Góc nhìn

Cái hay của từ nối

Phạm Đình Ân 15:50 14/03/2023

Giáo sư ngôn ngữ học, dịch giả, nhà văn Cao Xuân Hạo từng kể một chuyện vui rằng có một tác giả nọ gửi bài đến tòa soạn báo, bị biên tập viên gạch xóa hết những từ nối thì, là, mà (từ nối loại này có trường hợp được gọi là liên từ, hư từ). Tác giả bài báo quá buồn nhưng bỏ qua vì ông không tin rằng người ta có thể hiểu ra vấn đề.

Một dịp khác, Giáo sư ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dân cũng có bài giải oan cho thì, là, mà; tên bài trùng tên một cuốn sách của ông.
Trong bài viết này xin được nêu một số dẫn chứng về sự hợp lý và cái hay của câu văn khi có chữ thì và chữ mà (xin ẩn danh tác giả của lời nói, câu văn).

1. Chữ thì

- “Mùa thu ở thành phố có vẻ như không mát lắm. Ở miền núi cao quê tôi, mùa thu khác hẳn”. Nên nói “(…) Ở miền núi cao quê tôi thì mùa thu lại khác hẳn”. (Câu này, nếu ở dạng viết thì có thể dùng dấu phẩy thay cho thì, nhưng nghĩa phân biệt khí hậu hai nơi không được nhấn mạnh như mong muốn).

- “Chúng cháu nói mẹ cháu chỉ lắc đầu thôi”. Nên viết (hoặc nói): “Chúng cháu nói thì mẹ cháu chỉ lắc đầu thôi”.

- “Đã túng thiếu, lại còn ghen tuông nữa, vợ chồng lục đục chứ sao”. Nên viết (hoặc nói): “Đã túng thiếu (…) thì vợ chồng lục đục chứ sao”.
- “Thật ra, bác hơi vội vàng, bác gái giận là đúng rồi”. Nên viết (hoặc nói): “Thật ra, do bác hơi vội vàng thì bác gái giận là đúng rồi”. (Ở đây, thì có thể thay bằng cho nên).

Tục ngữ - ca dao có câu rất hay:
Xới cơm thì xới lòng ta
So đũa thì phải so ra lòng người.
Nguyễn Du viết: Đã tu, tu trót qua thì, thì thôi (Truyện Kiều, câu 3048).


2.
Chữ mà

- “Mục tiêu chúng ta phải đạt được là…”. Nên viết: “Mục tiêu mà chúng ta phải đạt được là…”.

- “Bài nói ông ta trình bày trong buổi tổng kết...”. Nên viết: “Bài nói mà ông ta trình bày trong buổi tổng kết…”

- “Đây là một trải nghiệm chúng tôi sẽ nhớ mãi”. Nên viết: “Đây là một trải nghiệm mà chúng tôi sẽ nhớ mãi”.

- “Ông hứa sẽ quay lại ngay, chúng tôi đợi chờ sốt cả ruột”. Nên viết: “Ông hứa sẽ quay lại ngay, thế mà để chúng tôi đợi chờ sốt cả ruột”.
Tục ngữ - ca dao cũng có câu này:

Non cao ai đắp mà cao
Sông sâu ai bới, ai đào mà sâu.
Nguyễn Du viết:
Hoa tàn mà lại thêm tươi
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa.
(Truyện Kiều, câu 2123 - 2124)

3. Thì, mà được dùng cùng một lúc

Nhà thơ Thi Hoàng có hai câu thơ nổi tiếng được làm từ ba bốn mươi năm trước:

Trời thì xanh như rút ruột mà xanh
Cây thì biếc như vặn mình mà biếc
(Những năm mới đây, tác giả bỏ chữ thì ở câu thứ hai, thay bằng chữ cứ. Có lẽ ông muốn bớt đi một chữ trùng lặp? Theo người viết bài này, cứ để nguyên như ban đầu thì hay hơn).

Trong lời giới thiệu cuốn sách hồi ức tuổi thơ “Tôi và làng tôi” của nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự, nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ: “Cái làng tôi mà anh kể trong cuốn sách này là làng Nguyệt Lãng, xã Thiệu Lý, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa, nhưng xem ra cũng chẳng khác gì cái làng Điền Trì ao chuôm đồng bãi của tôi. Thì cũng vẫn là một rẻo đồng bằng”. Nếu lược bỏ đi hai chữ đang được bàn đến thì câu văn chắc chắn sẽ kém hẳn đi sự khúc chiết, uyển chuyển, mềm mại, thân tình đáng có.

Rõ ràng, tại những văn cảnh tình huống nhất định, hai chữ thì, mà rất cần được sử dụng, chúng không hề làm cho câu văn thô thiển, vụng về, vướng víu (phải chăng có người hiểu như vậy?), mà ngược lại, chúng góp phần tăng thêm sự mạch lạc, chắc gọn và làm lộ ra ưu điểm tinh tế của câu văn, lời thơ.

Phạm Đình Ân