Câu đối Tết ở Thăng Long - Hà Nội
Xưa, trong ngày Tết Nguyên Đán, người Việt thường treo câu đối đỏ ở cửa ra vào. Ở Thăng Long - Hà Nội, treo câu đối không chỉ là một nét văn hóa truyền thống mà còn được xem như một hình thức nghệ thuật tao nhã, thể hiện sự sâu sắc trong tư duy của người dân Kinh kỳ.
Thời Lý - Trần, ngày Tết ở kinh đô Thăng Long, nhà nhà đều treo “Đào phù” (còn gọi là bùa đào, trên vẽ hình Thần Đồ và Uất Lũy). Về “Đào phù”, Hoàng Sĩ Khải (đỗ tiến sĩ năm 1554 làm đến chức Thượng thư kiêm Tế Tửu Quốc Tử Giám triều Mạc) làm bài thơ “Tứ thời khúc vịnh” bằng chữ Nôm dài 336 chữ, trong đó có câu:
Chung Quỳ (tranh) khéo vẽ nên hình
Bùa đào cấm quỷ, phòng linh ngăn tà.
Vì sao người ta lại treo “Đào phù”? Ngày 23 tháng Chạp, ông Công, ông Táo cưỡi cá chép về trời, vũ trụ vô chủ, không có thần linh cai quản, vì thế ma quỷ hoành hành. Nhưng ma quỷ rất sợ màu đỏ nên vào ngày này, các gia đình treo “Đào phù” ở cửa, ma quỷ thấy sẽ không dám vào nhà quấy nhiễu. Từ “Đào phù”, người xưa viết câu đối trên giấy hồng điều, bày tỏ mong muốn trong năm mới và treo hai bên cửa. Câu đối trên giấy hồng điều tích hợp ba ý nghĩa: màu đỏ tượng trưng cho may mắn (theo thang giá trị châu Á), xua đuổi ma quỷ và là thú chơi tao nhã, trí tuệ.
Thời Lê sơ, treo câu đối ngày Tết đã trở nên phổ biến ở kinh thành Thăng Long. Gần Tết, dân kinh thành nháo nhác tìm người hay chữ, lạy lục viết cho đôi câu đối treo Tết. Tương truyền, một năm, gần đến giao thừa, vua Lê Thánh Tông, vị vua hay chữ, tài thơ ca vi hành quanh thành xem con dân của mình ăn Tết thế nào. Đến một nhà, ngài không thấy treo câu đối ở cửa, hỏi mới biết đó là một người ở phường nhuộm vải góa vợ, con trai đi lính ở miền biên ải. Ngài bèn sai lấy giấy bút rồi tự tay mài mực và viết:
Thiên hạ thanh hoàng giai ngã thủ
Triều trung chu tử tổng ngô môn
Dịch nghĩa:
Xanh vàng thiên hạ đều tay tớ tạo ra
Đỏ tía chốn triều đình tất cả từ nhà ta ra
Rồi ngài giải thích cho chủ nhà, nghe xong mặt chủ nhà rạng rỡ, vội quỳ lạy vua. Một giai thoại khác cũng gần Tết, vua Lê Thánh Tông giả dạng thường dân vi hành. Đi qua một nhà không thấy có câu đối treo cửa, hỏi thì chủ nhà trả lời do thân phận nghèo hèn nên không dám xin chữ. Gặng thêm, mới biết người này làm nghề hót phân, nghe vậy ngài sai lấy bút mực viết ngay đôi câu đối tặng chủ nhà:
Thân ý nhất nhung y, năng đảm thế gian nan sự
Thủ trì tam xích kiếm, tận thu thiên hạ nhân tâm
Dịch nghĩa:
Mình khoác một tấm nhung y, gánh trọn gian nan trần thế
Tay vung thanh gươm ba thước, tận thu thiên hạ nhân tâm
Viết xong ngài cho dán hai bên cửa rồi cắt nghĩa, nghe giảng giải chủ nhà không còn mặc cảm, thấy tự hào cái nghề của mình.
Kinh đô Thăng Long có nhiều trí thức Nho giáo nên ngoài viết câu đối treo cửa, họ còn viết câu đối treo ở bàn nước, khách đến chúc Tết sẽ luận bàn câu đối. Viết câu đối không hề đơn giản, viết hay càng khó. Ngoài đối ý, đối chữ, câu đối Tết cũng phải tuân theo niêm luật về cú pháp, nhịp điệu, thanh sắc… nên câu đối được cho là đỉnh cao của nghệ thuật ngôn từ. Tiếc là, nhiều câu đối của các bậc danh Nho có ý nghĩa sâu sắc đã không được lưu truyền đến ngày nay.
Thời nhà Nguyễn, Hà Nội có phố Hàng Bồ chuyên bán bút, giấy, mực, nghiên. Từ rằm tháng Giêng, các ông đồ đã trải chiếu ngồi nhờ trước cửa hàng bán câu đối, viết sẵn hoặc chờ khách nhờ viết câu đối mới. Ngay cả khi nhà có tang cũng không thể thiếu câu đối, chỉ có điều giấy viết là màu vàng hay màu xanh lục. Một bài báo đăng trên “Tương lai Bắc Kỳ” năm 1889 mô tả: “Phố Hàng Trống nhà còn thưa, vào áp Tết, ngoài bán tranh, người ta còn bán cả chữ Hán”. Chữ Hán (Nho) mà bài báo nói đến chính là câu đối, nghĩa là ở Hàng Trống, ngoài bán tranh từng bán cả câu đối Tết. Xưa, các danh Nho viết câu đối Tết là để lập ngôn, bày tỏ thái độ về nhân tình thế thái, nhưng khi thực dân Pháp xâm chiếm Hà Nội, câu đối Tết được sử dụng như thứ vũ khí. Hoàng Cao Khải là quan kinh lược của triều đình nhà Nguyễn ở Hà Nội. Là quan nước Việt nhưng lại tuân lệnh Pháp huy động quân đánh nghĩa quân Bãi Sậy. Khi chính phủ bảo hộ bãi chức kinh lược của ông ta thì đêm 30 Tết, một Nho sĩ từ Hưng Yên mang câu đối dán trên tường nhà Hoàng Cao Khải:
Ông ra Bắc là may, chức kinh lược, tước quận công, bốn bể không nhà mà nhất nhỉ
Ông về Tây cũng tiếc, trong triều đình, ngoài chính phủ một lòng với nước có hai đâu
Thời thế đổi khác, đề tài câu đối ngày càng đa dạng, giọng điệu cũng phong phú. Cô đầu không chỉ là kỹ nữ đáng thương, thành nhân vật cho các nhà văn, nhà thơ mà còn xuất hiện trong câu đối Tết. Nhà thơ Tản Đà tặng cô đầu phố Khâm Thiên:
Ai đẻ mãi ra xuân, xuân ấy đi, xuân khác về, năm nay, năm ngoái xuân hơn, kém
Nhà lại sắp có khách, khách quen vào, khách lạ đến, năm ngoái, năm nay khách vắng, đông
Trong nửa đầu thế kỷ XX, chữ Quốc ngữ, chữ Pháp được sử dụng phổ biến trong xã hội, người viết câu đối bằng chữ Nho và tục chơi câu đối Tết ở Hà Nội thưa dần. Nhà giáo Vũ Đình Liên làm bài thơ “Ông đồ” đăng trên báo “Tinh hoa” năm 1936, tiếc nuối cho một thứ chữ mà lớn hơn, tác giả lo lắng văn hóa truyền thống Việt Nam đang bị mai một: “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực Tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua/ Bao nhiêu người thuê viết/ Tấm tắc ngợi khen tài/ Hoa tay thảo những nét/ Như phượng múa, rồng bay/… Năm nay đào lại nở/ Không thấy ông đồ xưa/ Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ?”
Sau 1954, miền Bắc tiến lên Chủ nghĩa Xã hội, chế độ mới nên nội dung câu đối đã thay đổi. Cũng như văn chương, thơ ca, câu đối tham gia tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. Các nhà xuất bản đặt hàng những người am hiểu thú chơi này sáng tác ra các câu đối bằng chữ Quốc ngữ phục vụ mục đích tuyên truyền. Sau đó cơ quan chuyên trách in và bán tại các cửa hàng văn hóa phẩm. Còn trên các tờ báo xuân cũng có câu đối, như:
Lung linh én bạc phanh thây pháo đài bay
ung dung đón Tết
Rực rỡ rồng vàng xé xác bê năm hai đĩnh đạc
vào Xuân
Thời bao cấp, ngoài câu đối “chính thống”, dân gian cũng truyền tai nhau những câu ví như:
Tí mỡ, tí miến, tí mì chính, bán bìa số 9,
chen bẹp ruột
Lít dầu, yến củi, yến mùn cưa bán ô số 3,
xô lòi gan.
Nhiều năm nay, tục xin chữ đầu năm đã “sống” lại. Còn câu đối Tết chữ Nho, chữ Nôm và cả chữ Quốc ngữ lác đác có người chơi. Xã hội thay đổi, không mong thú chơi câu đối thịnh lại như xưa, song có những người như vậy là đáng quý./.