Chùa Hạ Hoà (huyện Quốc Oai)
Chùa Hạ Hoà tọa lạc tại xã Tân Phú, huyện Quốc Oai, Hà Nội.
Chùa mang tên địa danh của làng Hạ Hoà, xã Tân Phú, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Trước năm 1945 thuộc xã Bất Lạm, tổng Bất Lạm, huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai, Sơn Tây.
Từ Hà Đông có thể theo Quốc lộ 6 qua Ba La tới Yên Nghĩa, rẽ phải theo đê sông Đáy qua Tình Lam hỏi đường vào Tân Phú là tới chùa. Cũng có thể từ Hà Đông theo đường đi Quốc Oai, vượt sông Đáy, rẽ trái qua đình So về chùa Tân Phú qua chùa Phúc Linh, nằm bên con sông giao thông cổ một mảnh đất văn vật... dẫn chúng ta đến một ngôi chùa có niên đại khởi dựng sớm, nhất là phối hợp với tên chùa và hai cây đèn thời Mạc (thế kỷ XVI) có ghi rõ hàng chữ “Phúc Linh tự”.
Chùa quay hướng nam, là hướng của Bát Nhã. Chùa chính dựng trên nền cao hơn sân, bố cục kiểu chữ “đinh”, kết cấu bởi bộ khung gỗ có “vì kèo” kiểu cổ truyền, xung quanh là tường bao bằng gạch. Nhà Tiền đường gồm ba gian tường hồi bít đốc có tay ngai và phần kéo dài tường hồi về phía trước rồi kết thúc bằng bổ trụ lớn.
Nhà Thượng điện chỉ có hai hàng chân với kết cấu ba bộ vì nóc theo ba dạng “vì kèo”, “giá chiêng” và cả “chồng rường”.
Bên phải chùa là toà điện Mẫu 5 gian tường hồi bít đốc có kết cấu tương tự Tiền đường của chùa. Đặc điểm ban thờ của toà nhà này là: tuy cũng gọi là điện Mẫu, song không còn Tam toà thánh Mẫu, các chầu Bà, các tôn Ông hay các ông Hoàng... mà trọng tâm là một nữ anh hùng thời Hai Bà Trưng là Ả Lã Nàng Đê và hai thị nữ đứng hầu. Gian bên trái có ban thờ Tổ chùa.
Tượng chùa có kích thước trung bình, một số đã bị huỷ hoại, tới nay chỉ còn bộ Tam thế, rồi Di Đà. Tiếp tới là pho Quan Âm thiên thủ (12 tay) là pho tượng cổ khá đẹp với mặt có nét chân dung và vẫn theo nguyên tắc của tượng Phật giáo, tượng có các cánh tay tròn ngón búp măng dài, thân hình càn xứng eo thót. Đài sen với các cánh múp phồng. đó là một số chi tiết để có thể nghĩ tượng được làm vào khoảng giữa cuối thế kỷ XVII, một giai đoạn đạo Phật được đề cao. Cùng đó là tượng Kim Đồng và Ngọc Nữ với thế chân quỳ chân chống khá sinh động. Trên Phật điện còn có Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, rồi tượng Thích Ca sơ sinh và hai thị giả là Văn Thù và Phổ Hiền.
Chùa đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1991./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02