Chùa Cầu Đông (quận Hoàn Kiếm)
Di tích chùa Cầu Đông hiện nay ở số 38B phố Hàng Đường, phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội.
Chùa Cầu Đông còn gọi là chùa Đông Môn, tên gọi này dường như được xuất phát từ hai dấu vết địa danh cổ mà sử sách còn ghi chép lại cho đến ngày nay, đó là “Cầu Đông” - chiếc cầu đá bắc qua sông Tô Lịch và “Cửa Đông”: Trước kia, khi chưa bị lấp, sông Tô Lịch từ cửa sông (Hà Khẩu) đi qua phố Nguyễn Siêu, Ngõ Gạch, cắt ngang phố Hàng Đường rồi chạy chéo sang phố Hàng Lược mà lên Bưởi. Để đi qua khúc sông Tô ở chỗ Hàng Đường có một cái cầu đá gọi là Cầu Đông (cầu của thôn Đông Hoa Môn). Tương truyền ở đầu cầu có một pho tượng Phật ngồi trên bệ lộ thiên, làm bằng đá trắng cao hơn 2m với nụ cười nhân từ nên có tên là Tiếu Phật. Về niên đại khởi dựng của chùa, hầu hết các tư liệu, thư tịch sử gốc đều không đề cập. Chỉ biết rằng đây là một ngôi chùa cổ trên đất Thăng Long ngàn năm văn vật, gắn liền với cầu đá, chợ Cầu Đông ngày trước:
Cầu Đông vắng tiếng chuông chùa
Trăng soi giá nến gió lùa khói hương
Mặt ngoài có phố Hàng Đường
Hàng Mây, Hàng Mã, Hàng Buồm, Hàng Chum.
Theo nhân dân địa phương thì chùa Cầu Đông được xây dựng từ thời Lý - triều đại Phật giáo được coi trọng và phát triển rực rỡ. Truyền thuyết kể lại vào thời Trần, Linh Từ quốc mẫu Trần Thị Dung cho tu bổ, sửa sang chùa. Tuy vậy, hiện nay chùa không còn một dấu vết vật chất nào chứng tỏ sự tồn tại của ngôi chùa từ thời Lý, Trần. Theo cuốn “Thiên phả” của chùa Hồng Phúc thuộc phái thiền Tào Động cho biết vào đời vua Lê Hy Tôn, niên hiệu Vĩnh Trị, sau khi mở rộng quy mô chùa Hồng Phúc (Hoè Nhai) số tiền còn dư đem xây dựng lại chùa Cầu Đông. Từ đây chùa thuộc dòng Tào Động - Hồng Phúc.
Dấu tích cổ hiện nay còn lưu giữ trong chùa là tấm bia “Đông Môn tự ký” dựng tháng 10 năm Vĩnh Tộ thứ 6 (1624), nội dung ghi lại việc mua đất của vị sư Tự Đạo Án (thế danh Nguyễn Văn Hiệp), người xã Văn Tràng, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia trụ trì chùa mua đất của Tăng thống Tự Đạo Tâm (thế danh Phạm Đức), người xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm cúng vào chùa Cầu Đông để mở rộng quy mô. Sau đó nhờ ơn chúa Trịnh Tráng chuẩn ban cho làm chùa tư, có thể truyền lại cho con cháu. Chùa Cầu Đông trở thành mẫu điển hình của những ngôi chùa tư thuộc sở hữu gia đình xuất hiện vào thế kỷ XVII. Những thế kỷ tiếp theo chùa luôn được sự quan tâm tu sửa của nhân dân địa phương và Phật tử như năm 1639, 1712, 1813... Điều này được ghi lại trên những tấm bia hiện lưu giữ tại chùa. Theo “Thiền phổ” chùa Bà Đá thì thiền sư Thích Thông Toàn (1846 - 1917) cũng đã cho trùng tu chùa vào những năm thế kỷ XX. Từ năm 2003 - 2005, chùa được trùng tu lớn bằng nguồn kinh phí của Nhà nước (quận Hoàn Kiếm) và đóng góp của khách thập phương: làm mới Tổ đường, nhà Mẫu và hành lang…; năm 2007 làm lại Tam quan. Chùa được nâng cao nền và xây lại toàn bộ theo kiến trúc cũ.
Hiện nay, các công trình kiến trúc của chùa gồm có Tam quan, Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện, Tổ đường, điện Mẫu và 1 dãy hành lang.
Chùa Cầu Đông còn lưu giữ được khá nhiều các di vật có giá trị như hệ thống tượng thờ, trong đó nhiều pho có giá trị nghệ thuật cao như toà tượng Tam thế, tượng Quan Âm Nam Hải. Đặc biệt chùa là nơi duy nhất ở Hà Nội có tượng của Thái sư Trần Thủ Độ và Linh Từ quốc mẫu Trần Thị Dung - người có công lớn trong việc mở mang cơ nghiệp họ Trần và góp phần vào chiến thắng giặc Nguyên - Mông lần thứ nhất (1258) của dân tộc ta. Ngoài hệ thống tượng thờ phong phú còn phải kể đến các di vật tiêu biểu khác như chuông đồng thời Tây Sơn, bia đá, nhang án, giá gỗ đỡ bát hương tạo hình Tứ vị Kim cương... Tất cả đều là những tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo, quý hiếm còn lại đến ngày nay.
Chùa Cầu Đông có nét khác biệt so với các ngôi chùa miền Bắc là tượng Đức Ông không phải trưởng giả Tu Đạt (Cấp Cô Độc) mà là tướng Ngô Văn Long - vị tướng đời Hùng Duệ Vương thứ 18 đồng thời cũng là thành hoàng làng, do vậy có cung thờ riêng ở bên phải toà chính điện.
Ngoài giá trị về mặt kiến trúc, nghệ thuật, chùa Cầu Đông còn là cứ liệu đáng tin cậy để xác định vị trí phía đông của Hoàng thành, điều này đặc biệt có ý nghĩa khi nghiên cứu về thủ đô Hà Nội.
Chùa Cầu Đông đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1989./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02