Hà Nội xưa - nay

Chợ Bắc Qua và ký ức gánh hàng của mẹ

Lê Hà 08:33 08/04/2024

Mỗi lần có dịp đi qua chợ Bắc Qua, tôi lại nhớ hình dáng mẹ với đôi quang gánh trên vai chở những lo toan cho gia đình những năm 80, 90 của thế kỷ trước.

dongxuan4.jpg

Ngày ấy, nhà tôi ở ven đô, bố làm công nhân còn mẹ có 2 sào ruộng khoán. Đồng lương ít ỏi của bố cùng 2 sào ruộng mẹ chẳng đủ lo cho 4 đứa con ăn học. Những ngày nông nhàn mẹ thường chạy chợ kiếm thêm. Đồ mẹ bán khi là gánh khoai tây, lúc gánh cà, khi ít đỗ xanh, đỗ đen, lạc hay ít cá khô, tôm khô. Gánh hàng tuy không lớn nhưng cũng phụ nuôi anh em tôi khôn lớn.

anhxuaquygiavechodongxuanhanoi149392.jpg

Chợ Bắc Qua nằm phía sau chợ Đồng Xuân - khu chợ lâu đời và nổi tiếng bậc nhất Hà Nội. Với tôi, chợ Bắc Qua là một khu chợ có lịch sử khá thú vị mà không phải ai cũng biết. Đây vốn là một khu chợ tạm được hình thành vào khoảng thập niên 1960. Ban đầu chỉ là khu đất trống dành cho những người nông dân từ bờ Bắc sông Hồng qua bán rau quả rồi dần dần trở nên sầm uất và đông đúc. Chợ chủ yếu bán hàng nông sản tươi như rau, củ quả và các mặt hàng khô như tôm, cá, măng, nấm, hạt khô và các loại gia vị. Hàng hóa không chỉ ở hai bờ Bắc, Nam sông Hồng mà nó còn đến từ nhiều nơi khác nữa.

1989-1523495946.jpg

Những năm 80, tuyến tàu điện Hà Đông - Bờ Hồ còn hoạt động, mỗi lần đi chợ Bắc Qua mẹ lại lên chuyến tàu điện đó. Trên tàu có đủ hạng người, từ trí thức đến công nhân, học sinh và cả những người buôn gánh, bán bưng như mẹ tôi. Tàu đến chợ Đồng Xuân, mẹ xuống và vòng ra chợ Bắc Qua để trao đổi mua bán. Mẹ bảo ở đây hàng hóa nhiều, mua tận gốc mới mong bán có lời.

Khi trời còn tờ mờ sương, với đôi quang gánh trên vai mẹ đã ra khỏi nhà để đi mua hàng, rồi lại tất tả ra bắt tàu điện mang về cho kịp buổi chợ. Có lúc mẹ gánh rong trên phố để bán, khi về nhà trời đã nhá nhem tối. Tôi thích lúc mẹ ngồi trên giường, lôi đống tiền lẻ trong túi vải ra đếm. Tôi lanh chanh phụ mẹ, nhìn nét mặt mẹ để biết nay mẹ bán được nhiều hay ít, có lãi lời gì không. Nếu có chút lãi, mẹ sẽ tủm tỉm cười, có khi còn cho tôi 1-2 đồng ăn quà vặt.
Những ngày đó chợ Bắc Qua với chợ Đồng Xuân họp theo phiên, hai ngày một phiên. Vào phiên chợ cuối tuần, khi về mẹ hay “tòng teng” túi bánh rán mua ở chợ Đồng Xuân cho anh em tôi thưởng thức. Bánh rán vàng đậm, phủ lớp mật bên ngoài, cắn một miếng, vị ngọt của mật thấm sâu vào đầu lưỡi. Bánh rán thời đó ăn sao mà ngon thế, mấy chục năm đã qua mà cái hương vị ấy tôi vẫn còn nhớ như mới ngày hôm qua.

Tôi năn nỉ rất nhiều lần mới được mẹ cho đi theo vào phiên chợ cuối tuần. Mẹ bảo đi cùng cấm được kêu mỏi chân hay đòi quà và luôn phải bám vào quang gánh của mẹ. Tôi vì háo hức muốn được đi tàu điện, muốn được thấy ngôi chợ sầm uất nhất Hà Nội lúc đó mà gật đầu đồng ý.

Xuống tàu, mẹ dắt tôi vòng ra chợ Bắc Qua. Bạt ngàn rau củ quả được bày bán la liệt. Nào cà chua đỏ au, khoai tây vàng ươm, trái cà bát to như bát ăn cơm và còn rất nhiều loại củ quả khác. Mẹ bảo, nay mẹ sẽ mua một thúng cà, thúng bên kia mẹ sẽ mua đồ khô mỗi thứ 1-2 cân về bán cho nhiều chủng loại, ai thích mua gì mình cũng có. Có khi mẹ mua cả buồng cau tươi, vài cân bồ kết, đủ thứ hàng hóa chất lên đôi quang gánh.

Lén nghe mấy bà cũng đi mua hàng, các bà cứ nói rủ nhau đi chợ Đồng Xuân - Bắc Qua, tôi tò mò hỏi mẹ. Mẹ bảo, có lẽ do chợ Bắc Qua ngay sau chợ Đồng Xuân, hai chợ “dính liền” nhau nên người Hà Nội thường gọi cả hai chợ bằng cái tên chung là chợ Đồng Xuân - Bắc Qua. Tôi gật gù ra vẻ mình đã hiểu.

Tôi còn được đi theo mẹ 1-2 lần nữa, có lần mẹ còn tranh thủ dắt tôi ngắm chợ Đồng Xuân, ngôi chợ to đùng, hoành tráng trong mắt tôi lúc bấy giờ, để lúc về nhà tôi lại hồ hởi kể cho lũ bạn cùng xóm nghe. Mặc dù câu chuyện cũng không có gì đặc sắc nhưng mỗi lần theo mẹ đi chợ Bắc Qua về tôi lại kể và lũ bạn vẫn nghe say sưa.
Ngày nay, chợ Bắc Qua vẫn ở phía sau chợ Đồng Xuân nhưng họp chủ yếu trên hai tuyến phố, là phố Nguyễn Thiện Thuật và phố Cao Thắng. Hai con phố này bán những mặt hàng đặc trưng, làm nên thương hiệu của chợ Bắc Qua.

Khu chợ trên phố Nguyễn Thiện Thuật chủ yếu bán các mặt hàng khô như măng, miến, mọc nhĩ, nấm hương, hạt sen, đỗ đen, đỗ xanh, đỗ đỏ, đỗ tương cho đến tôm khô, cá khô được mang từ các vùng biển về. Tới khu chợ này, khách phương xa sẽ không khỏi choáng ngợp trước bầu không khí vô cùng sôi động, sắc màu rực rỡ của vô số chủng loại hàng hóa cùng những mùi hương đặc trưng của các loại đồ khô hay nông sản... Phố Cao Thắng thì ngược lại, bán các loại nông sản tươi như rau, củ, quả cũng với đủ màu sắc bắt mắt.

Chợ Bắc Qua bây giờ không họp theo phiên như thời mẹ tôi còn chạy chợ mà họp từ sáng đến chiều tối. Do chợ nằm ở trung tâm phố cổ Hà Nội, lại ngay sát khu chợ Đồng Xuân nổi tiếng nên chợ cũng là một điểm thu hút khách du lịch tới tham quan mỗi khi họ đặt chân tới Thủ đô.

Dù đã trải qua nhiều năm tồn tại, chợ Bắc Qua vẫn giữ được những nét dân dã đặc sắc làm nên thương hiệu của chợ từ những ngày đầu - điều mà nhiều khu chợ lâu đời khác của Thủ đô dần mai một, thay đổi theo thời gian./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Phố Châu Long - ký ức đẹp Hà Nội một thuở
    Trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử, phố Châu Long (quận Ba Đình, Hà Nội) vẫn còn giữ lại vẻ đẹp của một Hà Nội xưa sâu lắng, sang trọng mà gần gũi, kiêu sa mà mộc mạc… trong ký ức của những người yêu biết bao nhiêu mảnh đất ngàn năm văn hiến này.
  • Ra mắt Trung tâm Thiết kế sáng tạo làng nghề đầu tiên tại Bát Tràng
    Trong khuôn khổ Lễ khai hội làng gốm cổ Bát Tràng, UBND xã Bát Tràng đã ra mắt Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch (gọi tắt là Trung tâm Thiết kế sáng tạo).
  • Làng nghề bánh cuốn Thanh Trì đón nhận danh hiệu "Làng nghề truyền thống Hà Nội"
    Ngày 9/3, UBND quận Hoàng Mai tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội” đối với làng nghề bánh cuốn Thanh Trì, phường Thanh Trì.
  • Nghề làm xôi Phú Thượng được ghi danh vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia
    Ngày 17/2, tại di tích lịch sử - văn hoá Quốc gia Đình Phú Gia, UBND quận Tây Hồ long trọng tổ chức Lễ hội truyền thống Xôi Phú Thượng lần thứ VII và công bố Quyết định ghi danh Nghề Xôi Phú Thượng vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
  • Câu đối Tết ở Thăng Long - Hà Nội
    Xưa, trong ngày Tết Nguyên Đán, người Việt thường treo câu đối đỏ ở cửa ra vào. Ở Thăng Long - Hà Nội, treo câu đối không chỉ là một nét văn hóa truyền thống mà còn được xem như một hình thức nghệ thuật tao nhã, thể hiện sự sâu sắc trong tư duy của người dân Kinh kỳ.
  • Thương nhớ hương vị Tết Hà Nội
    Hương vị Tết Hà Nội xưa luôn là nỗi nhớ thương đến thao thiết, đằm sâu trong tôi khi những ngày sau cùng của mùa đông đang dần trôi, dù tôi đã qua 49 cái Tết ở quê nhà TP. Hồ Chí Minh. Đó là nét vương vấn của những năm tháng ba má tôi tập kết ra Bắc và công tác ở Hà Nội trong 20 năm, rồi sinh ra tôi ở Thủ đô.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Chợ Bắc Qua và ký ức gánh hàng của mẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO