Chuyển động Hà Nội

Thủ đô Hà Nội: “5 rõ” để hình thành khu phát triển thương mại và văn hóa đúng nghĩa

Trung Kiên 09:16 10/04/2025

“Dự thảo Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa” (Dự thảo Nghị quyết) đang được UBND Thành phố Hà Nội lấy ý kiến nhân dân. Dự thảo có các quy định cụ thể, chặt chẽ đã cho thấy Thủ đô nêu cao tinh thần, bảo đảm phương châm 5 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”, qua đây trong tương lai gần Hà Nội sẽ có các khu phát triển thương mại và văn hóa xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô.

1. Trên thực tế, Hà Nội đã hình thành khu/không gian văn hóa. Đó là các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Hai Bà Trưng và Thị xã Sơn Tây có các tuyến phố đi bộ tổ chức vào 2 ngày cuối tuần, tạo ra một điểm đến thú vị với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí hấp dẫn dành cho du khách và người dân. Các tuyến bố đi bộ ở các quận, thị xã nói trên góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội, thúc đẩy du lịch, kinh tế phát triển, tăng thu nhập cho người dân thông qua dịch vụ ẩm thực, quà lưu niệm...

pho-dibo.jpg
Học sinh Thủ đô tham gia chương trình vẽ tranh “Hà Nội trong mắt em” tại không gian phố đi bộ hồ Gươm trong Festival Thu Hà Nội. (Ảnh tư liệu).

Nhưng cũng từ những hoạt động trên các tuyến phố đi bộ trên cho thấy, Thành phố chưa có “khu thương mại và văn hóa” đúng nghĩa nếu đặt cạnh các Điều, Khoản được quy định trong Dự thảo Nghị quyết. Phố đi bộ hồ Gươm vẫn luôn nấp tập, nhộn nhịp vào dịp cuối tuần nhưng nơi này hội tụ đủ mọi thứ, từ không gian đi bộ, chợ đêm, phố ẩm thực đến trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống và hiện đại. Hay khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) lấy ẩm thực là nền tảng phát triển chủ đạo, thời gian đầu có nhiều du khách tới trải nghiệm, nhưng sau đó thưa dần vì không gian này chưa có nhiều điểm nhấn, sức cuốn hút với du khách.

Khu phát triển thương mại và văn hóa được thành lập trên cơ sở khu phố, tuyến phố, làng nghề, điểm dân cư nông thôn hiện hữu để huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển các hoạt động thương mại, văn hóa, du lịch tại khu vực có lợi thế về vị trí thương mại, không gian văn hóa trên cơ sở bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện về văn hóa kinh doanh, an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường cao hơn so với quy định chung để thu hút, phát triển du lịch, phát huy giá trị văn hóa, thúc đẩy các hoạt động thương mại trên địa bàn, cải thiện điều kiện sống của người dân, bảo tồn các ngành, nghề truyền thống.

Điều 3. Mục tiêu thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa, Dự thảo Nghị quyết.

Nói vậy để thấy, Thủ đô Hà Nội đã “manh nha” khu thương mại và văn hóa. Việc cần làm là Thành phố cần có chiến lược tổng thể nhằm tạo ra sự khác biệt và đặc trưng cho từng tuyến phố. Và đáng mừng, Dự thảo Nghị quyết của UBND Thành phố gần đây đã quy định về nguyên tắc thành lập, tổ chức, hoạt động, quản lý khu phát triển thương mại và văn hóa: Bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện về văn hóa kinh doanh, an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường tại khu phát triển thương mại và văn hóa cao hơn so với các quy định chung để thúc đẩy các hoạt động thương mại, sáng tạo gắn với phát triển văn hóa, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và ngành, nghề truyền thống, thu hút, phát triển du lịch trên địa bàn (Khoản 2, Điều 4).

2. Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh giải pháp phát triển Thủ đô Hà Nội, trong đó có “đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo chuyển biến rõ nét về môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, chú trọng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi và tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp”. Quy chiếu vào đó, Dự thảo Nghị quyết của chính quyền Thành phố đã, đang khẳng định quyết tâm tiếp tục đổi mới tư duy, phát huy tinh thần năng động, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, gần dân và huy động sức dân để đưa Thủ đô phát triển mạnh mẽ, toàn diện, xứng đáng với vai trò, vị thế Thủ đô của đất nước.

son-tay-ok.jpg
Phố đi bộ đêm Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây) trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn với du khách những năm gần đây. (Ảnh tư liệu).

Dự thảo Nghị quyết gồm 4 Chương, 18 Điều (thực hiện khoản 8 Điều 21 Luật Thủ đô 2024) đồng thời cho thấy “tư duy Thủ đô, hành động Hà Nội”, nhất là công tác điều hành của Thành phố theo phương châm 5 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả” nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ, giải pháp phát triển Thủ đô Hà Nội tại Nghị quyết số 15-NQ/TW. Minh chứng là, Dự thảo Nghị quyết quy định trách nhiệm của UBND Thành phố: phê duyệt đề án thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa; Quyết định thành lập, điều chỉnh, chấm dứt hoạt động của khu phát triển thương mại và văn hóa. Phê duyệt thành viên Hội đồng quản lý khu phát triển thương mại và văn hóa; phê duyệt các khoản thu, mức thu, đối tượng nộp, miễn, giảm, cơ chế quản lý, chi tiêu tài chính của khu phát triển thương mại và văn hóa; Phê duyệt Quy chế hoạt động của khu phát triển thương mại và văn hóa…

Trong khi đó, UBND cấp cơ sở có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thành lập, duy trì khu phát triển thương mại và văn hóa. Báo cáo UBND Thành phố quyết định phân giao trách nhiệm quản lý hành chính khu phát triển thương mại và văn hóa. Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở có trách nhiệm kiểm tra công tác quản lý và vận hành khu phát triển thương mại và văn hóa, cam kết của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp về chất lượng dịch vụ, vệ sinh, môi trường với Nhà nước và với cộng đồng khu phát triển thương mại và văn hóa; xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm quy định về quản lý và vận hành khu phát triển thương mại và văn hóa trên địa bàn.

le-hoi-3.jpg
Đêm nhạc trước Nhà hát Lớn Hà Nội tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 thu hút hàng nghìn khán giả. (Ảnh tư liệu).

Dự thảo Nghị quyết cũng quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa của Thành phố, bao gồm kiểm tra công tác quản lý và vận hành khu phát triển thương mại và văn hóa; xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm quy định về quản lý và vận hành khu phát triển thương mại và văn hóa trên địa bàn. Đặc biệt, cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa đơn giản hóa các thủ tục hành chính về cấp phép biểu diễn nghệ thuật, cấp phép triển lãm mỹ thuật, cuộc thi sáng tác mỹ thuật thuộc thẩm quyền đối với các hoạt động văn hóa trong khu phát triển thương mại và văn hóa. Ưu tiên tổ chức các sự kiện văn hóa tại các khu phát triển thương mại và văn hóa phù hợp với mục tiêu của từng khu.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch của Thành phố, Dự thảo Nghị quyết quy định có trách nhiệm ưu tiên tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch tới các khu phát triển thương mại và văn hóa. Đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ và đề xuất các khu phát triển thương mại và văn hóa trên địa bàn Thành phố thành những khu du lịch, điểm du lịch được cơ quan Nhà nước và quốc tế công nhận. Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động du lịch thuộc thẩm quyền, tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch thuộc thẩm quyền tại các khu phát triển thương mại và văn hóa…/.

Bài liên quan
  • Hà Nội khơi thông điểm nghẽn để phát triển khu thương mại và văn hóa
    Dự thảo “Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa” (sau đây gọi là Dự thảo Nghị quyết) đang được UBND Thành phố Hà Nội lấy ý kiến nhân dân. Dự thảo này vừa cụ thể hóa Luật Thủ đô 2024, vừa khẳng định hướng đi đúng đắn, sáng tạo của Hà Nội để khơi thông điểm nghẽn, đồng thời khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thành phố nhằm phát triển Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Gặp mặt nhân chứng lịch sử “Hà Nội – Ý chí và niềm tin quyết thắng”
    Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), sáng 9/4, tại Bảo tàng Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Bảo tàng Hà Nội tổ chức chương trình Tọa đàm – Gặp mặt nhân chứng lịch sử với chủ đề “Hà Nội – Ý chí và niềm tin quyết thắng”. Tới dự có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong.
  • Tạo đột phá trong xây dựng phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô
    Theo Luật Thủ đô năm 2024, Thành phố Hà Nội được xây dựng Trung tâm Công nghiệp Văn hóa tại bãi sông, bãi nổi ven sông Hồng và những khu vực có lợi thế về vị trí, không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch. Đây được xem là một chính sách mang tính đột phá, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô.
  • Hà Nội khơi thông điểm nghẽn để phát triển khu thương mại và văn hóa
    Dự thảo “Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa” (sau đây gọi là Dự thảo Nghị quyết) đang được UBND Thành phố Hà Nội lấy ý kiến nhân dân. Dự thảo này vừa cụ thể hóa Luật Thủ đô 2024, vừa khẳng định hướng đi đúng đắn, sáng tạo của Hà Nội để khơi thông điểm nghẽn, đồng thời khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thành phố nhằm phát triển Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.
  • Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba
    Ngày 9/4, Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập (09/4/1965 - 09/4/2025) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.
  • Hơn 2.000 chỉ tiêu trong Ngày hội việc làm tại Học viện Phụ nữ Việt Nam
    Ngày 9/4/2025, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức Ngày hội việc làm và Phiên giao dịch việc làm, thu hút sự tham gia của hàng nghìn sinh viên và người lao động.
Đừng bỏ lỡ
Thủ đô Hà Nội: “5 rõ” để hình thành khu phát triển thương mại và văn hóa đúng nghĩa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO