Văn hóa – Di sản

Giữ bản sắc, tạo nếp văn minh trong lễ hội Hà Nội

Minh Lý 10:09 05/03/2023

Những năm qua, công tác quản lý và tổ chức lễ hội được Thành phố Hà Nội hết sức chú trọng. Với sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự quản lý và hướng dẫn hoạt động của các cơ quan chuyên môn, những bất cập, hạn chế trong các lễ hội truyền thống đang dần được tháo gỡ từ đó góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, tạo nếp văn minh cho các lễ hội ở Hà Nội…

Vì một lễ hội an toàn, văn minh

Sau 2 năm tạm dừng mở hội vì phòng, chống dịch Covid-19, có thể nói 2023 là một năm “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để các lễ hội ở Hà Nội hoạt động trở lại. Bên cạnh những quy định chung như: trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả, linh hoạt, thể hiện đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc... yêu cầu về đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các lễ hội năm nay được thành phố đặc biệt quan tâm chỉ đạo các Sở, Ngành liên quan và các địa phương thực hiện.

anh-2-hoi-den-soc-.jpg
Lễ hội gò Đống Đa năm 2023.

Để đảm bảo hoạt động lễ hội diễn ra an toàn, văn minh, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành một số Chỉ thị, Quyết định hướng dẫn công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại các địa phương trên địa bàn Thành phố. Trên cơ sở đó, các sở, ngành chuyên môn, các quận, huyện, thị xã đã nỗ lực triển khai kế hoạch tổ chức các lễ hội đến từng phường, xã, ban quản lý sao cho hiệu quả nhất.

Là cơ quan chuyên môn tham mưu, giúp UBND Thành phố quản lý Nhà nước về văn hóa, ngay từ những ngày đầu năm 2023, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã ban hành Quyết định số 31/QĐ-SVHTT về việc thành lập Đoàn kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Cùng với đó, Hà Nội là đơn vị đi đầu của cả nước trong xây dựng quy tắc ứng xử, trong đó có quy tắc ứng xử tại các di tích tín ngưỡng, tôn giáo. Đây cũng là giải pháp khá hiệu quả trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc, giá trị truyền thống, giữ gìn trật tự, vệ sinh chung trong lễ hội; đồng thời chủ động ngăn chặn các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi, không phù hợp thuần phong mỹ tục; đảm bảo hướng tới một lễ hội trên địa bàn Thủ đô diễn ra vừa giữ được bản sắc văn hóa riêng, vừa an toàn, văn minh.

anh-1-le-hoi-go-dong-da.jpg
Lễ hội Gióng ở đền Sóc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) với nhiều nghi lễ tín ngưỡng độc đáo.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Trần Thị Vân Anh cho biết, trong năm 2022, Sở đã tổ chức nhiều khóa tập huấn kiến thức về lễ hội, tu bổ, tôn tạo di tích cho cán bộ, công chức các phòng văn hóa - thông tin; lãnh đạo các xã, phường, thị trấn và cán bộ chuyên trách công tác văn hóa cơ sở, các trưởng ban quản lý di tích… trên địa bàn thành phố.

“Việc đảm bảo tiến tới xây dựng một lễ hội an toàn, văn minh là trách nhiệm chung của các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như vai trò của các ban quản lý tại các di tích và trên hết là sự thay đổi tích cực trong nhận thức của chính người dân và du khách. Họ vừa là chủ thể sáng tạo, là người thụ hưởng đồng thời cũng là người phát triển các lễ hội. Cách ứng xử văn minh, lịch sự ở lễ hội của người tham gia góp phần làm đẹp thêm cho nét văn hóa đặc sắc riêng có của lễ hội Hà Nội”, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh.

Ghi nhận từ thực tế

Ghi nhận thực tế tại một số lễ hội lớn trên địa bàn Thủ đô dịp đầu xuân Quý Mão 2023 cho thấy, các lễ hội có quy mô lớn như: Lễ hội gò Đống Đa, lễ hội đền Sóc, lễ hội đền Và, lễ hội Tản Viên Sơn Thánh… được tổ chức trang trọng, đa dạng, giàu bản sắc. Do có sự chuẩn bị chu đáo trong thời gian dài về mọi mặt nên ít xảy ra hiện tượng tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường văn hóa lễ hội. Việc tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí trong lễ hội đã được chú ý, các hoạt động dịch vụ văn hóa đã góp phần tạo nên không khí vui tươi cho người dân địa phương và du khách thập phương về với Thủ đô. Các hoạt động biểu diễn văn nghệ chào mừng lễ hội đã góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nâng cao lòng tự hào cho nhân dân về Thủ đô văn hiến, anh hùng.
Tại ngày khai hội lễ hội gò Đống Đa kỷ niệm 234 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa năm nay diễn ra trọng thể, khí thế, an toàn. Sau phần lễ, người dân và du khách cùng thưởng thức chương trình sử thi nghệ thuật, tái hiện chiến thắng mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789.

le-chua.jpg
Cách ứng xử văn minh, lịch sự ở lễ hội của người tham gia góp phần làm đẹp thêm cho nét văn hóa đặc sắc của lễ hội.

Theo Ban tổ chức lễ hội gò Đống Đa, trong ngày khai hội ước tính có hơn 10.000 người tham dự. Từ sáng sớm, đông đảo các đoàn lễ rước từ Hải Phòng, Quảng Ninh, Hoà Bình, Bình Định… đã rước kiệu vua Quang Trung, công chúa Lê Ngọc Hân từ ngoài vào trong Công viên Văn hóa gò Đống Đa. Trên khắp các ngả đường hướng về Công viên Văn hóa gò Đống Đa, người dân phấn khởi đổ về tham dự lễ hội.

Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và Gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Minh Hoàng cho biết, nhờ sự chỉ đạo sát sao của thành phố, sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các sở, ngành, các cấp chính quyền địa phương và sự vào cuộc của các ban tổ chức, ban quản lý các di tích, lễ hội, tính đến thời điểm hiện tại về cơ bản tình hình lễ hội trên địa bàn Thủ đô xuân Quý Mão 2023 diễn ra an toàn, vui vẻ, tiết kiệm, văn minh đúng theo tinh thần chỉ đạo trong Chỉ thị và Kế hoạch của UBND Thành phố Hà Nội.

Hoạt động lễ hội đã tạo ra không khí hồ hởi, phấn khởi, tạo động lực, niềm tin cho cán bộ, nhân dân Thủ đô cũng như các du khách thập phương về với Hà Nội dịp đầu xuân mới này. Tình hình an ninh trật tự, công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, phòng cháy chữa cháy được duy trì và đảm bảo tốt, tình trạng bán hàng rong, các hàng quán trên tuyến đường tại các di tích hầu như không còn. Công tác vệ sinh môi trường được chú trọng. Tệ nạn và những biến tướng ở lễ hội có chiều hướng giảm mạnh, góp phần đưa hoạt động lễ hội và nhu cầu đi lễ đầu năm của người dân dần trở về với những giá trị văn hóa truyền thống vốn có. Bên cạnh đó, hầu hết các di tích đã niêm yết đầy đủ quy tắc ứng xử của thành phố để giúp mọi người dân đến lễ đều nhìn thấy và nhắc nhở nhau cùng thực hiện nếp văn minh khi đến các di tích.

Gìn giữ và phát huy nét văn hóa đặc trưng

Đại hội lần thứ XIII và Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 của Đảng đã chỉ rõ: Hệ thống các lễ hội truyền thống của dân tộc là di sản văn hóa quý báu do tổ tiên, cha ông ta mấy nghìn năm để lại. Chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy. Hoạt động lễ hội trên địa bàn Hà Nội đã tạo nên sắc thái riêng của nét văn hóa người Hà Nội, làm cho con người càng thêm yêu mến và gắn bó với mảnh đất lắng đọng hào khí Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, những thành quả tích cực, hoạt động lễ hội năm nay vẫn còn một số hạn chế, tồn tại nhất định. Đâu đó trong các điểm di tích, lễ hội diễn ra nhiều ngày, vẫn còn các hiện tượng xen lấn, xô đẩy, gây mất trật tự…

Quan sát tại nhiều điểm di tích, đình, đền, chùa, lễ hội khác trên địa bàn Thủ đô nhận thấy, thói quen “rải tiền lẻ” không đúng nơi quy định, gài tiền lễ trên tay tượng, vuốt tay chân tượng rồi lại vuốt vào mặt mình để xin được thánh thần phù hộ cho mát mẻ, khỏe mạnh… của người dân còn khá phổ biến; nhiều di tích bị quá tải do số lượng người dân và du khách đổ về dồn dập quá đông nên các ban quản lý còn chưa bố trí đầy đủ nhân sự đón tiếp, hướng dẫn nhân dân; các kíp trực về y tế tại các lễ hội còn quá mỏng… So với quy mô gần 1.300 lễ hội trên địa bàn Hà Nội hiện nay thì những hạn chế, tồn tại vẫn còn hiện hữu trong lễ hội năm nay không phải là vấn đề dễ dàng xóa bỏ nếu mỗi cấp, mỗi địa phương và các di tích nhận diện rõ ràng vấn đề này.

Thực tế cho thấy việc tham gia lễ hội theo "phong trào", đi lễ mà không hiểu đối tượng hành lễ là ai, ý nghĩa của lễ hội là gì, cần phải ứng xử ra sao… là nguyên nhân dẫn đến quan niệm lệch lạc đã đi lễ là phải đặt tiền công đức, hoặc dẫn đến những ứng xử không phù hợp của một bộ phận dân chúng. “Ban quản lý cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về các di tích, lễ hội để đông đảo nhân dân Thủ đô và du khách thập phương hiểu về di tích, lễ hội mình đến; nhằm nâng cao giá trị của di tích và những hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tại chính các di tích, lễ hội đó. Để tiến tới xây dựng một lễ hội thực sự an toàn, văn minh, cần tăng cường sự chỉ đạo, lãnh đạo, sự vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, của các ban ngành, đoàn thể, địa phương cùng với sự tham gia giám sát tích cực của ban quản lý các di tích và sự ủng hộ, chấp hành nghiêm túc của nhân dân, các phật tử thập phương. Khi về với di tích, lễ hội, chúng ta dành sự tôn kính với đức Phật, với tôn giáo, tín ngưỡng, với các vị thánh, vị thần… thông qua những hành vi ứng xử văn minh, văn hóa để xứng đáng với vị thế của một Thủ đô văn hiến, văn minh, anh hùng”, ông Bùi Minh Hoàng nhấn mạnh.

Lễ hội được sinh ra từ nhu cầu văn hóa tâm linh của con người, phục vụ nhu cầu tâm linh của con người. Thông qua việc tham dự lễ hội, con người muốn gửi gắm những khát khao, cầu mong sự yên bình trong tâm hồn, sự may mắn, phát đạt trong cuộc sống. Trong bối cảnh phát triển và hội nhập hiện nay, rất khó đòi hỏi một lễ hội “nguyên bản” như cách đây hàng trăm năm, nhưng cũng rất cần duy trì, gìn giữ những nét văn hóa đặc trưng của lễ hội truyền thống. Những giá trị, bản sắc văn hóa này chỉ có thể có được một cách trọn vẹn trên cơ sở ý thức của từng cá nhân và của cả cộng đồng xã hội trong tham gia lễ hội.

Mặt khác, thông qua tổ chức lễ hội, tạo ra sự giao lưu về văn hóa, góp phần quảng bá về văn hóa truyền thống dân tộc, giới thiệu về hình ảnh đất nước và con người Hà Nội, kêu gọi sự đầu tư, tạo điều kiện phát triển kinh tế trong văn hóa, góp phần thực hiện mục tiêu đúng như Nghị quyết 09-NQ/TU, ngày 22/02/2022 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định rõ.

Bài liên quan
  • Nét đẹp văn hoá truyền thống ở lễ hội đình Yên Phụ
    Đình Yên Phụ nằm trên một bán đảo nhỏ nhô ra hồ Tây, thuộc địa phận làng Yên Phụ (quận Tây Hồ, Hà Nội). Đình thờ Uy Đô Linh Lang, là vị hoàng tử, con trai của vua Trần Thánh Tông. Uy Đô Linh Lang là vị anh hùng của dân tộc, đã có công lao lớn trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Trường đại học đầu tiên đạt chứng chỉ EDGE uy tín toàn cầu
    Sở hữu khuôn viên xanh rộng 6.5 hecta với tổng vốn đầu tư 165 triệu USD, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) mới đây đã đạt chứng chỉ xanh EDGE uy tín, “bảo chứng” của nhiều công trình xanh quy mô trên toàn cầu.
  • Chung kết cuộc thi: Đổi mới phong cách của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh
    Ngày 21/11, Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức Chung kết Cuộc thi tuyên truyền kết quả thực hiện kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ Y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” và giải pháp giai đoạn 2 “Thấu hiểu, tận tâm – Nâng tầm, đổi mới”.
Đừng bỏ lỡ
Giữ bản sắc, tạo nếp văn minh trong lễ hội Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO