Trưng bày “Khoảng trời mới”: Tri ân thế hệ cha anh, lan tỏa truyền thống nhân nghĩa cao đẹp của dân tộc
Ban Quản lý Di tích nhà tù Hỏa Lò (số 1 phố Hỏa Lò, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, trưng bày chuyên đề “Khoảng trời mới” vừa được khai mạc và diễn ra đến hết ngày 30/9/2024.
Cuộc trưng bày là hoạt động hướng tới Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024); 70 năm ngày ký Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương (21/7/1954 - 21/7/2024); 70 năm trao trả tù binh của Việt Nam và Pháp theo nội dung Hiệp định Genève (8/1954 - 8/2024).
Trưng bày chuyên đề chia thành 3 nội dung chính: “Chín năm làm một Điện Biên”; “Những trang hồi ức”; “Trao trả”. Trong đó, “Chín năm làm một Điện Biên”, khẳng định trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954), dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các lực lượng vũ trang cùng nhân dân cả nước đã đồng lòng, chung sức giành được nhiều thắng lợi quyết định trên chiến trường Việt Nam. Thắng lợi của các chiến dịch là tiền đề cho Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.
Tiêu biểu như Chiến dịch Việt Bắc Thu – Đông (1947), Chiến dịch Biên giới (1950), Chiến dịch Hòa Bình (12/1951-2/1952), Chiến dịch Tây Bắc (10/1952-12/1952). Đặc biệt, tháng 12/1953, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 7/5/1954, quân ta giải phóng hoàn toàn Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ngày 21/7/1954, Hiệp định về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam và Đông Dương được ký kết tại Genève (Thụy Sĩ), công nhận nền độc lập của Việt Nam, Lào và Campuchia.
“Những trang hồi ức” lại thể hiện trong gian khổ của chiến tranh, các chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn tận tình chăm sóc cho binh lính, sỹ quan Pháp bị bắt trên chiến trường. Tù binh không những được cứu chữa khi bị thương, chăm sóc khi ốm đau mà còn được đảm bảo chế độ sinh hoạt, được nhận thư nhà, có điều kiện giải trí cho đến ngày được trao trả về nước. Chính sách khoan hồng và đầy tính nhân đạo đã nói lên tính nhân văn sâu sắc của tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như truyền thống nhân nghĩa cao đẹp của dân tộc ta, quân đội ta.
Trong khi đó, tại các nhà tù thực dân như: Hỏa Lò, Côn Đảo, Nhà lao Cây Dừa (Phú Quốc), Nhà Tiền, Trại an trí Thanh Liệt, Căng Hanh Thông Tây (Sài Gòn), Nhà tù Cam Ranh, các chiến sỹ cách mạng đã phải trải qua cuộc sống đọa đày. Những trận đòn tàn ác, các trại giam ngột ngạt, tối tăm với “cơm hẩm, rau già, cá thối” là cuộc sống mà những người tù chính trị phải đối mặt hàng ngày khi bị bắt giam trong các nhà tù thực dân.
Phần cuối “Trao trả”, sau khi Hiệp định Geneva được ký kết (21/7/1954), Chính phủ Việt Nam và Pháp tiến hành trao trả những người bị hai bên giam giữ. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạo thế và lực cho Chính phủ Việt Nam trên mặt trận ngoại giao. Tại Thụy Sỹ, Chính phủ Pháp buộc phải ký kết Hiệp định Geneva, rút quân ra khỏi miền Bắc Việt Nam.
Cũng thời điểm này, tại Việt Nam, Hội nghị Quân sự Trung Giã được tổ chức và đạt được thỏa thuận về ngừng bắn và trao trả tù binh. Thỏa thuận được lan truyền nhanh chóng trong các nhà tù thực dân. Những người tù đã mưu trí, đoàn kết, bền bỉ tổ chức đấu tranh buộc địch phải trao trả.
Trong giây phút hân hoan được trở về, những chiến sỹ cách mạng cảm động ngắm nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay trước gió và hòa mình trong vòng tay yêu thương của người thân và đồng đội đang đón chào… Đó cũng là thông điệp gắn với tên gọi trưng bày “Khoảng trời mới”./.
Trưng bày giúp công chúng hiểu hơn về các chiến dịch lịch sử, kể câu chuyện về các binh lính, sỹ quan Pháp bị bắt, giam ở các chiến trường Việt Nam (1946 - 1954). Trưng bày cũng là lời tri ân các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, giam trong các nhà tù thực dân: trải qua khắc nghiệt tù đày nhưng không nhụt ý chí, vẫn kiên cường, bền bỉ đấu tranh để biến nhà tù thành trường học cách mạng. Kháng chiến thành công, các chiến sỹ lại cùng nhau đoàn kết, quyết liệt đấu tranh để được trao trả và trở về với cách mạng, với nhân dân.
Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò