Kiến thức văn hóa truyền thống và việc trùng tu di tích

PGS.TS Bùi Xuân Đính | 14/11/2022 10:53

Từ nhiều năm nay ở nhiều địa phương, khi thực hiện trùng tu, tôn tạo một di tích (đình, chùa, đền miếu), dù bằng kinh phí nào, của Nhà nước hoặc từ nguồn xã hội hóa, người ta chỉ quan tâm đến phần “vỏ”, hay phần kiến trúc cơ bản (do chủ đầu tư và đơn vị thiết kế, thi công, đảm nhận); còn phần “ruột”, tức những nội dung trưng bày bên trong thì không có phương án trù tính.

ky-hoa-cong-chua-da-sy(1).jpg
Cổng tam quan chùa Đa Sỹ - Ký họa của họa sĩ Trịnh Đệ.

Đến khi phần “vỏ” sắp hoàn thành, cộng đồng cư dân mới “cuống” lên, với nhiều việc gấp gáp phải làm, song vì thiếu những kiến thức về văn hóa truyền thống và vì sự tùy tiện của một số người mà bộc lộ nhiều bất cập.
Bất cập đầu tiên là viết thượng lương (đòn nóc). Theo thông lệ từ xưa (và giờ đây vẫn được duy trì), thượng lương của tư gia hay một đình, đền, chùa, nhà thờ họ được viết bằng chữ Hán, chữ cuối cùng phải “rơi” vào chữ “Sinh”, còn với ngôi đình, đền thì ứng với chữ “Lão” (cũng nhiều khi dùng chữ “Sinh”), theo hệ quy chiếu “Sinh, Lão, Bệnh, Tử”. Tuy nhiên, ở nhiều làng, đã xuất hiện quan niệm “Chữ Hán là của Trung Quốc, giờ không còn phù hợp, viết lên cũng không có ai đọc được”; hoặc do không tìm được người có thể viết được chữ Hán một cách chuẩn chỉnh, nên đã viết thượng lương bằng chữ Việt, kết hợp với con số Ả Rập để chỉ ngày tháng năm hoàn thành. Vậy là đã xảy ra tranh cãi: viết kiểu này có tính theo hệ quy chiếu “Sinh - Lão - Bệnh - Tử” không?. Người bảo có, người bảo không. Tranh luận mãi cuối cùng đưa ra giải pháp trung hòa: không viết chữ lên đoạn thượng lương ở gian giữa mà chuyển sang các gian bên. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, thượng lương ngôi đình, đền, chùa phải được viết chữ ở gian giữa, vì thế đến đây nảy sinh tranh luận nội dung hàng chữ viết như thế nào cho chuẩn, và khi không đưa ra được giải pháp thì có người được coi là bậc hiểu biết nhất của làng đưa ra hàng chữ theo ý mình, nhưng nhiều người không đồng thuận, nên tranh cãi tiếp tục diễn ra.


Tại một làng thuộc huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội gần đây được ngân sách Nhà nước cấp khoản kinh phí lớn để dựng lại ngôi đền (từ lâu có chức năng như ngôi đình, vì đình chính đã bị hủy hoại trong kháng chiến chống Pháp). Đền có hai tòa: tiền tế và hậu cung, do dịch Covid - 19 nên việc thi công phải kéo dài trong 2 năm. Tòa hậu cung khánh thành năm Canh Tý - 2020, còn tòa tiền tế làm xong giữa tháng Chạp năm Tân Sửu - 2021.


Theo các bậc cao niên trong làng, do làng không có người viết được chữ Hán, nên một người được coi là hiểu biết đã tham khảo các thông tin trên mạng và sự tư vấn của một số người thuộc diện “minh tuệ” ở làng bên, để đưa ra hàng chữ viết cho thượng lương của hậu cung là “Tôn tạo đền làng đắp đền ân đức tuế thứ Canh Tý 2020”; còn hàng chữ ở thượng lượng tòa tiền tế là “Đặt nóc đền ngày 11 tháng Chạp năm Tân Sửu 2022 đại cát”. Sắp đến ngày trấn trạch cho ngôi đền thì tranh luận gay gắt nổ ra về các hàng chữ trên hai thượng lương, rằng, hàng chữ ở cả hai tòa “chẳng ra Hán, chẳng ra Việt, nửa ta (chữ), nửa Tây (con số)”; con số 2022 trên thượng lương của tòa tiền tế là không đúng, vì “năm Tân Sửu” phải là 2021.


Vì sự tranh cãi này mà lễ trấn trạch phải đình lại. Sau đó, một cán bộ xã đã mời một nhà khoa học quen biết về, giúp làng hoàn chỉnh các dòng chữ trên cả hai thượng lương bằng chữ Hán; đồng thời chỉ ra những điểm không hợp lý, thậm chí cả sai sót trong nhiều chi tiết của ngôi đền. Công việc kéo theo một số tốn kém về kinh phí, thời gian, nhân lực và ngày làm lễ khánh thành phải lui lại khá xa so với dự định ban đầu, nhưng đã giải tỏa nỗi băn khoăn, lo lắng của nhiều người, đã “làm yên” được tình hình.
Có thể kể thêm một số bất cập khác từ sự thiếu hiểu biết về văn hóa truyền thống ở một số di tích trong quá trình tu bổ, tôn tạo:


- Đắp hình “Lưỡng long chầu nguyệt” hay “Lưỡng long chầu nhật” trên nóc một di tích? Tại một làng nọ, khi trùng tu ngôi đền, những người thợ đã đắp trên nóc một mặt trăng ở giữa hai đầu rồng chầu vào, với lý do “mặt nguyệt cho dịu hơn, mát hơn” (!?) và vì thế, mặt trăng được quét một lớp sơn màu vàng “cho phù hợp với ánh trăng vàng”. Vậy là xảy ra tranh cãi. Tuy nhiên thực tế cho thấy, ở các đình, đền thờ thần, trên nóc luôn luôn là hình “Lưỡng long chầu nhật” (rồng chầu mặt trời, mặt đỏ rực, xung quanh có tia lửa to, dài), trong khi ở các chùa, đền mẫu, nóc mới đắp “Lưỡng long chầu nguyệt” (mặt tròn giữa hai miệng rồng không có tia lửa tóa ra). Sau khi được các nhà khoa học tư vấn, làng đã thay đôi rồng chầu mặt nguyệt, sơn vàng bằng rồng chầu mặt nhật.


- Đưa cả hạc (đa số là hạc đội rùa), kích thước nhỏ lên ban thờ ở hậu cung và ban thờ ở đại đình (hay tiền tế). Trên thực tế, hạc thể hiện sự thanh cao, đứng trên lưng rùa chỉ sự vững chãi, thường đặt ở dưới đất, ở phía trước hai góc (hoặc hai bên) ban thờ thần, không bày trên ban thờ.
- Tùy tiện đưa thêm ngai, bài vị khác vào gian án trong hậu cung đình, không có sự bàn bạc dân chủ, gây tranh cãi gay gắt, mâu thuẫn trong cộng đồng. Tại một làng thuộc huyện Hoài Đức, một người (không rõ vào thời kỳ nào) có công lớn với làng nên được làng trả ơn bằng nghi lễ: cứ đến ngày giỗ, làng sửa một mâm xôi - thủ lợn đặt vào trên ban thờ hậu cung và mời vong linh người đó về hiến hưởng. Gần đây, sau khi hậu cung được tu bổ, một người tự cho mình là bậc hiểu biết đã đưa vào gian án ở đây một ngai và một bài vị, với lý do “Đây là hậu thần làng”. Việc này đã gây thắc mắc và bức xúc cho nhiều người, nhưng vì vừa không có đủ kiến thức để phản biện, vừa ngại động chạm đến các mối quan hệ “trong họ ngoài làng” nên không dám nói ra hoặc có nói thì cũng không đưa ra giải pháp tháo gỡ, khắc phục, làm cho sự bức xúc trong cộng đồng càng gia tăng, phát sinh các mâu thuẫn. Trên thực tế, người được làng dâng mâm lễ vào hậu cung đình trong ngày giỗ nêu trên chưa hẳn là hậu thần, vì không còn lưu bia hậu thần, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng không có thác bản bia. Mặt khác, đã là hậu thần thì thường có ban thờ, ở sát tường đầu hồi đình (hoặc tường sau ở gian gần cuối), không ở trong hậu cung; ngày lễ của Thành hoàng, làng khấn mời vong linh hậu thần về dự. Tuy nhiên ở làng này, không có lệ đó. Cho đến bây giờ, sự việc trên đây vẫn gây bức xúc cho nhiều bậc cao niên và trung niên trong làng.


Còn có rất nhiều vấn đề bất cập khác từ việc trùng tu di tích ở các địa phương mà bài viết này không thể nêu hết được. Thực tế này cho thấy, khi trùng tu một di tích, rất cần có sự tư vấn tỉ mỉ đến từng chi tiết của các nhà khoa học, nếu không dễ làm sai lệch, gây hiểu nhầm về di tích, gây mâu thuẫn, thậm chí “bất yên” trong cộng đồng dân cư. Chính vị Bí thư Đảng ủy xã của ngôi đền được trùng tu xảy ra nhiều bất cập nêu trên đã phát biểu: “Qua việc này mới thấy quá cần thiết phải trang bị các kiến thức văn hóa truyền thống cho người dân, nhất là cho lớp trẻ”.

Bài liên quan
  •  Đêm mơ Hà Nội...
    Nếu Hà Nội của em là nỗi nhớ/ Xin em đừng để lòng buồn bơ vơ/ Nếu Hà Nội của em là nỗi nhớ/ Xin đừng để anh cứ mãi đợi chờ
(0) Bình luận
  • Thú vị ngôn từ
    Nhà văn viết truyện ngắn, tiểu thuyết nếu chỉ kỳ công ở việc tạo cốt truyện, kết cấu tác phẩm, xây dựng nhân vật cùng các mối quan hệ, số phận con người mà quên mất trau chuốt ngôn từ thì sẽ giảm đi nhiều phần giá trị tác phẩm. Để thỏa mãn bạn đọc thì rất cần những trang viết hấp dẫn, lôi cuốn bởi ngôn từ, như miêu tả người và cảnh, diễn đạt trữ tình nội tâm…
  • Mùa xuân vãn chuyện bút danh
    Bút danh của nhà báo, nhà văn Việt Nam là một chủ đề phong phú, độc đáo. Đó không chỉ là một cái tên, mà còn ẩn chứa câu chuyện riêng, gắn liền với kỷ niệm, tình cảm và sự sáng tạo. Dù tên thật hay ngẫu nhiên, mỗi bút danh đều phản ánh một phần tâm hồn và hành trình của người viết.
  • Rắc rối con số
    Số 0. Cách viết số 0 đặt trước một, hai số khác (hoặc cả dãy số) đã có từ lâu. Đã nhiều năm rồi ít thấy. Mới đây, cách viết ấy lại xuất hiện nhiều, tạo thuận lợi cho đời sống xã hội thời đổi mới - hội nhập, nhưng cũng gây ra không ít phiền toái và hài hước.
  • Nói chệch, viết trật
    Chữ viết sai chính tả do một số nguyên nhân, mà nguyên nhân chính là phát âm không chuẩn (có nơi không sửa được tật nói ngọng). Bài viết này chỉ nêu một số trường hợp dễ thấy nhất.
  • Tác phẩm văn học chuyển thể thành phim - nhìn từ "Đất rừng phương Nam"
    Bộ phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, đã vượt mốc 100 tỷ doanh thu phòng vé sau hơn 10 ngày công chiếu.
  • Nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát biển Việt Nam được Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định như thế nào?
    Điều 10, Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát biển Việt Nam.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Kiến thức văn hóa truyền thống và việc trùng tu di tích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO