Công diễn vở chèo cổ “Trinh Nguyên” với bản phục dựng công phu, tâm huyết của NSND Trần Quốc Chiêm
Tối 17/5, tại Rạp Đại Nam, diễn ra buổi sơ duyệt vở chèo cổ “Trinh Nguyên” với bản phục dựng công phu, đầy tâm huyết của NSND Trần Quốc Chiêm. Vở chèo đề cao tình mẫu tử, lòng hiếu thảo và sự thuận hòa giữa anh em cùng cha khác mẹ. Buổi công diễn chính thức sẽ diễn ra vào ngày 24/5 tới đây.

Vở chèo cổ “Trinh Nguyên” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của sân khấu chèo truyền thống Việt Nam. Không chỉ hấp dẫn bởi lối kể chuyện dân gian mộc mạc, vở diễn còn lay động lòng người nhờ thông điệp nhân văn sâu sắc về tình mẫu tử, lòng hiếu thảo và sự gắn bó thiêng liêng giữa anh em khác dòng máu.
Trung tâm của câu chuyện là nhân vật Trinh Nguyên một người phụ nữ tài sắc, đức hạnh, nhưng sớm goá chồng. Một mình tảo tần nuôi hai con thơ Tôn Trọng (con ruột), Tôn Mạnh (con riêng) của chồng nàng không phân biệt máu mủ, yêu thương cả hai bằng tấm lòng bao dung và tình mẫu tử rộng lớn.

Bi kịch bắt đầu khi hai đứa trẻ, Tôn Mạnh và Tôn Trọng, trong một lần đi học về vô tình gặp một xác chết ven đường. Với tấm lòng nhân hậu, chúng quyết định chôn cất nạn nhân. Nhưng rồi “tình ngay lý gian”, hai em bị buộc tội giết người phi tang. Không thể minh oan, hai anh em lại tranh nhau nhận tội để người kia được sống một hành động cảm động thể hiện tình anh em vượt qua ranh giới huyết thống.
Cao trào của vở diễn dâng lên tại phiên toà xử án, khi bà Trinh Nguyên tuyệt vọng đến mức xin được chết thay hai con. Không được chấp thuận, bà nghẹn ngào xin tha cho Tôn Mạnh đứa con riêng đã chịu quá nhiều thiệt thòi và chấp nhận để con ruột mình lĩnh án tử. Sự hy sinh cao cả ấy khiến vị quan xử án cảm động, cuối cùng minh oan cho cả ba mẹ con.

Dân gian có câu “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng”. Thế nhưng, Trinh Nguyên thương yêu con chồng hết mực đã khắc họa một hình tượng người mẹ kế đầy đức hạnh, và rộng hơn là chân dung người phụ nữ Việt Nam giàu lòng nhân ái, biết hy sinh vì người khác.
Vở chèo cổ "Trinh Nguyên" được NSND Trần Quốc Chiêm và NSƯT Đoàn Đình Vinh chỉnh lý, biên soạn; NSƯT Hoài Anh đảm nhận biên đạo múa, NSND Minh Thu hướng dẫn hát truyền thống. Đạo diễn NSND Trần Quốc Chiêm; trợ lý đạo diễn NSƯT Ngọc Ánh; Âm nhạc NS Hùng Cường; thiết kế mỹ thuật Đặng Minh Tuấn; chỉ đạo nghệ thuật NSND Thu Huyền.
Vở diễn quy tụ dàn nghệ sĩ tài năng của Nhà hát Chèo Hà Nội: Nghệ sĩ Quỳnh Trang (vai Trinh Nguyên), nghệ sĩ Kim Liên (vai Tôn Mạnh), nghệ sĩ Bảo Yến (vai Tôn Trọng), nghệ sĩ Nam Cường (vai thầy đồ)…


Đảm nhiệm vai Trinh Nguyên, nghệ sĩ Quỳnh Trang thể hiện trọn vẹn chiều sâu nội tâm nhân vật. Đặc biệt, ở trường đoạn bà mẹ phải chọn giữa hai đứa con, tiếng nấc nghẹn ngào hòa cùng làn điệu chèo da diết đã khiến khán giả không khỏi rưng rưng xúc động.
Dưới cách thức dàn dựng chắc tay cùng kỹ năng điêu luyện của dàn nghệ sĩ, vở diễn đã tạo nên những tình huống cao trào kịch tính, đẩy cảm xúc khán giả lên nhiều cung bậc từ xót xa, căm phẫn, đến vỡ òa hạnh phúc. Trong suốt 120 phút, khán phòng Rạp Đại Nam không còn một chỗ trống, tiếng vỗ tay không ngớt vang lên như lời tri ân với những nghệ sĩ hết mình vì nghệ thuật dân tộc.
Với bản dựng lần này, NSND Trần Quốc Chiêm không chỉ nhằm phục dựng và bảo tồn chèo cổ mà còn là dịp để lớp diễn viên trẻ tiếp cận, học hỏi những vai diễn kinh điển từ thế hệ đi trước. Đây là cách thiết thực để giữ gìn và phát triển nghệ thuật chèo một loại hình đang đứng trước nguy cơ mai một.

“Trinh Nguyên" là 1 trong 7 vở chèo cổ tiêu biểu và chuẩn mực của sân khấu chèo Việt Nam. Với kết cấu chặt chẽ, cốt truyện đơn giản mà giàu nhân văn, tác phẩm này góp phần định hình phong cách cho nhiều vở chèo sau này khẳng định sức sống mãnh liệt của sân khấu truyền thống. Vở diễn xứng đáng là một viên ngọc quý trong kho tàng chèo cổ Việt Nam về tình mẫu tử thiêng liêng và nghĩa tình anh em sâu sắc./.