Hà Nội khơi thông điểm nghẽn để phát triển khu thương mại và văn hóa
Dự thảo “Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa” (sau đây gọi là Dự thảo Nghị quyết) đang được UBND Thành phố Hà Nội lấy ý kiến nhân dân. Dự thảo này vừa cụ thể hóa Luật Thủ đô 2024, vừa khẳng định hướng đi đúng đắn, sáng tạo của Hà Nội để khơi thông điểm nghẽn, đồng thời khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thành phố nhằm phát triển Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.
Tại Dự thảo Nghị quyết, UBND Thành phố Hà Nội đã nhấn mạnh mục tiêu của việc thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa, đó là huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển các hoạt động thương mại, văn hóa, du lịch tại khu vực có lợi thế trên cơ sở bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện về văn hóa kinh doanh, an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường cao hơn so với quy định chung để thu hút, phát triển du lịch, phát huy giá trị văn hóa, thúc đẩy các hoạt động thương mại trên địa bàn, cải thiện điều kiện sống của người dân, bảo tồn các ngành, nghề truyền thống.

Trên thực tế, Hà Nội được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển khu thương mại và văn hóa bởi bề dày hơn 1.000 năm lịch sử. Điều này được chứng minh vì trong 5 nguyên tắc, tiêu chí để thành lập, tổ chức, hoạt động… của Dự thảo Nghị quyết, UBND Thành phố chỉ rõ “ưu tiên thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa tại các khu phố, tuyến phố, làng nghề, tuyến phố đi bộ, điểm dân cư nông thôn hiện hữu có lợi thế về vị trí thương mại, không gian văn hóa”.
Chỉ tính riêng về làng nghề, tính đến hết năm 2023, Thủ đô Hà Nội với 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 327 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND Thành phố công nhận, hội tụ 47 trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước, thuộc địa bàn 24/30 quận, huyện, thị xã gồm: 268 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề, 59 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống thuộc 6 nhóm nghề. Thành phố hiện có 745/2.711 sản phẩm OCOP (chiếm 27,48 %) là sản phẩm của các làng nghề, làng có nghề.
Doanh thu của 327 làng nghề đã được UBND Thành phố công nhận ước đạt trên 24.000 tỷ đồng, một số làng nghề có doanh thu cao như: Làng nghề bánh kẹo dệt kim La Phù đạt trên 1.300 tỷ đồng; Làng nghề cơ khí nông cụ Phùng Xá đạt 1.200 tỷ đồng; Làng nghề truyền thống mỹ nghệ Thiết Úng đạt 1.100 tỷ đồng; Làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng đạt trên 1.000 tỷ đồng; Làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Minh Khai đạt trên 1.000 tỷ đồng; Làng nghề đồ mộc - may thôn Hữu Bằng đạt gần 1.000 tỷ đồng; 2 làng nghề giầy da thôn Giẽ Thượng, Giẽ Hạ, xã Phú Yên đạt 500 -700 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thực tế phản ánh việc phát triển làng nghề gắn với du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Một số nguyên nhân chính như công tác quy hoạch, triển khai lập quy hoạch phát triển du lịch làng nghề còn chậm. Thiếu hạ tầng đồng bộ phát triển du lịch làng nghề (không gian trưng bày sản phẩm, không gian nghỉ dưỡng, trải nghiệm,...); việc kết nối giữa các làng nghề với các công ty, đơn vị lữ hành còn nhiều hạn chế, chưa xây dựng được nhiều tour du lịch làng nghề, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch tại các làng nghề cũng chưa được quan tâm đúng mức.

Bên cạnh làng nghề, Hà Nội có lợi thế là những tuyến phố “hàng” trong khu phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm chuyên kinh doanh một số sản phẩm hàng hóa hoặc phố ẩm thực Tống Duy Tân - Cấm Chỉ, Tạ Hiện… không chỉ thúc đẩy hoạt động thương mại mà đã là một giá trị văn hóa. Đồng thời Thủ đô có nhiều tiềm năng áp dụng mô hình khu thương mại và văn hóa để thúc đẩy hoạt động thương mại, đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường… như chuyển đổi mô hình vận hành các khu phố đi bộ hiện có (khu vực hồ Hoàn Kiếm và các khu chuyên kinh doanh lân cận, khu phố Trịnh Công Sơn, Công viên Thống Nhất, Đảo Ngọc - Ngũ Xã, Thành cổ Sơn Tây…) và thiết lập những khu trung tâm thương mại và văn hóa mới dựa trên những đặc điểm di sản văn hóa và cộng đồng cần bảo vệ hoặc thúc đẩy phát triển như một số tuyến phố “Hàng”: Hàng Mã - Hàng Đường - Hàng Đồng - Lò Rèn - Hàng Giấy - chợ Đồng Xuân, khu ẩm thực Tống Duy Tân - Cấm Chỉ - Phùng Hưng, Làng cổ Đường Lâm, Làng lụa Vạn Phúc).
Dù vậy, thời gian qua, việc phát triển các mô hình thương mại và văn hóa ở Hà Nội gặp nhiều khó khăn. Cụ thể là các quy định về mô hình chưa được luật hóa đầy đủ, quá trình phát triển vẫn mang tính tự phát. Quy trình từ hoạt động quy hoạch, tổ chức triển khai, giám sát, điều tra, đánh giá chưa được xây dựng chặt chẽ, chưa tạo được các mô hình, quy trình chuẩn để áp dụng rộng rãi. Bên cạnh đó, chưa có các cơ chế, chính sách đột phá, hấp dẫn để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào các khu vực được quy hoạch.
Chính vì điều này, Dự thảo Nghị quyết đang được UBND Thành phố Hà Nội tổ chức lấy ý kiến nhân dân là một bước đột phá, cụ thể khoản 8 Điều 21 Luật Thủ đô 2024, nhất là khơi thông điểm nghẽn, nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của Hà Nội để hình thành, phát triển các khu thương mại và văn hóa. Bởi các Chương, Điều, Khoản trong Dự thảo Nghị quyết đã tạo hành lang pháp lý rõ ràng, thu hút đầu tư và định hướng phát triển cho các khu vực được xác định là có tiềm năng.

Hơn cả, lượng khách du lịch lớn đến Thủ đô Hà Nội mỗi ngày đều tăng, do đó việc thành lập và phát triển các khu phát triển thương mại và văn hóa không chỉ giúp quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, Thành phố Sáng tạo tới bạn bè quốc tế và nhân dân cả nước, mà còn tạo cơ hội việc làm, duy trì và hồi sinh nhiều ngành nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế Thành phố phát triển, nhất là Hà Nội nói riêng đã, đang vững vàng tâm thế để bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.
Điều 5. Hoạt động của khu phát triển thương mại và văn hóa, Dự thảo Nghị quyết, quy định:
(1) Hoạt động văn hóa bao gồm tổ chức các sự kiện, lễ hội, chương trình biểu diễn nghệ thuật, văn hóa truyền thống; xây dựng, phát triển các bảo tàng, nhà truyền thống, không gian trưng bày nghệ thuật; gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, công trình văn hóa, công trình kiến trúc có giá trị, cảnh quan tiêu biểu, phong tục, tập quán tiêu biểu; Hoạt động đào tạo, dạy nghề truyền thống; phát triển nguồn nhân lực nghề, văn hóa nghề.
(2) Hoạt động thương mại, gồm: Phát triển hệ thống cửa hàng, chợ, trung tâm thương mại và các điểm kinh doanh gắn với đặc điểm văn hóa địa phương; Tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại, quảng bá sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm từ các ngành, nghề truyền thống và đặc sản địa phương.
(3) Hoạt động du lịch gồm có: quảng bá, giới thiệu các hoạt động tham quan, du lịch tại khu phát triển thương mại và văn hóa đến du khách trong và ngoài nước; Xây dựng và phát triển du lịch liên kết với các làng nghề, phố nghề và các điểm du lịch, khu du lịch khác.