Đền Bà Chúa
Đền Bà Chúa thuộc thôn Viên, xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
Từ Hồ Hoàn Kiếm theo các đường Tràng Thi, Nguyễn Thái Học, Cầu Giấy tới gặp đường cao tốc thì rẽ phải, theo đường này đi về phía cầu Thăng Long khoảng 3km, tới địa phận xã Cổ Nhuế rẽ trái khoảng 1km là đến di tích.
Đền Bà Chúa có khởi nguồn từ thời Trần, nơi tưởng niệm công chúa Trần Khắc Hãn, đã có công xây dựng, phát triển kinh tế, dân cư ở khu vực này. Công chúa Trần Khắc Hãn con gái thứ tư của vua Trần Nhân Tông đã rời bỏ cung điện về Cổ Nhuế chiêu tập dân nghèo khai khẩn ruộng hoang lập điền trang, phát triển khu vực này thành một vùng kinh tế trù phú. Sau khi bà mất, dân thôn Viên đã lập đền thờ để tưởng nhớ công ơn của bà. Các vương triều phong kiến đều ban tặng sắc phong.
Đền gồm Tam quan và 2 nếp nhà chính là tòa Tiền tế và Hậu cung. Tam quan được xây các trụ biểu. Nhà Tiền tế 5 gian xây kiểu tường hồi bít đốc, bộ vì nóc làm theo kiểu giá chiêng kẻ chuyền, cốn nách kẻ ngồi và Hậu cung bố cục theo kiểu chữ “đinh”. Tại Hậu cung được làm theo kiểu giá chiêng kép trốn cột tạo cho lòng nhà thoáng rộng. Trong Hậu cung có khám thờ đặt tượng của công chúa và hai thị nữ theo hầu.
Trong đền hiện còn một khám thờ, ba tượng tròn, hai sắc phong, hai bia đá, trong đó có bia Minh Mạng 17 (1836) ghi việc tu sửa đền.
Gắn với đền Bà Chúa còn toà miếu nhỏ thờ các nam thần đã cùng với công chúa xây dựng điền trang, thái ấp ở khu vực này. Nghệ thuật trang trí trong các kiến trúc theo đề tài long, ly, quy, phượng - tùng, cúc, trúc, mai - lưỡng long chầu nguyệt thuộc thế kỷ XIX.
Miếu các quan được xây dựng sau Hậu cung, dưới một cây cổ thụ lớn, miếu gồm 3 gian nhỏ kiểu vì kèo quá giang. Sự có mặt của kiến trúc này đã tôn thêm vẻ đẹp cho kiến trúc đền và khẳng định sự thịnh đạt, phát triển của trang ấp dưới thời Trần.
Đền Bà Chúa nằm trong cụm di tích cùng với đình - chùa thôn Viên, được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa năm 1993.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01