Văn hóa – Di sản

Lê Văn Thịnh – trạng nguyên khai khoa, nhà ngoại giao xuất sắc

Nguyễn Huy Bỉnh 26/10/2023 10:16

Lê Văn Thịnh (? - 1096) quê xã Chi Nhị, tổng Đại Lai, Kinh Bắc, nay thuộc xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Ông là một người tài năng, có công lao lớn trong sự nghiệp phát triển của vương triều Lý, ông làm quan đến chức Thái sư, về sau bị ghép vào tội giết vua, nên bị đi đầy.

Vào thời nhà Lý, việc tổ chức khoa cử được tiến hành. Năm Canh Tuất (1070), vua Lý Thánh Tông cho lập Văn Miếu ở kinh thành Thăng Long, đến năm 1075 tổ chức khoa thi Nho học đầu tiên gọi là khoa Minh kinh bác học để chọn hiền tài giúp dân, giúp nước. Trong kỳ thi ấy, Lê Văn Thịnh đỗ đầu của khoa thi thứ nhất, vì thế ông được gọi là Trạng nguyên khai khoa.

le_van_thinh.jpg
Tượng thờ Thái sư Lê Văn Thịnh.

Sau khi thi đỗ, Lê Văn Thịnh được bổ vào cung đình dạy học cho vị vua trẻ tuổi Lý Nhân Tông. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Mùa xuân, tháng 2, xuống chiếu tuyển Minh kinh bác học và thi Nho học tam trường. Lê Văn Thịnh trúng tuyển, cho vào hầu vua học”. Về sau, ông được giữ nhiều chức vụ quan trọng khác. Đến năm 1084, Lê Văn Thịnh được thăng chức Thị lang Bộ Binh, được giao trọng trách đứng đầu phái bộ Đại Việt sang trại Vĩnh Bình, Quảng Tây (Trung Quốc) bàn về vấn đề biên giới và đã đòi lại được một địa bàn tương đối rộng lớn của ta bị phương Bắc lấn chiếm.

Khi triều đình phong kiến nhà Tống mưu việc đem quân xâm lược nước ta, nhà quân sự tài ba Lý Thường Kiệt biết được âm mưu ấy, ông ra quyết định táo bạo chưa từng có, đem quân vào đất Tống, đại phá căn cứ của quân Tống rồi quay về lập tuyến phòng thủ kiên cố.

Năm 1076, nhà Tống kéo quân sang, chiếm đóng đất đai ở địa phận hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn ngày nay. Chúng điều quân ồ ạt tiến đánh vào nước ta, dự định tiến thẳng vào kinh thành Thăng Long bằng việc bắc cầu phao qua sông Như Nguyệt. Quân đội của Lý Thường Kiệt đã đánh chặn, phá tan quân giặc ở phòng tuyến Như Nguyệt khiến cho đội quân Tống tổn hại lớn. Chúng đành phải lui quân.

Đến mùa xuân, tháng Giêng, năm 1078, vua Lý Nhân Tông sai Đào Tống Nguyên đem biếu nhà Tống 5 con voi thuần, xin trả lại các châu Quảng Nguyên, Tô Mậu, cùng những người các châu ấy bị bắt đem đi. Năm 1079, nhà Tống đem Thuận Châu trả lại cho nước ta, nhưng chưa trả hết phần đất đai mà các thổ dân từng dâng cho nhà Tống.

Đến tháng 6 năm 1084, Lê Văn Thịnh lúc đó giữ chức Thị lang Bộ Binh được cử đến trại Vĩnh Bình cùng người Tống bàn bạc về đường biên giới và những phần đất còn lại bị nhà Tống chiếm đóng. Nhà Tống viện lý do là vùng đất thuộc hai động Vật Dương và Vật Ác do các thổ dân xin nộp và thần phục, tự ý đem sáp nhập vào nhà Tống nên không chịu trả lại cho ta, họ lập luận rằng: “Những đất mà quân ta chiếm thì đáng trả cho Giao Chỉ. Còn những đất mà các người coi giữ đem nộp để theo ta thì khó mà trả lại”. Trước thái độ ngang ngược và lý lẽ bao biện của sứ giả nhà Tống, Lê Văn Thịnh đã cương quyết đòi bằng được vùng đất bị chiếm đóng ấy, ông trả lời sứ giả nhà Tống là Thành Trạc rằng: “Đất thì có chủ, các viên quan giữ đất ấy đem nộp cho người khác và trốn đi thì đất ấy thành vật ăn trộm của chủ. Việc chủ giao cho mà lấy trộm đã không tha thứ được, mà trộm của hay tàng trữ thì pháp luật cũng không cho phép, huống chi nay lại mang đất lấy trộm dâng để làm dơ bẩn sổ sách nhà vua”. Với cách lập luận thuyết phục, lấy luật pháp quy định và lý lẽ chân chính của nho gia mà phản biện, sau hàng tháng trời, cuối cùng phái viên Tống phải trình lên vua Tống giao trả cho nước ta sáu huyện và ba động.

Vì sự kiện này, người Tống còn có thơ rằng:

Nhân tham Giao Chi tượng,

Khước thất Quảng Nguyên kim.

Nghĩa là:

Vì tham voi người Giao Chỉ,

Mà bỏ mất vàng Quảng Nguyên.

Năm 1085, sau khi đòi lại vùng đất biên giới Trung Quốc, Lê Văn Thịnh được phong chức Thái sư, chức quan đầu triều. Trong thời gian giữ chức vị quan trọng này, ông đã có ý kiến sáng suốt và quyết định rất quan trọng trong việc phát triển đất nước và giữ vững biên cương, ổn định trong triều đình.

Lê Văn Thịnh định ra việc tô thuế, đây là lần đầu tiên chính sách thuế khóa ruộng đất của triều Lý được ban hành. Việc định tô này rất có lợi cho quốc khố, nhưng lại làm cho thành phần hữu sản, tầng lớp trên (mà chủ yếu yếu là quan lại triều đình và hảo phú địa phương) bị thiệt hại.

Ngoài ra, Lê Văn Thịnh còn chú trọng tuyển người tài trong giới nho sĩ, cho những người đỗ đạt làm quan thay dần các sư tăng. Ông cho sắp xếp lại các chùa chiền, cải tổ lại cách quản lý các tự viên vốn có nhiều thế lực ở các địa phương, đưa các quan văn quản lý tự viên. Điều này đã làm hạn chế quyền lực các sư tăng một cách đáng kể.

Sự nghiệp cải cách lại các quy định hành chính quốc gia dưới thời Lê Văn Thịnh diễn ra rất quyết liệt, mâu thuẫn giữa các thế lực trong triều đình ngày càng gia tăng. Những thế lực bị mất đi quyền lợi của mình (là lực lượng đông đảo từng có công lao đối với triều đình) thì ngày càng căm ghét chính sách của Lê Văn Thịnh. Chính vì vậy, những thế lực này luôn tìm cách ám hại ông.

Quả nhiên, điều gì đến cũng đã đến. Năm Bính Tý (1096), công cuộc cải cách đang diễn ra mạnh mẽ thì Lê Văn Thịnh bị quy vào tội mưu phản, toan giết vua trong vụ án hồ Dâm Đàm. Sách Đại Việt sử ký toàn thư thuật chuyện: Bấy giờ vua ra hồ Dâm Đàm (Hồ Tây ngày nay), ngự trên thuyền nhỏ xem đánh cá. Chợt thấy có mây mù nổi lên, trong đám mù nghe có tiếng thuyền bơi đến, tiếng mái chèo rào rào, vua lấy giáo ném. Chốc lát mây mù tan, thấy trong thuyền có con hổ nhỏ, mọi người sợ tái mặt, nói “việc nguy rồi”. Người đánh cá là Mục Thận quăng lưới trùm lên con hổ, thì ra là Thái sư Lê Văn Thịnh. Vua nghĩ, Thịnh là đại thần có công giúp đỡ, không nỡ giết, nên đày lên trại đầu Thao Giang... Trước đây, Lê Văn Thịnh có gia nô người nước Đại Lý có phép thuật kỳ lạ, cho nên mượn thuật ấy toan làm chuyện thí nghịch.

Tám thế kỷ sau, vua Tự Đức trong một bài thơ vịnh nhân vật lịch sử Lê Văn Thịnh còn viết:

Văn học đồ vi tiếu thủ thư,

Man nô tư súc nhật căng kỳ.

Thần qua nhất kích hôn phân tán,

Yêu đổ nguyên lai thị Thái sư.

(Văn học được dùng làm thứ tiến thân,

Nuôi riêng đầy tớ người Man, ngày càng kiêu căng.

Giáo thần vừa phóng ra, khí trời mờ mịt liền tan biến,

Yêu quái hổ kia té ra chính là Thái sư)

Câu chuyện hư ảo trên đây thật khó lý giải nhưng chắc chắn không thể có việc Lê Văn Thịnh “mưu làm phản” bởi nếu thật can tội này thì đương nhiên ông và gia tộc không dễ toàn tính mệnh, đâu đợi đến sử thần Ngô Sĩ Liên phải phân vân: “Kẻ làm tôi mưu tội giết vua cướp ngôi mà được miễn tội chết, thế là sai trong việc hình, lỗi ở vua tin sùng đạo Phật”. Nhiều nhà nghiên cứu đã bàn về điều này và thiên hướng chung cho rằng sự thật đằng sau câu chuyện bí ẩn được thêu dệt, huyền thoại hoá là cuộc đấu tranh tư tưởng và quyền lực giữa phái thần quyền (Phật giáo) với một bộ phận vương quyền khuynh Nho đang mạnh dần lên...

Ngày nay, dưới góc nhìn hiện đại, đây là một vụ án có nhiều tình tiết đáng ngờ đã để lại nhiều sự hoài nghi. Nhưng lúc đương thời (cách nay đến cả nghìn năm) thì thật khó để vén bức màn bí mật của vụ án. Biết bao thế hệ sau đã nhìn thấy ở trong vụ án lớn này những điều hoang tưởng, và tất cả các quan điểm đều giải thích theo hướng giải oan cho Lê Văn Thịnh, mà các luận điểm được đưa ra để minh chứng cho án oan của ông khá thuyết phục.

Chính nhà vua lúc bấy giờ cũng ngầm hiểu được sự oan ức của Lê Văn Thịnh. Bởi thông thường, với tội danh mưu phản và giết vua, chắc chắn người gây án sẽ bị xử tử; đối với Lê Văn Thịnh lại khác, mặc dù bị khép tội danh ấy nhưng ông được tha chết, chỉ phải đi đày. Trong trường hợp này, nhà vua đã có một sự ẩn ý rất rõ ràng.

Trong tâm thức dân gian, người dân có quan điểm và cách nhìn nhận vấn đề lịch sử khác xa so với các sử gia chính thống. Lê Văn Thịnh được người dân kính trọng và tôn thờ là Thành hoàng làng, vị thần bảo vệ cho dân làng. Hàng năm, đến ngày lễ hội, người dân ở cả 5 thôn: Đông, Lai, Nghiêm, Miễu và Lai Lẻ trong xã Chi Nhị xưa đều rước Nghè để trình tế. Tại thôn Bảo Tháp, trong đền thờ Lê Văn Thịnh có một pho tượng bằng đá nguyên khối tạc hình một con rắn lớn giống như hình con rồng đang trong tư thế “miệng cắn thân, chân xé mình”. Pho tượng đã chìm sâu trong lòng đất bao năm nay mới phát lộ đã toát lên nỗi đau đớn, phẫn uất về vụ án oan xưa kia. Có thể nói, sự nghiệt ngã chốn quan trường, sự uất hận và bất hạnh của một nhân cách lớn đã được người đời dệt lên bằng hình tượng độc đáo và khổ đau. Hình tượng ông đã được thiêng hóa và giải oan từ trong tín ngưỡng dân gian.

Qua những năm tháng cống hiến, Lê Văn Thịnh đã làm được nhiều việc quan trọng cho đất nước. Ông là bậc khai khoa, người góp phần mở nghiệp khoa cử ở nước ta, có cải cách tô thuế, đòi lại phần đất bị nhà Tống chiếm đóng... Vượt lên tất cả, Lê Văn Thịnh là một người tài năng, ông dám nghĩ, dám làm và làm đến cùng. Nhưng kết cục cuộc đời ông lại là một trong những tấn bi kịch đau xót nhất trong lịch sử các vị quan dưới triều đại phong kiến Việt Nam./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Hoàn thiện chính sách pháp lý phát triển văn học, nghệ thuật bước vào kỷ nguyên mới
    Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, đang lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác (sau đây gọi tắt là Dự thảo Nghị định).
  • Bình chọn 10 sự kiện Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiêu biểu năm 2024
    Theo đó, có 15 sự kiện được đưa ra bình chọn. Hoạt động bình chọn được tổ chức dưới 2 hình thức: Tổ chức bình chọn trực tiếp ngày 6/12/2024 với sự tham gia của đại diện phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.
  • Sáng tỏ những đóng góp của Phật giáo với dân tộc từ thời Lý đến nay
    Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa ra mắt bạn đọc cuốn sách "Phật giáo với dân tộc: Từ thời nhà Lý đến nay". Không chỉ khái quát vai trò của Phật giáo thời Lý, phác họa bối cảnh chính trị, văn hóa, xã hội thời kỳ này cuốn sách còn góp phần khẳng định những giá trị của Phật giáo trong xã hội Việt Nam hiện nay, đồng thời đề cập tới những cơ hội, thách thức và các giải pháp phát huy những giá trị tư tưởng, văn hóa tốt đẹp của Phật giáo trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
  • Huyện Đan Phượng: Đảm bảo cung ứng mặt hàng thiết yếu dịp Tết Ất Tỵ 2025
    Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng (TP. Hà Nội) Nguyễn Thạc Hùng vừa ký ban hành Kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ât Tỵ năm 2025 lĩnh vực Công thương trên địa bàn huyện, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại huyện Đan Phượng nói riêng và có thể cung cấp một phần cho thị trường Thành phố Hà Nội nói chung.
  • Công nhận danh hiệu “Nghề truyền thống, Làng nghề truyền thống Hà Nội"
    UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 6275/QĐ-UBND về việc Công nhận danh hiệu “Nghề truyền thống, Làng nghề truyền thống” Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Lê Văn Thịnh – trạng nguyên khai khoa, nhà ngoại giao xuất sắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO