Đê La Thành

Vũ Như Hoa| 27/10/2022 19:59

Ngày ấy cách đây hơn hai mươi năm, khi tôi làm hồ sơ đăng ký thi vào trường Đại học Văn hóa Hà Nội, bố mẹ tôi giãy nảy lên vì trường tôi nằm ở trên Đê La Thành “ối giời ơi, ở quê mình còn thiếu đê hay sao mà mày lại phải học đại học trên một con đê hả con?”. Kệ bố mẹ, con không biết, người ta xây trường đại học trên đê thì con phải học trên đê thôi chứ con có biết làm sao đâu?

hoa-696x380.jpg
Đại học Văn hoá nằm trên đường Đê La Thành

Và thật bất ngờ, Đê La Thành không hề giống với những con đê ở quê tôi một chút nào. Bởi vì những con đê ở quê tôi đúng là những con đê, người ta dùng đất đắp lên dọc theo các bờ sông hoặc theo các bờ biển để ngăn nước lũ tràn vào, chiều ngang của những con đê rất hẹp, xe cộ không thể đi lại trên đó được, nếu có xe đi trên đê thì chỉ có là xe đạp và người ta thường phải dắt bộ. Lũ trẻ con chúng tôi thì hay được người lớn cho đi thả diều trên đê vào những buổi chiều hè. Vào những ngày trời mưa thì chúng tôi bị cấm không được bén mảng lên đê, nếu dám lên thì về chết đòn.

Đê La Thành là một con đường hẳn hoi, đường trải nhựa, hai bên đường nhà dân xây san sát, xe cộ đi lại thoải mái ở lòng đường, và không chỉ có trường Đại học Văn hóa, mà bên phải là trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, kế đến và lui xuống dưới chân đê một chút là Nhạc viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, hồi đấy chỉ gọi là Nhạc viện Hà Nội; bên trái là cổng sau của Đài Truyền hình Việt Nam. Ôi giời, là một con đê nổi tiếng thế sao? Trên con đê này, tôi rất dễ dàng bắt gặp các ngôi sao thần tượng của mình ở thời điểm đó, họ cũng bình thường như ai, đi ăn sáng, uống cà phê và đi dép lê, lúc nào lên sân khấu biểu diễn hay lên ti vi thì họ mới long lanh lóng lánh mà thôi.

Sau này khi nhập học, nghe thầy cô giới thiệu thì chúng tôi mới được biết cùng với 36 phố phường, những con phố có tên cổ thì Đê La Thành cũng là con đường cổ mang trong mình những giá trị lịch sử xưa cũ. Đoạn đường Đê La Thành được kéo dài từ ngã năm Ô Chợ Dừa đến ngã ba nơi phố Cầu Giấy nối tiếp phố Kim Mã. Thì ra người ta đắp con Đê La Thành là để bảo vệ kinh thành Thăng Long. Đê ngăn không cho nước tràn vào kinh thành, nơi sinh sống của vua và chính quyền đầu não thời phong kiến. Rõ ràng những con đê ở quê tôi thì bên dưới nó phải là sông hoặc biển đằng này xung quanh Đê La Thành có con sông hay biển gì đâu. Thế mới biết sông Hồng rộng lớn và hung dữ đến thế nào mỗi khi nó dâng nước lên. Đê La Thành cùng với rất nhiều con đê khác trong nội thành Hà Nội là những bức tường thành chắn sóng, chắn nước bảo vệ cho kinh thành xưa kia cũng như bảo vệ cho Hà Nội ngày nay.

Và cũng chính trên con đê lịch sử và cổ kính này, tôi và cô bạn thân của mình đã có một kỷ niệm không bao giờ quên. Nó chỉ diễn ra trong một khoảnh khắc. Bạn tôi chở tôi lao từ trên đê xuống cổng phụ của trường, cổng trường thường được thiết kế cổng chính to ở chính giữa và hai cổng phụ nhỏ ở hai bên. Khi đang lao xuống dốc thì con xe đạp tồng tộc của tôi bị đứt dây phanh, cả hai chúng tôi cùng dùng chân quẹt xuống đất để dừng xe lại và câu đầu tiên mà hai đứa nói với nhau, được bật ra cùng một lúc là “Bạn có bị làm sao không?”. Chúng tôi đều phá lên cười và đều không cần đến câu trả lời. Chúng tôi đều rất quan tâm tới bạn của mình. Đứt dây phanh thì có sao, học đại học trên một con đê thì có sao? Đê La Thành, một con đường không quá dài đã lưu giữ những khoảnh khắc thanh xuân của tôi và của biết bao người. Quê tôi những ngày này đang có bão, bỗng thấy nhớ con Đê La Thành sừng sững đem đến cho tôi cảm giác yên bình, nhớ Hà Nội xiết bao…

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Phạm Như Hoa. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.
Bài liên quan
  • Hoa sữa rơi, gói thu vào những kỉ niệm mùa xa
    Hà Nội những ngày tháng mười, tiết trời đã thật thu. Heo may ùa vào trong phố, cái lạnh se se dường như làm cho mùi hoa sữa ngọt hơn. Mùi hương ấy vấn vít len vào tận cửa phòng. Đứng bên cửa sổ, cơn gió heo may phả chút hương hoa rất mỏng lướt qua. Chợt bâng khuâng nhớ về những mùa đã cũ. Tôi nhớ mùi hoa sữa lẩn khuất trong làn gió lạnh hanh hao năm nào và chợt nhận ra tuổi thanh xuân của mình cũng vương mùi hoa sữa.
(0) Bình luận
  • Nhớ gì khi xa Hà Nội
    Thanh xuân tươi đẹp nhất của tôi gắn bó cùng Hà Nội. Đó là quãng đời sinh viên tươi vui, hồn nhiên được cùng các bạn đồng trang lứa sinh sống và học tập giữa lòng Thủ đô, dưới mái trường Học viện hành chính Quốc gia. Lần đầu tiên bước ra khỏi ngưỡng cửa an toàn của gia đình, Hà Nội đã hiếu khách đón nhận, ôm tôi vào lòng, gieo vào tâm hồn thật nhiều kỉ niệm đặc biệt. Để rồi sau khi ra trường, trở về quê hương công tác, lòng tôi lại bồi hồi xao xuyến mỗi khi nhớ về Hà Nội với những hồi tưởng xuyến xao về quãng đời sinh viên.
  • Tô thắm Hà Nội bốn mùa hoa
    Có lẽ hiếm có Thủ đô của đất nước nào trên thế giới lại có đủ thời tiết đặc trưng của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, cùng với đó là thiên nhiên tuần hoàn luân chuyển quay vòng bốn mùa như Hà Nội. Để tạo nên diện mạo của Thủ đô, ngoài các công trình kiến trúc, danh lam thắng cảnh… thì còn có cả hệ thống cây xanh và hoa cỏ được trồng khắp các nẻo đường của Hà Nội.
  • Một thoáng Thủ đô, một đời vương vấn
    Tôi đến Thủ đô vào một ngày hè chói chang nắng lửa. Cảm giác nóng nực không ngăn nổi sự hiếu kì trong tôi về mảnh đất ngàn năm văn hiến, về những con người tao nhã, văn minh. Tôi thả hồn phiêu diêu qua từng con phố, lắng tai nghe nhịp thở của Hà thành mà nao nao hồi tưởng về những điều mình đã đọc, đã biết về lịch sử, con người nhân kiệt nơi đây.
  • Giai nhân trong bức ảnh Hà thành bất tử
    Nhân dịp 70 năm giải phóng Thủ đô xin được dâng truyện ngắn này như một nén nhang thơm để tưởng nhớ những nghĩa sĩ anh hùng đã dâng hiến đời mình cho cuộc chiến đấu giải phóng Thủ đô. Trong đó có vợ chồng ông Hai Hiên. Hai Hiên - vị lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa “Hà thành đầu độc” năm 1908. Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng đã làm chấn động 3 cõi Đông Dương khiến Paris phải run sợ. Ông Hai Hiên lúc đó mới ngoài 30 tuổi, bị thực dân Pháp xử tử chặt đầu, rồi treo thủ cấp ở Cửa Đông thành, nhằm uy hiếp tinh th
  • Nắng thu theo lối tôi về Hà Nội
    7 giờ sáng, đáp xuống nơi Thủ đô, trái tim của cả nước, tôi lại càng tự hào vì là người con Việt Nam. Đã lâu lắm rồi, kể từ ngày tôi xa nơi đây, hân hoan lắm, 7 tiếng trên máy bay đem tôi về quê nhà. 7 năm xa nhà, tôi từ nơi xa học và làm việc trở về nhưng ký ức của tôi và nơi này không thể xóa nhòa. Từ trên máy bay và từ sân bay về trung tâm, tôi càng thấy sự thay đổi rõ rệt của một Hà Nội chuyển mình, hiện đại, văn minh.
  • Cả nhà ước năm mới
    Đêm 30, sau khi tôi và Thạo (con cả của tôi) chuẩn bị xong mâm cúng giao thừa, như đã thống nhất, cả nhà quây quần bên bàn trà để cùng nhau mơ ước.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Đê La Thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO