Góc nhìn

Đổi mới thi ca cũng không được xa lạ với con người

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến 29/10/2024 07:36

Cuộc đối thoại của nhà thơ với thời đại trong thơ ca mang lại hy vọng, nâng cao giá trị con người ngay cả trong thời điểm bi tráng nhất của lịch sử hoặc thời khắc đau khổ nhất của mỗi một số phận. Một nhà thơ đích thực phải biết dùng ngôn ngữ của thơ để chạm vào tâm hồn con người. Không chỉ bằng sự phá vỡ sắc cạnh của lý trí, ngôn ngữ đó cần có thêm cảm xúc của trái tim - những cảm xúc được tái hiện từ chất liệu đời thường.

anh-3-tuyen-tap-tho-va-truong-ca-cua-nha-tho-nguyen-viet-chien..jpg

Tài năng và bản lĩnh thi ca phải được thử thách qua thời gian

Sự thật khắc nghiệt, những day dứt đời thường mà nhà thơ phải nếm trải đã dội đập vào trái tim họ đến tức ngực - làm thơ họ bừng tỉnh. Ngòi bút thơ của họ chủ động hơn, tìm tòi vươn tới bề sâu của những vỉa tầng còn ẩn khuất trong đời sống tâm trạng và tinh thần con người, từ đó khai thác và hướng tới những hiệu quả nghệ thuật mới. Khi khắc họa được những nỗi đau, mất mát, thơ đương đại thấm thía và lay động lòng người hơn.

Có thể nói, để có thể thành công trên con đường đầy khó khăn, gian truân của thi ca đích thực, một nhà thơ không thể thiếu tài năng và bản lĩnh. Hai phẩm chất đặc biệt này chưa dễ dàng có ngay được mà phải được mài giũa, trui rèn qua thời gian. Ở góc nhìn sâu hơn, tài năng, bản lĩnh của người viết còn phụ thuộc vào vốn sống và năng lượng sáng tạo nghệ thuật của họ.

Với tôi, để có được tài năng, bản lĩnh thơ là cả một chặng đường sống, viết và trải nghiệm khá dài qua hai mươi năm cầm bút. Các bài thơ đầu tiên tôi in trên báo từ những năm 1969 - 1970 khi đang là học sinh cấp III trường Chu Văn An, Hà Nội rồi vào bộ đội. Nhưng thời gian dài sau đó, tôi chỉ lặng lẽ viết, lặng lẽ thể nghiệm thi ca mà không in ấn. Đến năm 1989 - 1990, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, trong cuộc thi thơ của báo Văn nghệ, tôi mới lặng lẽ gửi “mấy ki-lô-gam thơ” (gần 100 bài thơ và trường ca tôi viết từ hồi chiến tranh trong hai chục năm).

Và sau 2 chùm thơ 6 bài in trên báo Văn nghệ, tôi đã được trao giải Nhì của cuộc thi thơ này. Trong cuộc thi thơ ấy, khi đọc thơ và trường ca của tôi nhà thơ Bế Kiến Quốc đã nhận xét “đến cuộc thi thơ này Nguyễn Việt Chiến mới công bố các “vỉa quặng thơ” còn khuất chìm trong nhiều năm”.

Trước đây, thơ tôi khắc họa nỗi đau chiến tranh với cái nhìn của một nhà thơ yêu nước muốn được sẻ chia với những mất mát, đau thương của dân tộc mình. Sau này, thơ tôi nghiêng về phía khắc họa nỗi buồn của con người thời hậu chiến trong đời sống đô thị công nghiệp hóa đang làm tổn hại thiên nhiên và nghiền vụn thời gian - văn hóa của con người. Nói tóm lại, số phận con người cùng với những khát khao, dằn vặt, yêu thương, đau đớn và mơ ước, hy vọng của họ chính là mối quan tâm lớn nhất của thơ tôi.

Từ thơ siêu thực đến thơ… “siêu” vẹo

Tôi muốn nhắc đến một tài năng thơ, một bản lĩnh thơ rất đặc biệt, đó là nhà thơ Phạm Tiến Duật. Đây là một tài năng thi ca độc đáo, thông minh và rất giàu kiến văn mà tôi đã có một số lần được trò chuyện với ông.

Bàn về giá trị của vần trong thơ ca, nhà thơ Phạm Tiến Duật cho rằng: “Đã từ lâu rồi trên phạm vi toàn cầu, người ta chẳng coi vần là gì cả. Những câu định nghĩa theo kiểu “Thơ là một loại hình văn học sử dụng hình ảnh, vần điệu, nhịp điệu để biểu đạt một tư tưởng, tình cảm nào đó” xem ra quá lạc hậu rồi. Tuyển tập thơ tình Pháp thế kỷ XX có một bài rất ngắn, chẳng những không có vần mà hình ảnh cũng không: “Cao hơn sự đói là sự rét/ Cao hơn sự rét là sự ốm/ Cao hơn sự ốm là sự chết/ Cao hơn sự chết là sự bị bỏ quên”. Đa số người làm thơ không vần ngày một đông lên nhưng không vì thể mà thơ vần điệu ở ta và ở “Tây” nữa mất đi”.

Phạm Tiến Duật cũng đặt ra câu hỏi rất thú vị: “Vần là một hiện tượng ngôn ngữ kỳ diệu. Vần là quầng sáng chói lọi của tiếng nói và trong sự cuốn đi của dòng âm thanh, vần đọng lại trong trí nhớ con người một cách mạnh mẽ. Về mặt ý nghĩa, vần không chỉ tham gia vào thơ như một yếu tố hình thức và còn tham gia trực tiếp vào tôn vinh nội dung nữa. Vần tồn tại trong điệu và do vậy vần tạo nên nhạc. Có lẽ, đến một ngày nào đó, nhân loại tuyên bố sẽ tiêu diệt hoàn toàn câu thơ có vần thì người ngồi ngẩn ngơ buồn trước nhất là ông nhạc sĩ viết ca khúc. Có phải thế không?”.

Sau khi tôi được trao giải Nhì trong cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1989 - 1990, nhà thơ Phạm Tiến Duật (Ban chung khảo) thân mật chia vui với tôi: “Bài thơ Mưa phố vào tranh của chú được chấm điểm rất cao, mấy đoạn thơ có chút màu sắc siêu thực như: “Mưa bay chéo mặt tranh mờ xóa/ Cả vòm trời loang chảy màu sơn/ Những ngôi nhà như đang trượt ngã/ Gọi dìu nhau ở phía bên đường”.

Tôi thú thật: “Dạ, lúc viết bài này, em không nghĩ tới thi pháp siêu thực đâu ạ!”. Phạm Tiến Duật cười, chơi chữ: “Chú không nghĩ tới thì thơ mới thành siêu thực, còn nếu chú mà chủ ý thì nó thành “siêu” vẹo ngay! Vì siêu thực tồn tại khách quan bên cạnh hiện thực như cái say tồn tại khách quan bên cạnh cái tỉnh. Về bút pháp siêu thực thì thời nào cũng có, câu ca dao: “Gió đưa cây cải về trời/ Rau răm ở lại chịu đời đắng cay” là câu có màu sắc siêu thực đấy! Phải truy tìm cái mới. Thơ gì cũng được, thơ siêu đẳng, thơ siêu việt, thơ siêu thực… cốt đừng thành thơ “siêu” vẹo là được”.

Bàn tiếp về tính siêu thực trong thơ, Phạm Tiến Duật phân tích hóm hỉnh: “Thơ của nhóm Xuân thu nhã tập thường được bảo rằng đó là thơ siêu thực nhưng lại rất ít chất siêu thực. Câu “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà” là câu chuyện kể hết mùa ổi đến mùa táo, có gì mà siêu thực? Câu “Nhài đàn rót nguyệt vú đôi thơm” là câu văn tả thực, đẹp, nõn. Thế thôi! Tuy không phải siêu thực mà nó cũng không sa vào “siêu” vẹo. Cứ như Chế Lan Viên lại là người có nhiều câu siêu thực kỳ lạ. Mười sáu tuổi ông đã viết “Ý của ai trú ẩn ở đầu ta” và câu này ở chặng đường sau: “Anh nhớ em như đông về nhớ rét”. Không thể sâu sắc hơn được mà cũng không thể giản dị hơn được”.

Trao đổi về công cuộc đổi mới thơ ngày hôm nay khi không ít nhà thơ đã cho ra đời một số công trình có tính thử nghiệm nhưng chưa đạt hiệu quả, nhà thơ Phạm Tiến Duật thận trọng khi đưa ra quan điểm. Ông cho rằng: “Nếu suy ngẫm kỹ, thấy đòi hỏi thơ cần “lột xác” nhanh chóng là đòi hỏi quá đáng. Chỉ vì một lẽ giản dị: văn học là bộ phận trừu tượng nhất trong tất cả các bộ môn văn nghệ. Hội họa còn là vật chất của hình học và hạt proton của ánh sáng. Âm nhạc còn là vật chất của các bước sóng âm thanh. Tiếng nói và chữ viết là đỉnh cao của khả năng trừu tượng. Vậy nên các nhà thơ cần đổi mới nhưng đừng quá nôn nóng kẻo tự làm hỏng sản phẩm tinh túy của chính mình”.

Theo tôi, với bản lĩnh của người làm thơ, viết về Tổ quốc, về đất nước là đề tài muôn thuở có tính văn hóa - lịch sử và luôn gợi lên cho các nhà thơ rất nhiều nguồn cảm hứng. Ở mỗi thời đại, thời điểm khác nhau, mỗi một thế hệ nhà văn (hoặc mỗi một người sáng tạo) đều tìm đến sự khái quát và tiếng nói riêng của mình trong những sáng tác về đề tài lớn lao, thiêng liêng này. Chính vì vậy, thi ca luôn phải đổi mới cách viết, phải luôn cách tân ngay cả với dạng đề tài có tính lịch sử - chính trị thì mới làm nên bản sắc đa dạng, đa diện và sâu sắc của thi ca Việt Nam qua mấy ngàn năm trường tồn cùng non sông này.

Ngay trong 2 bài thơ về đề tài lớn là “Thời đất nước gian lao” và “Tổ quốc nhìn từ biển”, tôi cũng đã cố gắng đưa ít, nhiều vào trong đó cái nhìn mới có hướng sáng tạo cho những hình tượng thơ được xây dựng xung quanh trục lịch sử - đất nước - con người.

Điều quan trọng nhất: Tuy phải đổi mới nhưng thi ca không được phép xa lạ với con người./.

Bài liên quan
  • Lý luận, phê bình sân khấu: Thực trạng và giải pháp
    Lý luận, phê bình sân khấu là một chuyên ngành khoa học mang trong mình cả lý luận lẫn phê bình. Tức là, phê bình bằng lý luận và lý luận để phê bình. Lý luận là kết quả của quá trình mà con người đúc kết ra kinh nghiệm sáng tạo nghệ thuật sân khấu, mang tri thức khách quan về những quy luật vận động, phát triển của hiện thực nghệ thuật sân khấu.
(0) Bình luận
  • Thú vị ngôn từ
    Nhà văn viết truyện ngắn, tiểu thuyết nếu chỉ kỳ công ở việc tạo cốt truyện, kết cấu tác phẩm, xây dựng nhân vật cùng các mối quan hệ, số phận con người mà quên mất trau chuốt ngôn từ thì sẽ giảm đi nhiều phần giá trị tác phẩm. Để thỏa mãn bạn đọc thì rất cần những trang viết hấp dẫn, lôi cuốn bởi ngôn từ, như miêu tả người và cảnh, diễn đạt trữ tình nội tâm…
  • Mùa xuân vãn chuyện bút danh
    Bút danh của nhà báo, nhà văn Việt Nam là một chủ đề phong phú, độc đáo. Đó không chỉ là một cái tên, mà còn ẩn chứa câu chuyện riêng, gắn liền với kỷ niệm, tình cảm và sự sáng tạo. Dù tên thật hay ngẫu nhiên, mỗi bút danh đều phản ánh một phần tâm hồn và hành trình của người viết.
  • Rắc rối con số
    Số 0. Cách viết số 0 đặt trước một, hai số khác (hoặc cả dãy số) đã có từ lâu. Đã nhiều năm rồi ít thấy. Mới đây, cách viết ấy lại xuất hiện nhiều, tạo thuận lợi cho đời sống xã hội thời đổi mới - hội nhập, nhưng cũng gây ra không ít phiền toái và hài hước.
  • Nói chệch, viết trật
    Chữ viết sai chính tả do một số nguyên nhân, mà nguyên nhân chính là phát âm không chuẩn (có nơi không sửa được tật nói ngọng). Bài viết này chỉ nêu một số trường hợp dễ thấy nhất.
  • Tác phẩm văn học chuyển thể thành phim - nhìn từ "Đất rừng phương Nam"
    Bộ phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, đã vượt mốc 100 tỷ doanh thu phòng vé sau hơn 10 ngày công chiếu.
  • Nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát biển Việt Nam được Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định như thế nào?
    Điều 10, Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát biển Việt Nam.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Định vị Thành phố Sáng tạo qua “Giao lộ Sáng tạo”
    Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 với chủ đề Giao lộ Sáng tạo sẽ tiếp tục khơi dậy và thúc đẩy phát triển công nghiệp sáng tạo cũng như đánh thức di sản, đưa di sản đồng hành cùng sự phát triển của thành phố Hà Nội, phát triển Thủ đô ngày một “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.  Năm nay, Lễ hội diễn ra dọc theo 7 công trình di sản lịch sử tiêu biểu của Hà Nội với hơn 100 hoạt động sáng tạo, góp phần kết nối di sản thủ đô, thúc đẩy các nhà thiết kế trẻ cũng như tiếp tục định vị Thành phố Sáng tạo của Hà Nộ
  • [Podcast] Truyện ngắn: Một giấc mơ xa
    Vân nằm duỗi chân ở sofa, nghe đài mà hai con mắt cứ ríu lại. Jim và Coen vừa theo bố chúng ra ngoài. Ở thị trấn này, trẻ em và những chú cún luôn được thỏa thích dạo chơi. Ánh nắng của buổi sáng đẹp trời chiếu xuyên qua tấm rèm cửa khiến Vân không nỡ ngủ vùi...
  • “Bản đồ” không gian sáng tạo Hà Nội mở rộng, xứng danh Thành phố Sáng tạo
    “Bản đồ” không gian sáng tạo trên địa bàn Hà Nội vẫn liên tục được mở rộng, với nhiều lĩnh vực, phương thức hoạt động đa dạng hơn, từ âm nhạc, thiết kế, thủ công mỹ nghệ cho đến văn hóa truyền thống… Điều này tạo ra kỳ vọng bứt phá mới cho công nghiệp văn hóa Thủ đô, tiếp tục khẳng định Hà Nội là thành viên ưu tú và tích cực trong mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO.
  • Khai mạc Lễ hội hoa tam giác mạch năm 2024
    Lễ hội hoa tam giác mạch lần thứ 10 năm 2024 giúp tôn vinh, quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên, con người, văn hóa truyền thống, thu hút du khách đến với huyện Đồng Văn và tỉnh Hà Giang.
  • Hợp tác giữa Viện Công nghệ và Sức khỏe và Giodan Group: Hướng tới giải pháp nước sạch cho cộng đồng
    Ngày 09/11/2024, tại trụ sở Viện Công nghệ và Sức khỏe thuộc Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ giữa Viện Công nghệ và Sức khỏe với Công ty Cổ phần Giodan Group.
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới thi ca cũng không được xa lạ với con người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO