Chuyện tình thư của lính

Hà Dũng| 23/07/2018 21:15

Năm đó, tôi được đơn vị cử đi công tác mấy ngày trên Hà Giang. Theo lệnh điều động là mười ngày, nhưng do công việc tiến triển tốt nên chỉ có sáu ngày tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Còn những gần nửa thời gian nữa mới phải về đơn vị báo cáo. Đi chơi cái nhỉ?

Chuyện tình thư của lính
Ảnh minh họa

Sau một ngày ghé qua nhà, tôi quyết định lên chơi với bà cô, một giáo viên đang dạy cấp II ở một ngôi trường có những cô giáo trẻ...

Muốn lên nhà cô tôi thì phải đi bằng phương tiện chủ yếu là thuyền. Trưa hôm đó, tôi ra bến thuyền với bộ quân phục ga xanh lét, hơi bàng bạc một tý. Do tôi mua về đem đánh cho bay hết hồ, nhìn thế mới ra lính cũ, quần áo mới quá, mặt lại non choẹt, dễ bị bắt nạt lắm! 

Hà hà! Lính quân y đấy nhé. Khối cô gái quay lại nhìn tôi...

Đang mải ngó nghiêng tìm thuyền người quen, thì gần đó có tiếng nói vọng lên:

- Cái cô này, gọn hàng họ vào một tý! Còn đồng chí bộ đội kia ơi, có xuống đi luôn không?

***

Con thuyền nặng nề quay đầu ra ngoài rồi từ từ rời bến. Chợt vẫn tiếng quát tháo của người phụ thuyền cắm cảu lúc nãy vang bên tai: "Gọn gọn vào chứ! Để thế này ai đi lại được". Tôi quay lại. Một phụ nữ dáng còn trẻ, đang lúi húi bên đám bao ngổn ngang cửa khoang. Tôi nhảy xuống tóm một đầu bao cùng người phụ nữ xếp gọn vào mạn thuyền rồi bước tiếp lên đầu mũi. Đang tiếp tục ngắm cảnh thì có tiếng gọi khe khẽ lẫn trong tiếng máy con thuyền sau lưng:

- Anh gì... bộ đội ơi!

Phượng. Đó là tên cô gái trẻ tôi mới quen, cái tên gợi nhớ đến mùa hè. Em mặc chiếc áo đỏ thắm rực màu hoa phượng, gương mặt tròn tròn phúc hậu, thi thoảng nhoẻn cười lộ chiếc răng khểnh một bên.

Trò chuyện với nhau mới được nửa quãng đường, tôi và em đều nhận ra chúng tôi có chung một vài sở thích nào đó, cái khiến gần gũi hơn là em cũng có một nửa quê hương Thái Bình, như tôi. Nghe Phượng nói mới học xong cấp III, tôi hỏi sao em không đi thi trường nào đó, em trả lời em ở nhà chờ lấy chồng thôi. Tôi trêu: "Thế em có thích lấy bộ đội không? "khiến mặt em như màu táo chín.

***

Mải vui chuyện, chúng tôi không để ý cơn mưa đã kéo đến từ lúc nào và ào ạt trút xuống. Tôi luống cuống, vì nhớ ra không mang áo mưa. Mở chiếc áo mưa nhỏ, Phượng vội nói: "Anh ơi! Che vào đi kẻo ướt". Một cảm giác thật ấm áp len lỏi. 

Trời tạnh, một chút nắng chiều cuối ngày bừng lên loang xuống mặt sông. Con thuyền cũng đã cập bến. "Nhà em đây rồi, anh... lên chơi nhé!". Phượng ngập ngừng hỏi tôi.

- Thôi, để lúc khác, bây giờ anh có hẹn sợ muộn mất! - Tôi từ chối mặc dù lòng rất muốn. Rồi vội móc tờ giấy công lệnh trong túi áo ra ghi mặt sau mấy dòng địa chỉ. 

Chiếc thuyền lại quay lùi ra xa bến. Người phụ lái sau khi cong lưng chống con sào đẩy thuyền quay lại nháy mắt với tôi.

Tôi không trả lời anh ta vì còn mải nhìn lên bờ, bóng người đỏ rực đứng trên bờ cát vẫn đang giơ tay vẫy vẫy cho đến khi mờ dần rồi mất hẳn. Mùi hương trong chiếc áo mưa lúc nãy chợt phảng phất quay lại như thế chỗ thứ gì đó đã xa dần...

***

Tôi sang đơn vị nhận nhiệm vụ mới tại một tỉnh biên giới phía Tây Bắc và bù đầu vào công việc. Lúc vãn việc, tôi chợt nhớ ra người em gái mới quen, định biên thư nhưng khi tìm tờ giấy ghi địa chỉ thì mới biết lúc vội ghi vào tờ lệnh lúc về giao cho đơn vị không chép lại. 

Chúng tôi lại được lệnh chuyển sang Hà Giang. Trước khi đi, tôi về đơn vị cũ, không ngờ nhận được những ba lá thư của em. Tôi vội vàng ngồi viết một mạch. Vốn là người chuyên viết thư tình thuê cho anh em trong đơn vị nên khi hoàn thành tác phẩm xong tôi đọc lại thấy hài lòng lắm. Nhưng ngẫm nghĩ tới những dòng chữ mộc mạc, chân tình của em gái thôn quê tôi xé nó đi viết lại từ đầu, ngắn hơn và thật hơn.

Thời gian thấm thoát trôi, thi thoảng tôi vẫn nhận được thư em từ đơn vị chuyển lên biên giới (chúng tôi không có hòm thư mới vì chỉ đi làm nhiệm vụ). Tình cảm của chúng tôi cũng ngày một dạt dào thêm qua những cánh thư quê nhà - biên giới. Bẵng đi một thời gian, tự dưng những lá thư của em mất hút mặc dù tôi vẫn gửi đều. 

Đơn vị có sự thay quân, tôi cũng trong số được trở về nơi cũ. Tôi xin chỉ huy cho đi tranh thủ hai ngày. Nhảy từ thùng chiếc xe Gat xuống, vẫy tay chào mọi người, xốc chiếc ba lô trên lưng tôi cắm cúi bước đi trên con đường quanh co vào nhà Phượng. Đây rồi, tim như đập thình thịch, xem lại món quà biên giới, chỉnh sửa lại bộ quân phục toàn bụi đường xong tôi rón rén bước vào sân gọi: Phượng ơi!...

Nhưng...

Hết nghĩa vụ, tôi ra quân. Hầu như câu chuyện về người em gái trên sông nước mênh mang và những lá thư đã không còn trong tiềm thức. Nhưng, sau hơn mười năm, trong một lần đi công tác tại một miền thôn quê nọ...

***

Phiên chợ cuối năm đông nghịt người. Tôi lang thang từ đầu chợ đến cuối chợ, ghé vào một hàng quần áo trẻ con vì nhớ lời con gái dặn "bố có tiền mua cho con bộ quần áo như của cô trong phim kia nhé!". Đang lúi húi, bỗng có tiếng gọi phía sau:

 - Anh... gì ơi!

Chợt có cảm giác giọng nói này quen quen, gợi cái gì đó hơi xa xăm...

- Anh gì ơi!

Tiếng gọi lại vang lên lần nữa cùng cái giật giật tay áo. Tôi quay lại, một người phụ nữ đang đứng nhìn tôi chăm chăm, cả tôi cũng thế.

- Trời! Phượng! Tôi ngạc nhiên kêu lên. Phượng cũng vậy, cô mừng rỡ lắc lắc cánh tay tôi mãi...

***

- Lâu lắm rồi anh nhỉ, dễ phải mười mấy năm...

Phượng hỏi tôi như hỏi chính mình rồi mời tôi về nhà chơi. Tôi ngạc nhiên lần nữa: "Nhà của em... sao ở vùng này?" “Không, nhà... chồng em!”

Nhà Phượng ngay gần cổng chợ, rẽ qua một khúc cua. Một gian hàng lớn án ngữ ngay ngoài mặt tiền. 

- Anh uống nước đi - Đưa cho tôi chén nước chè vừa pha, Phượng ngồi xuống ghế đối diện - Anh nhìn chẳng khác xưa chút nào, lúc em thấy anh vào cổng chợ dù không mặc quần áo bộ đội em vẫn nhận ra ngay.

- Thế à! Anh... già rồi mà. Vả lại anh đâu còn là bộ đội nữa! - Tôi đùa lại Phượng song không biết nói gì nữa... cứ lặng lẽ nhấp từng ngụm trà thơm ngát. 

***

Từ nhỏ, Phượng đã mang trong mình hình ảnh về những người lính Cụ Hồ thật đẹp, nó lung linh như những ngọn nến sinh nhật, qua câu chuyện của bố cô, một người lính thời chống Mỹ.

Vùng quê của cô không có đơn vị bộ đội nào đóng quân, chỉ có thi thoảng một đơn vị nào đó hành quân qua, đôi lúc họ ngồi nghỉ bên những dòng suối hay chân đồi gần nhà. Những người lính đó rất ồn ào, vui vẻ khi nhìn thấy cô mang nước, hoa quả đến rồi buông dăm ba câu trêu đùa chọc ghẹo.

Người lính cô gặp và nói chuyện lần đầu tiên trên con thuyền hôm ấy đã làm cô có cảm tình, anh có nét mặt và nụ cười thật hiền, hơi ngang ngạnh... kiểu lính. 

- Và thế là em cho chàng lính đó ăn dưa bở phải không? - Tôi hỏi như pha trò.

Phượng không nói gì, cô đi vào trong căn buồng phía sau, mang ra cho tôi một cái gói. Tôi bàng hoàng khi nhìn thấy những lá thư với nét chữ của mình ngày xưa, cả bức ảnh tôi chụp trên Hà Giang đang đeo túi thuốc có dấu cộng to tướng. Một thứ gì trăng trắng rơi ra, chiếc khăn tay của người Tày, mà hôm tôi đến nhà gửi lại không kịp trao tặng tận tay cho cô.

- Vậy... sao tự dưng em không viết thư cho anh?

- Em thấy anh đề đầu thư là anh trên Hà Giang, nhưng hòm thư và thư em viết theo địa chỉ thì lại ở... Yên Bái! Thời gian cuối em không viết vì muốn... anh về thăm em.

- Thế... khi anh về thăm thì nghe chuyện em sắp lấy chồng? 

- Việc này anh phải tự trách anh nhiều hơn. Hôm đó người đàn ông anh gặp trong nhà là chú họ em. Chú ấy là bộ đội, thấy anh chú muốn trêu một chút xem anh thế nào. Sao anh không chờ một lúc nữa mà vội ra về. Lúc em về nghe thấy chú kể lại, vội chạy theo thì anh đã qua bờ sông bên kia. Em có gọi nhưng hình như anh không nghe thấy, vì đang đi rất nhanh.

Đúng rồi, lúc đó ông chú Phượng có giữ tôi lại nhưng tôi nhất quyết về. Khi tôi qua đò sang bên kia sông, trời đã tối, có nghe tiếng mơ hồ ai gọi gì đó lẫn vào trong tiếng gió hun hút, nhưng vì cơn giận dữ đang trào lên, tôi cắm cúi đi.

***

- Chuyện chồng con của em như nào? - Tôi hỏi sang chuyện khác 

- Anh ấy đi làm cán bộ xã ở đây ạ, chúng em có hai cháu rồi. Chết thật! Em cũng quên không hỏi chuyện gia đình anh...

Không khí lại như được mở ra khi chúng tôi ngồi nói chuyện theo kiểu hai người bạn cũ gặp lại.  

Ngoài kia, phiên chợ vẫn đang tấp nập kẻ mua người bán. Tôi chợt thấy lẫn trong đoàn người đi chợ thấp thoáng vài bóng áo lính xanh xanh quen thuộc. Những người lính trẻ giống như tôi cách đây hơn hai mươi năm. Không biết trong số họ có ai đang nhờ những cánh thư để chuyển tới một em gái miền quê xa xăm nào đó chút tình cảm của mình không nhỉ? Giống chút ít như câu chuyện của tôi. Chuyện tình thư của lính. 
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • Hoa chiến dịch Tây Bắc
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Hoa chiến dịch Tây Bắc của tác giả Nguyễn Tiến Luận.
  • Thưởng thức 6 phim tài liệu đặc sắc về Điện Biên Phủ tại Hà Nội
    Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5//2024), từ ngày 3 – 5/5 tại Hà Nội, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương tổ chức “Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ”, giới thiệu đến khán giả 6 bộ phim tài liệu đặc sắc.
  • Từ Hội quán Quảng Đông tới không gian sáng tạo
    Người ta xem nơi ấy là ngã ba tiếp xúc giữa 3 nền văn hóa và kiến trúc Việt - Hoa - Pháp, người ta cũng gọi nơi ấy là điểm hẹn văn hóa cất giữ ký ức xôn xao một thời của Phố cổ Hà thành. Trung tâm văn hóa nghệ thuật số 22 Hàng Buồm, nơi mà những người thuộc thế hệ trước ở Hà Nội vẫn quen gọi là Hội quán Quảng Đông, giờ đã trở thành một điểm hẹn văn hóa chuyên chở những ký ức đậm sắc hương Hà Nội, những ký ức ghi dấu ấn giao thoa văn hóa từ khoảng 400 năm trước cho đến ngày hôm nay.
  • Cảm tác Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Cảm tác Điện Biên của tác giả Trần Quang Bình.
  • Chuyện chưa biết về cây Thị hơn 300 năm tuổi ở Cố đô Huế
    Cây thị 324 năm tuổi gắn với lịch sử hình thành họ Thân Văn ở Thừa Thiên - Huế và đã được công nhận Cây Di sản Việt Nam năm 2010. Tuy nhiên, rất ít người biết đến do “cụ” thị được trồng trên triền bán sơn địa Dương Xuân Hạ (phường Thủy Xuân, TP Huế).
  • Hà Nội đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp văn hóa
    Thủ đô Hà Nội sẽ tăng cường nhiều giải pháp thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thành phố, trước mắt đến năm 2025 với các lĩnh vực: Điện ảnh, Thời trang, Quảng cáo, Thủ công mỹ nghệ, Ẩm thực, Xuất bản, Kiến trúc…
  • Hà Nội: Nhiều hoạt động văn hoá, giải trí được tổ chức dịp lễ 30/4 - 1/5
    Hà Nội tổ chức gần 20 sự kiện phục vụ du khách và người dân trong 5 ngày nghỉ dịp lễ 30/4 - 1/5/2024, kéo dài từ ngày 19/4 đến 10/5/2024. Theo Sở Du lịch Hà Nội, ngoài thu hút du khách, loạt sự kiện cũng là các gợi ý dành cho người dân Thủ đô không đi chơi xa và muốn tham gia các hoạt động trong ngày.
  • Vài cảm nhận về Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc 2024
    Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc năm 2024 nhận được nhiều sự quan tâm của các nghệ sĩ và người yêu nhiếp ảnh của 15 tỉnh gửi dự thi. Với số lượng ảnh khá lớn, trên 2.200 ảnh gồm cả ảnh đơn và bộ đã phần nào khái quát được mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa xã hội tại các địa phương miền núi phía Bắc.
  • Thư viện Hà Nội giới thiệu hơn 300 tư liệu về Tổng Bí thư Trần Phú, Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại thắng mùa Xuân năm 1975
    Hơn 300 tư liệu sách, báo về cuộc đời và sự nghiệp Tổng Bí thư Trần Phú; Chiến thắng Điện Biên Phủ; Đại thắng mùa Xuân năm 1975... được giới thiệu trong cuộc trưng bày của Thư viện Hà Nội tại trụ sở số 2B Quang Trung (quận Hà Đông, TP. Hà Nội).
  • Hàng nghìn người thưởng thức ẩm thực truyền thống Huế với bốn phương
    Hàng nghìn du khách và người dân Thừa Thiên Huế tham gia, thưởng thức các món ẩm thực truyền thống Huế với bốn phương tại Công viên Thương Bạc (TP Huế).
Chuyện tình thư của lính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO