Chùa Hưng Ký và câu chuyện về người thợ gốm tài hoa
Chùa Hưng Ký nằm trong ngõ Chùa Hưng Ký, số 422, phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đây là một ngôi chùa mới được xây dựng khoảng năm 1931 - 1932.
Theo văn bia được lập vào rằm tháng Chạp năm Nhâm Thân, Bảo Đại thứ 7, tức năm 1932, chùa Hưng Ký có tên là chùa Vũ Hưng và điện Mai Sau. Chủ nhân của chùa có tên là Trần Văn Thành tức Hưng Ký, một chủ lò gạch ở Cầu Đuống, quê ở Quảng Đông (Trung Quốc) có vợ là bà Vũ Thị Sau, người làng Hoàng Mai, xã Hoàng Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Vũ là họ vợ, Hưng là tên chồng và điện Mai Sau (Mai là tên làng, Sau là tên vợ) được đặt theo cách ghép họ tên của hai vợ chồng chủ nhân.
Trần Hưng Ký và vợ thuê Đào Văn Can - một người thợ gốm tài hoa thiết kế kiến trúc và giữ vai trò là tổng công trình sư của ngôi chùa này.
Đào Văn Can (1894 -1976) người làng Triều Đông, xã Tân Minh, huyện Thường Tín, Hà Nội. Trước khi sinh Đào Văn Can, bố mẹ ông đã phải rời quê hương vì nghèo đói, không ruộng đất, tới làm thuê cho một lò nung bát ở Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Ngay từ thuở nhỏ, Đào Văn Can đã quấn quýt với các nghệ nhân của xưởng gốm, lò nung ở Bát Tràng. Cậu bé thường dùng than đen, gạch non để vẽ hình con giống, dùng đất sét để nặn con giống rồi đặt chúng trong những kẽ hở của lò nung. Những đồ chơi bằng gốm đầu tiên của Đào Văn Can được các thợ gốm ở Bát Tràng tán thưởng.
Sau này lớn lên, làm việc ở Bát Tràng (từ năm 1908 - 1917), đã cho ông hiểu sâu sắc hơn về ngành gốm: men, mộc, kỹ thuật lò nung, nét vẽ phóng bút, hình đắp tỉ mỉ, công phu. Đặc biệt, qua những pho tượng, trang trí đình chùa ở đây đã giúp ông có thêm những kiến thức về nghệ thuật cổ truyền mà cụ thể là cách tạo dáng, tạo hình cho tượng người, vật, hoa, lá...
Từ năm 1917 - 1931 ông được làm việc ở Công ty gốm Thanh Trì tại Hà Nội, lúc ấy còn gọi là lò gốm ông Thiếu Hà Đông (lò gốm của gia đình Thiếu Bảo Hoàng Trọng Phu) với các công việc: Hướng dẫn vẽ và các công đoạn nghề gốm cho thợ mới; Sáng tác mẫu, dáng đồ vật, họa tiết để trang trí các mặt hàng gốm. Và quan trọng hơn cả là sáng tác tượng và tranh phù điêu gốm, sử dụng men tây vào sản phẩm. Loại men này mua từ Pháp về, giá rẻ, thành phẩm hạ, men dày, không lộ xương gốm. Hàng không đẹp nhưng dùng trong công nghiệp thì có nhiều lời lãi (Đến nay loại hàng này đã rất phổ biến trên thị trường).
Vốn liếng nghề nghiệp và khả năng sáng tạo trong khoảng thời gian này đã giúp cho ông có nhiều thành tựu trong công việc Tổng công trình sư tại chùa Hưng Ký.
Đây là một ngôi chùa đặc biệt, không hề có cột kèo và hệ thống mái bằng gỗ. Toàn bộ ngôi chùa làm bằng bê tông, cốt thép. Chùa không có vẻ u tịch của một ngôi chùa ở làng quê Bắc bộ mà toàn bộ đượm vẻ khang trang, vui tươi của một hội quán (của người Hoa kiều).
Từ cổng tam quan tới chính điện thờ Phật, nhà Hậu, nhà Bia đều được trang trí tô điểm bằng tượng nổi, con giống, hoa văn, câu đối, tranh trang trí… tất cả đều làm bằng gốm men tây, màu sắc rực rỡ gắn vào các bộ phận của kiến trúc bê tông. Các đôn, chậu, chum, thống giá nến, bát hương cũng đều bằng gốm phủ men tây rực rỡ, bóng loáng.
Chùa Hưng Ký có tới hàng ngàn pho tượng lớn nhỏ làm bằng gốm, tô men tây sáng bóng, rực rỡ về các đề tài: Tây Du ký - Tam Tạng thỉnh kinh, Sự tích Thích Ca đi tu, Sự tích Quan Âm Thị Kính, Sự tích về công chúa Liễu Hạnh, Thập động Diêm Vương.
Có thế ví đây như là một rừng tượng bé, cao cỡ 20cm - 30cm trang trí kín 3 mặt của nhà bia, trong đó tiêu biểu là tượng vợ chồng Hưng Ký, đặt thờ ở nhà Hậu; tượng Phật đắp lớn (gồm 5 pho, mỗi pho cao từ 2m - 3m) ngồi chật một gian chùa ở chính điện). Tượng Hộ pháp, rồng, con sấu, cá, đầu đao, vòng, nguyệt… Tất cả vẫn còn trơ men màu sáng bóng, khoe vẻ đẹp của nghệ thuật tạc tượng và kỹ thuật nung tượng gốm lớn nhỏ của nghệ nhân Đào Văn Can ở thời kỳ này.
Tương truyền, khi ngôi chùa làm xong, Hưng Ký cho dựng bia kỷ niệm và khắc tên người thiết kế, thể hiện mỹ thuật cho ngôi chùa này. Tuy vậy không phải lúc nào người ta cũng đi tìm xem tên người thợ được khắc trên bia, nên ít người biết về người thợ tài hoa này.
Năm 1958, Đào Văn Can trở thành hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Khóa I (1966 - 1989), tiểu ban Mỹ thuật Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam và là tác giả của nhiều tác phẩm điêu khắc dự Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc. Đào Văn Can từng tham dự Triển lãm Mỹ thuật 12 nước XHCN ở Rumanie, năm 1958.