Đêm mơ Hà Nội...

Trần Ngọc Quyên| 03/11/2022 00:00

Nếu Hà Nội của em là nỗi nhớ/ Xin em đừng để lòng buồn bơ vơ/ Nếu Hà Nội của em là nỗi nhớ/ Xin đừng để anh cứ mãi đợi chờ

thumb-ha-noi-mua-thu_3(1).jpg

Mùa thu đang sang, mình sẽ thủ thỉ cậu nghe về Hà Nội, về nơi mình thấy trái tim có những rung động thật nhẹ nhàng nhé.

Không biết Hà Nội trong lòng mọi người là thế nào, nhưng đối với mình, Hà Nội luôn gắn với từ “dịu dàng”. Mình luôn có một nỗi nhớ chực sẵn dành cho Hà Nội. Một Hà Nội dịu dàng chuyển mình sang thu, một Hà Nội như cô thiếu nữ, cứ duyên dáng như vậy mà cài lên mái tóc một nhành cúc họa mi còn đọng hơi sương sớm, cứ đáng yêu như vậy mà tô son, điểm phấn cái màu ưng ửng hồng của ráng chiều hoàng hôn cuối trời. Một Hà Nội của mùa hạ rực nắng vàng, nơi mà bằng lăng nở tím cả một góc phố, nơi nắng len lỏi qua tán cây, chiếu rực một con đường. Một Hà Nội đông sang với những xe ngô luộc nóng hổi, bánh đúc nóng, cháo sườn. Mình nhớ Hà Nội vì nơi ấy mình tạm để những bộn bề ở đằng sau và chỉ mang theo yên bình thôi.

Nhà mình ở ngoại thành, cách trung tâm Hà Nội khá xa, tầm 40km. Bởi vì thế nên ngày bé, mình ít được đến trung tâm Hà Nội lắm, lúc nào đến thăm Hà Nội, dù chỉ trong khoảng thời gian ngắn thôi nhưng mình cực kì nhớ những kỉ niệm về Hà Nội. Mình nhớ rất nhiều luôn, lần nào mình đi Hà Nội về mình cũng sẽ ghi hết vào trong quyển sổ của mình, mình kể hết về những nơi mình đã đi, những câu chuyện vui vẻ về Hà Nội, những khoảnh khắc mà mình được đến những quán cà phê, quán ăn cực kì ngon. Mình nhớ hết. Bình thường mình đi du lịch, đi chơi xa ở đâu đó ấy, mình cũng đã nghĩ là: “Mình phải ghi chép lại những trải nghiệm của mình ở đây”, có khi mình mang cả sổ tay đi cơ, nhưng lạ là mình không ghi một chút nào, có lẽ tại vì đi du lịch dù vui nhưng cảm xúc đọng lại nó không được dạt dào như những lần đi Hà Nội về ấy. Ý mình không phải là những nơi mình đi du lịch không đẹp, không hấp dẫn, mà là Hà Nội để lại cho mình ấn tượng từ những điều rất nhỏ. Từ những gánh hàng rong, từ tán cây, ánh nắng, những con phố vừa cũ kĩ vừa hiện đại. Nói chung là những ký ức rất đẹp và đáng yêu.

Có một lần hồi mình mới lớp 8, hồi ấy chị mình còn là sinh viên đại học. Chị lái xe máy đưa mình lên Hà Nội chơi ấy. Phải công nhận là lúc ấy mình vui thật sự, sáng hôm ấy trời mát, mình vẫn nhớ cái màu xanh của bầu trời. Trời xanh thẳm, có vài đám mây bụi mỏng manh. Chị gái đèo mình trên chiếc xe máy, vừa đi vừa kể rất nhiều chuyện thời chị vẫn đi học. Chị nhớ hết tất cả những kí ức về thời học sinh, nhớ rằng chị đã nghịch ngợm thế nào này, đã cố gắng học tập ra sao, rồi nhớ cả chuyện đã thích thầm một anh chàng đến ngây ngô nhưng chẳng dám thổ lộ một lời, cả chuyện anh bạn lớp bên thích chị nhưng chỉ dám nhìn qua cửa sổ cạnh nhà để xe thôi ấy, nói chung là nhiều lắm. Đoạn đường từ nhà di chuyển lên trung tâm Hà Nội khá xa nhưng mình thấy nhanh, vì nghe nhiều chuyện vui quá. Mình cũng thấy những câu chuyện ấy giống mình, thời nào cũng thế, tình yêu ngây ngô tuổi nắng vàng chẳng bao giờ bị phai nhạt đi mà nó biến thành một điều gì đó nhẹ nhàng mà day dứt trong lòng người ta, mãi nhắc cho người ta nhớ đến những ngày tưởng chừng chẳng thể quay lại được.

Mình bắt đầu cảm nhận được hơi thở của Hà Nội bằng sự nên thơ nhưng cũng thật nóng nữa. Nhưng phải công nhận là trong lòng Hà Nội thực sự nóng. Nóng từ những tòa nhà cao, từ lòng đường nhựa, từ xe cộ tấp nập vô cùng. Một điều đặc biệt mình phát hiện ra chính là Hà Nội đón mình bằng rất nhiều đèn giao thông, đi được một lúc là phải dừng đèn đỏ, mà thời gian đèn đỏ rất dài luôn. Mình đã từng đứng chờ đèn xanh ở ngã tư nơi mình ở cực kì nhiều lần rồi nhưng mà thường thời gian trên đèn tín hiệu sẽ nhanh, nhưng khi đợi ở Hà Nội thì lâu lắm. Mình không biết đấy có phải là cảm giác kì lạ của mình không nhưng mình thấy chờ đèn đỏ cũng là một điều hay ho đặc biệt ở mảnh đất Thủ đô này.

Nếu mình yêu nhất là những buổi sáng mùa thu se lạnh ở Hà Nội thì thứ mình yêu thứ hai là tất cả những món ăn Hà Nội. Mình phải nói là nó cực kì cực kì ngon luôn. Nó ngon từ những món lạnh đến món nóng, từ vỉa hè đến những nhà hàng sang trọng. Mình đến Hà Nội cũng chỉ để ăn, ăn và ăn vì những món ăn của người Hà Nội gốc, được người Hà Nội gốc chế biến thực sự rất ngon luôn ấy. Có một lần mình đến Hà Nội, nhưng cũng chẳng biết phải ăn gì cho ngon, kiểu nhiều thứ quá, không biết nên thử món nào. Và mình chọn ăn mì vằn thắn ở số 16 Hàng Bồ. Trời ơi, thực sự là rất ngon luôn ấy. Lúc đi ăn là buổi tối, nó là một quán nhỏ nằm ở vỉa hè, ngay sát bên đường. Mình không phải là một đứa kén ăn nhưng khẩu vị của mình hơi khác so với mọi người. Nhưng mọi người ơi, mì ở đây ngon thật. Sợi mì mềm, ăn cùng với há cảo và bánh hoành thánh, nước dùng có vị cua rất đậm luôn. Mình ăn một lần mà nhớ mãi. Vậy nên, nếu có dịp thì mọi người đến ăn mì vằn thắn ở 16 Hàng Bồ nhé.

Nếu mà đi thăm Hà Nội vào buổi tối thì mình có một lời khuyên chân thành dành cho mọi người là mọi người nên đi bằng xe máy. Thăm phố cổ thì nên đi bộ. Thực sự mình không phải người sống trong lòng Hà Nội và càng không phải là hướng dẫn viên hay ai cả, nhưng đi bộ thăm phố cổ Hà Nội hoặc đi xe máy trên dọc những con đường Hà Nội là cảm giác cực kì tuyệt vời luôn. Đi bộ trong lòng phố cổ sẽ cho mọi người cảm nhận được thành phố đang thức dậy, những con hẻm trong phố cổ không rộng nhưng người đi lại thì rất đông, hết tốp này sang tốp khác ngang ngang dọc dọc. Nếu đi bằng xe ô tô thì mọi người có thể sẽ bỏ qua tiếng người cười nói trộn với còi xe tạo nên một thứ âm thanh đặc biệt không lẫn được của Hà Nội, âm thanh ấy khiến mình chỉ muốn thật nhanh hòa nhanh vào dòng người nhộn nhịp ấy thôi.

Một nơi nữa mà mình thích khi đi chơi ở Hà Nội là phố Tạ Hiện - con phố không ngủ giữa lòng thành phố. Hầu hết những lần đi chơi Hà Nội mình thường được mọi người dẫn đến đây để uống bia. Nói thật là lần đầu tiên đến phố Tạ Hiện mình bị bất ngờ vì view Tạ Hiện giống như HongKong, giống lắm luôn ấy mặc dù mình chưa đi HongKong bao giờ, nhưng mình đã xem rất nhiều những thước ảnh, thước phim về HongKong và cái cảm giác của Tạ Hiện giống lắm luôn ấy. Trời tối là phố lên đèn, đèn tím, đỏ, xanh đủ thứ màu, giống như đang đi dạo trên một con ngõ nhỏ ở phố cổ Hà Nội nhưng lạc luôn sang con phố nào của HongKong ấy. Mình có ngồi uống bia và ăn lẩu ở một góc phố Tạ Hiện, lúc đó mình không biết uống bia, nhưng người ta bảo đến Tạ Hiện là phải uống bia nó mới đúng chất, nên mình cũng thử uống. Công nhận là có nồi lẩu, cốc bia giữa một khu phố đặc biệt thì cực kì vui luôn. Thế nên nếu có dịp thì mọi người có thể rủ hội bạn đi uống bia ở Tạ Hiện nhé. À có một cái là ở phố Tạ Hiện nổi tiếng với những quán bar, pub nổi tiếng Hà Nội, nên mọi người có thể đến những nơi đó để chơi nhé, mình cũng từng nghĩ sẽ đến một quán bar nào đó ở phố này nhưng chưa có dịp. Mọi người chắc chắn phải thử nha.

Hà Nội còn có một thứ mà mình vô cùng yêu, chính là cháo sườn. Cháo sườn Hà Nội nó đặc biệt vô cùng luôn vì nó không phải là cháo như bình thường mình ăn là nó vẫn có những hạt cháo, nhưng mà cháo sườn Hà Nội nó là bột mịn ấy, kiểu bột của em bé nhưng mà ngon lắm, ăn cùng với ruốc và quẩy nóng. Hôm ấy mình bị cảm lạnh nên gọi cháo về ăn để uống thuốc, nhưng cháo ngon thật, ăn xong người mình ấm hẳn lên ấy. Nên lúc nào nhớ về cháo sườn mình cũng cảm giác nó giống như một cái ôm giữa mùa đông, mềm mại, ấm nóng khiến người ta nhớ mãi. Lúc nào mình cũng nói với mấy đứa bạn hay buồn của mình là: “Mày nhất định phải đi ăn cháo sườn nhé” tại vì cháo sườn trong mình là một chút gì đó ôm ấp dịu dàng, an ủi và chữa lành ấy. Vậy nên nếu cậu đang buồn, hãy thử đi ăn một bát cháo sườn xem sao nhá, ít ra nếu nỗi buồn không vơi thì dạ dày của mình cũng được sưởi ấm đó!

Thôi, chúng mình không nói về đồ ăn nữa nhá, vì nếu nói về đồ ăn thì chắc chắn những ngôn từ này sẽ không bao giờ là đủ. Hà Nội trong mình còn là những con đường, là hương hoa và cả tình yêu nữa. Còn có đôi lần bất ngờ gặp mùa thu trên những chiếc xe chở mùa hay trên vài con phố xa. Hà Nội đẹp trong hoa sữa thơm nồng nàn, thoang thoảng, đường phố như được ướp đầy hương, cái mùi hương của mùa thu đặc biệt chẳng lẫn được, cái mùi hương mà ai đó cứ tương tư mãi cả năm dài khi rời xa, để ngày gặp lại cứ đứng tây ngây ngắm nhìn rồi hít căng lồng ngực, hòng ôm trọn được hết cái ngọt ngào đáng yêu vô cùng ấy. Phải chăng vì thế mà nhạc sĩ Hồng Đăng cứ say mãi cái hương ấy rồi thả tình trong từng lời ngân nga: "Hoa sữa vẫn ngọt ngào từng phố đêm đêm". Hà Nội trong hoa cúc vàng trong giỏ xe đạp của một bà lão nào đang chở thu về đến ngõ. Hà Nội trong một góc phố lao xao, một con đường ồn nào, thu đọng lại trong bó cúc hoạ mi cánh trắng mỏng manh nhưng đủ để níu cuộc đời đang xô bộ dừng lại mà nhìn ngắm, nghỉ chân chút thôi để yêu lấy một mùa hoa, nghỉ chân chút thôi để cầm trong tay được tất cả những long lanh xinh đẹp nhất của nàng thu dịu dàng.

Mình nhớ vào những năm tháng tuổi 15, 16, vì biết mình thích hoa cúc họa mi nên lúc nào vào đầu đông, chị gái khi nhìn thấy những xe hoa cúc trên đường Hà Nội thì luôn mua cho mình một bó. Có lần chuẩn bị thi kì thi học sinh giỏi vào năm lớp 10, ngay buổi tối trước hôm mình thi ấy, hôm đó không phải là cuối tuần nhưng chị mình đã mua một bó cúc họa mi rồi phóng xe từ Hà Nội về để đưa cho mình, để chúc mình thi tốt. Và những năm sau cũng vậy, năm nào cứ độ vào đông mình cũng nhận được một bó cúc họa mi trắng ngần tư chị. Có thể là đến bây giờ, chị mình bận rộn hơn với công việc và gia đình nên không có thời gian để tặng mình cúc họa mi như những năm nào nữa, nhưng cúc họa mi vẫn mãi đẹp trong lòng mình, vẫn nhắc nhớ về một Hà Nội đáng yêu, trong trẻo và tinh khôi vô cùng.

Có ai không bồi hồi khi đọc mấy dòng chất chứa tình yêu trong truyện ngắn "Tôi đi học" của nhà văn Thanh Tịnh khi ông viết: "Hằng năm, cứ vào cuối thu, khi lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường". Mùa thu còn đẹp trong những chiếc lá vàng lặng lẽ rời cành rơi rải khắp những con đường xa. Ngồi trong một quán nhỏ nào mà tận hưởng hương trà ấm nóng và trầm ngâm nhìn lá cứ rơi nghiêng nghiêng, ấy có phải lúc thời gian như trôi chậm lại hay không, ấy có phải lúc người ta tạm tách ra khỏi cái ồn ào phố thị để tĩnh lặng lắng nghe tiếng của lòng mình, nghe trái tim thủ thỉ nhẹ nhàng vài câu mà dường như đã lâu người ta quên an ủi chính mình? Lá vàng rơi hay là chính người đang khẽ buông tay ra mà bỏ hết những gì không còn muốn níu giữ, bỏ hết những rối ren mệt mỏi mà bấy lâu không biết thương lấy mình cứ mang theo mãi mà chồng chất khổ đau? Vương vấn mãi trong thơ Nguyễn Đình Thi là cái tình trong trẻo dành cho mùa thu của thủ đô ngàn năm, ông tỏ tình với Thu trong thơ mình rằng:

"Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác heo may

Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy".

Thấy không, Hà Nội nhẹ nhàng ôm lấy người ta để dịu xoa những bộn bề trong lòng, nhẹ nhàng cầm lấy đôi bàn tay để cho người ta được yêu, được cảm nhận những dịu dàng rất thật mà không phải mùa nào lòng người cũng có thể thấy hết được, nhẹ nhàng vỗ về những tâm hồn đang mỏi mệt, đang rã rời vì những nỗi niềm chẳng có tên. Hà Nội là thế, cứ mãi xinh đẹp, an yên, cứ mãi ru người trong giấc mộng của những ngày hạnh phúc ghé đến, của những ngày yêu thương đã vơi nhưng bỗng chốc lại đong đầy…

Sắp tới, mình sẽ được gắn bó với Hà Nội nhiều hơn. Và Hà Nội sẽ là nơi khởi đầu cho một chặng đường mới, trải nghiệm mới và con người mới. Có người nói với mình rằng họ chỉ thấy Hà Nội xô bồ, đông đúc, chật chội và mệt mỏi. Cũng có thể mai này, một lúc nào đó mình cảm thấy thật cô đơn giữa lòng thành phố rộng lớn này, nhưng mình sẽ chẳng bao giờ có thể ghét Hà Nội được, vì mình tin rằng, những con phố xa, hương hoa sữa, những dãy phố cổ, và mùi cốm mới nồng nàn sẽ biết cách ôm ấp mình thật khẽ, biết cách cho mình cảm nhận thật rõ những dịu dàng vẫn luôn ở đó. Hà Nội vẫn ở bên cạnh mình, vẫn mãi an yên và ru mình trong giấc mộng êm ái của một thành phố đặc biệt.

Thu sang, thu Hà Nội biết cách vỗ về người ta bằng những cơn gió heo may nhè nhẹ. Nó nhẹ nhàng nhưng kèm chút se lạnh, bất giác người ta thèm một chút ấm áp nào đó, thèm một chút che chở và vỗ về của yêu thương, của những gần gũi dịu dàng. Người ta bảo gió heo may là cơn gió nhẹ, nhưng lại làm lòng người nổi giông bão. Khi người ta cảm giác thấy có chút lành lạnh, se se là nỗi nhớ về người xưa, về kỉ niệm cũ lại cứ vậy mà ùa về, lúc thì ào ào như là thác lũ, lúc lại nhẹ nhàng mà khó phai. Heo may của mùa thu cũng làm người ta biết mơ mộng vẩn vơ, biết đánh thức dậy những gì tinh khôi nhất trong tâm hồn, biết cho người ta cơ hội được thủ thỉ vài lời với nhau, được sát lại thêm một chút cho gần, cho vơi những chơi vơi chưa thể đong đếm được trong tâm hồn. Chính cái se lạnh ấy làm người ta chợt nhớ ra một điều gì đó đã lỡ quên mất trong những ngày hè vội vàng của thanh xuân, nhớ một ai, một nơi nào mà người ta vội đi nhanh quá mà chưa kịp mang theo chút an yên còn sót lại để cho tâm hồn còn được dịp ngơi nghỉ. Thu Hà Nội về để người nhận ra ấm áp thực sự là ở đâu. Ở đâu trên những hàng cây dài, ở đâu trên mặt Hồ Gươm phẳng lặng sóng gợn lăn tăn, ở đâu trên những hiên nhà ai có mấy chiếc lá vàng rụng xuống. Không phải tìm kiếm, ấm áp ở ngay khoảnh khắc sang thu, ngay khoảnh khắc gặp mùa thu trong những phút giây tình cờ của tháng 9 dịu dàng.

Hà Nội là tình yêu vẫn luôn còn mãi, vẫn nồng nàn, chẳng thế, mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết trong khúc thu ca “Nhớ mùa thu Hà Nội rằng”:

"Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ

Nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu

Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội

Mùa hoa sữa về, thơm từng ngọn gió

Mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ

Cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua”

Đó, một chút nhớ nhung thôi, một chút, nhưng đủ làm trái tim đập những hồi ấm áp, nên thơ.

Hà Nội vẫn luôn là thế, vẫn là tình yêu và rung động ngàn đời...

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Trần Ngọc Quyên. Thông tin về cuộc thi xem tại đây
Bài liên quan
  • Đê La Thành
    Ngày ấy cách đây hơn hai mươi năm, khi tôi làm hồ sơ đăng ký thi vào trường Đại học Văn hóa Hà Nội, bố mẹ tôi giãy nảy lên vì trường tôi nằm ở trên Đê La Thành “ối giời ơi, ở quê mình còn thiếu đê hay sao mà mày lại phải học đại học trên một con đê hả con?”. Kệ bố mẹ, con không biết, người ta xây trường đại học trên đê thì con phải học trên đê thôi chứ con có biết làm sao đâu?
(0) Bình luận
  • Ký ức Hà Nội thời bao cấp qua di sản kiến trúc
    Lịch sử đô thị Hà Nội có tầng tầng, lớp lớp các công trình kiến trúc được chia thành nhiều giai đoạn. Nếu như các công trình kiến trúc Pháp là minh chứng cho bước đầu du nhập văn minh phương Tây thì những công trình mang phong cách kiến trúc Đông Dương lại là sự kết hợp độc đáo giữa văn hóa phương Đông và phương Tây. Những công trình kiến trúc thời kì 1954 - 1986 đã thể hiện một tiếng nói mới, có sự kế thừa, học hỏi và sáng tạo, mang bản sắc kiến trúc Việt Nam, góp phần kiến tạo xã hội trong tâm thế một dân tộc được làm chủ vận mệnh của mình.
  • Đô thị sinh thái Thăng Long - Hà Nội là cơ sở hình thành văn hóa thanh lịch, giá trị sống hướng tới sự an bình
    GS-TS. Đặng Cảnh Khanh - Viện trưởng Viện nghiên cứu truyền thống và phát triển, nhận định, đô thị sinh thái Thăng Long - Hà Nội chính là cơ sở cho sự hình thành văn hóa thanh lịch và giá trị sống hướng tới sự an bình. Sự thanh lịch của con người đô thị Thăng Long, trước hết có lẽ được bắt đầu hình thành từ chính cảnh sắc của Thăng Long – Hà Nội.
  • Văn hóa Thăng Long - Hà Nội trở thành tâm điểm của những sáng tạo và phát triển văn hóa
    Theo GS.TS. Đặng Cảnh Khanh (Viện trưởng Viện nghiên cứu Truyền thống và phát triển), tính chất thanh cao, tôn trọng sự hài hòa và an bình khiến cho văn hóa Thăng Long - Hà Nội trở thành tâm điểm của những sáng tạo và phát triển văn hóa. Bởi vậy, UNESCO phong tặng danh hiệu “Thành phố hòa bình” cho Hà Nội là đúng đắn.
  • Đêm hồ Gươm kỳ diệu
    Sáng rực, lung linh, huyền ảo, thơ mộng - những vòm cây ven hồ sẫm tối nhả ra muôn ngàn trái quả nhấp nhánh như trong một đêm địa đàng, một vườn cổ tích. Ấy chính là quang cảnh hồ Gươm những ngày lễ Tết trong ký ức tuổi thơ tôi.
  • Chuyện ở hàng nước mắm
    Những năm 1958 - 1959, Hà Nội chưa bước vào nền kinh tế bao cấp, các cửa hàng tư nhân lâu đời vẫn hoạt động buôn bán ở khắp các phố phường. Dạo ấy, tôi đã bảy, tám tuổi nên thường được bà ngoại và mẹ sai đi mua những đồ lặt vặt cho gia đình.
  • Kiến trúc Thủ đô (1954 - nay): Dấu ấn qua mỗi chặng đường
    Sau ngày tiếp quản (10/10/1954), từ một thành phố nhỏ bé, với lượng dân số ít, Hà Nội đã vươn tầm trở thành thành phố lớn trong khu vực và thế giới với không gian kiến trúc đô thị đa hệ, giàu bản sắc và phát triển theo hướng văn minh hiện đại. Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, có thể thấy ngành kiến trúc quy hoạch xây dựng đã có những đóng góp đáng kể và để lại nhiều dấu ấn. Đây chính là những bước đệm, tạo đà cho sự phát triển của đô thị Hà Nội trong tương lai.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Nhà văn hoá Nguyễn Đình Thi - người nghệ sĩ tài hoa của Thủ đô và đất nước
    Chiều 12/12/2024, Thành ủy Hà Nội phối hợp cùng Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Báo Nhân Dân và các cơ quan tuyên giáo, văn hóa, văn nghệ tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay” nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhà văn hóa lớn, nghệ sĩ tài năng Nguyễn Đình Thi (20/12/1924 – 20/12/2024). Hội thảo là dịp để nhìn nhận, đánh giá, tôn vinh di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi.
  • Trao giải, triển lãm 62 tác phẩm ảnh “Nghề truyền thống Huế - Mạch nguồn di sản”
    62/561 tác phẩm ảnh chất lượng trong cuộc thi ảnh “Nghề truyền thống Huế - Mạch nguồn di sản” được đưa ra triển lãm và trong đó có 11 tác phẩm của 8 tác giả xuất sắc đạt giải.
  • Tổ quốc trong sáng tác của các cây bút trẻ
    Trong trái tim mỗi người con nước Việt, bóng hình đẹp đẽ và thiêng liêng, kiêu hùng và nhân hậu chính là Tổ quốc. Tổ quốc rạng ngời trên trang viết của bao thế hệ đi trước, rồi được kế thừa bởi thế hệ trẻ hôm nay. Mỗi tác giả có một cách thể hiện khác nhau về đề tài Tổ quốc, mỗi tác phẩm là một nét vẽ riêng về dáng hình Việt Nam, góp phần hình thành nên diện mạo chung của đất nước tráng lệ và linh thiêng trong văn chương nghệ thuật. Tiếp nối sự thành công và dấu ấn sâu đậm mà những cây bút thời kỳ trước ma
  • Nguyên Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến thôi nhiệm vụ đại biểu HĐND TP Hà Nội
    Bà Nguyễn Thị Tuyến, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội và ông Nguyễn Quang Đức, nguyên Trưởng ban Nội chính, được cho thôi nhiệm vụ đại biểu HĐND thành phố do được phân công công tác khác.
  • Cơ hội tăng trưởng cho ngành rau, hoa, quả Việt Nam
    Ngày 12/12, tại Hà Nội đã diễn ra buổi họp báo giới thiệu Triển lãm quốc tế chuyên ngành Công nghệ sản xuất và Chế biến rau, hoa, quả lần thứ 7 (HortEx Vietnam 2025).
Đừng bỏ lỡ
Đêm mơ Hà Nội...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO