Đình Đĩnh Tú (huyện Quốc Oai)
Đình mang tên địa danh của làng Đĩnh Tú, nay thuộc xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Vào thời Lê, thuộc xã Nghĩa Bang về sau đổi thành xã Hữu Quang, huyện An Sơn, phủ Quốc Oai, xứ Sơn Tây. Đầu thế kỷ XX, thuộc xã Hữu Quang, tổng Thạch Thán, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây. Năm 1948 sát nhập xã Hữu Quang với xã Cấn Xá thành xã Cấn Hữu.
Đình Đĩnh Tú cách trung tâm Hà Nội khoảng 28km về phía tây. Từ Hà Nội theo đường cao tốc Láng - Hoà Lạc đến thị trấn Quốc Oai, tới ngã ba, rẽ tay trái vào con đường liên xã khoảng 6km, qua chợ Bương tới ngã ba rẽ trái là tới di tích.
Đình toạ lạc trên một thế đất cao ráo, thoáng đãng ở trung tâm thôn Đĩnh Tú, cạnh bờ đê sông Tích. Đình nhìn về hướng nam, phía trước là dòng sông Tích uốn lượn phía sau là dãy núi Sài Sơn.
Về kiến trúc, đình Đĩnh Tú được xây dựng vào thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVII) còn tương đối nguyên vẹn, với kết cấu hình chữ “nhất”. Phía trước đình là Nghi môn được xây dựng theo kiểu nghi môn trụ biểu. Từ cổng vào qua một khoảng sân rộng là tới Đại đình. Nền Đại đình cao, có bậc lên xuống, chiều dài 24,7m, rộng 13m, được bó bằng đá thanh và gạch về thời Lê Trung hưng. Đại đình được chia làm 7 gian hai dĩ nhỏ (các gian được chia không đều nhau, gian giữa rộng 4,25m được làm thành cấm cung, các gian bên để trống), tương ứng với các gian là các bộ vì đỡ mái được làm theo ba kiểu thức khác nhau chút ít trên mặt bằng 6 hàng chan cột gỗ. Hai bộ vì gian giữa Đại đình có kết cấu kiểu: thượng giá chiêng rường nách, hạ tiền kẻ suốt, hậu bấy. Nối hai đầu cột cái theo kỹ thuật chồng đè đơn giản (kỹ thuật đặc trưng của thời Lê) là một câu đầu lớn có lưng và dạ phẳng, câu đầu ngoàm lấy hai đấu kê hình vuông to, dày và hơi thót đáy. Đứng trên lưng câu đầu là hai trụ trốn, hai đầu trụ trốn đỡ một rường bụng lợn, lưng rường đội thượng lương qua đấu hình thuyền. Bộ vì gian bên tả được làm kiểu thượng giá chiêng, hạ kẻ suốt. Bộ vì gian bên hữu được làm kiểu thượng giá chiêng rường nách, hạ kẻ suốt. Nghệ thuật điêu khắc kiến trúc Đại đình đình Đĩnh Tú được thể hiện trên toàn bộ khung nhà với các đề tài trang trí chủ yếu là hình tượng con rồng - con vật đứng đầu trong bộ “tứ linh”. Ta có thể gặp các cảnh: lưỡng long chầu nguyệt, ngũ long, độc long, long hí ngọc, long mẫu tử...
Đình Đĩnh Tú hiện còn lưu giữ được nhiều di vật có giá trị văn hoá nghệ thuật như: một cỗ long ngai, bài vị, hương án, đôi hạc bằng gỗ mang phong cách tạo tác nghệ thuật ở thế kỷ XVIII - XIX; một bát hương gốm Thổ Hà niên đại thế kỷ XVIII...
Căn cứ vào các tư liệu Hán Nôm lưu trữ tại di tích thì đình Đĩnh Tú thờ vị Thành hoàng làng là đức tướng quân Hùng kiệt trác vĩ hộ quốc an dân Trung Á đại vương. Vào thời Hùng Vương thứ 18 (Hùng Duệ Vương), Trung Á được vua phong làm Tiền đạo đương lộ tướng quân thống lĩnh quân thuỷ bộ đi đánh giặc. Một hôm, ông tiến quân đến địa bàn thôn Đĩnh Tú thuộc trang Nghĩa Bang, huyện Ninh Sơn, phủ Quốc Oai, thấy nơi đây có địa thế đắc địa rồng chầu hổ phục bao quanh, ông bèn lập một đồn binh để ứng phó với quân giặc và tuyển chọn quân sĩ... Thắng trận, ông dẫn quân trở về đồn sở ở trại Nghĩa Bang làm tiệc khao thưởng quân sĩ và dân trại. Dân trại xin nơi đồn sở này làm đền thờ ông.
Lễ hội đình làng Đĩnh Tú được tổ chức vào hai đợt tháng giêng và tháng năm âm lịch hàng năm. Lễ hội có liên quan đến ngày sinh và ngày hoá của Thành hoàng làng. Hội tháng năm được mở vào các ngày 20, 21, 22. Hội tháng giêng được mở vào các ngày từ ngày 5 đến ngày 7, trong đó chính hội là ngày 6 tháng giêng... Lễ vật dâng lên đức Thành hoàng làng có hương đăng, oản quả, trầu cau, bánh dày, chè kho, cỗ xôi, con gà và cả một con lợn 30kg móc hàm về làm lễ vật tế thần gọi là lợn Trung đình.
Trước Cách mạng tháng Tám (1945), đình Đĩnh Tú là nơi gặp gỡ, trao đổi, nắm tình hình của cán bộ Việt Minh. Trong kháng chiến chống Pháp, năm 1948 ngôi đình được dỡ ngói, rui để chống giặc Pháp về đóng quân.
Trong kháng chiến chống Mỹ được dùng làm kho chứa quân trang, vũ khí của đơn vị X260 Cục quân giới... Từ khi xây dựng đến nay, ngôi đình đã được tu sửa nhiều lần nên hiện tại vẫn còn tương đối vững chắc, kết cấu kiến trúc vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, được chính quyền và nhân dân có sử dụng là trung tâm sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của toàn dân.
Đình Đĩnh Tú đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2002./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01