Đình Phụ Khánh (quận Hai Bà Trưng)
Đình Phụ Khánh thuộc phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Đình Phụ Khánh còn được gọi là đền Quan Đế có khởi nguồn từ lâu để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của cộng đồng cư dân Phụ Khánh.
Tấm bia lớn “Tu phụ khánh đình bi” (Bia ghi việc sửa chữa đình Phụ Khánh) cho biết: đền Quan Đế, thôn Phụ Khánh, huyện Thọ Xương thờ cúng đã mấy trăm năm. Đến đời Thành Thái, đình được dời xuống thôn An Nhất (tức vị trí ngày nay).
Trước đây, đình Phụ Khánh thờ vị thần Quan Đế. Trong ý thức của nhân dân Trung Quốc, Quan Vũ là vị anh hùng chân chính không hề biết sợ, không lùi bước trước khó khăn, chiến thắng mọi đau khổ về thể xác, coi cái chết nhẹ như lông hồng. Sau khi mất, Quan Đế là biểu tượng chủ nghĩa anh hùng của Trung Quốc.
Đình Phụ Khánh được xây dựng quay hướng tây, kiến trúc kiểu nhà truyền thống của dân tộc, mái lợp ngói ta. Bên trong gồm có Tiền đường 3 gian, Hậu cung 2 gian.
Do nhiều nguyên nhân khác nhau, nên hiện nay đình được bài trí theo thứ tự:
- Ban trên cùng có tượng Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Lê Lai.
- Ban thờ thứ hai: thờ Đức đại vương Trần Triều và 2 tượng hầu.
- Phía trước: thờ vị Trung Liệt đại thần.
- Bên phải nhà Tiền đường có một số pho tượng.
Trong đình bảo lưu một số di vật có giá trị:
- Ba tấm bia đá dựng đời vua Thành Thái.
- Một bức đại tự: Trung liệt đại thần.
- Một bức cuốn thư.
- Hai cửa võng.
-Hai đội câu đối.
- Một đôi hạc gỗ to....
Đình Phụ Khánh được xây dựng gắn liền với dấu tích của một làng cổ ven đô xưa của kinh thành Thăng Long. Đây là một tư liệu quý phản ánh quá trình đô thị hoá và phát triển của kiến trúc thành phố Hà Nội.
Kiến trúc hiện nay của cụm di tích đã cho thấy đình Phụ Khánh và chùa Chân Tiên tạo thành một tổng thể di tích hoàn chỉnh, có nhiều giá trị về mặt lịch sử và văn hoá.
Cụm di tích chùa Chân Tiên, đình Phụ Khánh đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1990./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01