Hà Nội xưa - nay

Đêm Hà thành

Nguyễn Quốc Hùng M.A 18/12/2023 08:05

Dù mùa hè hay mùa đông, tôi vẫn giữ thói quen đi bộ vào mỗi tối muộn. Nhất là trong những đợt heo may đầu mùa hay đông về, tôi thường bận chiếc áo dạ màu nâu sẫm, theo lối ăn mặc của người Hà Nội muôn năm cũ, đi về phía hồ cuối ngõ.

Tôi thích cảm giác lúc kéo cao chiếc khăn len quàng cổ, vắt ngang qua mũi bịt nốt con đường cuối cùng gió lạnh có thể chui vào trong áo. Phố vắng. Ắng lặng. Tiếng gió rít nhè nhẹ. Cứ mỗi bận heo may chớm về, tôi chợt nhớ đến bức thư của anh bạn đã di cư vào Sài Gòn lâu năm:

- Hoài ơi! Tớ nhớ cái lạnh của Hà Nội lắm lắm!

Chẳng hiểu sao những ngày cuối thu tôi thường nhớ về những kỷ niệm mùa đông bất chợt. Đó là một khoảnh khắc cuộc sống lướt qua, không chỉ với người thân mà còn với người lạ. Nhớ một đêm đông, tôi chỉ đi một vòng quanh hồ. Về nhà định lên giường đi ngủ thì nghe tiếng rao đêm: “Khúc đê!”. Tôi mở cửa, gọi: “Bánh khúc!”. Anh "bánh khúc" quấn mình trong chiếc áo bông cà tàng, đội một cái thúng to, đôi bàn chân sạm đen đi dép cao su đã mài mòn qua các ngõ nhỏ từ chiều muộn cho đến nửa đêm.

- Ông mua mấy chiếc ạ?

- Hai.

- Ông ơi, cháu còn bốn chiếc ông lấy nốt hộ, cháu về. Lạnh quá. Cháu bớt một phần ba tiền, ông nhé.

Nhìn anh chàng đứng xoa xoa tay cho đỡ rét, cầm chiếc tải đắp trên thúng, chờ câu trả lời, tôi không nỡ từ chối.

- Ai ăn được bốn cái, nhưng thôi được, tôi lấy cả bốn; trả anh đủ tiền, bớt của anh làm gì.

Anh bánh khúc nhanh nhẹn lật ba lớp tải lên, xếp bánh vào cái lá chuối xanh mướt. Bốn chiếc bánh cuối cùng vẫn nóng hổi, lớp xôi bọc ngoài vẫn dày dặn, thoang thoảng mùi thơm của gạo nếp và lá khúc.

Anh chàng bánh khúc bán được hết hàng, vui vẻ rao thêm dăm tiếng “Khúc đê!”. Tôi vừa chầm chậm nhai từng miếng bánh mang dấu ấn tuổi thơ của chúng tôi, vừa mỉm cười.

Mùa thu ngồi nhớ mùa đông. Nỗi nhớ của tôi lại kéo sang món lạc rang húng lìu mà chúng tôi quen gọi là phá sa. Người Hà Nội xưa gọi người bán lạc rang húng lìu này là "chú khách" vì họ là người Tàu sang làm ăn. Nghe bố tôi bảo, những người Tàu lưu lạc mới sang được những người ở cũ góp tiền mua cho một chiếc hòm gỗ nhỏ, một ít lạc và húng lìu, dạy cách chọn lạc rồi dạy cho bí quyết rang lạc trộn với hương vị húng lìu. Và thế là họ phải tự mình lăn lộn với đường đời, ngày cũng như đêm, đều đều nện gót khắp phố phường với lời rao lúc nhỏ lúc to, bán những gói lạc luôn luôn nóng giòn. Cứ thế, họ dần dần đủ sức tự mưu sinh. Có người mua, chú khách lấy một tờ giấy bằng bàn tay, cuộn lại thành cái phễu, thò tay dúm một dúm lạc từ trong cái túi ủ, cho vào phễu. Hồi còn nhỏ, tôi nhiều lần đếm thấy vừa đúng mười viên lạc, vỏ khô, không bị cháy, không một hạt lép, thơm nức mùi húng lìu.

Trẻ con Hà Nội xưa không đứa nào là không "mê" quà đêm. Nhiều lần chúng tôi tập hợp bên nhà chị họ vì có sân rộng, một cây khế và một cây ổi để chơi bán hàng quà đêm. Chị Bích xuất hiện, ăn mặc giống như bà bán chè rong: chiếc áo cánh nâu sờn choàng lên cái yếm trắng, chiếc quần đen và đầu đội nón.

untitled-1.jpg
Ai chè hạt sen không! (Ký họa: Nguyễn Tường Dũng)

Chị rao lanh lảnh: “Ai chè hạt sen không!… Ai chè hạt sen không!” Tiếng rao giống y hệt bà bán chè sen, quả là chị có năng khiếu nhái âm. Đi hết ba vòng, chị dọn dăm bát chè ra sân, mỗi bát chỉ có ba hạt sen và một ít nước đường.

Mọi người xì xụp. Nga không chờ được nữa, đứng phắt dậy, đội chiếc thúng, bên trong có túi ủ vải thô giữ cho bánh luôn luôn nóng, đậy bằng chiếc mẹt, rao to: “Giày giò! Ai giày giò!Giày giò! Ai giày giò!”.

untitled-2.jpg
Giày giò! Ai giày giò! (Ký họa: Nguyễn Tường Dũng)

Sau một vòng quanh sân, bánh giò được xếp ra cái mẹt đậy thúng, mời "khách". Cuối cùng bao giờ cũng là tôi. Tôi ung dung đứng dậy, đội chiếc khăn xếp lên đầu, đeo chiếc kính râm mà tôi hì hục làm bằng giấy suốt buổi chiều. Mọi người đều trố mắt không biết là trò gì. Tôi từ từ cầm chiếc gậy tre, vừa đi quanh sân vừa khua gậy quờ quạng, rao một tiếng đanh đanh như thét lên:

- Quất! Tẩm quất!

Đi xong hai vòng, tôi ngồi xuống khoanh chân:

- Nào, xin mời "tẩm quất". Lần lượt nằm xuống đây.

Mấy chị em cùng bật cười. Hai chị đứng phắt dậy, mặt hầm hầm. Thoáng nhìn thấy, tôi vội chồm dậy chạy quanh sân. Hai chị thi nhau vừa đấm túi bụi vào vai, vào lưng tôi vừa nói: “Này tẩm quất này! Này tẩm quất này! Láu cá này!” rồi đứng lại gập người xuống cười rũ rượi.

Đúng lúc ấy có tiếng rao rất to ngay trước cửa nhà:

- Tông chê, nhị chê! Tông chê, nhị chê!

Tôi vội chạy ra gọi:

- Bác ơi!

"Ông mía hấp" đỗ gánh hàng xuống, mở nắp chiếc thùng của một bên quang gánh, bên dưới là củi đang cháy đùng đùng. “Bác cho cháu bốn tấm ạ. Bác tiện hộ cháu thành tám khúc ạ”.

Bọn trẻ chúng tôi ở cái tuổi răng sữa, cái ở, cái đi, nhưng vẫn đủ cứng để vừa tước mía ranh rách vừa nói lao xao chẳng âm nào ra âm nào.

Những buổi tối mùa đông, mở cửa sổ nhìn ra ngoài, đường phố vắng tanh, dãy đèn vàng vẫn vô tình đổ ánh sáng mờ mờ trong sương đêm trên con đường thẳng tắp, tôi lại thấy đói, không chỉ là cảm giác mà đói thật. Chuông Nhà thờ Lớn đổ mười tiếng. Tôi thầm nghĩ giá như lúc này mà có tiếng rao “Phớ! Phớ!” thì không gian này bỗng thật là “huyền thoại”. Hà Nội xưa gánh phở rong đi rất muộn. Gã bán phở gánh trên vai hai chiếc thùng gỗ, một bên là nồi phở để trên cái bếp lò. Một bên là cái thớt to, con dao thái phở và ít bát đũa xếp thẳng tắp theo hàng.

rghbhfntf.png
Phở gánh (Tranh: Maurice Salque. 1913)

Không nghe thấy tiếng rao “Phớ! Phớ!”, bụng lại thấy cồn cào hơn. Giá bây giờ nghe tiếng gõ xực tắc thì chắn cái cồn cào sẽ biến mất. Nhưng ngày nay làm gì còn tiếng gõ hai thanh tre vào nhau của cô bé nhà nghèo, lam lũ, đi theo bán hàng cho gánh vằn thắn của chú khách. Ngó ra ngoài đường tuy không nghe tiếng xực tắc nhưng hình ảnh gánh vằn thắn ở góc phố, cô bé chạy như ma đuổi về gánh lấy hàng mang vào cửa nhà cho khách vẫn ẩn hiện ở đầu ngõ.

Năm tháng qua đi, chúng tôi lớn lên mỗi người mỗi ngả, kẻ lên bắc, người xuống nam. Ai rồi cũng đều đi qua dòng chảy của cuộc đời và bỏ lại những cung đàn và ước mơ chưa thành, nhưng tuổi thơ của chúng tôi vẫn quần túm trong chiếc nôi Hà Nội, không bao giờ ly biệt. Trong ký ức tuổi thơ ấy chứa đầy bao tiếng rao đêm vang vọng trên ba mươi sáu phố phường, tràn vào trái tim chúng tôi, những con người bé nhỏ sống nơi kinh kỳ ngày xưa xưa ấy. Tôi từ từ khép cửa, tránh cái gió lạnh của cơn mưa dầm. Lúc này, những ngày ấu thơ ấy đã làm tôi quên đi cái đói nhè nhẹ giữa đêm./.

Bài liên quan
  • Thăm ngôi đình đẹp nhất xứ Đoài
    Là cái nôi của nền văn minh người Việt cổ, xứ Đoài được biết đến không chỉ qua những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, độc đáo mà xứ Đoài còn nổi tiếng bởi những ngôi đình có tuổi đời hàng trăm năm, nguy nga, bề thế. Trong đó, Đình So được xem là một trong những ngôi đình đồ sộ và đẹp nhất xứ Đoài .
(0) Bình luận
  • Khôi phục và bảo tồn giống sen Bách Diệp nổi tiếng của Tây Hồ
    Chiều 12/7, Sở NNNT thành phố Hà Nội phối hợp với Viện nghiên cứu rau quả (Bộ NNPTNN), UBND quận Tây Hồ và Hội khoa học phát triển nông thôn Việt Nam tọa đàm, thảo luận về việc bảo tồn và phát triển hoa Sen Việt Nam. Đây là một trong những sự kiện trong khuôn khổ Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024.
  • Rước quạt thờ ở hội làng Canh Hoạch
    Canh Hoạch tên xưa là Cổ Hoạch, tên Nôm là làng Vạc hay làng Vác thuộc xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai.
  • Nghề truyền thống làm diều sáo làng Bá Dương Nội
    Thả diều là thú chơi quanh năm của người làng Bá Dương Nội từ nhiều đời. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sự tích về hội diều vẫn tồn tại trong lòng mỗi người dân nơi đây như một dấu tích khó thể phai mờ. Ngày 21/2/2024, Hội thả diều làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà (Huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
  • Ký ức không quên mùa thu năm ấy...
    70 năm đã trôi qua nhưng những ký ức về ngày Giải phóng Thủ đô dường như chưa bao giờ phai nhạt trong tâm trí của những người từng sống trong những ngày thu lịch sử. Mỗi người đều mang trong mình những kỷ niệm riêng, mà khi gợi nhắc, những ký ức ấy lại tô điểm thêm bức tranh toàn cảnh ngày tiếp quản Thủ đô (10/10/1954).
  • Ghi chép của Lê Quý Đôn về một số di tích ở kinh thành Thăng Long - Hà Nội
    Nhà bác học Lê Quý Đôn sinh thành đến nay đã gần tròn 300 năm. Kể từ khi ông còn thơ ấu cho đến hiện tại, người đời vẫn thường dùng nhiều mỹ từ để ca tụng ông như: thần đồng đất Việt, nhà bác học kiệt xuất, “tập đại thành” lớn của dân tộc Việt Nam… Các nghiên cứu về Lê Quý Đôn cũng luôn ghi nhận công lao đóng góp của ông trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt là Lê Quý Đôn đã để lại cho đời cả một lâu đài văn hóa và khoa học vô cùng quý báu.
  • Một con phố vẫn thơm mùi thuốc Bắc
    Phố nghề Lãn Ông kéo dài khoảng 180m, nằm trên khu vực từng là đất thôn Hậu Đông, tổng Hậu Túc của huyện Thọ Xương cũ, nay thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp chiếm đóng Hà Nội và đặt tên cho con phố này là “rue de Fou-Kien” (nghĩa là phố Phúc Kiến) do có nhiều người Hoa Kiều từ tỉnh Phúc Kiến di cư về đây sinh sống. Vào năm 1949, con phố này được đổi tên thành Lãn Ông - lấy theo biệt hiệu của vị danh y Việt Nam là Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Người dân đội nắng đứng bên đường khóc tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về lòng đất mẹ
    Trong thời tiết nắng nóng Hà Nội lên tới 40 độ C, nhưng rất nhiều người dân vẫn đội nắng đứng trên các tuyến đường hướng về Nghĩa trang Mai Dịch để tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối.
  • Những dòng sổ tang nhoè nước mắt tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà
    Rất đông người dân ở mọi độ tuổi, có người già, thanh thiếu niên, trẻ nhỏ... lặn lội từ các quận, huyện của thành phố Hà Nội và các tỉnh đến để tiễn đưa người lãnh đạo đáng kính.
  • Người dân nghẹn ngào, tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Tại quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội, những đôi mắt đỏ hoe, cùng hàng ngàn giọt lệ đã, đang và sẽ rơi là những hình ảnh đầy xúc cảm, thể hiện sự tiếc thương, kính trọng của người dân đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
  • Toàn văn lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Ngày 26/7, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội). Lễ truy điệu cũng được tổ chức đồng thời tại Hội trường Thống Nhất (thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Trong niềm tiếc thương vô hạn, Chủ tịch nước Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Lễ tang đã đọc Lời điếu tại Lễ Truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
  • [Video] Người dân từ mọi miền đất nước xếp hàng để được thắp nén tâm hương tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Tang lễ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức theo nghi thức Quốc tang trong hai ngày 25 và 26/7/2024. Lễ viếng đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội, bắt đầu từ 7 giờ đến 22 giờ ngày 25/7 và từ 7 giờ đến 13 giờ ngày 26/ 7/ 2024. Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Đêm Hà thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO