Góc nhìn

Thú vị ngôn từ

Nhà thơ Phạm Đình Ân 09:42 24/05/2024

Nhà văn viết truyện ngắn, tiểu thuyết nếu chỉ kỳ công ở việc tạo cốt truyện, kết cấu tác phẩm, xây dựng nhân vật cùng các mối quan hệ, số phận con người mà quên mất trau chuốt ngôn từ thì sẽ giảm đi nhiều phần giá trị tác phẩm. Để thỏa mãn bạn đọc thì rất cần những trang viết hấp dẫn, lôi cuốn bởi ngôn từ, như miêu tả người và cảnh, diễn đạt trữ tình nội tâm…

Trước tiên xin dẫn ra hai đoạn văn mà chúng tôi cho là có sức biểu cảm nhất định:

“Em đứng dưới sân, xổ tóc ra trong chậu nước, từ từ chải thật kỹ. Sau cùng nước tráng em vắt nửa quả chấp vào chải tiếp. Nước quả chấp chua làm cho tóc mượt mềm. Em nắm suối tóc sát đầu ngay ngọn nguồn rồi quay vù vù như máy bay lên thẳng. Mái tóc nặng, vóc hình thôn nữ khỏe khoắn lắc dẻo như múa ba lê, phơi cái cổ thon thon tròn nõn chuối. Nước mát li ti, thơm bay lỏa tỏa khắp mặt sân kết cầu vồng trong nắng, tưởng như có thể bay lên được vì tóc em dài lắm” (Trang 11, sách “Chuyện lính Tây Nam” của Trung Sỹ - Nxb Thanh Niên, 2018).

Và một đoạn kể về người chiến sĩ sau nhiều tháng năm ở chiến trường, ngồi trên tàu hỏa vượt đèo Hải Vân ra Bắc, vào một buổi sớm sương mù: “Có gì đó rất thân quen khẽ lướt qua khiến tôi rùng mình nhìn quanh. Thật dịu dàng lan toả, như đã đến từ hoài niệm sâu thẳm, tràn dâng xâm chiếm không gian và xúc cảm. Nhận ra rồi! Xin chào người, không khí quê hương Bắc Việt của tôi, gió mùa đông bắc của tôi. Cơn gió nao lòng nhớ trong những trưa chốt bờ đê khét nắng, những đêm lạnh tiếp cận luồn sâu rừng thẳm nay về đây vuốt mặt. Nâng cửa sổ lên hít một hơi thật đầy lồng ngực bầu không khí lạnh ban mai còn đẫm hương đêm” (sách đã dẫn, tr.182).

Xin dẫn ra cách dùng từ tượng thanh, tượng hình cùng những biện pháp nghệ thuật ngôn từ khác của tác giả này.

Từ tượng hình

“Mặc quần đùi thổng lổng” (tr.7) nói về trẻ em mới lớn. “Hai khẩu 15 ly bên kia đường nhảy lên cầng cẫng” (tr.40). “Nước ruộng phùng phìu lạnh quanh lưng” (tr.68). “Đầu con thú ngúc ngoắc theo kịp đi…” (trên lưng người chiến sĩ), “máu vẫn nhễu ra ở mõm” (tr.257). “Bọn cá măng mồm rỗng vếch ngược, láng nháng đảo qua đảo lại” (tr.251).

Từ tượng thanh

“Khẩu đội đại liên tay trái ăn theo tằng tặc một tràng ngắn” (tr.32). “Tiếng ếch nhái, côn trùng, tiếng rắn trườn hay tiếng chuột chạy bùm bũm” (tr.35). “Những tiếng lọp phọp nhỏ xíu lẫn trong nhiều tiếng nổ khác” (tr.37). “Một loạt AK bên kia bờ bắn sang loác đoác” (tr.67). “Trong đám rễ chùm, cá quẫy sòng sõng” (tr.71). “Tiếng hoét hoét đạn rơi hút gió” (tr.90). “Tiếng anh Khanh trên đại đội chủ công sọt sẹt trong tổ hợp. Địch (…) vừa chạy vừa quay lại bắn léc chéc” (tr.31). “Bỗng đâu toác toác loạt AK” (tr.133). “Tiếng hổ kêu uôm uôm quanh phum” (tr.136). “Cá trắng từng đàn lách phe phé” (tr.142). “Bỗng nghe tiếng rít eo éo. Dưới chân thằng Hải một con rắn chưa từng thấy, bị đè chặt, đang gồng mình mổ côm cốp vào cổ giày” (tr.250).

Tả cảm giác, tả âm thanh bằng hình ảnh

“Nằm ngửa tựa hòn đá mồ côi, thấy nước mắt lùa cát chảy xoi xói dưới lưng thật buồn” (tr.221). “Quả ngô rang, ké đầu ngựa chua nhan nhát” (tr.201). “Ban đêm đụng người, nhím lớn lùi vô bụi rũ lông rù rù dọa nạt, như tiếng người ta đưa vật vào cánh quạt đang quay”.

Nhìn nhận không gian và thời gian trong nhau và cùng chuyển động với con người

“Rừng khộp lúc thưa lúc dày”. Câu văn cho thấy người lính vừa đi vừa nhìn quang cảnh rừng khộp. Đây không chỉ là không gian đứng yên (rừng thưa, dày ở một nơi cố định) mà là không gian thay đổi theo thời gian đối với người đang đi (lúc thưa lúc dày).

Giọng hài hước, ý nhị

“Rừng che bộ đội rừng vây quân thù. Thiên nhiên luôn luôn công bằng với tất cả hai bên, trừ các nhà thơ” (tr.138). “Văn chương in vào đầu còn thuốc lá thì in vào phổi” (tr.217).

Văn tả cảnh, tả người, nếu hay sẽ thôi miên người đọc ở những dòng trữ tình, tài hoa, lịch lãm, trí tuệ, ngôn từ rất gọn và đây đó có chất thơ đưa đầy. Đối với các trích đoạn của tác giả đã dẫn ra trong bài viết này, không gian, cảnh sắc thiên nhiên, hoạt động của chim thú như có hồn của con người. Giọng văn của ông vừa sắc gọn, chát chúa, lại vừa mềm mại, xao xác lại vừa tinh tế, thoáng chút hài hước, ý nhị. Cuộc sống cho nhà văn ngôn từ, và đến lượt mình, tác giả trả lại một cách cao đẹp hơn về hình ảnh, âm thanh, sắc màu cùng xúc cảm nhiều vẻ cho cuộc đời./.

Bài liên quan
  • Nói chệch, viết trật
    Chữ viết sai chính tả do một số nguyên nhân, mà nguyên nhân chính là phát âm không chuẩn (có nơi không sửa được tật nói ngọng). Bài viết này chỉ nêu một số trường hợp dễ thấy nhất.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Thú vị ngôn từ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO