Văn hóa – Di sản

Lý Nhân Tông – vị vua giỏi của triều Lý

Lê Văn Lan 26/10/2023 10:49

Tháng Chạp năm Đinh Mùi (1127), hoàng đế Lý Nhân Tông viết di chiếu: “Trẫm xét phận tuổi thơ đã phải lên ngôi báu, ở trên các vương hầu, lúc nào cũng nghiêm kính sợ hãi, đã 56 năm nay…”.

Lời trối trăng cuối cùng của vị hoàng đế thứ tư nhà Lý đã mở đầu bằng việc ôn lại một nét đặc sắc trong cuộc đời Lý gia đệ tứ đế: “Tuổi thơ đã phải lên ngôi báu”. Đó là sự việc bắt đầu vào năm Nhâm Tý (1072). Sử cũ viết: “Mùa xuân, tháng Giêng, ngày Canh Dần, Lý gia đệ tam đế Thánh Tông băng ở điện Hội Tiên. Hoàng thái tử Càn Đức lên ngôi trước linh cữu. Bấy giờ vua mới 7 tuổi...”.

den-do.jpg
Đền Đô, nơi thờ các vua nhà Lý ở Bắc Ninh.

Sự việc có được một vị hoàng thái tử kịp kế vị ngôi báu là phúc lớn của nhà Lý! Bởi vì nỗi lo canh cánh không người nối ngôi, đã là hiện thực thường trực từ nhiều năm trước năm 1066.

Do thế, dễ dàng hình dung ra nỗi mừng, niềm vui của mọi người vào cái ngày 25 tháng giêng năm Bính Ngọ (1066) ấy, khi một cô thôn nữ ở đất Sủi (tức Thổ Lỗi, sau đổi thành hương Siêu Loại) vừa được tuyển vào cung với danh hiệu Ỷ Lan phu nhân, đã sinh hạ cho vị đương kim hoàng đế đã luống tuổi một hoàng trưởng tử. Và không chỉ thế, đây còn là một trang nam tử mới sơ sinh mà đã rõ quý tướng khác thường, được sử cũ kính cẩn khắc họa: “Trán dô mặt rộng, tay quá gối, sáng suốt thần võ, trí tuệ hiếu nhân!”. Lập tức, vừa được một ngày tuổi, Lý Càn Đức - vị hoàng tử sơ sinh ấy - đã được phong ngay làm thái tử. Để rồi, 6 năm sau thì lên ngôi, trở thành vua Lý Nhân Tông.

Khi nhớ lại những năm đầu của “tuổi thơ đã phải lên ngôi báu ấy”, chắc chắn Lý Nhân Tông Càn Đức đã không thể nào quên điều mà ông nói trong di chiếu là: “Nhờ anh linh của tổ tiên, được hoàng thiên phù hộ” nhưng hiển nhiên, ông hiểu đó trước hết là: cái di sản mà đấng tiên đế phụ hoàng Lý Thánh Tông đã dày công chăm lo, vun vén mà để lại cho. Trong đó có 2 năm - từ năm lên 5 đến năm lên 7 - mà ông đã phải chăm chỉ đến tòa Văn Miếu - vừa mới được tạo lập - để trau dồi đạo lý, tri thức. Và trong đó, còn có những nhân sự: mẹ đích Thượng Dương hoàng hậu, mẹ đẻ Ý Lan nguyên phi, Thái sư Lý Đạo Thành, Thái bảo Lý Thường Kiệt... mà vị thiếu đế rõ ràng là phải sống dưới bóng rợp của họ, được họ giúp tận tình, nhưng cũng phải chịu không ít khó khăn, phiền nhiễu - thậm chí: cả tai ương - do họ gây ra cho nhau, và cho nhà vua - ấu chúa.

Thử thách đầu tiên, đã đến ngay vào năm thứ hai, đời trị vì của vị hoàng đế nhỏ tuổi. Đó là việc mà biên niên sử cũ chép vào năm Quý Sửu, (1073): “Giam Hoàng thái hậu họ Dương, tôn Hoàng thái phi (Ỷ Lan) làm Linh Nhân hoàng thái hậu”...

Rõ ràng vị hoàng đế 8 tuổi, vừa lên ngôi, không thể và không phải là người quyết định sự việc này. Tuy nhiên, ông vẫn phải là người chịu trách nhiệm, trước tiên là dưới ngòi bút của sử thần. Ngô Sĩ Liên đã ghi vào bộ Đại Việt sử ký toàn thư nguyên văn lời bình luận lịch sử của mình: “Lý Nhân Tông là người nhân hiếu, Linh Nhân (Ỷ Lan) là người sùng Phật, sao lại đến nỗi giết đích thái hậu, hãm hại người vô tội...”.

Sau lời nhận xét có vẻ khách quan mà nghiêm khắc của sử thần Ngô Sĩ Liên, còn thấy có thêm một ý nữa: “Thái sư Lý Đạo Thành phải ra trấn bên ngoài, biết đâu chẳng vì can gián việc ấy ?”. Đây chính là một đầu mối để có thể nhận rõ thêm cái vòng tai ương mà vị thiếu đế Lý Nhân Tông năm 1073 đã phải mắc vào: Không chỉ có chuyện ghen tuông giành giật giữa các “đệ nhất phu nhân”, mà còn là thành chuyện lục đục phe phái giữa các đại thần đầu triều, khi họ bị cuốn vào chuyện “thâm cung bí sử”, với hậu quả là sự thất thế của thái sư Lý Đạo Thành; chỉ còn là chức quan chuyên việc can gián: “Tả gián nghị đại phu”.

May mà nhờ phúc ấm tổ tiên - đúng hơn là nhờ lương tri dân tộc (cũng giống như trong di chiếu về sau của Lý Nhân Tông) - sự việc rối loạn cung đình nghiêm trọng như thế, chỉ diễn ra trong vòng một năm thì đã được khắc phục: Lý Đạo Thành lại được gọi về Thăng Long làm “Bình chương quân quốc trọng sự”.

Nguyên nhân của sự thể được coi là nhờ lương tri dân tộc mà có này, chính là: đám mây đen của đại họa xâm lược từ triều đình nhà Tống ở phương Bắc, sắp kéo tới! Nhu cầu xiết chặt hàng ngũ và lực lượng bên trong để chống lại giặc ngoài, theo đúng truyền thống từ nghìn xưa, vậy là - đến năm 1075 - đã giúp cho vị hoàng đế 10 tuổi Lý Nhân Tông, ở năm trị vì thứ tư của mình, may mắn vượt qua được thêm một thử thách nữa, còn lớn hơn rất nhiều sự biến năm 1073. Vì thế, mùa đông năm Ất Mão (1075) ấy, thiếu đế Lý Nhân Tông, có mẹ đẻ Ỷ Lan - giờ đã vững ngôi Linh Nhân thái hậu kèm bên, có Thái phó bình chương Lý Đạo Thành giờ đã hồi kinh để ở phía sau đỡ dần việc triều chính, thong dong đẩy chiếc xe trận chở Thái úy Nguyên súy Lý Thường Kiệt lăn bánh một quãng đường theo nghi thức, ra khỏi cổng hoàng thành Thăng Long, dẫn đầu đoàn hùng binh Đại Việt xuất chinh Bắc phạt! Tin đại thắng sau đấy báo về. Và sử quan trịnh trọng ghi vào chính sử một vòng son đỏ cho vũ công đệ nhất và duy nhất của dân tộc, ở ngay những năm đầu trị vì của hoàng đế Lý Nhân Tông: theo chiến lược “tiên phát chế nhân” (ra quân trước để khống chế kẻ thù) của Lý Thường Kiệt, quân dân Đại Việt đã đánh thẳng sang đất Tống, cả phá các căn cứ và lực lượng chuẩn bị xâm lược của Tống triều, rời an toàn và kịp thời, ca khúc khải hoàn mà hồi triều!

Hai năm sau đó nữa, cuối mùa xuân năm Đinh Tỵ (1077), vẫn nhờ công sức của những người đã một lần ra tay giúp rập trước đấy, những trận đánh thần kỳ trên “phòng tuyến sông Cầu”, cuối cùng lại đã mang thêm về danh thơm chiến thắng cho vị hoàng đế, giờ thì đã đến tuổi mười hai, vững vàng ở tư thế lịch sử, theo lời thơ thần vừa vang vọng truyền bá trên sóng nước sông Cầu “Nam quốc sơn hà, Nam đế cư..”!

Từ đây, với thế sự bên ngoài: nhà Tống ngày càng suy yếu ở phương Bắc, Chiêm Thành cũng lùi dần về phía nam - là những sự thể dù sao cũng thực sự góp phần làm nên một điều may mắn nữa mà Lý Nhân Tông sau này sẽ tổng kết trong di chiếu của mình là: “Bốn biển yên lành, biên thùy ít biến” - trải mấy chục năm tiếp theo trong sự nghiệp của một đấng quân vương phải dần dà tự lực mà ngồi chắc trên ngai vàng, trị vì sông núi và thần dân nước Nam của mình, vì đã đến tuổi trưởng thành rồi lão thành, vị Lý gia đệ tứ đế phải và đã qua và bằng ý chí, tri thức, hành động của mình, chứng tỏ trước lịch sử, nhân cách và công tích của một người đáng và đúng là được sử sách ngợi ca: “Là vua giỏi của triều Lý, nước lớn sợ, nước nhỏ mến, thần giúp người theo!”.

Vẫn như các bậc tiên đế, tiên hoàng, và đúng là người được “hưởng thái bình” như lời sử cũ nhận định, Lý Nhân Tông trước hết vẫn là người nghiêm giữ truyền thống thượng võ của dòng họ các vua nhà Lý từ trước đến nay. Một tình tiết trong sự cố “Vụ án hồ Dâm Đàm” năm Bính Tý (1096), khi - theo lời sử cũ - gặp tai biến lúc đang: “Ngự trên thuyền nhỏ nghe có tiếng thuyền bơi đến, tiếng mái chèo rào rào, vua liền lấy giáo, phóng ra”, đã chứng tỏ việc sử dụng vũ khí luôn vẫn là một thiện nghệ của bậc quân chủ. Tình tiết này cũng phù hợp với sự việc được ghi vào biên niên sử năm Bính Ngọ (1126) Lý Nhân Tông đã sử dụng cả tòa chính điện Thiên An, làm nơi tổ chức đá cầu cho các vương hầu, đồng thời đến xem để cổ súy tinh thần thượng võ. Vì thế, tuy chỉ động binh duy nhất một lần và cũng không phải là một cuộc viễn chinh trọng đại, nhưng việc Lý Nhân Tông thân cầm quân đi đánh động Ma Sa (ở tỉnh Hòa Bình bây giờ) “Phá tan được, bắt được bọn động trưởng Ngụy Bàng vài trăm người, lấy được vàng lụa trâu dê không kể xiết, dù sao cũng là một võ công được sử cũ ca ngợi và ghi chép kỹ lưỡng vào biên niên sử về năm Kỷ Hợi (1119), khi Lý Nhân Tông đã 54 tuổi. Võ công này còn là nguyên nhân, để Lý Nhân Tông quảng bá tinh thần thượng võ của mình, bằng quyết định đổi và dùng niên hiệu mới: “Thiên Phù Duệ Vữ”!

Ngoài nhân thân và nhân cách “Hoàng đế - võ tướng” như thế, Lý Nhân Tông là một ông vua nổi trội và khác biệt với các bậc tiên vương tiên đế của mình, ở chỗ có nhiều sáng kiến xây dựng những công trình kinh tế xã hội mang tính khai phá, đặc biệt là đối với nông nghiệp và nông thôn nước Đại Việt đương thời. Nếu việc “cầy tịch điền” và “đi xem gặt” đã là việc được nhiều đời vua trước thực hiện, thì Lý Nhân Tông là người đã nâng cấp nghi thức cổ vũ nông nghiệp này thành lệ thường, thậm chí một năm hai vụ chiêm mùa gặt hái đều có mặt vua ở những vùng ruộng đồng trọng điểm, và thậm chí có mặt cho đến lúc sắp lìa đời: “Trẫm từ khi đi xem gặt lúa đến giờ, bỗng bị ốm, bệnh kéo dài, sợ không kịp nói đến việc nối ngôi.” (lời Di chiếu).

Trong một lần đi về vùng Ứng Phong (nay thuộc tỉnh Nam Định) xem gặt lúa như thế, vào năm 1123 còn thấy sử cũ nói: Chuyến đi này bắc cầu vồng qua sông Ba Lạt. Chưa biết được rõ việc “bắc cầu vồng” độc nhất vô nhị, cho đến ngày nay vẫn chưa thấy làm lại được lần thứ hai ở vùng cửa sông Hồng mênh mông sóng nước phù sa này là như thế nào, nhưng việc Lý Nhân Tông năm 1089 cho khai kênh Lãnh Kinh, vừa để tiện việc lưu thông, vừa để dùng cho thủy nông, thì đến nay vẫn còn thấy ở Thái Nguyên. Lại đến như việc nghiêm cấm chúng dân lạm sát trâu bò, để bảo vệ sức kéo cho nông nghiệp, nếu như lần thứ nhất ban lệnh này vào năm 1117, có thể coi như là do gợi ý của hoàng thái hậu Ỷ Lan, thì rõ ràng, việc xuống chiếu, viết rõ: “Trâu là vật quan trọng cho việc cầy cấy, làm lợi cho người không ít. Từ nay về sau, ba nhà làm một “bảo”, không được giết trâu ăn thịt, ai làm trái thì trị tội theo hình luật”, là của Lý Nhân Tông năm 1123 (vì đến lúc này, Ỷ Lan đã mất được 6 năm rồi). Một chiếu chỉ khác của Lý Nhân Tông, ban hành vào tháng giêng năm Bính Ngọ (1126) có thể xem như một quyết định độc đáo, mở đầu cho truyền thống “bảo vệ môi trường” và “trồng cây gây rừng” mùa xuân, trong lịch sử: “Cấm dân chúng mùa xuân không được chặt cây”, đặc biệt, việc đắp dựng con đê đầu tiên ở kinh thành Thăng Long năm Mậu Tý, (1108) - đồng thời là công trình trị thủy và thủy lợi đầu tiên trên sông Cái (sông Hồng) của nước Đại Việt, chính cũng là sản phẩm của Lý Nhân Tông: đề Cơ Xá!

Quan tâm đến môi trường, nông nghiệp và kinh tế, Lý Nhân Tông còn là người rất chăm lo việc tác động đến khí hậu và thời tiết, cho dù là chỉ bằng các biện pháp siêu hình và cổ sơ. Từ năm thứ hai ở ngôi - Quý Sửu, 1073 - gặp hiện tượng mưa dầm, Lý Nhân Tông đã có ngay hành vi độc đáo: Cho rước Phật “Pháp Vân” ở chùa Dâu (nay là Thuận Thành, Bắc Ninh) - vốn là thế lực đứng đầu Tứ Pháp (mây - mưa - sấm - chớp) ở chốn Tổ Đình Phật giáo Liên Lâu - về kinh thành Thăng Long để... làm lễ cầu tạnh. Từ đấy, gặp mưa dầm (từ tháng giêng đến tháng hai, năm 1227...) “sai các quan làm lễ cầu tạnh”, gặp nắng hạn (các năm 1127, 1118, 1124...) “làm lễ cầu mưa”, là việc thường xuyên của Lý Nhân Tông. Thậm chí, được năm may có nước ngọt xuống (mùa đông, 1118), nhà vua cũng tự tay viết 8 chữ “Thiên hạ thái bình, thánh cung vạn tuế”, sai thợ khắc vào bia.

Những hành vi như thế của Lý Nhân Tông, là những dấu hiệu đầu tiên, cho phép nhận ra nét cơ bản trong nhân cách của vị Lý gia đệ tứ đế: “Chính là một “Nhà văn - văn hóa”. Và, sự nghiệp chính yếu, do Lý Nhân Tông làm nên trong đời trị vì của mình, đồng thời để lại cho hậu thế, cũng chính là văn hóa.

Nét văn hóa đầu tiên - dễ dàng ghi nhận ở Lý Nhân Tông, chính là học vấn và sự học hành. Không chỉ cẩn thận việc chữ nghĩa - với tư cách là người học trò đầu tiên, và là người học trò nhỏ tuổi nhất của lịch sử Văn Miếu Quốc Tử Giám - trong thời gian còn là hoàng thái tử, mà cả khi đã ngồi trên ngai hoàng đế, Lý Nhân Tông cũng vẫn là người “học trò trong bộ long bào”, và là học sinh của một vị thầy lừng danh, được chính nhà vua chủ trì tổ chức sự kén lựa, bằng việc mở khoa thi đầu tiên trong lịch sử khoa cử của nền văn hóa dân tộc: Khoa thi tuyển “Minh Kinh bác học” và thi “Nho học tam trường” năm Ất Mão (1075), với người đỗ đầu là vị: Trạng nguyên khai khoa Lê Văn Thịnh, mà ngay sau khi “trúng tuyển đã được vào hầu vua học”. Hai năm sau - năm 1077 - lại một khoa thi nữa: thi “lại viên” khảo tuyển viên chức với ba chương trình sát hạch: phép viết chữ, phép tính, cùng với hình luật! Và như thế, đến năm 1086, thì Lý Nhân Tông đã có đủ cơ sở và điều kiện để tổ chức ra cơ quan trí tuệ cao cấp của mình: Hàn lâm viện, bằng phương thức: “thi người có văn học trong nước, sung làm quan ở Hàn lâm viện, Mạc Hiển Tích trúng tuyển, bổ làm Hàn lâm học sĩ”.

Cái cơ sở và điều kiện để Lý Nhân Tông thành người và tìm được người có học vấn, chính là chủ trương: “Cất nhắc những người hiền lương, có tài văn võ, cho quản việc quân, dân”, và biện pháp: “Chọn quan viên văn chức, người nào giỏi chữ nghĩa, cho vào Quốc tử giám”. Và như thế là: sau Văn Miếu (do vua cha Thánh Tông xây dựng) thì năm Bính Thìn (1076), ngay trong thời gian tiến hành cuộc kháng chiến chống Tống xâm lược, công trình để đời của Lý Nhân Tông ra đời: Quốc Tử Giám, hoàn chỉnh tổ hợp công trình tiêu biểu của văn hóa Thăng Long, văn minh Đại Việt: Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Quốc Tử Giám đời Lý Nhân Tông, dạy Nho học. Đây là sự tiếp tục tư tưởng “tràn bờ Phật giáo, tới miền Nho lâm” từ thời Lý Thánh Tông. Nhưng, đến và với Lý Nhân Tông thì, lần đầu tiên thấy cảnh tượng “tam giáo hòa đồng” mà phục vụ vua, được ghi vào chính sử. “Tháng một năm Quý Mão (1123), vua đi đến hành cung Ứng Phong xem gặt lúa, khi trở về kinh đô, “các nhà Nho, Đạo, Thích, đều dâng thơ mừng”!

Tuy nhiên, chính thống trong tư tưởng và lối sống Lý Nhân Tông, thì vẫn là Phật giáo. Có thể nói: những kiến trúc Phật giáo quan trọng nhất của thời Lý và do nhà Lý để lại, còn tới nay, đều thấy dấu ấn của Lý Nhân Tông. Tòa tháp Chương Sơn kỳ vĩ (ở Nam Định) được khai quật khảo cổ học quy mô lớn vào giữa thế kỷ XX, nhưng đọc trong sử cũ, đã thấy ghi: Năm Đinh Dậu (1117) tháng ba, vua Lý Nhân Tông ngự đến núi Chương Sơn để khánh thành bảo tháp Vạn Phong Thành Thiện. Có rồng vàng hiện! (Chùa Đọi, Đọi Sơn - Hà Nam) cũng vừa được khai quật khảo cổ học quy mô lớn ở cuối thế kỷ XX, trùng tu tấm bia cổ “Sùng Thiện Diên Linh” mà ở đó, đọc thấy những dòng văn bia quý giá, mách bảo cho hậu thế những thông tin đặc biệt - từ thời Lý - về nghệ thuật múa rối nước, về ngôi chùa Diên Hựu (Một Cột)..., nhưng đọc trong sử cũ, cũng lại đã thấy ghi: “Năm Nhâm Dần (1122) tháng ba, vua Lý Nhân Tông cho mở hội khánh thành bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh ở Đội Sơn”!... Ngôi chùa có quy mô xây dựng và nghệ thuật kiến trúc bậc nhất mọi thời - chùa Giạm (Lâm Sơn - Bắc Ninh) - khởi dựng năm 1086, xây bảo tháp năm 1088, lại làm thêm “ba ngọn tháp chỏm đá” nữa vào năm 1105..., tất cả đều là công trình của Lý Nhân Tông! Và vật khổng lồ thứ hai, trong “Tứ đại khí” bằng đồng - quả “chuông Quy Điền” - thì cũng chính là do Lý Nhân Tông cho đúc vào năm 1080, để sử dụng ở chùa Diên Hựu...

Là hoàng đế - công trình sư của các kiến trúc kỳ vĩ ở kỷ nguyên xây dựng văn hóa Thăng Long, văn minh Đại Việt của mình, Lý Nhân Tông dĩ nhiên không dừng lại ở chỗ chỉ tạo tác các kiến trúc Phật giáo. Sử gia Ngô Thì Sĩ ở thế kỷ XVIII có thống kê: “Lý Nhân Tông xây dựng cung điện lâu đài đến 5 lần” - (là những lần xây cung Hợp Hoan (1090), đài Động Linh (1109), đài Chúng Tiên (1120), đài Tử Tiêu (1123), đài Uất La (1124) - và phàn nàn rằng: “Chắc không khỏi làm nhọc sức dân”! Nhưng thực tế, những lần xây dựng cung điện lâu đài của Lý Nhân Tông, không chỉ có thế, mà còn có các việc - vẫn theo sử cũ: “Tân Sửu (1171) tháng ba mở hội khánh thành chùa Bảo Thiên và điện Trung Minh”, “Ất Ty (1125) khánh thành điện Sùng Dương, mở yến tiệc ba ngày đêm”...

Xây dựng, kèm lễ hội, tiệc tùng lu bù như thế trong đời thịnh trị của Lý Nhân Tông, có nhiều phần khác hoàn cảnh với điều kiện lịch sử cụ thể hồi thế kỷ XVIII - khủng hoảng kinh tế xã hội - của Ngô Thì Sĩ. Do đó có thể kèm vào ý kiến của sử gia Ngô Thì Sĩ, thêm một lời đánh giá tổng quát của sử thần Ngô Sĩ Liên, vừa có tác dụng biện minh cho Lý Nhân Tông, lúc nhà vua “làm văn hóa” trong thời của mình, vừa góp phần làm sáng rõ nhân cách “nhà văn hóa” của Lý Nhân Tông: “Thông âm luật, chế ca nhạc, dân được giàu đông, mình được thái bình!”...

Nhà vua - nhà văn hóa Lý Nhân Tông, còn có một lý do, cơ sở và điều kiện nữa, để “làm văn hóa” trong thời của mình. Ấy là: kỷ lục ngồi lâu nhất trên ngai vàng trong lịch sử dân tộc: 56 năm! Vì thế, ở những lời cuối cùng của Di chiếu Lý Nhân Tông để lại trong lịch sử cho hậu thế vào năm 1127, ngoài những câu giàu tính văn học về hình thức văn chương (vì đây cũng còn là một nhà vua - thi sĩ có đến hai bài thơ, làm trong chỉ một đêm ban yến cho các quan, nhân ngự thăm chùa Lãm Sơn, đều mang nhan đề là Lãm Sơn dạ yến - như: “Than ôi! Mặt trời đã xế, tấc bóng khó dừng/ Từ giã cõi đời, nghìn thu vĩnh quyết...” - còn thấy nhân cách nhà vua - nhà văn hóa ở ông, biểu hiện ra rõ ràng ở những tư tưởng và lời lẽ đối với sự chết nói chung, và cái chết của mình: “Trẫm nghe: Phàm các loài sinh vật, không loại nào không chết. Chết là số lớn của trời đất, lẽ đương nhiên của mọi vật. Thế mà người đời, không ai là không thích sống mà ghét chết. Chôn cất hậu làm mất cơ nghiệp, để tang lâu làm tổn tính mệnh, trẫm không cho là phải. Ta đã ít đức, không lấy gì làm cho trăm họ được yên, đến khi chết đi, lại khiến thứ dân mặc áo xô gai, sớm tối khóc lóc, giảm ăn uống, bỏ cúng tế, làm cho lỗi ta thêm nặng, thiên hạ sẽ bảo ta là người thế nào!”...

Đó là những tư tưởng và lời lẽ đã khiến cho sử thần Ngô Sĩ Liên ở thế kỷ XV, phải bình rằng: “Lý Nhân Tông, thánh học cao minh, hiểu sâu cớ sống chết, như lẽ tất nhiên có ngày thì có đêm! Lời Di chiếu nói rất thấu lẽ!”...

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tổ quốc trong sáng tác của các cây bút trẻ
    Trong trái tim mỗi người con nước Việt, bóng hình đẹp đẽ và thiêng liêng, kiêu hùng và nhân hậu chính là Tổ quốc. Tổ quốc rạng ngời trên trang viết của bao thế hệ đi trước, rồi được kế thừa bởi thế hệ trẻ hôm nay. Mỗi tác giả có một cách thể hiện khác nhau về đề tài Tổ quốc, mỗi tác phẩm là một nét vẽ riêng về dáng hình Việt Nam, góp phần hình thành nên diện mạo chung của đất nước tráng lệ và linh thiêng trong văn chương nghệ thuật. Tiếp nối sự thành công và dấu ấn sâu đậm mà những cây bút thời kỳ trước ma
  • “Ngày về” - lời ru giàu cảm xúc về làng quê Việt Nam
    “Ngày về” được mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc, dễ nhận thấy nhất của làng quê Việt Nam với những giá trị truyền thống thiêng liêng: “Cây đa, bến nước, sân đình/ Con đường gạch lát nối tình xóm thôn”.
  • Nguyễn Đình Thi một bản lĩnh  văn hóa lớn
    Nguyễn Đình Thi là một nhà hoạt động cách mạng lão thành và là người làm văn học nghệ thuật đa tài, nhiều sáng tạo. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, viết báo, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình, và ở lĩnh vực nào, ông cũng thể hiện mình là một bản lĩnh văn hóa lớn. Những chia sẻ của nhà thơ Bằng Việt - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, người đã tuyển chọn và dịch tác phẩm của Nguyễn Đình
  • Từ 1/1/2025, xe kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải sơn màu vàng đậm
    Xe kinh doanh vận tải chở trẻ mầm non và học sinh phải được sơn màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe, có biển báo dấu hiệu nhận biết đặt ở mặt trước và hai cạnh bên xe phía trên cửa sổ.
  • 34 tác phẩm xuất sắc đạt giải cuộc thi ‘Việt Nam hạnh phúc’ 2024
    Tối 11/12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam long trọng tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm và công bố Giải thưởng Cuộc thi ảnh, video “Việt Nam hạnh phúc - Happy Vietnam” năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Lý Nhân Tông – vị vua giỏi của triều Lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO