Văn hóa – Di sản

Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan – tài năng và đức độ

Tạ Ngọc Liễn 25/10/2023 17:24

Linh nhân Hoàng thái hậu Ỷ Lan triều Lý là một nhân vật lịch sử và văn hóa nổi tiếng của nước nhà. Tên tuổi cũng như cuộc đời bà gắn liền với sự nghiệp của hai ông vua anh kiệt là Lý Thánh Tông, chồng bà và Lý Nhân Tông, con trai bà.

Gần một nghìn năm qua trong lịch sử, trong ký ức nhân dân cả nước, bà Ỷ Lan đã trở thành hình ảnh tiêu biểu cho những đức tính cao quý của dân tộc, như lòng can đảm, trí thông minh, tinh thần chịu khó học hỏi để vươn lên, có trách nhiệm lo toan gánh vác công việc chung của đất nước, giàu lòng nhân ái...

hoang-thai-hau-y-lan.jpg
Tượng Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan.

Theo Việt sử lược (thế kỷ XIV), Đại Việt sử ký toàn thư (thế kỷ XV), Lý triều đệ tam Hoàng thái hậu cổ lục thần tích quốc ngữ diễn ca vặn (thế kỷ XVIII), Hải Dương tỉnh chí..., bà Ỷ Lan quê ở hương Thổ Lỗi. Ở nước ta thời xưa, hương là một đơn vị hành chính địa phương, thường do một số thôn, trang hợp thành. Tên gọi các làng, xã, hương, huyện... cũng biến động, thay đổi nhiều qua các đời. Tên hương Thổ Lỗi cũng là trải qua khá nhiều lần thay đổi. Trong sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: vào năm 1068, triều đình cho đổi tên hương Thổ Lỗi thành hương Siêu Loại, vì Thổ Lỗi là nơi sinh của Nguyên phi Ỷ Lan. Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết, hương Siêu Loại sau đổi làm huyện Siêu Loại. Huyện Siêu Loại tồn tại tới đầu thế kỷ XIX, thuộc phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc. Phủ Thuận An thuộc Bắc Ninh, đời Lý là quận Gia Lâm, đời Trần là lộ Bắc Giang. Từ đời Mạc (thế kỷ XVI) đến đầu triều Nguyễn (đầu thế kỷ XIX) thuộc trấn Hải Dương. Từ niên hiệu Minh Mệnh thứ 13 (1833), hai huyện Văn Giang và Gia Lâm được tách thành hai phân phủ.

Có hai bộ sử cổ viết về bà Ỷ Lan sớm nhất là Việt sử lược và Đại Việt sử ký toàn thư. Nhưng trong cả hai đều không chép tên thật của bà Ỷ Lan. Bởi vì, từ trước tới nay, trong một số công trình nghiên cứu sử học, văn học, khi nói tới bà Ỷ Lan, các tác giả chỉ ghi “Lê Thị Ỷ Lan, tên thật và năm sinh chưa rõ” (Thơ văn Lý –Trần, 1977).

Tuy nhiên cũng có một số sách báo viết bà Ỷ Lan tên là Lê Thị Yến. Theo ông Hoàng Xuân Hãn trong cuốn Mộng Khê bút đàm của một tác giả người đời Tống (Trung Quốc) là Thẩm Hoạt có nói tới bà Lê Thị Yến. Căn cứ vào các sự kiện và văn cảnh, Hoàng Xuân Hãn cho rằng chữ Yến ở đây là ghi theo âm Trung Quốc, nhưng có thể hiểu rằng Thẩm Hoạt nói về bà Ỷ Lan. Nhưng trong sách Lý Thường Kiệt, ông Hoàng Xuân Hãn không khẳng định Yến là tên thật của Ỷ Lan.

Nhưng rất may mắn là trong khúc diễn ca Nộm của tác giả Trương Thị Ngọc Trong đã cho chúng ta viết khá đầy đủ về thân thế bà Ỷ Lan, trong đó nói rõ tên thật của bà là Khiết.

Lỗi hương chốn ấy có nhà họ Lê...

Hoài thai đã đủ mười trăng,

Dốc sinh một gái xem bằng tiên nga.

Phương phi mày liễu, mặt hoa,

Má đào mũi hạnh da ngà lưng ong.

Mẹ cha mừng rõ xiết đâu,

Nâng niu vàng ngọc thể âu khác thường.

Lạch trong như nước, như gương,

Song thân mới đặt Khiết nàng nga linh...

Lê Thị Khiết từ lúc mới lọt lòng đã có dáng vẻ xinh đẹp (theo truyền thuyết ở địa phương, bà Ỷ Lan sinh ngày 7-3 năm Giáp Thân). Khi bà mười hai tuổi thì thân mẫu qua đời. Ba, bốn năm sau, thân phụ , một người có học vấn, làm việc nơi công đường, lấy vợ kế . Nhưng ít lâu sau ông cũng tạ thế. Lê Thị Khiết sống với bà mẹ kế hiền lành, chăm lo tần tảo việc nhà. Hai người nương tựa vào nhau như hình mẫu tử thật sự.

Như vậy bà Ỷ Lan tên thật là Lê Thị Khiết, sinh ngày 7 tháng 3 năm Giáp Thân (1044) tại hương Thổ Lỗi.

Khi ấy triều Lý do Lý Thánh Tông trị vì. Lý Thánh Tông (huý là Nhật Tôn, con trưởng Lý Thái Tông), sinh năm 1023, lên làm vua năm 1054, mất năm 1072, thọ 50 tuổi. Lý Thánh Tông được sử sách khen là bậc vua có công giữ yên đất nước, mở mang, phát triển văn hóa, kinh tế và rất giàu lòng yêu thương nhân dân.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép, vua Lý Thánh Tông năm 40 tuổi vẫn chưa có con trai. Nhà vua bèn đi tới các chùa, quán để cầu tự. Xe vua đi đến đâu, con trai, con gái nô nức đổ ra xem. Duy có một người con gái ở hương Thổ Lỗi đang hái dâu, cứ đứng nguyên chỗ, tựa mình vào gốc lan. Vua trông thấy nàng xinh đẹp, cho đưa về cung và tỏ lòng yêu dấu, phong làm Ỷ Lan phu nhân (1063). Người dựa vào gốc lan, Ỷ Lan phu nhân chính là Lê Thị Khiết.

Năm 1066, bà Lê Thị Khiết sinh được một cậu con trai, đặt tên là Lý Càn Đức, Lý Thánh Tông vô cùng sung sướng, ngay ngày hôm sau, lập Càn Đức làm Hoàng thái tử và phong Ỷ Lan phu nhân làm Thần phi.

Năm 1068, bà Ỷ Lan lại sinh thêm một người con trai là Hoàng tử Minh Nhân Vương. Từ đây, sử gọi bà là Nguyên phi Ỷ Lan.

Nguyên phi Ỷ Lan được xem là một nhân vật lịch sử và tên tuổi của bà được sử sách truyền tụng có lẽ bắt đầu từ sự kiện năm 1069. Năm ấy, Lý Thánh Tông mang quân đi đánh giặc phương nam. Ở nhà, bà Ỷ Lan tích cực tham gia công việc triều chính, làm được nhiều việc tốt đẹp. Trong khi đó, Lý Thánh Tông đánh trận không thắng, liền đem quân về. Giữa đường trở về, Lý Thánh Tông nghe tin báo rằng Nguyên phi Ỷ Lan đã giúp vào chính sự, làm cho trong nước yên ổn, lòng dân vui vẻ. Bà được nhân dân quí trọng, tôn vinh. Lý Thánh Tông bèn nói: “Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là đàn ông thì chẳng được việc gì”. Sau đấy, Lý Thánh Tông đưa quân quay lại đánh bắt được vua Chiêm Thành là Chế Củ (sau đó tha Chế Củ về nước), ca khúc khải hoàn. Trong sự nghiệp chấn hưng đất nước của Lý Thánh Tông, rõ ràng có vai trò không nhỏ của Nguyên phi Ỷ Lan.

Năm 1072, Lý Thánh Tông mất, Lý Càn Đức, mới 7 tuổi, lên ngôi vua và Nguyên phi Ý Lan được tôn làm Hoàng thái phi. Lý Đạo Thành, một người trong hoàng tộc, giữ chức Thái sư giúp đỡ công việc triều chính. Trong tám ông vua triều Lý, Lý Nhân Tông (Càn Đức) là ông vua có chiến công hiển hách nhất. Ông cùng Lý Thường Kiệt đã lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh tan quân xâm lược Tống năm 1076, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc. Quốc gia Đại Việt dưới thời Lý Nhân Tông trị vì, đối với bên ngoài thì “Nước lớn sợ, nước nhỏ mến phục”. Trong nước thái bình, nhân dân giàu có. Dưới triều Lý Nhân Tông, bà Ỷ Lan đóng vai trò nổi bật trong đời sống cung đình. Với tư cách là mẹ đẻ ra vua, năm 1073, bà Ỷ Lan được tôn làm Linh nhân Hoàng thái hậu. Là một phụ nữ tài trí, đức độ, lại được Lý Thường Kiệt ủng hộ, nên Hoàng thái hậu Ỷ Lan đã có những đóng góp tích cực vào cơ nghiệp nhà Lý, nhất là về mặt văn hóa, xã hội.

Ở thời Lý, trong tầng lớp nhân dân lao động, chủ yếu là nông dân, có nhiều người nghèo khổ, phải bán mình đi làm thuê, làm mướn. Con trai không lấy nổi vợ, con gái không lấy được chồng. Cảm thương cho những số phận hẩm hiu đó, bà Ỷ Lan đã lấy tiền trong kho của vương triều, dùng để chuộc những cô con gái nhà nghèo đã phải bán đợ mình, rồi gả họ cho những người góa vợ hoặc vì nghèo khó không có vợ. Với việc làm nhân chính như vậy, quả là “Thái hậu Ỷ Lan đã đổi mệnh cho họ” (Lời Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư).

Theo dõi, chăm lo tới đời sống của nhân dân, của tình hình sản xuất nông nghiệp là mối quan tâm thường xuyên của Hoàng thái hậu Ỷ Lan. Bà thường nói với Lý Nhân Tông: “Gần đây, ở kinh thành, hương ấp, có nhiều người làm nghề trộm trâu. Trăm họ cùng quẫn, mấy nhà phải cày chung một con trâu. Trước đây ta đã từng nói tới việc ấy, nhà nước đã có lệnh cấm. Nhưng nay tệ giết trâu lại nhiều hơn trước” (Đại Việt sử ký toàn thư). Nghe theo lời Hoàng thái hậu Ỷ Lan, vua Lý Nhân Tông đã ban hành lệnh cấm mổ trộm trâu. Những người phạm tội phải xử rất nặng.

Bà Ỷ Lan không chỉ là người hâm mộ đạo Phật, đã có công xây dựng hàng trăm ngôi chùa mà còn là người hiểu biết sâu sắc Phật học, có kiến thức về Phật học, không thua kém các Thiền sư nổi tiếng đương thời. Trong truyện Sư Thông Biện ở sách Thiền uyển tập anh có tả lại cuộc tọa đàm về Phật học giữa Hoàng thái hậu Ỷ Lan với các vị sư học rộng, tổ chức tại Thăng Long năm 1096. Truyện kể rằng:

“Một hôm, linh nhân thái hậu đặt tiệc chay ở chùa, mời các nhà sư có học vấn uyên bác tới dự, rồi, Thái hậu Ỷ Lan đặt ra một loạt câu hỏi xoay quanh những vấn đề căn bản của Phật học nói chung và Phật học ở nước ta nói riêng. Tất cả đều im lặng không trả lời được. Duy có nhà sư Trí Thông trụ trì ở chùa Khai Quốc, thành Thăng Long là ứng giải được tường tận các câu hỏi của Thái hậu, khiến Thái hậu rất hài lòng, ban thưởng hậu hĩ và đặt tên hiệu cho ông là Thông Biện đại sư; sau lại triệu Thông Biện vào cung làm quốc sư. Thái hậu cùng Thiền sư Thông Biện thường trao đổi ý kiến về những tôn chỉ đạo Phật và Thái hậu tỏ ra hiểu rất sâu xa Phật học. Hoàng thái hậu Ỷ Lan có viết một bài kệ:

Sắc thị không, không tức sắc,

Không thị sắc, sắc tức không.

Sắc không câu bất quản,

Phương đắc khế chân không.

(Sắc là không, không tức sắc,

Không là sắc, sắc tức không.

Sắc không đều chẳng quản,

Mới được hợp chân tông)

Với bài kệ này, Hoàng thái hậu Ỷ Lan được các nhà nghiên cứu văn học xếp vào hàng tác giả văn học thời Lý - Trần. Ỷ Lan Hoàng thái hậu qua đời ngày 25 tháng 7, năm Đinh Dậu (1117), an táng ở Thọ Lăng, phủ Thiên Đức./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Hỏa dược khố, Quan Tượng Đài triều Nguyễn như bị “lãng quên” ở phía Tây Nam Kinh thành Huế
    Hỏa dược khố và Quan Tượng Đài của triều Nguyễn ít khách đến tham quan, chiêm ngưỡng do bị khóa cổng khiến 2 di tích như bị “lãng quên” ở phía Tây Nam Kinh thành Huế.
  • Bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia dệt Dèng A Lưới
    Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nghề dệt Dèng của đồng bào các dân tộc huyện A Lưới (TP Huế) đang được bảo tồn và phát huy giá trị với các sản phẩm văn hóa kết hợp hiện đại phục vụ du lịch, trải nghiệm, trình diễn thời trang.
  • Đình, chùa Tây Vị được công nhận là di tích lịch sử, nghệ thuật cấp thành phố
    Chùa Tây Vị không chỉ là nơi thờ Phật, mà còn là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, một biểu tượng cố kết cộng đồng từ xưa đến nay. Sự tồn tại của ngôi chùa là minh chứng cho thấy sự hưng thịnh và tầm ảnh hưởng của Phật giáo đối với người dân nơi đây.
  • Nghệ sĩ Phạm Ngọc Trâm: Kể chuyện di sản bằng đường thêu nét nhuộm
    Giữa nhịp sống hiện đại, khi nhiều nghề thủ công truyền thống dần bị lãng quên, nghệ sĩ Phạm Ngọc Trâm lại chọn gắn bó với nghệ thuật thêu - một công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì và cả chiều sâu văn hóa. Không chỉ nghiên cứu, thực hành nghệ thuật, chị còn là người kết nối textile art (nghệ thuật tạo hình từ sợi vải) với di sản văn hóa Việt Nam, khám phá và tái hiện những giá trị thêu cổ bằng góc nhìn đương đại. Từ xưởng thêu ven sông Hội An đến các triển lãm, workshop, hành trình của Ngọc Trâm là sự kết hợp giữa nghiên cứu, sáng tạo và gìn giữ ký ức dân tộc, nơi mỗi mũi chỉ, đường kim đều kể một câu chuyện về truyền thống và bản sắc.
  • "Hội diều làng Bá Dương Nội" đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
    Chiều 12/4, huyện Đan Phượng (Hà Nội) tổ chức Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia “Hội Diều làng Bá Dương Nội” và Bằng công nhận danh hiệu “Nghề truyền thống Hà Nội” đối với nghề làm diều sáo làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng.
  • Lễ hội Tổng Nam Phù vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia
    Lễ hội Tổng Nam Phù được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là minh chứng cho những giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy qua nhiều thế hệ, là biểu tượng cho sự gắn kết cộng đồng, nơi truyền thống được tôn vinh và giá trị văn hóa được thắp sáng hôm nay và mai sau.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”
    Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), Đồng chí Tô Lâm - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Việt Nam đã có bài viết với tiêu đề “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” của Tổng Bí thư Tô Lâm.
  • Dấu ấn đời lính, dấu ấn cuộc đời
    Hiếm có người nào gần như dành trọn cả cuộc đời mình một cách can trường, quả cảm, làm nên một “biên niên sử” bằng thơ - cũng là “biên niên sử” cuộc đời như Nguyễn Văn Á.
  • TP Hồ Chí Minh công bố, trưng bày 50 tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu
    Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố 50 tác phẩm văn học - nghệ thuật tiêu biểu sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), đồng thời trưng bày 50 tác phẩm tiêu biểu này tại Nhà Văn hóa Thanh niên (Phường Bến Nghé, Quận 1) từ ngày 26/4/2025.
  • ​Gần 2.000 cơ hội việc làm tại ngày hội tư vấn, giao dịch việc làm quận Hoàn Kiếm
    Hà Nội đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về nhu cầu tuyển dụng lao động, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ. Các phiên giao dịch việc làm và ngày hội tuyển dụng được tổ chức liên tục, mở ra hàng nghìn cơ hội việc làm với mức lương hấp dẫn, góp phần thúc đẩy thị trường lao động phát triển bền vững.
  • Đặc sắc triển lãm, chiếu phim “Âm vang Đại thắng mùa Xuân 1975 trong Điện ảnh”
    Nằm trong chuỗi các hoạt động văn hóa hưởng ứng chào mừng Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), chương trình triển lãm và chiếu phim với chủ đề “Âm vang Đại thắng mùa Xuân 1975 trong Điện ảnh” đã khai mạc tối 26/4 tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP. Hồ Chí Minh).
Đừng bỏ lỡ
Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan – tài năng và đức độ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO