Đình Tây Hồ (quận Tây Hồ)
Đình Tây Hồ thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Đình Tây Hồ được gọi theo tên địa danh của di tích. Nay đình thuộc tổ 15, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Căn cứ vào các tài liệu Hán Nôm còn lưu giữ tại đình (thần tích, sắc phong, câu đối, văn bia) thì từ trước tới nay đình Tây Hồ thờ 5 vị thần là: Triệu Đình Cương Nghị đại vương, Bảo Trung, Minh Khiết, Kim Ngưu Đế Quân và Liễu Hạnh công chúa.
Tương truyền ở đạo Sơn Nam, phủ Khoái Châu, trang Đồng Lạc có gia đình họ Nguyễn huý là Chương, vợ là Bùi Thị Xuyên. Một hôm bà đang tắm thấy 3 quả trứng rắn, bà mang về nhà. Được 3 ngày tự nhiên quả trứng vỡ, bà sinh ra một cái bọc nở ra hai con trai, một con gái. Con trai diện mạo sáng sủa, hình dung quảng đại. Con gái, mắt phượng, mày ngài. Bà sinh được bốn tháng thì mất ngày 10 tháng chín.
Giặc Chiêm Thành sang xâm lược nước ta. Nhà vua rất lo lắng, tìm người tài cứu nước. Hai ông nghe được lời truyền cầu đến triều đình yết kiến. Vua thấy họ có tài bèn phong là tướng quân Trung phẩm. Sau khi thắng trận hai ông tiến quân về trang Bình Lăng, huyện Bạch Hạc, phủ Tam Đảo, đạo Sơn Tây. Hai ông cùng hoá vào ngày 12 tháng mười. Hoàng đế cho lập miếu thờ, ban tặng tiền cho dân để cúng tế vào dịp xuân thu.
Công chúa Liễu Hạnh là con gái vua cha Ngọc Hoàng. Vì đánh vỡ chén ngọc, nàng bị vua cha giáng xuống trần đầu thai vào nhà Lê Thái Công. Vào ngày 3 tháng ba nàng mất khi mới 21 tuổi. Giáng tiên về trời nhưng lòng trần chưa dứt, công chúa lại xuống trần và đổi tên là Liễu Lạnh. Sau ba năm ở thiên đình, công chúa lại xin xuống trần một lần nữa mang theo Quỳnh Hoa và Quế Hoa. Họ trú ngụ ở Phố Cát, Thanh Hoá, dạy dân cày cấy, xây dựng cuộc sống, vì thế nhân dân lập đền thờ. Vì có công giúp vua Lê đánh giặc nên được sắc phong là “Liễu Hạnh công chúa”, thời Nguyễn suy tôn “Mẫu nghi thiên hạ”.
Thần Kim Ngưu được thờ ở đền Kim Ngưu nhưng đình Tây Hồ cũng thờ. Theo “Lĩnh Nam chích quái” ở “Truyện Hồ tinh” thì sau khi kể về việc Lạc Long Quân diệt cáo chín đuôi, truyện có câu kết “Sau lập miếu Kim Ngưu để trấn áp yêu quái”; lần thứ hai ở “Truyện con Trâu vàng huyện Tiên Du” có đoạn nêu rõ: “Núi Tiên Du có tinh Trâu Vàng Kim Ngưu nửa đêm thường toả sáng, có nhà sư lấy thích trượng yểm lên trán trâu. Trâu bỏ chạy húc vào đất làm sụp thành cái hồ.”.
Ngoài thờ 5 vị thần kể trên, đình còn thờ 8 vị thần khác đó là:
- Tây Hồ bản khôi khai sáng
- Bạch Dược đại tướng quân
- Minh Ngọc đại vương
- Ba Liệu đại vương
- Uy Linh Lang đại vương
- Thuận Minh Công phối
- Thuỷ Thảo đại vương
- Cá Lễ đại vương
Trải qua thời gian, đình đã nhiều lần được tu sửa. Đình có kết cấu hình chữ “đinh”, gồm các hạng mục: Nghi môn, Nhà khách, Tảo mạc, Đại đình, Phương đình, hành lang và Hậu cung.
Đình còn lưu giữ được nhiều di vật mang giá trị lịch sử, văn hoá và nghệ thuật cao gồm: 25 đạo sắc phong, long ngai bài vị 11 bộ, 1 cuốn thần tích, 6 đôi câu đối gỗ, 2 bức hoành phi, 4 tấm bia đá... Ngoài ra còn nhiều đồ tế tự khác.
Đình Tây Hồ đã được tu bổ nhiều lần.
Đình Tây Hồ là trung tâm sinh hoạt văn hoá của cư dân cộng đồng làng xã. Hàng năm vào ngày 10 tháng hai âm lịch dân làng mở hội truyền thống để tưởng nhớ công ơn của các vị thần.
Đình Tây Hồ đã được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 2008./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01