Chùa Chân Tiên (quận Hai Bà Trưng)
Chùa Chân Tiên (Chân Tiên tự) ở số 151 phố Bà Triệu, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Theo truyền thuyết chùa Chân Tiên được xây dựng vào đời vua Lý Thánh Tông (thế kỷ XI) trên đất thôn Tiên Thị (khu vực Nhà thờ Lớn) và có tên là chùa Báo Thiên.
Thời chúa Trịnh Sâm (1767 - 1782), do mở rộng phủ chúa, nên dân làng và chùa Báo Thiên di dời ra địa điểm mới ở Phụ Khánh (An Phụ, Nguyên Khánh) khu vực Hoả Lò, và lấy tên chùa là Chân Tiên để ghi nhớ địa danh gốc của chùa ở Tiên Thị. Khi thực dân Pháp chiếm Hà Nội, chúng đã lấy toàn bộ đất Phụ Khánh (gọi nôm na là làng Hoả Lò) để xây nhà tù rất quy mô và toà án (1896, 1897). Dân làng và chùa Chân Tiên phải di dời một lần nữa, và đó chính là địa điểm hiện nay của chùa ở phố Bà Triệu. Tấm bia “Phụ Khánh Chân Tiên bi ký” dựng năm Đinh Dậu Thành Thái thứ 9 (1897) và các tấm bia khác đã cho biết quá trình di chuyển và xây dựng chùa.
Chùa Chân Tiên quay hướng tây, Tam quan giáp phố Bà Triệu. Phía trong có Tam bảo, điện Mẫu, nhà Tổ, trai phòng, vườn tháp. Tam bảo hình “chuôi vồ”, gồm tiền đường 5 gian làm kiểu đầu hồi bít đốc, thượng điện 3 gian.
Trong chùa có hệ thống tượng Phật, tượng mẫu. Chùa còn giữ được những di vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật như nhang án, bản ván khắc kinh Phật, 17 tấm bia đá triều vua Thành Thái, những mảng chạm khắc, đặc biệt là bức phù điêu khắc gỗ đề tài “Ngũ hổ”. Trong chùa còn có một quả chuông cổ lớn, lạc khoản ghi “Thuận Phúc nhị niên tứ nguyệt sơ lục tạo”. Thuận Phúc là niên hiệu Mạc Mục Tông từ 1562 đến 1565.
Chùa Chân Tiên đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1990./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02