Chùa Phúc Lộc (huyện Phúc Thọ)
Chùa Phúc Lộc có tên chữ là Phúc Lộc tự, thuộc thôn Hiệp Lộc, xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, ngoại thành Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô khoảng 40km về phía tây. Từ Hà Nội theo Quốc lộ 32A (Hà Nội - Sơn Tây), qua đập Phùng đến cây số 18 rẽ tay trái đi khoảng 800m là đến di tích.
Chùa Phúc Lộc là nơi thờ Hoàng Đạo (Hoàng Thông). Tương truyền rằng trước khi chỉ huy trận đánh quyết liệt với Mã Viện bên bờ sông Đáy, ở bãi Quán Dâu, ông đã chia vàng cho nghĩa quân. Vì vậy mà chùa còn có tên là chùa Vàng. Nhân dân Hiệp Lộc thờ ông như một vị Bồ tát cứu khổ cứu nạn cho nhân dân. Đến nay, chùa đã được nhân dân tu sửa nhiều lần.
Chùa được xây dựng ở phía đông nam, thuộc trung tâm của làng. Nhìn tổng thể cảnh quan khu vực chùa rất thoáng và rộng. Chùa có các công trình kiến trúc: nhà Tổ, điện Mẫu, nhà khách, nhà ở của tăng ni, vườn cây lưu niên, cây cảnh..., trong đó Bái đường và Thượng điện là nơi được trang trí đặc sắc nhất.
Bái đường gồm 5 gian, được xây dựng trên một nền đất cao ráo, nằm ở vị trí chính giữa của ngôi chùa, phía trước là một sân gạch rộng, vuông vức, hai bên tả hữu có nhà Tổ và điện Mẫu. Bên ngoài Bái đường được xây dựng theo kiểu đầu hồi bít đốc cột trụ, cửa bức bàn, mái lợp ngói ri cổ, bờ nóc đắp nổi 3 chữ “Phúc Lộc tự”. Kết cấu kiến trúc bên trong Bái đường theo hình thức 4 hàng chân gỗ, vì nóc kiểu giá chiêng.
Thượng điện được nối liền với Bái đường bằng hệ thống kẻ góc. Tòa này được làm dọc, gồm 2 gian, kết cấu kiến trúc 2 hàng chân gỗ có xà nách và vì kèo kiểu chồng rường. Hai bên Thượng điện là 2 dãy hành lang, chính giữa là 5 bệ xây theo các cấp từ thấp lên cao, bài trí 5 lớp tượng Phật. Trong đó, tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn là pho có giá trị nhất của chùa Hiệp Lộc. Bức tượng này được tạc bằng gỗ, ngồi trên toà sen với 12 cánh tay, lòng bàn tay cầm báu vật: hạt ngọc lưu ly, lọ nước cam lồ, búp sen...
Chùa Hiệp Lộc đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tây xếp hạng năm 1998./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02