Góc nhìn

PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn: “Người Hà Nội ” luôn giữ được “chất” Hà Nội

Hoa Quỳnh 17:55 06/05/2025

PGS. TS Nguyễn Hữu Sơn là một cộng tác viên có nhiều bài viết chất lượng đăng trên Người Hà Nội, từ những ngày đầu nhà văn Tô Hoài làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội. “Đọc Người Hà Nội, người ta thấy được cái "chất" Hà Nội, thấy được những tâm tư, tình cảm của nhiều cây bút là văn nghệ sỹ tài năng và những câu chuyện, vấn đề của Hà Nội” - PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, chia sẻ.

1. Hành trình trưởng thành, tiến đến “vươn mình” của Người Hà Nội từ ngày thành lập cách đây 40 năm (8/5/1985) đến từ nhiều yếu tố, trong đó không thể không nhắc tới sự cộng tác nhiệt huyết, trách nhiệm, bền bỉ của các cộng tác viên là văn nghệ sỹ Thủ đô, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa – lịch sử, nhà lý luận phê bình văn học. Và PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn là một trong số đó bởi ông cộng tác với Người Hà Nội từ lúc báo mới “chào đời”.

thay-son.jpg
PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn là cộng tác viên của Báo/Tạp chí Người Hà Nội trong 4 thập kỷ qua.

PGS. TS Nguyễn Hữu Sơn chia sẻ, 40 năm trước khi mới cầm bút và cộng tác với “Người Hà Nội”, ông thường có các bài viết về danh nhân, sau đó thử sức với sáng tác văn xuôi - truyện ngắn. “Có nhiều truyện ngắn tôi viết và được đăng trên Người Hà Nội, có thể kể đến các tác phẩm: Tình yêu trên thế gian này, Giã từ thành phố, Bão trong một thành phố...”. Sau quãng thời gian sáng tác, những năm gần đây, PGS. TS Nguyễn Hữu Sơn lại “chăm chỉ” và thường xuyên gửi đến Người Hà Nội các bài viết về lý luận, phê bình, giới thiệu danh nhân văn hóa, chủ quyền biển đảo... Thậm chí, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn còn cho thấy tài năng viết lách khi ông đã có nhiều bút ký được in trên Người Hà Nội, như: Ba ngày một vòng đông bắc Hà Giang, Ba ngày với đảo Cô Tô, Sóng nước Trường Sa, Gặp lại Trường Sa,...

Sáng 8/5/2025 tại Hội trường Bảo tàng Hồ Chí Minh (TP. Hà Nội), Tạp chí Người Hà Nội sẽ long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập (8/5/1985 - 8/5/2025).

Lễ kỷ niệm với điểm nhấn Tạp chí Người Hà Nội vinh dự, tự hào đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước trao tặng; nhiều cán bộ, phóng viên của Tạp chí sẽ được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội; Giấy khen của Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội vì những đóng góp trong việc xây dựng, phát triển Thủ đô; xây dựng và phát triển người Hà Nội văn minh, thanh lịch...

Với thời gian dài cộng tác với Người Hà Nội , PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn cũng rất “hiểu” và “yêu” cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội. Tác giả bút ký Gặp lại Trường Sa, chia sẻ, Tạp chí Người Hà Nội hiện nay và báo Người Hà Nội trước đây, trải qua 40 năm phát triển là một đoạn đường khá dài, qua nhiều các thế hệ lãnh đạo tài năng là nhà văn Tô Hoài, nhà thơ Bằng Việt, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, nhà thơ Vũ Quần Phương... Mỗi giai đoạn Người Hà Nội có một cách thức hoạt động để phù hợp với đời sống xã hội nhưng về cơ bản, Người Hà Nội luôn có sự ổn định của tầm cao, các giai đoạn luôn xuất hiện những tác giả và các tác phẩm thuộc diện nổi trội.

PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn nhận định xu thế, truyền thống của kinh đô Thăng Long được phát huy rất rõ ở Người Hà Nội. Trước hết là đội ngũ tác giả, cộng tác viên từ 4 phương, trước đây được Thăng Long hóa, bây giờ được Hà Nội hóa. Đây là một đặc điểm quy tụ những giá trị, sự phong phú và làm nên một sắc thái Hà Nội hiện tại.

“Trang báo của Người Hà Nội đề cập đến nhiều vấn đề của Thăng Long - Hà Nội làm nên nét đặc trưng của báo chí Thủ đô. Người Hà Nội có sự ổn định nên tạo được mạch truyền thống. Rất nhiều những bài ký, ghi chép, giới thiệu danh nhân, lịch sử, kiến trúc được lan tỏa trên các trang báo của Người Hà Nội. Những Hồ Gươm, Hồ Tây, 36 phố phường cũng được Người Hà Nội khắc họa đậm nét vào trang viết theo nhiều cách thức khác nhau, qua đó đã tạo nên sắc thái Hà Nội xưa và nay. Đọc Người Hà Nội người ta thấy được cái chất Hà Nội, thấy được những cây bút là văn nghệ sỹ tài năng và những câu chuyện, vấn đề của Hà Nội” – PGS. TS Nguyễn Hữu Sơn, nhận định.

but-ky-thay-son.jpg
Một bài bút ký của PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn đăng trên Báo Người Hà Nội, tháng 3/2020.

2. Hành trình thập kỷ đồng hành với Người Hà Nội giúp PGS. TS Nguyễn Hữu Sơn có những góc nhìn, “cảm thụ” đối với Người Hà Nội một cách đầy đủ, đa chiều và sâu sắc. Ông đánh giá Người Hà Nội hôm nay đã kế thừa được những tinh hoa, xây dựng và phát triển thêm “di sản” của những bậc tiền bối để lại, nỗ lực lớn hơn và nhiều hơn để tạo nên những “trái ngọt” mới. Ông tin rằng với bước nền tảng trước đây, nguồn nhân lực hiện tại tài năng, tâm huyết, trách nhiệm, sáng tạo thì Người Hà Nội sẽ vươn mình trong tương lai.

Là diễn đàn văn nghệ của Thủ đô, Người Hà Nội đã thu hút sự cộng tác của nhiều cây bút là văn nghệ sỹ - nhà báo nổi tiếng trên cả nước, trong đó có nhạc sĩ Văn Cao, các nhà thơ: Nguyễn Đình Thi, Tế Hanh, Vũ Cao, Hoàng Cầm, Hữu Thỉnh, Nguyễn Việt Chiến...; các nhà văn Nguyễn Văn Bổng, Hoàng Quốc Hải, Lê Phương Liên...; nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Quốc Vượng; họa sĩ: Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Mai Văn Hiến, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, dịch giả Trần Đương, NSNA Chu Chí Thành...

Theo PGS. TS Nguyễn Hữu Sơn, dù chuyển đổi từ báo sang Tạp chí nhưng Người Hà Nội luôn giữ được một sắc thái rất Hà Nội, tức là những ghi chép về Hà Nội, về tư liệu lịch sử thì xưa, những dấu ấn của hiện đại và đương đại đều có ở Người Hà Nội.

“Hàng loạt ghi chép về cảnh sắc, người Hà Nội, phố Hà Nội, món ăn Hà Nội… là một cái mầm, nó tạo thành cái dòng chảy, có thể nói rất đặc sắc và nó tạo thành cái dòng chủ lưu cho văn hóa Hà Nội. Những bài viết về chủ đề này vẫn tiếp tục được Người Hà Nội khai thác. Còn những vấn đề đương đại, thì chúng ta đặt ta vấn đề kế thừa như thế nào, phát triển ra sao. Những kiến trúc cổ, quy hoạch sông Hồng, chuyện sáp nhập xã phường, đặt tên đường, tên trường… là hiện thực hết sức phong phú của Hà Nội, mà chúng ta tiếp tục khai thác, làm sâu đậm hơn sẽ rất hấp dẫn” – PGS. TS Nguyễn Hữu Sơn, chia sẻ.

Vui mừng nhận thấy Người Hà Nội sẽ được nhận phần thưởng cao quý của Nhà nước trao tặng trong Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập vào ngày 8/5/2025, PGS. TS Nguyễn Hữu Sơn cũng cho rằng Người Hà Nội đứng trước nhiều thách thức lẫn cơ hội. “Có những vấn đề của Hà Nội bây giờ nhiều nơi cập nhật thông tin rất nhanh. Vậy thì Người Hà Nội cũng phải hướng đến những vấn đề lớn hơn, rộng dài hơn. Chẳng hạn các tác phẩm truyện ngắn, thơ của chúng ta không phải theo “mùa vụ” mà hãy mở rộng biên độ, ý nghĩa sâu rộng hơn. Trong cái khó này lại mở ra cơ hội, tức là sự chọn lọc sẽ cao hơn, đặt ra bài toán khó với người viết, làm sao để tác phẩm có tính vấn đề, phải sâu sắc hơn”, tác giả bút ký Ba ngày với đảo Cô Tô, tâm sự.

giao-dien-nhn(1).png
Giao diện Tạp chí điện tử Người Hà Nội với nhiều chuyên mục nổi bật, đặc sắc với nhiều thông tin cập nhật liên tục, trong đó có những bài viết góp sức xây dựng Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, người Hà Nội văn minh, thanh lịch, nghĩa tình.

Dù vậy, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn tin tưởng Tạp chí Người Hà Nội sẽ tiếp tục kết tinh được nhiều ý kiến của các cây bút là hội viên của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, nhiều độc giả Hà Nội và cả nước với sự “thẳng - thật” hướng đến một Thủ đô nói chung, một “Người Hà Nội” nói riêng phát triển hơn nữa. Bởi Người Hà Nội đã, đang phản ánh đầy đủ hơi thở cuộc sống, nhịp đập trái tim Thủ đô trải dài suốt thời Đổi mới đến hiện tại. Nhất là Người Hà Nội luôn định hướng khai thác vốn di sản văn hóa từ truyền thống đến hiện đại là dòng mạch chủ đạo, làm nên cốt cách tinh thần con người Thủ đô.

Báo Người Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 1322/ TCCQ ngày 8/5/1985 của UBND Thành phố Hà Nội. Năm 2021, thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Báo Người Hà Nội chuyển đổi mô hình hoạt động thành Tạp chí Người Hà Nội. Năm 2022, Tạp chí Người Hà Nội ra mắt giao diện mới ấn phẩm điện tử tại địa chỉ: http://www.nguoihanoi.vn, hòa vào dòng chảy báo chí hiện đại trong kỷ nguyên số./.

Hơn thế nữa, các vấn đề văn hóa thời hiện đại và đương đại, Người Hà Nội cũng tiếp cận từ tâm thế ngàn năm văn hiến, đề cao chuẩn mực, hướng tới xây dựng, khẳng định, mở đường là chính, cốt để góp phần hiện thực hóa mục tiêu Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, người Hà Nội văn minh, thanh lịch, nghĩa tình và lan tỏa hình ảnh Thành phố Vì hòa bình, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người./.

Bài liên quan
  • Nhà văn Lê Phương Liên: "Còn có thể gõ bàn phím thì tôi còn viết về Hà Nội, viết cho Người Hà Nội"
    Nhà văn Lê Phương Liên nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam với nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi đặc sắc. Ít ai biết, tác giả truyện ngắn “Câu hỏi trẻ thơ” là cộng tác viên gắn bó với Tạp chí Người Hà Nội suốt 40 năm nay. Nhà văn Lê Phương Liên, chia sẻ: “Tên gọi Người Hà Nội luôn nhắc nhở tôi “dù có đi bốn phương trời” thì cũng luôn nhớ về Người Hà Nội để gửi, viết bài”, và viết bài cho “Người Hà Nội” chính là viết cho quê hương mình.
(0) Bình luận
  • Nhà văn Lê Phương Liên: "Còn có thể gõ bàn phím thì tôi còn viết về Hà Nội, viết cho Người Hà Nội"
    Nhà văn Lê Phương Liên nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam với nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi đặc sắc. Ít ai biết, tác giả truyện ngắn “Câu hỏi trẻ thơ” là cộng tác viên gắn bó với Tạp chí Người Hà Nội suốt 40 năm nay. Nhà văn Lê Phương Liên, chia sẻ: “Tên gọi Người Hà Nội luôn nhắc nhở tôi “dù có đi bốn phương trời” thì cũng luôn nhớ về Người Hà Nội để gửi, viết bài”, và viết bài cho “Người Hà Nội” chính là viết cho quê hương mình.
  • Văn học trong thời đại số - Những cơ hội và thách thức
    Vai trò không thể thay thế của văn học trong việc phản ánh đời sống và truyền tải giá trị nhân văn, đặc biệt trong bối cảnh thời đại số.
  • Đổi mới thi ca cũng không được xa lạ với con người
    Cuộc đối thoại của nhà thơ với thời đại trong thơ ca mang lại hy vọng, nâng cao giá trị con người ngay cả trong thời điểm bi tráng nhất của lịch sử hoặc thời khắc đau khổ nhất của mỗi một số phận. Một nhà thơ đích thực phải biết dùng ngôn ngữ của thơ để chạm vào tâm hồn con người. Không chỉ bằng sự phá vỡ sắc cạnh của lý trí, ngôn ngữ đó cần có thêm cảm xúc của trái tim - những cảm xúc được tái hiện từ chất liệu đời thường.
  • Thú vị ngôn từ
    Nhà văn viết truyện ngắn, tiểu thuyết nếu chỉ kỳ công ở việc tạo cốt truyện, kết cấu tác phẩm, xây dựng nhân vật cùng các mối quan hệ, số phận con người mà quên mất trau chuốt ngôn từ thì sẽ giảm đi nhiều phần giá trị tác phẩm. Để thỏa mãn bạn đọc thì rất cần những trang viết hấp dẫn, lôi cuốn bởi ngôn từ, như miêu tả người và cảnh, diễn đạt trữ tình nội tâm…
  • Mùa xuân vãn chuyện bút danh
    Bút danh của nhà báo, nhà văn Việt Nam là một chủ đề phong phú, độc đáo. Đó không chỉ là một cái tên, mà còn ẩn chứa câu chuyện riêng, gắn liền với kỷ niệm, tình cảm và sự sáng tạo. Dù tên thật hay ngẫu nhiên, mỗi bút danh đều phản ánh một phần tâm hồn và hành trình của người viết.
  • Rắc rối con số
    Số 0. Cách viết số 0 đặt trước một, hai số khác (hoặc cả dãy số) đã có từ lâu. Đã nhiều năm rồi ít thấy. Mới đây, cách viết ấy lại xuất hiện nhiều, tạo thuận lợi cho đời sống xã hội thời đổi mới - hội nhập, nhưng cũng gây ra không ít phiền toái và hài hước.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn: “Người Hà Nội ” luôn giữ được “chất” Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO