Chùa Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì)
Chùa Ngọc Hồi tên chữ là Ngọc Hồi tự ở làng Ngọc Hồi, xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 11km về phía nam, đi dọc theo Quốc lộ 1.
Ngọc Hồi là vùng đất cổ, nơi đã diễn ra nhiều sự kiện lớn liên quan đến vận mệnh đất nước dân tộc như chống quân Nguyên Mông thời Trần, chống quân Minh thế kỷ XV, trận đánh quyết liệt tiêu diệt đồn Ngọc Hồi của quân Mãn Thanh, mở đường để Quang Trung tiến về giải phóng kinh thành Thăng Long xuân Kỷ Dậu 1789.
Tương truyền thời nhà Trần ở Ngọc Hồi có Bảo Công và hai người em gái cùng dân làng hưởng ứng lệnh vương triều tham gia cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược, có nhiều chiến công lớn. Khi Bảo Công và hai em mất, đã được vua ban sắc phong lập làm thành hoàng dựng đình thờ. Chùa Ngọc Hồi có lẽ cũng được xây dựng vào thời gian đó.
Sau chiến dịch Ngọc Hồi - Khương Thượng, chùa bị hư hại nặng và được phục hồi tôn tạo vào thời Nguyễn.
Chùa Ngọc Hồi hiện nay được dựng trên một khoảng đất rộng ven sông Tô Lịch, gần quốc lộ 1. Tam quan chùa đã bị bom Mỹ phá hoại. Hiện còn toà Tam bảo nằm theo hướng tây nam. Tam bảo hình “chuôi vồ” gồm Tiền đường, Thiêu hương và Thượng điện.
Trong chùa hiện có 42 pho tượng, phần lớn là tượng thế kỷ XVIII, XIX, 2 phù điêu, chuông “Ngọc Hồi tự chung”, 6 bia đá trong đó có 2 bia chữ Hán, 4 bia chữ quốc ngữ, 3 đôi câu đối, 4 hoành phi và các đồ thờ khác. Trong thời kỳ cách mạng và kháng chiến (1946 - 1954), chùa là nơi hoạt động bí mật, nơi che giấu các cán bộ Việt Minh.
Hội làng Ngọc Hồi từ ngày 8 đến ngày 10 tháng hai, chính hội là ngày mùng 9.
Chùa Ngọc Hồi đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1990./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02