Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa Một Cột (quận Ba Đình)

Sơn Dương (t/h) 02/09/2023 10:56

Chùa Một Cột toạ lạc ở phố Chùa Một Cột, quận Ba Đình - Hà Nội, nằm trong quần thể di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

chua-mot-cot-hn(1).jpg
Chùa Một Cột

Chùa Một Cột còn có tên chữ Hán là “Nhất Trụ tự”. Chùa được kiến trúc độc đáo trên một trụ đá trong hồ nước.

Văn bia trong chùa dựng năm Cảnh Trị 3 (1665), đời vua Lê Huyền Tông do Tỳ khưu Lê Tất Đạt ghi, có nội dung: “Nước Việt ta xưa có cái hồ hình vuông... Năm đầu niên hiệu Hàm Thông đời Đường (nước ta trong thời gian này bị nhà Đường đô hộ) dựng 1 cột đá ở giữa hồ. Trên cột xây 1 toà lầu ngọc trong đó đặt tượng Phật Quan Âm để thờ cúng... Đến khi triều Lý xây dựng kinh đô ở đây, cũng noi theo dấu cũ, ngày càng sùng kính linh thiêng. Khi Lý Thành Tông chưa có hoàng tử thường đến đó cầu tự. Một đêm nằm mộng thấy Phật bà Quan Âm mời lên trên lầu, ôm một đứa bé đặt vào lòng vua. Tháng đó hoàng hậu có mang hoàng tử. Vua bèn sửa thêm ngôi chùa Diên Hựu ở bên phải chùa Một Cột để mở rộng việc thờ cúng, làm sáng rõ sự tôn sùng…”. Như vậy chùa Một Cột khởi thuỷ xây dựng từ thời thuộc Đường, trên 1 trụ đá ở giữa hồ nước. Đến triều Lý đã cho tu sửa ở chỗ cũ. Vua Lý Thái Tông đến đó cầu nguyện, có được hoàng tử nối ngôi, đã đặt tên cho chùa là Diên Hựu (Phúc lành dài lâu).

Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết thêm một số nội dung: “Mùa đông tháng 10 năm Kỷ Sửu Thiên Cảm Thánh Võ Đại Bảo I (1049) dựng chùa Diên Hựu... Trước đây chiêm bao thấy Phật Quan Âm ngồi trên toà sen dắt vua lên toà. Khi tỉnh dậy, vua đem việc nói với quần thần, có người cho là điềm không lành. Nhà sư Thiền Tuệ khuyên vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa ao, làm toà sen của Phật Quan Âm trên cột như thấy trong mộng. Cho các nhà sư đi lượn vòng chung quanh, tụng kinh cho nhà vua sống lâu. Vì thế gọi là chùa Diên Hựu. Ở đây cho ta hiểu thêm rằng chùa Một Cột được dựng lại và đặt tên là chùa Diên Hựu. Chùa Diên Hựu nay ta thấy ở gần chùa Một Cột, có hoành phi đề “Diên Hựu tự” là đã lấy tên đầu tiên của chùa Một Cột. Chùa Diên Hựu được xây vào năm 1049 để mở rộng việc thờ cúng và cũng là nơi tụng kinh sinh hoạt của các tăng ni.

Sách La thành cổ tích dân vịnh của Tiến sĩ Trần Bá Lãm (1788) cho biết chùa Một Cột ở xã Nhất Trụ, huyện Vĩnh Thuận. Về sau dẫn đến ở thành xóm làng đông đúc gọi là xã Một Cột. Vua Lý Thái Tông tuổi đã cao chưa có người nối nghiệp, đêm mộng thấy Quan Âm Bồ tát vời vua lên đài vàng, ẵm tiên đồng ban cho. Tỉnh mộng, vua sai xây chùa ở phía tây làng để thờ Quan Âm Bồ tát, đổi niên hiệu là Diên Hựu... sau sinh thái tử.

Văn bia tháp “Sùng thiện Diên Linh” chùa Long Đọi (Hà Nam) cho biết thêm về chùa Một Cột: “... Sáng đào hồ Linh Chiểu, giữa hồ vọt lên 1 cột đá, đỉnh cột nở đoá sen nghìn cánh, trên bông sen đứng vững toà điện màu xanh, trong điện đặt cho tượng Nhân Đức. Vòng quanh hồ là 2 dãy hành lang, lại đào ao Bích Trì, mỗi bên đều bắc cầu vồng đi qua. Phía sân cầu đằng trước xây bảo tháp Lưu Ly. Hàng tháng vào mồng 1, hàng năm vào dịp du xuân, nhà vua ngồi xe ngọc đến chùa mở tiệc chay, làm lễ dâng hương cầu cho ngôi báu lâu dài...”.

Trải qua năm tháng, chùa Một Cột đã được trùng tu sửa chữa nhiều lần. Đời Lý Nhân Tông (1072 - 1128), năm Anh Vũ Chiêu Thắng 5 (1080), vua cho đúc chuông treo ở chùa gọi là “Giác thế chung” (Chuông thức tỉnh mọi người) và 1 toà Phương đình bằng đá xanh cao 8 trượng. Nhưng vì chuông quá nặng nên phải để dưới đất, do vậy đánh không kêu. Chỗ ruộng để chuông thấp, có nhiều rùa đến ở gọi là ruộng Quy Điền. Khi quân Minh bị nghĩa quân Lam Sơn bao vây ở Đông Quan, Vương Thông đã cho phá huỷ quả chuông này để đúc vũ khí (1426).

Đại Việt sử ký tiền biên còn chép: “Đời vua Trần Thái Tông (1225 - 1258), năm Kỷ Dậu, niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình 18 (1249), mùa xuân tháng giêng cho sửa lại chùa Diên Hựu, ban chiếu vẫn dựng chùa ở nền cũ”. Đây là lần trùng tu lớn nhất vì phải làm lại gần như hoàn toàn.

Năm 1847, các văn bia trong chùa hiện còn ghi rõ: Tổng đốc Hà Ninh là Đặng Văn Hoà thấy chùa hư hỏng, lòng từ thiện trỗi dậy, tự xuất của chùa và thập phương công đức, thuê thợ tu sửa khiến tượng Phật huy hoàng, điện thờ đồ sộ, tả hữu hành lang, tam quan, gác chuông, trong ngoài bốn phía, tất cả đều trang nghiêm. Năm 1852, Bố chính Tôn Thất Giao xin đúc chuông mới. Năm 1864, Tổng đốc Tôn Thất Hàm hưng công trùng tu, làm sàn gỗ hình bát giác để đỡ toà sen. Năm 1954, trước khi rút quân Pháp cho tay chân đặt thuốc nổ phá chùa Một Cột. Vào ngày 10 - 9, tờ Tia sáng trong nội thành đã đăng tin: “... Hồi 7 giờ tối 10 - 9 - 1954, văn hoá Việt Nam đã chịu một tang đau đớn, chùa Một Cột di tích liệt hạng của Hà thành đã sụp đổ sau một tiếng nổ long trời lở đất...”. Sau ngày tiếp quản Thủ đô (10-10-1954), Bộ Văn hoá đã có một đợt trùng tu lớn chùa Một Cột. Chùa Một Cột và chùa Diên Hựu hiện nay là kết quả của đợt trùng tu này.

Chùa Một Cột còn gọi là Toà Đài Sen, vì hình dáng của chùa như một bông sen nhô lên trên mặt nước. Chùa hình vuông làm bằng gỗ, lợp ngói ta, mỗi cạnh 3m, trên 1 trụ đá có đường kính 1,2m, đó chính là nét độc đáo của ngôi chùa này. Trụ đá gồm 2 khối gắn liền với nhau, tưởng như chỉ là 1 khối. Trụ đá cao 4m (chưa kể phần chìm dưới đất). Phần trên thân trụ mang 8 cánh gỗ, trông tựa bông sen nở, lại có chức năng ăn liền với mộng 8 cột của chùa (4 cột lớn và 4 cột phụ). Các cột này đỡ lấy các đòn ngang của mái chùa. Nóc chùa có mặt nguyệt bốc lửa, 2 đầu rồng chầu về mặt nguyệt. Trong chùa, đức Phật Quan Âm toạ lạc (có nhiều tay), sơn mầu vàng. Phía trên tượng Phật là hoành phi “Liên hoa đài” (đài hoa sen).

Tượng Phật Quan Âm cũng ngồi trên 1 bông sen bằng gỗ sơn son thếp vàng, ở vị trí cao nhất. Chùa có 4 mái, 4 đầu đao cong được đắp hình đầu rồng. Từ mặt sân chùa lên tới sàn chùa để tụng kinh lễ bái, phải bước lên 13 bậc, bậc rộng 1,4m, hai bên có thành tường xây gạch. Điểm đặc biệt là ở mặt tường bên trái có gắn bia đá rộng 30cm, dài 40cm. Đó là bia được viết vào đời Cảnh Trị 3, đời vua Lê Huyền Tông (1665), do Tỳ khưu Lê Tất Đạt ghi.

Chùa Một Cột được xây ở giữa hồ nước thả sen, mỗi cạnh hồ 20m, có tường thấp bao xung quanh. Khách trong nước và ngoài nước tới vãng cảnh, ngắm sen nở trong hồ tương phản với chùa cũng là một bông sen lớn, toát lên sự cao quý của đức Phật Quan Âm, đã không ngớt lời tán tụng. Trí tưởng tượng của nghệ nhân về kiến trúc đã vượt ra ngoài suy nghĩ của thế giới trần tục.

Sau chùa khoảng hơn 20m là cây bồ đề của Tổng thống Prasátgăng đem từ Ấn Độ sang tặng Bác Hồ vào tháng 2/1958. Cây này được lấy từ cây bồ đề nơi Thích Ca tu thành chính quả. Khách đến thăm quan chùa thường tới ngắm lại cây bồ đề và không hết lời ca ngợi tình đoàn kết hữu nghị của hai dân tộc Việt - Ấn. Xung quanh chùa có nhiều cây lâu năm toả bóng mát, cùng với cảnh chùa làm tăng thêm vẻ tĩnh mịch, hư vô, huyền ảo.

Chùa Diên Hựu ở phía tây nam chùa Một Cột, cách nhau 10m. Chùa có tên là Diên Hựu tự. Diên Hựu tự là tên của chùa Một Cột do vua Lý Thái Tông (1028 - 1054) ra cầu tự, rồi hoàng hậu sinh thái tử. Nhà vua cho tu sửa chùa Một Cột, rồi cho xây thêm một chùa cạnh đó, lấy tên là Diên Hựu để tỏ lòng cầu nguyện được hưởng phúc dài lâu. Diên Hựu là tên gọi ban đầu của chùa Một Cột. Chùa Một Cột có ý nghĩa văn hoá tôn giáo to lớn nhưng lại phải thu nhỏ về mặt quy mô để đảm bảo kiến trúc có hình tượng 1 bông sen như vua mộng thấy Phật Quan Âm dắt lên toà sen. Sau nhiều lần trùng tu, đã cho xây thêm chùa này ở cạnh chùa Một Cột. Nhưng ngôi chùa Diên Hựu hiện nay mới được tạo dựng lại ở thế kỷ XVIII.

Chùa Diên Hựu hiện còn 33 tấm bia, phần lớn là các bia hậu, ghi công đức xây dựng, ký tái gia tiên bi ký.

Trong số 33 bia này, quan trọng nhất là bia số 7 ở gian tiền đường, tam bảo, có chữ đề “Nhất Trụ tự bi” cao 1,5m, rộng 0,8m, ghi ông Đặng Văn Hoà trùng tu, bia dựng năm Đinh Mùi (1847) đời Tự Đức. Chùa có tam quan 3 cổng, 2 tầng, nhà thờ Phật, nhà thờ Tổ. Nhà thờ Phật và thờ Tổ đều có 5 gian và làm theo hình chữ đinh. Chùa nhìn ra vườn cây cảnh và núi giả của Bảo tàng Hồ Chí Minh. Hai bên cổng Tam quan còn đôi câu đối:

Diên Hựu danh lam điển tại Lý triều lưu phạm vũ

Đô thành thắng cảnh sử truyền mộng triệu giáng anh linh

Tạm dịch:

Diên Hựu danh lam nổi tiếng, sách ghi từ triều Lý

Đô thành cảnh đẹp sử truyền báo mộng thật linh thiêng.

Trong chùa, các đức Phật được toạ lạc giống các chùa Việt cổ. Hiện vật còn khá phong phú: 33 tấm bia, gần 40 pho tượng tròn và rất nhiều đại tự, câu đối, cửa võng. Chùa còn 1 khánh đồng niên hiệu: “Đại Thanh Cần Long niên tạo” (phải chăng đây là sự giao lưu văn hoá giữa hai nước?).

Tới nay, chùa Diên Hựu cùng chùa Một Cột được khách thập phương trong và ngoài nước tới cầu nguyện, tham quan. Đây là một di tích độc đáo. Chùa đã được công nhận dị tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật năm 1962./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Ô Quan Chưởng - Cửa ô cuối cùng của Hà Nội
    Cửa Ô Quan Chưởng nằm ở phía Đông thành Thăng Long xưa, hiện nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là một trong những cửa ô quan trọng của thành Thăng Long còn sót lại cho đến ngày nay. Chứng kiến biết bao biến đổi thăng trầm của Thủ đô, giữa phố phường Hà Nội nhộn nhịp hôm nay, Ô Quan Chưởng vẫn sừng sững uy nghiêm, khoác lên mình vẻ đẹp cổ kính, bình yên...
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thưởng lãm tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Hải Nam
    Từ ngày 17/12/2024 đến hết ngày 23/12/2024, tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) sẽ diễn ra triển lãm tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Hải Nam.
  • “Cơ hội mới - giá trị mới” để phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”
    Ngày 12/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định số 1569/QĐ-TTg về việc “Phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với những quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.
  • Ra mắt cuốn sách song ngữ Việt - Anh về tiểu sử và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Nhằm giúp bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo, góp phần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch biên soạn cuốn sách song ngữ . Sách vừa được Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành và giới thiệu tới độc giả.
  • [Video] Làng nghề Sơn Đồng: Trung tâm đồ thờ gỗ của Thủ đô và cả nước
    Với kỹ thuật chạm khắc tinh xảo cùng cái tâm với nghề, những nghệ nhân làng nghề thủ công mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) đã tạo nên những sản phẩm vừa đem lại giá trị kinh tế cao, vừa giới thiệu đến bạn bè quốc tế về một Hà Nội của Việt Nam với những nét văn hóa độc đáo trong dòng chảy lịch sử nghìn năm văn hiến.
  • “Hiến kế” cho Hà Nội xây dựng mô hình quản trị đô thị trong kỷ nguyên mới
    Trên cơ sở phân tích lịch sử 70 năm hình thành và phát triển của mô hình quản trị đô thị ở Thành phố Hà Nội, TS. Đỗ Tất Cường (Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học) và TS. Ngô Thị Ngọc Anh (Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Quản lý, Viện Kinh tế) - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đã “hiến kế” cho Hà Nội một số định hướng phát triển của mô hình quản trị đô thị ở Thủ đô trong kỷ nguyên mới.
Đừng bỏ lỡ
Chùa Một Cột (quận Ba Đình)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO