Chùa Mui (huyện Thường Tín)
Chùa Mui có tên nôm là chùa Vui, tên tự là Hưng Thánh quán. Chùa thờ Thái thượng Lão quân nên còn gọi là quán Mui, thuộc thôn An Duyên, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Theo truyền thuyết, chùa Mui có từ lâu đời, khởi nguyên từ ông Trần Khánh giúp vua Hùng thứ 18 đánh giặc. Dẹp xong giặc, vì mến cảnh yêu người, ông đã từ chối tiền tài, danh vọng, ở lại đây lập ngôi chùa, dựng tượng Tam thánh để thờ cúng và dạy bảo dân...
Chùa Mui là một di tích nổi tiếng vì đây là một danh lam thắng tích nổi danh. Thời Lý (thế kỷ XI), chùa Mui có quy mô nhỏ, đến thời Lê, bà Đệ nhị cung tần của chúa Trịnh là người họ Ngô tôn tạo lại năm Kỷ Hợi (1599) gọi là Đại Hùng quán tôn (Quán Đại Hùng tôn nghiêm). Sau đó là Hưng Thánh quán, một di tích gắn liền với Đạo giáo (Lão giáo). Sự ra đời và tính chất đặc trưng của công trình văn hoá này gắn liền với hoàn cảnh lịch sử cụ thể của đất nước ta.
Di bút cổ nhất còn lại ở chùa Mui là mộc bản (ván gió) đằng sau bệ Tam thanh trong Hậu cung. Phiên âm mộc bản này có đoạn: “Thời Lý triều đệ ngũ Đại Hoà khởi tạo. Kỷ Tỵ phương giáp can niên nhị bách ngoại dư hủ nạn khuynh đời, chí vua Lê triều Trịnh chúa đệ nhị cung tần Ngô gia thị chỉ tại tạo kinh tu Kỷ Hợi phương gian sau lưu truyền thử”. Tạm dịch: “Khởi tạo năm Kỷ Tỵ đời vua thứ 5 triều nhà Lý (Đại Hoà trong nước bấy giờ thịnh trị). Trải ngoài 200 năm bị dột nát siêu đổ. Đến triều nhà Lê, bà Đệ nhị cung tần chúa Trịnh người họ Ngô sửa chữa lại năm Kỷ Hợi (1599). Khắc vào gỗ để lưu truyền về sau”. Đến thời Lê Kính Tông niên hiệu Hoằng Định thứ 17, 18 (tức năm Bính Thìn - 1617, năm Đinh Tỵ - 1618) sau hai năm mới tu sửa lớn.
Chùa Mui thờ thánh theo Đạo lão, tôn Ngọc Hoàng và Thái thượng Lão quân làm giáo chủ, gọi là chùa theo cách gọi dân gian, nhưng đây chính là ngôi quán, loại di tích thịnh hành dưới thời Mạc. Đây cũng là di tích đặc biệt còn lại ở vùng đồng bằng tỉnh Hà Tây (cũ) như Linh Tiên quán, Hưng Thánh quán.
Vào thời Nguyễn, chùa Mui được bổ sung một số tượng Phật Bồ tát, Hộ pháp, đức Chúa và tượng Mẫu. Hưng Thánh quán sau quen gọi là chùa Mui. Tuy vậy, đặc trưng về ngôi quán vẫn trội vượt, những dấu tích văn hoá vật chất của thế kỷ XVII vẫn còn đậm nét, thể hiện ở phần kiến trúc điêu khắc mỹ thuật.
Chùa Mui xây dựng nhìn về phía nam, có kiến trúc theo kiểu “nội công ngoại quốc” bao gồm toà Bái đường, Trung điện, Thượng điện, hai bên có hai dãy hành lang và cuối cùng là ban thờ Tổ.
Toà Bái đường chia làm 5 gian 2 chái, kết cấu kiến trúc theo hình thức 4 hàng chân gỗ với kiểu vì giá chiêng. Nghệ thuật kiến trúc thiên về bào trơn đóng bén. Dấu tích điêu khắc cổ được thể hiện trên các bức cốn còn giữ được khá nguyên vẹn, đáng chú ý là bức cốn bên phải điêu khắc tích “rồng mẫu tử”, một con rồng lớn cuộn ba vòng ôm lấy rồng con. Trên thân rồng chạm nổi nhiều hoạ tiết hình đao mác toả ra, đây là sản phẩm điêu khắc thế kỷ XVII. Vì ngoài Bái đường cũng chạm rồng, phía trên là hình hoa cúc được chạm trổ hài hoà, đường nét rạng rỡ. Theo hai đầu bờ nóc ra hai đầu mái gắn hai con rồng đất nung, miệng ngậm khối vuông lòng khoét thủng hình tròn. Có nhà nghiên cứu cho rằng đó là hình tượng trời tròn đất vuông. Di vật này cũng thuộc thời Lê - Mạc.
Đáng chú ý là toà Thượng điện, trên bờ nóc cũng có đôi rồng đất nung. Đặc biệt đôi rồng này rất lớn, cao 0,82m, rồng có hai sừng chạc, miệng loe, mắt lồi, tai dơi, miệng rồng há để lộ 6 răng nhọn ngậm một hình lá đề, trên lá đề trang trí hai hình sừng vắt chéo lên nhau (lưỡng nghỉ). Đây là di vật cổ độc nhất có ở các di tích của tỉnh Hà Tây (cũ).
Bên trong toà Thượng điện, nổi bật là bệ thờ đất nung, bệ thờ chia làm ba phần là đầu bệ, thân bệ và chân bệ trang trí cánh hoa sen liên tiếp bốn phía bệ thờ. Thân bệ trang trí rồng và hoa. Đồ án rồng mang phong cách nghệ thuật thời Lê thế kỷ XV với kiểu đầu sừng có hai chạc, tóc chải hai chải, tai thú, mũi sư tử... góc bệ là chim thần Garuda, đầu chim, mình người, hai tay nâng lên bệ.
Vốn là ngôi quán nên nghệ thuật điêu khắc tượng ở chùa Mui cũng khác với các vùng xung quanh. Chùa có 3 pho Tam thanh (Thái thanh, Thượng thanh và Ngọc thanh). Cả ba pho này đều được tạc bằng gỗ, sơn son thếp vàng, ở vị trí cao nhất tại Thượng điện. Lớp thứ hai là Thái thượng Lão quân, lớp thứ ba là Ngọc Hoàng, lớp thứ tư là Thích Ca. Đặc biệt ở đây có hố sâu dưới bệ tượng, nhân dân gọi là huyệt Đan sa, đó là lò luyện đan của các đạo sĩ. Sách cổ ghi rằng, luyện đan có nhiều bí truyền, nguyên liệu là đá đan sa màu đỏ, đem nung đan sa lên sẽ được thuỷ ngân lỏng màu trắng bạc. Cứ thế nung đi nung lại chín lần sẽ được đan sa cứng trở lại, chuyển dạng mỗi lần gọi là chuyển đan, uống cửu chuyển đan sẽ bất tử. Huyệt đan sa ở chùa Mui hiện nay là dấu tích lò luyện đan của Hưng Thánh quán xưa kia.
Bên cạnh hệ thống tượng Phật được nhân dân tạc vào thế kỷ XIX như tượng Thích Ca, Thánh tăng, Hộ pháp... tượng cổ của quán ngày xưa còn có pho Đông Nhạc, đây là pho tượng lớn hiếm thấy trong vùng này, tượng tạo dáng như Hộ pháp, xung quanh có nhiều thú sơn lâm và thuỷ tộc... Tượng cao tới 4m, vai tượng rộng 1,20m. Pho này đã được Quỹ Phát triển văn hoá Thụy Điển - Việt Nam tài trợ để tu bổ.
Chùa Mui đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1995./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02