Để làng gốm cổ Bát Tràng thành khu phát triển thương mại và văn hóa của Thủ đô Hà Nội
Làng gốm Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) đã trở thành biểu tượng văn hóa nghề truyền thống của Hà Nội. Nơi đây có nhiều tiềm năng, lợi thế sẵn có để hình thành khu phát triển thương mại và văn hóa, đặc biệt trong bối cảnh UBND Thành phố vừa xây dựng Dự thảo “Nghị quyết khu phát triển thương mại và văn hóa” nhằm cụ thể hóa khoản 8 Điều 21 Luật Thủ đô 2024.
Những năm gần đây, được sự quan tâm của lãnh đạo và chính quyền các cấp, hoạt động bảo vệ, phát huy di sản văn hóa của làng gốm Bát Tràng đã bước đầu khởi sắc. Bát Tràng được công nhận Điểm du lịch của Thành phố Hà Nội năm 2019, không lâu sau nghề truyền thống gốm làng Bát Tràng được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia (2022). Và năm 2024, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận “Lễ hội truyền thống Hội làng Bát Tràng là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia”; Bát Tràng là một trong 2 làng nghề đầu tiên của Việt Nam trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo trên toàn thế giới.
.jpg)
Nghệ nhân Hà Thị Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội, người con ưu tú của làng nghề gốm Bát Tràng, cho biết, xã Bát Tràng hiện nay có khoảng 200 doanh nghiệp, hơn 1.000 hộ sản xuất kinh doanh gốm sứ giải quyết cho hơn 8 vạn lao động mỗi ngày. Làng gốm Bát Tràng còn đón khoảng 300.000 lượt khách du lịch mỗi năm. “Tuy nhiên hạn chế của làng nghề vẫn là vấn đề giao thông, mỹ quan đô thị ảnh hưởng đến khai thác du lịch, phát triển kinh tế xã hội của xã Bát Tràng” – nghệ nhân Hà Thị Vinh, bày tỏ.
Sau cuộc họp báo cáo mô hình ngày 23/10/2024, thực hiện kết luận của lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với nhóm chuyên gia pháp luật xây dựng Luật Thủ đô 2024 bắt tay xây dựng Đề án khu thương mại và văn hóa Bảo tàng sinh thái Làng cổ Bát Tràng.
Nghệ nhân Hà Thị Vinh.
Theo nữ nghệ nhân, để thực hiện được mô hình khu phát triển thương mại và du lịch Bảo tàng sinh thái Bát Tràng, địa phương mong nhận được sự quan tâm của chính quyền, các cấp ngành Thành phố nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn. Thành phố cần cho phép phát triển thương mại và du lịch có thể khai thác không gian cảng sông du lịch tại Bát Tràng nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước.
Khu cảng sông du lịch tại Bát Tràng dự kiến là nơi tổ chức các hoạt động triển lãm, các sự kiện giao lưu, giới thiệu văn hóa làng nghề gốm Bát Tràng với các làng nghề/làng nghề gốm trong nước, nước ngoài. Không gian cảng sông Bát Tràng tạo điều kiện để các hộ kinh doanh, doanh nghiệp trong khu vực làng cổ Bát Tràng xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu gốm Bát Tràng, kể câu chuyện từ làng ra phố của Bát Tràng.
Thành phố cũng cần tạo điều kiện để đơn vị quản lý vận hành Khu phát triển thương mại và văn hóa xã Bát Tràng được phối hợp quản lý, khai thác cảng du lịch tại Bát Tràng với đơn vị quản lý cảng hiện hữu, để tiếp đón và hướng dẫn khách du lịch di chuyển theo tuyến đường thủy đến làng Bát Tràng và các điểm phụ cận. Cho phép mở rộng mốc giới từ cột thủy văn ra mép bờ sông Hồng (đoạn từ Đình Bát Tràng lên Đền Mẫu Bản Hương) rộng hơn mốc giới hiện nay để có thêm không gian, góp phần tạo nên một tuyến phố du lịch sầm uất, đẳng cấp.

Nghệ nhân Hà Thị Vinh cũng đề xuất Thành phố cho phép khu phát triển thương mại và văn hóa tại xã Bát Tràng được xây dựng, lắp đặt các công trình mỹ thuật, sản phẩm gốm sứ tại một số địa điểm công cộng, công viên, vườn hoa trong khu có tính lâu dài, theo thời hạn, hoặc theo các cuộc thi của làng để công chúng có thể thưởng ngoạn các tác phẩm đó. Kinh phí do nguồn đóng góp của cộng đồng dân cư của khu. Các công trình này không làm ảnh hưởng tới cảnh quan, không cản trở giao thông công cộng.
Cùng đó, Thành phố cho phép khu vực này xây dựng cây cầu bắc qua sông sang xã Kim Đức với hình thức xã hội hóa. Địa điểm bắc cầu nối sẽ phù hợp với quy hoạch và được sự thống nhất của các bên liên quan. Đây là một “tuyến phố” dạo bộ trên sông, kết nối điểm đón du lịch của Kim Đức, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông thương về văn hóa xã hội và du lịch trong khu vực. Các phương tiện giao thông đến để bãi đỗ xe Kim Đức, khách tham quan đi bộ qua cầu sang Bát Tràng. Tại Bát Tràng, di chuyển bằng phương tiện xe điện, xe đạp, hoặc đi bộ, góp phần xây dựng khu phát triển thương mại và văn hóa với các không gian xanh, phát thải thấp.
“Chúng tôi cũng mong rằng được chủ động tổ chức hội làng, các nghi lễ truyền thống, sự kiện văn hóa ngoài trời, như ca nhạc, trình diễn, triển lãm mỹ thuật, mỹ nghệ, hội chợ truyền thống, tại các khu vực công cộng mà không phải thực hiện các thủ tục hành chính liên quan. Để triển khai thực hiện, khu phát triển thương mại và văn hóa làng cổ Bát Tràng phải chịu trách nhiệm về nội dung của các sự kiện” – nghệ nhân Hà Thị Vinh, chia sẻ.
Ngoài ra, Thành phố cũng cần xây dựng hệ thống giao thông tĩnh (bãi đỗ xe) tại vùng phụ cận để hạn chế tối đa các phương tiện cơ giới di chuyển vào trong vùng lõi. Thêm nữa, khu cần được đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật (hệ thống thoát nước, thu gom rác thải, y tế, điện, cung cấp nước); nâng cấp tuyến đường nối từ cầu Chương Dương về đến làng Bát Tràng.
“Để huy động nguồn lực xã hội trong việc đầu tư, quản lý vận hành các công trình hạ tầng, công trình mỹ thuật, công trình biểu tượng tại khu phát triển thương mại và văn hóa, chúng tôi mong Nhà nước cần tạo ra cơ chế, chính sách thông thoáng, tạo mặt bằng sạch. Trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, cùng tháo gỡ những rào cản, nút thắt để cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp yên tâm, tự tin đóng góp nguồn lực đầu tư các công trình.
Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ như miễn thuế trong 8 năm đầu, giảm 50% thuế trong 5 năm tiếp theo… Đây sẽ là những “bệ đỡ, cú hích” quan trọng khích lệ cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp tham gia mô hình, thực hiện được mục tiêu thu hút, phát triển du lịch, phát huy giá trị văn hóa, thúc đẩy các hoạt động thương mại, bảo tồn các ngành, nghề truyền thống, góp phần cải thiện đời sống của người dân” – nghệ nhân Hà Thị Vinh đề xuất./.