Văn hóa – Di sản

Đoàn Thị Điểm – Nữ Học sĩ tài danh

Nguyễn Thanh Tùng 09/11/2023 17:20

Đoàn Thị Điểm, tên tự là Hồng Hà, có sách ghi là Hồng Hà nữ tử, Hồng Hà nữ sĩ hoặc Hồng Hà phu nhân, biệt hiệu Ban Tang (?), sinh năm Ất Dậu (1705), quê làng Hiến Phạm (sau đổi thành Giai Phạm), huyện Văn Giang, xứ Kinh Bắc (nay thuộc huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Tổ tiên Đoàn Thị Điểm vốn họ Lê, đến đời cha bà là Đoàn Doãn Nghi, đi thi Hội không đỗ mới quyết định đổi sang họ Đoàn. Đoàn Doãn Nghi thi đỗ Hương cống, làm quan đến chức Điển bạ. Mẹ bà là bà Võ thị (con ông Thái lĩnh bá họ Võ, ngụ ở phường Hà Khẩu, Thăng Long - nay là phố Hàng Bạc, Hà Nội), vợ kế ông Nghi. Anh trai bà là Đoàn Doãn Luân, đỗ Giải nguyên trường thi Kinh Bắc, nhưng không làm quan ở nhà dạy học.

doan-thi-diem.jpg
Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (Ảnh internet).

Ngay từ trẻ, Đoàn Thị Điểm đã được tiếng là xinh đẹp, thông minh, hay chữ. Năm 15 tuổi, tiếng tăm văn chương của bà đã vang xa. Năm bà 16 tuổi, Thượng thư Lê Anh Tuấn (? - ?) - thầy học của cha bà - mến mộ, ngỏ ý nhận bà làm con nuôi và định tiến vào làm cung nhân trong phủ chúa Trịnh, nhưng bà không chịu. Theo giai thoại, để tránh phiền phức của việc này, bà cùng gia đình người anh là Giám sinh Đoàn Doãn Luân chuyển nhà đến chỗ cha đang dạy học là làng Lạc Viên, huyện Yên Dương, phủ Kiến An (nay thuộc quận Kiến An, thành phố Hải Phòng). Năm 1729, cha mất, Đoàn Thị Điểm cùng với gia đình người anh là Đoàn Doãn Luân đưa linh cữu cha về quê an táng và ở lại quê nhà. Trước đây, Đoàn Doãn Nghi đã hứa hôn con trai mình với cô con gái út của ông tiến sĩ họ Lê - cô này sau khi làm lễ vấn danh thì bị bệnh đậu mùa, mặt rỗ rất xấu xí, nhưng ông Luân vâng lời dạy của cha vẫn cưới cô gái ấy và sống với nhau khá hạnh phúc. Do chị dâu dung mạo khó coi nên mọi việc giao thiệp, thù tiếp của gia đình, Đoàn Thị Điểm đều phải đứng ra cáng đáng.

Bà tỏ ra khôn khéo, bặt thiệp, lanh lợi nên được đương thời ca tụng. Không lâu sau, gia đình bà lại chuyển đến ngụ ở làng Vô Ngại, huyện Đường Hào (nay thuộc huyện Yên Mỹ, Hưng Yên). Rồi Đoàn Doãn Luân mất, gia đình bà lại chuyển lên xã Sài Trang, cùng huyện Đường Hào. Một mình bà lúc làm thuốc, khi dạy học để kiếm tiền nuôi mẹ già và giúp đỡ chị dâu nuôi dưỡng hai cháu nhỏ. Nhiều người mến mộ đến hỏi bà làm vợ, trong đó có những người có tiếng khoa danh, quyền quý (như giai thoại nói đến Hoàng giáp Vũ Diệm, Tiến sĩ Nhữ Đình Toản, Tiến sĩ Nguyễn Công Thái,...), nhưng vì việc gia đình, bà đều từ chối. Theo gia phả, để tránh bị việc cầu hôn quấy nhiễu, bà đã nhận lời một bà phi quê ở huyện Mỹ Hào, vào cung dạy học, giữ chức Cung trung giáo tập. Năm 1739, bà lại đưa cả gia đình về xã Chương Dương, huyện Thường Tín, Hà Nội và mở trường dạy học. Năm 37 tuổi (1742), sau một lời cầu hôn bất ngờ và chân thành, Đoàn Thị Điểm nhận lời làm vợ kế ông Binh Bộ Thị lang Nguyễn Kiều (1695 - 1752), người làng Phú Xá, huyện Từ Liêm, phủ Phụng Thiên, Thăng Long (nay thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội), đỗ Tiến sĩ năm 21 tuổi, nổi tiếng hay chữ đương thời, lúc đó vừa 47 tuổi nhưng đã góa hai đời vợ. Bà theo chồng về sống ở kinh đô Thăng Long. Chưa đầy một tháng đoàn viên, Nguyễn Kiều phải phụng mệnh đi sứ Trung Quốc. Sứ bộ lên đường năm 1743 nhưng đến 1745 mới hoàn thành công việc trở về, thời gian đi sứ ngót nghét 3 năm đằng đẵng. Trong thời gian này, bà ở nhà vừa lo cho gia đình nhà chồng vừa lo việc nhà mình. Cũng trong quãng thời gian này, Đoàn Thị Điểm được cho là đã diễn Nôm bản Chinh phụ ngâm khúc (Hán văn) của Đặng Trần Côn và viết tập truyện chữ Hán Truyền kì tân phả. Ngoài ra, tương truyền bà còn để thời gian nghiên cứu thiên văn, bói toán đến mức độ tinh thông, linh nghiệm. Năm 1748, Nguyễn Kiều đi sứ trở về lại được lệnh bổ làm Đốc đồng (hoặc Tham nghị) trấn Nghệ An, Đoàn Thị Điểm theo chồng vào đất này. Trên đường đi, bà bị nhiễm bệnh nặng, chạy chữa không khỏi. Đến Nghệ An, một phần nhớ người thân lại thêm lạ nước lạ cái, bệnh tật ngày càng trầm trọng. Ngày 9 tháng 11 năm Mậu Thìn (1748), Đoàn Thị Điểm qua đời ở tuổi 44. Bà được đưa về quê chồng an táng. Hiện mộ Đoàn Thị Điểm vẫn nằm ở xã Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Nguyễn Kiều thương tiếc bà khôn xiết và có làm bài văn tế rất cảm động, trong đó có đoạn như sau: “Người dẫu trăm thân cũng khôn chuộc, hận đến nghìn đời cũng chẳng cùng. Kìa những người đàn bà ngu bướng, người ta thường sống lâu tuổi hạc da mồi, cớ sao người tài hoa tót bậc dường này mà phúc lộc lại rất mỏng manh? Tội nghiệp thay nương tử, ở yên không có chỗ, nối dõi không có con, ngoài ba mươi tuổi mới lấy chồng, hơn bốn mươi tuổi đã tạ thế, vùi âm dung ở một chỗ, ném tài nghệ vào khoảng không, trốn bà từ mẫu đã già, bỏ mấy cháu côi còn dại, há chẳng phải là mệnh trời bất thường mà tạo vật cũng bất công hay sao? Luống để cho người chồng góa bụa, thở ngắn than dài, ruột sầu đau thắt, mắt lệ tuôn rơi. Việc nhà bề bộn, ai người trông nom? Cư xử nhỡ lầm, ai người ngăn bảo? Thơ muốn viết ra, ai người bình phẩm? Sách muốn xem chung, ai người bầu bạn? Mùa thu có trăng, cùng ai thưởng nguyệt! Vẻ đẹp ngày xuân, ai người cùng ngắm? Than ôi! Đường chia hai ngả, duyệt đứt sáu năm, vui ít sầu nhiều, tài dài mệnh ngắn...” (Trúc Khê Ngô Văn Triện dịch).

Mặc dù bị bao quanh bởi nhiều giai thoại nhưng trên thực tế, sự nghiệp văn chương của Đoàn Thị Điểm được xác lập chủ yếu nhờ 2 tác phẩm: Truyền kì tân phả và bản diễn Nôm Chinh phụ ngâm khúc. Bản diễn Nôm hiện hành, cũng là bản diễn Nôm hay nhất trong số 7 bản diễn Nôm Chinh phụ ngâm khúc hiện còn từ lâu vẫn được cho là do Đoàn Thị Điểm soạn. Từ năm 1926, lưu truyền một giả thuyết khác cho rằng bản diễn Nôm hiện hành này là của Phan Huy Ích với nhiều chứng lí không phải không có sức thuyết phục. Tuy nhiên, rốt cuộc bản quyền đích thực của bản này thuộc về ai vẫn là một vấn đề còn tranh luận trong học giới. Dẫu sao, trong số 7 bản diễn Nôm hiện còn, chắc chắn có một bản của Đoàn Thị Điểm và bà cũng là người đầu tiên đã diễn nguyên tác Hán văn ra quốc âm theo thể thơ song thất lục bát. Việc làm đó thể hiện tài năng thơ ca quốc âm của bà cũng như đặt nền móng cho sự ra đời của thể ngâm khúc trong lịch sử văn học Việt Nam. Bản diễn Nôm cũng là một cách để Đoàn Thị Điểm giãi bày hoàn cảnh và tâm sự của bản thân cũng như nói lên tiếng nói đồng cảm, xót thương cho số phận của người phụ nữ có chồng đi xa, đi đánh trận trong một cuộc đời còn nhiều bể dâu, bất trắc. Nhiều nhà nghiên cứu đã liên hệ hoàn cảnh của người chinh phu - chinh phụ trong Chinh phụ ngâm khúc với bối cảnh xã hội thời Lê - Trịnh khoảng giữa thế kỉ XVIII và chỉ ra tính chất hiện thực và nhân đạo của tác phẩm. Theo đó, người chinh phu ra đi từ kinh thành “Tràng An” mang tính ước lệ còn người chinh phụ ở lại trong niềm nhớ nhung, sầu muộn và khát vọng bình an. Rất có thể khi viết tác phẩm, Đặng Trần Côn đã dựa trên nguyên mẫu là những cặp vợ chồng đất Thăng Long chia li vì chiến trận và Đoàn Thị Điểm thì thể nghiệm vào hoàn cảnh của mình, một người theo chồng đến sống ở đất Thăng Long, nhưng cũng nhanh chóng phải tiễn chồng lên đường vì công vụ quốc gia. Vì thế, nhiều người có thiện cảm trong việc dành “bản quyền” bản diễn Nôm hiện hành cho Đoàn Thị Điểm như một sự cảm thông, khâm phục đối với số phận và tài năng của bà. Bên cạnh tài thơ quốc âm, Đoàn Thị Điểm cũng chứng tỏ được tài văn chương chữ Hán điêu luyện của mình với tập Truyền kì tân phả (còn gọi là Tục truyền kì). Bản in Truyền kì tân phả hiện nay có 6 truyện (Đền thiêng ở Hải Khẩu, Liệt nữ ở An Ấp, Nữ thần ở Vân Cát, Cuộc gặp gỡ lạ kì ở Bích Câu, Cuộc nói chuyện giữa cây tùng và cây bách, Rồng hổ tranh lạ), trong đó chắc chắn có 2 truyện là của bà, gồm Đền thiêng ở Hải Khẩu, Liệt nữ ở An Ấp. Cả hai truyện đều viết về những tấm gương phụ nữ trinh liệt, khí phách, bản lĩnh với những hành động, huyền tích phi thường gợi lòng cảm phục của người đọc. Truyện Cuộc gặp gỡ kì lạ ở Bích Câu hiện có nhiều giả thiết, trong đó nhiều người vẫn coi là tác phẩm của bà. Tuy nhiên, càng ngày người ta càng nghiêng về giả thiết cho rằng đây là tác phẩm của Đặng Trần Côn mà vì một nhân duyên nào đó đã được in vào tập Truyền kì tân phả của Đoàn Thị Điểm. Truyện Nữ thần ở Vân Cát hiện cũng bị nghi ngờ về xuất xứ. Các truyện Cuộc nói chuyện giữa cây tùng và cây bách, Rồng hổ tranh lạ rất có thể không phải của Đoàn Thị Điểm. Phan Huy Chú cho biết sách Tục truyền kì có các truyện: Bích Câu kì ngộ, Hải Khẩu linh từ, Vân Cát thần nữ, Hoành Sơn tiên cục, An Ấp liệt nữ, Nghĩa khuyển khuất miêu. Sách mà Phan Huy Chú mô tả hẳn không còn. Theo Đoàn thị thực lục thì Truyền kì tân phả gồm các truyện: Đền thiêng ở Hải Khẩu, Liệt nữ ở An Ấp, Nữ thần ở Vân Cát, Mai huyễn, Cuộc nói chuyện giữa chim yến và chim oanh. Truyện Mai huyễnCuộc nói chuyện giữa chim yến và chim oanh đã mất. Có ý kiến nghi ngờ rằng bản Truyền kì tân phả hiện còn đã đưa lẫn vào đó một số truyện. Bài văn tế của Nguyễn Kiều cũng viết: “Làm tỏ chuyện Chế thắng xưa (Đền thiêng ở Hải Khẩu)/ Nêu cao danh trinh liệt mới (Người liệt nữ ở An Ấp)/ Ngụ đấu tiên trong Vân Cát thần nữ/ Thuận tình nhà trong Đối thoại Yến anh”. Nhưng nếu tin vào độ chuẩn xác của bài văn tế thì có 3 truyện trong Truyền kì tân phả (A.48) chắc chắn của Đoàn Thị Điểm là Đền thiêng ở Hải Khẩu, Người liệt nữ ở An Ấp, Vân Cát thần nữ. Với những tác phẩm chắc chắn của mình, Đoàn Thị Điểm đã chứng tỏ huyền thoại về sự hay chữ của bà là có cơ sở. Nhà sử học Phan Huy Chú đánh giá Truyền kì tân phả: “Lời văn hoa mĩ dồi dào, nhưng khí cách hơi yếu, kém tập trước [tức Truyền kì mạn lục]”. Ngoài ra, theo Đoàn thị thực lục, lúc chưa đi lấy chồng, bà thường xướng họa cùng cha và anh “kể có hàng chục, hàng trăm bài”. Sau khi thành gia thất, bà lại cùng ông Tiến sĩ tài hoa ngâm vịnh, xếp đặt thành thi văn tập. Tiếc rằng những tác phẩm xướng họa, ngâm vịnh đó hiện không còn là bao. Gần đây người ta có tìm được một tập sách mang tên Hồng Hà phu nhân di văn, nhưng chắc chắn có nhiều sự lẫn lộn thật giả, chưa thể xác quyết.

Bên cạnh sự nghiệp văn chương, Đoàn Thị Điểm cũng có một sự nghiệp giáo dục đáng chú ý. Dạy học ở trong cung thì Đoàn Thị Điểm không phải là người đầu tiên. Trước đó ta đã nghe đến tên tuổi Nguyễn Thị Lộ, Ngô Chi Lan. Nhưng tự mở trường dạy tư kiếm sống và dạy tất cả các đối tượng học trò thì Đoàn Thị Điểm là người đầu tiên. Hơn thế nữa, sự nghiệp dạy học của bà cũng đạt được thành tựu đáng nể. Khi bà dạy học ở kinh thành và ở Chương Dương, có rất nhiều học trò kéo tới học, trong đó có người sau này đỗ Tiến sĩ là ông Đào Duy Ích.

Đoàn Thị Điểm được đánh giá là một trong những nữ sĩ nổi tiếng nhất Việt Nam thời trung đại (bên cạnh Ngô Chi Lan, Phạm Lam Anh, Hồ Xuân Hương, Bà huyện Thanh Quan, Công chúa Mai Am,...). Chính vì nổi tiếng như vậy nên xung quanh cuộc đời bà có khá nhiều giai thoại (nhất là những giai thoại về tài ứng đối và dự đoán) và do đó, trong tiểu sử của bà không tránh khỏi những điều có thể được “hư cấu”, “huyền thoại hóa”, “dân gian hóa”. Tuy nhiên, chỉ với tác phẩm, dịch phẩm mà Đoàn Thị Điểm còn để lại như những chứng tích chân thực nhất, chúng ta cũng đủ thấy tài năng và nhân cách của bà, không sinh ra ở đất Thăng Long - Hà Nội nhưng mang đầy đủ vẻ tài hoa, lịch lãm của một người con đất kinh kì ngàn năm văn vật./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Từ Đạo Hạnh – thiền sư, thi nhân
    Từ Đạo Hạnh là pháp danh, còn tên thật là Từ Lộ. Ông là thiền sư và là nhà thơ nổi tiếng thời Lý. Chưa thấy tài liệu nào ghi về ngày sinh của Từ Lộ, chỉ biết ông sống vào thời Lý Nhân Tông (1072 - 1128), và qua đời năm 1117. Ông người hương Yên Lãng, tục gọi làng Láng, một làng rất cổ ở ven thành Thăng Long xưa.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thân thương căn bếp mùa đông
    Ngoài kia, gió mùa Đông Bắc ào ạt tìm về, bập bùng trên mái tôn, hun hút luồn vào khe cửa. Những chiếc lá cuối thu lặng lẽ buông mình. Đất trời hanh hao đón một mùa đông mới. Chị em tôi chui ra khỏi chăn chờ mẹ tìm quần áo ấm.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Trăng thơm
    Thoan ngồi giặt ở cầu ao. Trăng nhấp nhoáng dưới làn nước. Hoa bèo tím thẫm một mảng bồng bềnh trong âm thanh rền rã của bầy ve kêu trên cây nhãn già. Cây nhãn này mấy năm trước đứt hoa, mùa xuân năm nay bung lại, hoa kết từng chùm vàng nhạt, li ti, đậu quả bện trĩu cành. Ngang trưa nay, chị Hà đi lấy hàng về sớm, thấy thằng cu Minh đánh quần đùi, áo ba lỗ, mũ lưỡi trai đội ngược, cầm sào đi bắt ve qua ngõ, bèn vẫy lại: “Cu Minh, trèo cây vặt nhãn hộ cô”.
  • Hoàn thiện chính sách pháp lý phát triển văn học, nghệ thuật bước vào kỷ nguyên mới
    Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, đang lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác (sau đây gọi tắt là Dự thảo Nghị định).
  • Trải nghiệm “Chuyến tàu Thanh xuân” cùng loạt ưu đãi hấp dẫn tại Phương Đông Asahi
    “Chuyến tàu Thanh xuân” là sự kiện diễn ra định kỳ nhằm giúp khách hàng có cái nhìn trực quan nhất về một điểm đến nghỉ dưỡng – dưỡng lão đẳng cấp, cũng như cơ hội tiếp cận chuỗi dịch vụ, tiện ích chăm sóc sức khỏe toàn diện tại Phương Đông Asahi.
  • Huyện Đan Phượng: Đảm bảo cung ứng mặt hàng thiết yếu dịp Tết Ất Tỵ 2025
    Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng (TP. Hà Nội) Nguyễn Thạc Hùng vừa ký ban hành Kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ât Tỵ năm 2025 lĩnh vực Công thương trên địa bàn huyện, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại huyện Đan Phượng nói riêng và có thể cung cấp một phần cho thị trường Thành phố Hà Nội nói chung.
Đừng bỏ lỡ
Đoàn Thị Điểm – Nữ Học sĩ tài danh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO