đề tài dài rộng như lịch sử, dù trẻ hay già, sống ở bất kể thời đại nào thì nhà văn luôn bình đẳng trước lịch sử.
Khát khao vuột thoát
Đã qua giai đoạn văn chương chỉ tập trung khai thác vào các đề tài hiện thực như giai đoạn 1930 - 1945, văn học trẻ hôm nay ghi nhận sự xuất hiện của nhiều cây bút phi hiện thực, cho thấy sự đa dạng, rộng mở trong bút pháp, trí tưởng tượng, sức sáng tạo và vốn hiểu biết của những người viết trẻ. Lối văn thiên về kể tả hiện thực đơn nghĩa, đơn giản có chăng đã không còn đủ hấp dẫn với người viết trẻ. Họ khao khát được vuột thoát ra khỏi vùng chữ, vùng thể hiện thông thường để thể nghiệm nhiều điều khác lạ hơn, để thỏa sức vẫy vùng trong khoảng trời tự do mang tên ngôn từ và tưởng tượng, sâu xa trong họ có thể là mong muốn vuột thoát chính mình.
Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng, người viết trẻ hình như đang sống xa rời thực tế; nhiều người thậm chí không hiểu được thế giới diễn ra trong tác phẩm của các cây bút trẻ, họ có thể không hiểu thật hoặc cố tình không hiểu. Là một nhà văn kiêm một nhà phê bình trẻ, nhà văn Hiền Trang băn khoăn: “Tôi không biết tại sao vào thời điểm hiện tại ở Việt Nam, người ta lại thường quy cho các tác giả phi hiện thực như chúng tôi là không có đủ trải nghiệm sống”. Và như để trả lời cho sự băn khoăn của chính mình, nhà văn Hiền Trang khẳng định, cốt lõi của văn chương không phải là vấn đề hiện thực hay siêu thực hay viễn tưởng mà là ngôn từ. Điều này phần nào thể hiện bản lĩnh, sự rắn rỏi của một người trong cuộc. Rõ ràng, văn chương là một cuộc chơi về ngôn từ đầy cam go. Người nào biết cách thu phục những con chữ trong tay mình, hẳn đó là người dễ chiếm phần thắng hơn. Khi hiện thực ngồn ngộn của đời sống hôm nay sục sôi khắp các trang báo, mạng xã hội thì liệu rằng, hiện thực có còn là mối bận tâm lớn nhất của độc giả khi tìm đến văn chương? Hay họ còn mong chờ một điều gì khác, một thế giới nào đó xa lạ hơn, kỳ thú hơn, bay bổng hơn trong một tác phẩm văn học? Ngôn từ, cách viết, cách xây dựng câu chuyện… có thể là thứ tồn tại lâu hơn trong lòng độc giả thay vì việc chăm chăm đi soi xét, so sánh xem tác phẩm đó viết về hiện thực hay phi hiện thực.
Cùng quan điểm với nhà văn trẻ Hiền Trang, nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa cũng cho rằng: “Không thể nói rằng giữa vốn sống thực tế với vốn sống sách vở hay vốn sống tưởng tượng thì vốn sống nào “đắt giá” hơn vốn sống nào, vì vốn sống nào cũng là tài sản lớn của nhà văn, không dễ mà họ sở hữu được”. Tài sản của một người viết không nhất thiết chỉ bó hẹp trong phạm vi của những trải nghiệm thực tế mà đó còn là sự tiếp cận với tri thức, tinh hoa của nhân loại thông qua sách vở. Cả hai đều là tài sản song hành mang tính bổ trợ, tương trợ cho mỗi nhà văn trên hành trình sáng tạo chữ nghĩa. Với những người viết trẻ, điểm mạnh, sự chuyên chú của họ có thể trội hơn về một trong hai loại tài sản nói trên. Mấu chốt là sự thể hiện của họ trong tác phẩm như thế nào mới là điều quan trọng. Đây sẽ là căn cứ nhằm minh chứng cho bản lĩnh, bút lực và sức sáng tạo của đội ngũ các tác giả trẻ hiện nay. Có thể kể tới một số tác phẩm viết theo hướng phi hiện thực được đánh giá cao trong cuộc thi Văn học tuổi 20 ở hai lần trao giải gần đây: Maik Cây với truyện dài “Wittgenstein của thiên đường đen”, Hiền Trang với truyện dài “Chopin biến mất”, Duy Ân với tập truyện ngắn “Nửa lời chưa nói”…
Những vấn đề xoay quanh văn học trẻ sẽ là câu chuyện còn được gợi nhắc, bàn luận, trao đổi nhiều nữa trong các cuộc hội thảo, tọa đàm, talkshow… Để không tự biến mình thành một thứ vật chất liên tục được mang ra cân đo đong đếm, những người viết trẻ cần trui rèn cho mình một bản lĩnh vững chắc, can đảm và bền bỉ từ bên trong. Những lời tán dương, khen ngợi hay những tiếng nói chê bai, chỉ trích từ công chúng, suy cho cùng cũng chỉ là yếu tố ngoại cảnh. Sức mạnh nội lực sâu thẳm bên trong mỗi người viết trẻ mới là điều quan trọng giúp họ bước những bước dài chắc lâu bền trên hành trình vừa cô độc, vừa thú vị mang tên văn chương.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.
Cuộc đối thoại của nhà thơ với thời đại trong thơ ca mang lại hy vọng, nâng cao giá trị con người ngay cả trong thời điểm bi tráng nhất của lịch sử hoặc thời khắc đau khổ nhất của mỗi một số phận. Một nhà thơ đích thực phải biết dùng ngôn ngữ của thơ để chạm vào tâm hồn con người. Không chỉ bằng sự phá vỡ sắc cạnh của lý trí, ngôn ngữ đó cần có thêm cảm xúc của trái tim - những cảm xúc được tái hiện từ chất liệu đời thường.
Nhà văn viết truyện ngắn, tiểu thuyết nếu chỉ kỳ công ở việc tạo cốt truyện, kết cấu tác phẩm, xây dựng nhân vật cùng các mối quan hệ, số phận con người mà quên mất trau chuốt ngôn từ thì sẽ giảm đi nhiều phần giá trị tác phẩm. Để thỏa mãn bạn đọc thì rất cần những trang viết hấp dẫn, lôi cuốn bởi ngôn từ, như miêu tả người và cảnh, diễn đạt trữ tình nội tâm…
Bút danh của nhà báo, nhà văn Việt Nam là một chủ đề phong phú, độc đáo. Đó không chỉ là một cái tên, mà còn ẩn chứa câu chuyện riêng, gắn liền với kỷ niệm, tình cảm và sự sáng tạo. Dù tên thật hay ngẫu nhiên, mỗi bút danh đều phản ánh một phần tâm hồn và hành trình của người viết.
Số 0. Cách viết số 0 đặt trước một, hai số khác (hoặc cả dãy số) đã có từ lâu. Đã nhiều năm rồi ít thấy. Mới đây, cách viết ấy lại xuất hiện nhiều, tạo thuận lợi cho đời sống xã hội thời đổi mới - hội nhập, nhưng cũng gây ra không ít phiền toái và hài hước.
Chữ viết sai chính tả do một số nguyên nhân, mà nguyên nhân chính là phát âm không chuẩn (có nơi không sửa được tật nói ngọng). Bài viết này chỉ nêu một số trường hợp dễ thấy nhất.
Trong trái tim mỗi người con nước Việt, bóng hình đẹp đẽ và thiêng liêng, kiêu hùng và nhân hậu chính là Tổ quốc. Tổ quốc rạng ngời trên trang viết của bao thế hệ đi trước, rồi được kế thừa bởi thế hệ trẻ hôm nay. Mỗi tác giả có một cách thể hiện khác nhau về đề tài Tổ quốc, mỗi tác phẩm là một nét vẽ riêng về dáng hình Việt Nam, góp phần hình thành nên diện mạo chung của đất nước tráng lệ và linh thiêng trong văn chương nghệ thuật. Tiếp nối sự thành công và dấu ấn sâu đậm mà những cây bút thời kỳ trước ma
“Ngày về” được mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc, dễ nhận thấy nhất của làng quê Việt Nam với những giá trị truyền thống thiêng liêng: “Cây đa, bến nước, sân đình/ Con đường gạch lát nối tình xóm thôn”.
Nguyễn Đình Thi là một nhà hoạt động cách mạng lão thành và là người làm văn học nghệ thuật đa tài, nhiều sáng tạo. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, viết báo, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình, và ở lĩnh vực nào, ông cũng thể hiện mình là một bản lĩnh văn hóa lớn. Những chia sẻ của nhà thơ Bằng Việt - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, người đã tuyển chọn và dịch tác phẩm của Nguyễn Đình
Tối 11/12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam long trọng tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm và công bố Giải thưởng Cuộc thi ảnh, video “Việt Nam hạnh phúc - Happy Vietnam” năm 2024.
CLB Giám đốc các bệnh viện khu vực miền Trung chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành… để hướng tới người bệnh và lấy người bệnh làm trung tâm phấn đấu cho mục tiêu cung cấp dịch vụ y tế chất lượng.
Ngày 11-12, Quận ủy Tây Hồ tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn quận Tây Hồ; tổng kết công tác dân vận năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có các quyết định công nhận Lễ hội Điện Huệ Nam (xã Hương Thọ, TP Huế) và Nghề làm bún Vân Cù (xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải khẳng định, thời gian tới, chính quyền Thành phố sẽ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Trong đó có việc cụ thể hóa Luật Thủ đô 2024 để hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu đã được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đặt ra tại Nghị quyết 09-NQ/TU, Chương trình 06-CTr/TU.
Với mong muốn tìm kiếm các tác giả, hoạ sĩ truyện tranh Việt Nam và phát triển nhiều hơn nữa các tác phẩm truyện tranh của Việt Nam, Viện Pháp tại Việt Nam và Nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp tổ chức cuộc thi Sáng tác truyện tranh.
Bắt đầu từ ngày 1/1/2025, Bảo tàng Hà Nội và di tích số 22 Hàng Buồm, Ngôi nhà di sản số 87 Mã Mây sẽ thu phí các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước vào tham quan.
Thực hiện Nghị quyết số 1286/NQ-UBTVQH15 ngày 14/11/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025 thuộc thị xã Sơn Tây (TP. Hà Nội); UBND Thị xã Sơn Tây vừa tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện.
Thành phố Hà Nội quyết tâm tiếp tục đổi mới tư duy, phát huy tinh thần năng động, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để đưa Thủ đô Hà Nội phát triển mạnh mẽ, toàn diện, xứng đáng với vai trò, vị thế Thủ đô của đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới.
Trình bày Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 tại kỳ họp thứ 20, HĐND Thành phố khóa XVI, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải nhấn mạnh, Hà Nội đã đạt nhiều thành tựu nổi bật năm 2024, trong đó văn hóa, con người được quan tâm đầu tư, an sinh xã hội bao phủ toàn diện.