Đê La Thành

Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi - Ngày đăng : 19:59, 27/10/2022

Ngày ấy cách đây hơn hai mươi năm, khi tôi làm hồ sơ đăng ký thi vào trường Đại học Văn hóa Hà Nội, bố mẹ tôi giãy nảy lên vì trường tôi nằm ở trên Đê La Thành “ối giời ơi, ở quê mình còn thiếu đê hay sao mà mày lại phải học đại học trên một con đê hả con?”. Kệ bố mẹ, con không biết, người ta xây trường đại học trên đê thì con phải học trên đê thôi chứ con có biết làm sao đâu?
hoa-696x380.jpg
Đại học Văn hoá nằm trên đường Đê La Thành

Và thật bất ngờ, Đê La Thành không hề giống với những con đê ở quê tôi một chút nào. Bởi vì những con đê ở quê tôi đúng là những con đê, người ta dùng đất đắp lên dọc theo các bờ sông hoặc theo các bờ biển để ngăn nước lũ tràn vào, chiều ngang của những con đê rất hẹp, xe cộ không thể đi lại trên đó được, nếu có xe đi trên đê thì chỉ có là xe đạp và người ta thường phải dắt bộ. Lũ trẻ con chúng tôi thì hay được người lớn cho đi thả diều trên đê vào những buổi chiều hè. Vào những ngày trời mưa thì chúng tôi bị cấm không được bén mảng lên đê, nếu dám lên thì về chết đòn.

Đê La Thành là một con đường hẳn hoi, đường trải nhựa, hai bên đường nhà dân xây san sát, xe cộ đi lại thoải mái ở lòng đường, và không chỉ có trường Đại học Văn hóa, mà bên phải là trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, kế đến và lui xuống dưới chân đê một chút là Nhạc viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, hồi đấy chỉ gọi là Nhạc viện Hà Nội; bên trái là cổng sau của Đài Truyền hình Việt Nam. Ôi giời, là một con đê nổi tiếng thế sao? Trên con đê này, tôi rất dễ dàng bắt gặp các ngôi sao thần tượng của mình ở thời điểm đó, họ cũng bình thường như ai, đi ăn sáng, uống cà phê và đi dép lê, lúc nào lên sân khấu biểu diễn hay lên ti vi thì họ mới long lanh lóng lánh mà thôi.

Sau này khi nhập học, nghe thầy cô giới thiệu thì chúng tôi mới được biết cùng với 36 phố phường, những con phố có tên cổ thì Đê La Thành cũng là con đường cổ mang trong mình những giá trị lịch sử xưa cũ. Đoạn đường Đê La Thành được kéo dài từ ngã năm Ô Chợ Dừa đến ngã ba nơi phố Cầu Giấy nối tiếp phố Kim Mã. Thì ra người ta đắp con Đê La Thành là để bảo vệ kinh thành Thăng Long. Đê ngăn không cho nước tràn vào kinh thành, nơi sinh sống của vua và chính quyền đầu não thời phong kiến. Rõ ràng những con đê ở quê tôi thì bên dưới nó phải là sông hoặc biển đằng này xung quanh Đê La Thành có con sông hay biển gì đâu. Thế mới biết sông Hồng rộng lớn và hung dữ đến thế nào mỗi khi nó dâng nước lên. Đê La Thành cùng với rất nhiều con đê khác trong nội thành Hà Nội là những bức tường thành chắn sóng, chắn nước bảo vệ cho kinh thành xưa kia cũng như bảo vệ cho Hà Nội ngày nay.

Và cũng chính trên con đê lịch sử và cổ kính này, tôi và cô bạn thân của mình đã có một kỷ niệm không bao giờ quên. Nó chỉ diễn ra trong một khoảnh khắc. Bạn tôi chở tôi lao từ trên đê xuống cổng phụ của trường, cổng trường thường được thiết kế cổng chính to ở chính giữa và hai cổng phụ nhỏ ở hai bên. Khi đang lao xuống dốc thì con xe đạp tồng tộc của tôi bị đứt dây phanh, cả hai chúng tôi cùng dùng chân quẹt xuống đất để dừng xe lại và câu đầu tiên mà hai đứa nói với nhau, được bật ra cùng một lúc là “Bạn có bị làm sao không?”. Chúng tôi đều phá lên cười và đều không cần đến câu trả lời. Chúng tôi đều rất quan tâm tới bạn của mình. Đứt dây phanh thì có sao, học đại học trên một con đê thì có sao? Đê La Thành, một con đường không quá dài đã lưu giữ những khoảnh khắc thanh xuân của tôi và của biết bao người. Quê tôi những ngày này đang có bão, bỗng thấy nhớ con Đê La Thành sừng sững đem đến cho tôi cảm giác yên bình, nhớ Hà Nội xiết bao…

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Phạm Như Hoa. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Vũ Như Hoa