Góc nhìn

Nhà văn Lê Phương Liên: "Còn có thể gõ bàn phím thì tôi còn viết về Hà Nội, viết cho Người Hà Nội"

Quỳnh Chi (thực hiện) 05/05/2025 11:30

Nhà văn Lê Phương Liên nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam với nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi đặc sắc. Ít ai biết, tác giả truyện ngắn “Câu hỏi trẻ thơ” là cộng tác viên gắn bó với Tạp chí Người Hà Nội suốt 40 năm nay. Nhà văn Lê Phương Liên, chia sẻ: “Tên gọi Người Hà Nội luôn nhắc nhở tôi “dù có đi bốn phương trời” thì cũng luôn nhớ về Người Hà Nội để gửi, viết bài”, và viết bài cho “Người Hà Nội” chính là viết cho quê hương mình.

Trong không khí hân hoan chào mừng 40 năm kỷ niệm Ngày thành lập Tạp chí Người Hà Nội (8/5/1985 – 8/5/2025), phóng viên Tạp chí Người Hà Nội đã tới thăm nhà văn Lê Phương Liên tại tư gia và có buổi trò chuyện ấm áp, thân tình với chủ nhân Huy chương Vì thế hệ trẻ năm 1981 cùng hai tác phẩm “Những tia nắng đầu” và “Khi mùa xuân đến”.

co-lien.jpg
Nhà văn Lê Phương Liên bên kệ sách với ngăn riêng lưu giữ các số Tạp chí Người Hà Nội.

Căn phòng của nhà văn Lê Phương Liên với những sách, báo bao quanh, trong đó Tạp chí Người Hà Nội được nữ nhà văn dành riêng một ngăn trên kệ sách để lưu giữ cẩn thận. Thân thiện, dễ mến, người phụ nữ Hà thành giọng trong trẻo - nhà văn Lê Phương Liên kể nhiều kỷ niệm, ký ức và cả mong mỏi cá nhân khi cộng tác với tờ báo do nhà văn Tô Hoài đặt tên – Người Hà Nội.

Thưa nhà văn Lê Phương Liên, những kỷ niệm của nhà văn đối với Người Hà Nội ngay từ khi báo mới chào đời là gì?

Nhà văn Lê Phương Liên: Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội trước đây là Hội Văn nghệ Hà Nội, có tập Sáng tác Hà Nội – tiền thân của Người Hà Nội hiện nay. Trụ sở và cũng là tòa soạn Sáng tác Hà Nội ban đầu ở số 47 Hàng Dầu, có rất nhiều văn nghệ sỹ nổi tiếng mà tôi đã gặp khi đến với tòa soạn như họa sỹ Bùi Xuân Phái, nhạc sỹ - họa sỹ Văn Cao, nhạc sỹ Hồ Bắc, Huy Du, Phạm Tuyên; nhà văn Xuân Sách, nhà thơ Thanh Tịnh, Nguyễn Đình Thi, Vũ Cao, Tế Hanh, Hoàng Cầm, Nguyễn Văn Bổng…

Tháng 5 năm 1985 báo Người Hà Nội ra đời, đặt tại 19 Hàng Buồm và tên báo do nhà văn Tô Hoài đặt, ông cũng làm Tổng Biên tập. Tôi nhớ năm 1986, chào mừng kỷ niệm 15 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân Thủ đô, báo Người Hà Nội đã tổ chức một cuộc thi viết về cuộc chiến đấu này và tôi có tham gia viết bài, đạt giải Ba với truyện ngắn “Đêm tan”. Sau đó, tác phẩm này được đăng trong tuyển tập truyện ngắn hay của Việt Nam.

Tiếp nữa, trong một chuyến đi thực tế với Hội Văn nghệ Hà Nội, tôi đã viết truyện “Rừng thu” dành cho thiếu nhi, kể lại một kỷ niệm tại Đức. Truyện ngắn đã được báo Người Hà Nội đăng tải và sau này tác phẩm “Rừng thu” được đưa vào tuyển tập văn học thiếu nhi Việt Nam năm 1995, cũng như nhiều tập truyện ngắn của tôi về sau.

Trong những năm gần đây, tôi vẫn thường xuyên viết, gửi bài cộng tác với báo/tạp chí Người Hà Nội. Thật vui vì Tạp chí Người Hà Nội số tháng 4/2025 kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bài viết về văn học thiếu nhi sau năm 50 năm non sông nối liền một dải của tôi cũng đã được đăng tải. Đây là bài viết tôi rất tâm đắc, đầu tư công phu.

lephuong-lien.jpg
Bài viết của nhà văn Lê Phương Liên đăng trên Tạp chí Người Hà Nội tháng 4/2025 nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đối với tôi, cái tên “Người Hà Nội” do nhà văn Tô Hoài đặt đã hết sức gắn bó với cá nhân tôi, và nó luôn luôn thúc đẩy tôi viết cho tờ báo/tạp chí như viết cho quê hương của mình vì thực sự tôi cũng là người Hà Nội. Đồng thời tên gọi “Người Hà Nội” luôn nhắc nhở tôi “dù có đi bốn phương trời” thì cũng luôn nhớ về Người Hà Nội để viết bài, gửi bài.

Sáng 8/5/2025 tại Hội trường Bảo tàng Hồ Chí Minh (TP. Hà Nội), Tạp chí Người Hà Nội sẽ long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập (8/5/1985 - 8/5/2025).

Tại Lễ kỷ niệm, Tạp chí Người Hà Nội sẽ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước trao tặng vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền về văn hóa, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trong xây dựng văn hóa người Hà Nội văn minh, thanh lịch đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước giai đoạn 2020 - 2023.

Gắn bó với tờ báo (tạp chí) đến nay đã 40 năm, nhà văn có nhận thấy sự “vươn mình” của “Người Hà Nội” không?

Nhà văn Lê Phương Liên: Người Hà Nội đã trải qua nhiều thời kỳ thăng trầm, biến đổi của đất nước nhưng báo/tạp chí Người Hà Nội luôn luôn giữ được bản sắc “Hà Nội”. Ngay từ thời kỳ đầu đã thấy báo có các chuyên mục: Hà Nội xưa, Hà Nội ngày nay hay các phong tục, tập quán, văn hóa… của Thủ đô; truyện cổ tích, danh nhân văn hóa… với sự góp mặt của rất nhiều cây bút là văn nghệ sỹ tên tuổi không chỉ của Hà Nội mà ở cả nước.

Cho đến nay, Người Hà Nội càng đẹp, có nhiều bài viết hay, tác phẩm truyện ngắn, thơ, lý luận phê bình văn học... chất lượng. Các chuyên mục của Người Hà Nội ngay từ những bước đi ban đầu, các bậc tiền bối của báo đã vạch ra những nền nếp cho thế hệ sau, và thế hệ sau đã tiếp nối mạch nguồn ấy để chúng ta vừa có Hà Nội cũ vừa có Hà Nội mới, vừa có các bài viết về văn nghệ đậm nét về Thủ đô lại có cả các bài nghiên cứu, phong tục tập quán, ẩm thực Hà thành...

Tôi tin Người Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển, còn rất nhiều câu chuyện và các sự kiện để Tạp chí thể hiện một hình ảnh Hà Nội vừa có chiều sâu lịch sử - văn hóa mà vừa có nét hiện đại hôm nay.

Tạp chí Người Hà Nội sẽ long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập vào ngày 8/5/2025. Gắn bó với “Người Hà Nội” thời gian dài, nhà văn Lê Phương Liên có góp ý gì để “Người Hà Nội” phát triển hơn nữa?

Nhà văn Lê Phương Liên: Sự kiện kỷ niệm 40 năm thành lập Tạp chí Người Hà Nội rất đặc biệt, đáng quý. Tôi cảm thấy hạnh phúc, may mắn vì hiện vẫn còn được chứng kiến “Người Hà Nội” bước tới tuổi 40. Trên nền móng thế hệ tiền bối đã gây dựng, trong điều kiện, cách tiếp cận mới hiện nay, chúng ta hãy có những cách viết, cách truyền tải phong phú hơn để cho bạn đọc, nhất là giới trẻ tiếp cận được với lịch sử - văn hóa Thủ đô một cách nhẹ nhàng nhất, tức là phù hợp với tư duy của người trẻ.

co-lien-23.jpg
Nhà văn Lê Phương Liên đọc lại những số báo đầu tiên của Người Hà Nội. Nữ nhà văn sinh năm 1951 đã viết cho báo/tạp chí Người Hà Nội ngay từ những ngày đầu thành lập

Tôi cũng mong rằng cách viết của Người Hà Nội hiện nay theo nhịp phong phú, đa sắc của văn hóa – lịch sử Thủ đô để chúng ta hội tụ được những tinh hoa của mọi miền về Hà Nội. Đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Tạp chí Người Hà Nội hiện nay đã được đào tạo bài bản, có chuyên môn và năng lực, vững tay nghề thì có thể sẽ tiếp tục làm nên nhiều thành công, sức sống mới cho cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội nói riêng, Thủ đô Hà Nội nói chung trong thế kỷ XXI.

Vâng, thưa nhà văn Lê Phương Liên, đã đồng hành với Người Hà Nội trong suốt 4 thập kỷ, có khi nào nhà văn muốn “nghỉ ngơi” với Người Hà Nội?

Nhà văn Lê Phương Liên: Khi viết cho Báo/Tạp chí Người Hà Nội tôi phải viết một cách cẩn thận nhất, với tất cả trách nhiệm, tinh thần, trí tuệ của mình chứ tôi không xem Người Hà Nội là một tờ báo của địa phương vì Hà Nội là Thủ đô, và Thủ đô là của cả nước.

Khi nào còn sức lực, còn có thể “gõ bàn phím” (cười tươi) thì tôi còn viết về Hà Nội, viết cho Người Hà Nội dù dưới hình thức nào đi chăng nữa. Và tôi tin cũng có rất nhiều người có cùng khát vọng, cảm nghĩ như vậy. Nếu chúng ta có một cơ quan ngôn luận mang màu sắc riêng về Hà Nội như “Người Hà Nội” thì rất tốt, tạo điều kiện cho nhiều văn nghệ sỹ tâm huyết được thể hiện khả năng, tài năng, tình yêu của mình với Thủ đô nói riêng, đất nước nói chung.

Xin trân trọng cảm ơn nhà văn Lê Phương Liên. Kính chúc nhà văn luôn mạnh khỏe, tiếp tục đồng hành, đóng góp trí tuệ, tâm sức để Tạp chí Người Hà Nội có thêm nhiều tác phẩm báo chí chất lượng, hấp dẫn, đặc sắc…xứng đáng với sự tin yêu của văn nghệ sỹ, bạn đọc Thủ đô và cả nước!

Báo Người Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 1322/ TCCQ ngày 8/5/1985 của UBND Thành phố Hà Nội. Năm 2021, thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Báo Người Hà Nội chuyển đổi mô hình hoạt động thành Tạp chí Người Hà Nội. Năm 2022, Tạp chí Người Hà Nội ra mắt giao diện mới ấn phẩm điện tử tại địa chỉ: http://www.nguoihanoi.vn, hòa vào dòng chảy báo chí hiện đại trong kỷ nguyên số./.

Bài liên quan
  • Nhà thơ Bằng Việt: “Người Hà Nội là bà đỡ cho các sáng tác của văn nghệ sỹ Thủ đô”
    Nhà thơ Bằng Việt – nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, nguyên Tổng Biên tập Báo Người Hà Nội (Tạp chí Người Hà Nội hiện nay) đánh giá, trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, “Người Hà Nội” luôn đứng vững, không ngừng vươn lên. Tác giả bài thơ “Bếp lửa” trong sách Giáo khoa Ngữ văn lớp 8 cũng khẳng định: “Người Hà Nội là nơi chăm sóc, bà đỡ cho các sáng tác của văn nghệ sỹ Thủ đô”.
(0) Bình luận
  • Văn học trong thời đại số - Những cơ hội và thách thức
    Vai trò không thể thay thế của văn học trong việc phản ánh đời sống và truyền tải giá trị nhân văn, đặc biệt trong bối cảnh thời đại số.
  • Đổi mới thi ca cũng không được xa lạ với con người
    Cuộc đối thoại của nhà thơ với thời đại trong thơ ca mang lại hy vọng, nâng cao giá trị con người ngay cả trong thời điểm bi tráng nhất của lịch sử hoặc thời khắc đau khổ nhất của mỗi một số phận. Một nhà thơ đích thực phải biết dùng ngôn ngữ của thơ để chạm vào tâm hồn con người. Không chỉ bằng sự phá vỡ sắc cạnh của lý trí, ngôn ngữ đó cần có thêm cảm xúc của trái tim - những cảm xúc được tái hiện từ chất liệu đời thường.
  • Thú vị ngôn từ
    Nhà văn viết truyện ngắn, tiểu thuyết nếu chỉ kỳ công ở việc tạo cốt truyện, kết cấu tác phẩm, xây dựng nhân vật cùng các mối quan hệ, số phận con người mà quên mất trau chuốt ngôn từ thì sẽ giảm đi nhiều phần giá trị tác phẩm. Để thỏa mãn bạn đọc thì rất cần những trang viết hấp dẫn, lôi cuốn bởi ngôn từ, như miêu tả người và cảnh, diễn đạt trữ tình nội tâm…
  • Mùa xuân vãn chuyện bút danh
    Bút danh của nhà báo, nhà văn Việt Nam là một chủ đề phong phú, độc đáo. Đó không chỉ là một cái tên, mà còn ẩn chứa câu chuyện riêng, gắn liền với kỷ niệm, tình cảm và sự sáng tạo. Dù tên thật hay ngẫu nhiên, mỗi bút danh đều phản ánh một phần tâm hồn và hành trình của người viết.
  • Rắc rối con số
    Số 0. Cách viết số 0 đặt trước một, hai số khác (hoặc cả dãy số) đã có từ lâu. Đã nhiều năm rồi ít thấy. Mới đây, cách viết ấy lại xuất hiện nhiều, tạo thuận lợi cho đời sống xã hội thời đổi mới - hội nhập, nhưng cũng gây ra không ít phiền toái và hài hước.
  • Nói chệch, viết trật
    Chữ viết sai chính tả do một số nguyên nhân, mà nguyên nhân chính là phát âm không chuẩn (có nơi không sửa được tật nói ngọng). Bài viết này chỉ nêu một số trường hợp dễ thấy nhất.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Chuỗi hoạt động mang chủ đề “Tháng Năm nhớ Bác” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
    Hòa trong không khí kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2024), Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức chuỗi hoạt động mang chủ đề “Tháng Năm nhớ Bác” từ ngày 5 đến 31/5/2024. Đây là hoạt động thiết thực nhằm tôn vinh tư tưởng, đạo đức và tình cảm của Bác Hồ dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số; đồng thời là dịp để tôn vinh văn hóa truyền thống, tăng cường giao lưu giữa các vùng miền và quảng bá “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc anh em.
  • Ký ức về cha và bản tình ca ngày thống nhất đất nước
    Từ năm 13 tuổi, tôi theo bố (nhạc sĩ Lê Việt Hòa) ra Hà Nội học tại Nhạc viện, trong khi mẹ vẫn dạy học ở quê, chăm lo cho các em và bà ngoại. Hai bố con sống trong căn phòng nhỏ 16m² trên tầng 2 khu nhà lắp ghép E2, Tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam (128 Đại La).
  • Xứ Đoài - miền đất thiêng, vùng đất thơ
    Có những vùng đất chỉ cần thầm nhắc tên đã khơi dậy bao xúc cảm thi ca như sông Hương - núi Ngự, sông Lam - núi Hồng. Và xứ Đoài, với tâm điểm là núi Tản - sông Đà, cũng là một miền đất thiêng, một vùng đất thơ như thế.
  • Hà Nội ban hành đơn giá xây dựng mới về nhà, nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất
    Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn vừa ký Quyết định số 01/2025/QĐ-UBND về việc Ban hành đơn giá xây dựng mới về nhà, nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất để làm căn cứ tính bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội.
  • Người lao động được nghỉ 4 ngày dịp lễ Quốc khánh 2/9
    Sau kỳ nghỉ Lễ 30/4-1/5, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội được nghỉ lễ Quốc khánh 2025 kéo dài 4 ngày.
Đừng bỏ lỡ
Nhà văn Lê Phương Liên: "Còn có thể gõ bàn phím thì tôi còn viết về Hà Nội, viết cho Người Hà Nội"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO