Hà Nội xưa - nay

Nghề làm xôi Phú Thượng được ghi danh vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia

Thu Trang 17/02/2024 18:41

Ngày 17/2, tại di tích lịch sử - văn hoá Quốc gia Đình Phú Gia, UBND quận Tây Hồ long trọng tổ chức Lễ hội truyền thống Xôi Phú Thượng lần thứ VII và công bố Quyết định ghi danh Nghề Xôi Phú Thượng vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

007.jpg
Chương trình văn nghệ mở màn lễ hội.

Trải qua quá trình lao động cần cù, sáng tạo, đến nay, người dân làng Gạ nói riêng và Nhân dân phường Phú Thượng nói chung đã được ghi nhận, bà con nơi đây đã và đang tiếp tục giữ gìn và phát triển nghề.

004.jpg
Phó chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương phát biểu.

Phát biểu khai mạc tại buổi lễ, Phó chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương cho biết: Xôi Phú Thượng như một nét văn hoá, không thể không nhắc tới Lễ hội truyền thống của làng Phú Gia, Phú Thượng. Lễ hội làng Phú Gia diễn ra vào 3 ngày 8,9,10 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Nhân dân địa phương làm lễ cơm mới, dâng cúng lên Thành hoàng làng những sản phẩm xôi do mình làm ra bày tỏ lòng biết ơn và cầu mong Ngài phù hộ cho dân làng một mùa màng bội thu. Đồng thời, các gia đình nấu chè bà cốt để dâng cúng lên bàn thờ tổ tiên tại gia đình để bày lòng biết ơn tổ tiên đã khuất và mong muốn phù hộ cho con cháu làm ăn suôn sẻ.

0010.jpg
Xôi Phú Thượng được biết đến là món ăn ẩm thực truyền thống của người Hà Thành.

Từ năm 2017, cộng đồng nhân dân và chính quyền địa phương đã đồng thuận tổ chức Lễ hội Xôi tại Đình Phú Gia trong dịp Lễ hội làng vào ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch để tưởng nhớ công ơn của thần Khai Nguyên đồng thời là dịp để những người dân Phú Thượng lập nghiệp nơi xa trở về, cùng tôn vinh nghề truyền thống, dâng những mâm xôi dẻo thơm kết tinh từ tinh hoa trời đất cùng với tài hoa sáng tạo của con người lên Thành hoàng làng với mong ước một mùa xuân mới ấm no, hạnh phúc. Trong Lễ hội, người dân Phú Thượng mở Hội thi nấu xôi và chia sẻ, trình diễn nhiều món xôi ngon của Phú Thượng để du khách mọi miền Tổ quốc ghé thăm đều có thể thưởng thức và trải nghiệm.

Trong những năm qua, với mong muốn gìn giữ nghề truyền thống địa phương và nâng cao đời sống người dân, Quận Tây Hồ đã luôn quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ làng nghề phát triển. Ngày 30/12/2016, Phú Thượng được UBND thành phố Hà Nội công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng.

Năm 2018, Xôi Phú Thượng là 01 trong 12 món ẩm thực truyền thống của Hà Nội Phục vụ Trung tâm Báo chí tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đã thu hút sự chú ý của nhiều phóng viên báo chí nước ngoài. Năm 2019, Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Xôi Phú Thượng.

009.jpg
Xuất phát từ niềm đam mê và tình yêu nghề, các nghệ nhân rất công phu từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu chế biến để tạo ra thành phẩm xôi Phú Thượng bóng, no tròn, dẻo ngon mang đậm nét văn hóa ẩm thực của người Hà Nội thanh lịch.

Xôi Phú Thượng đã có những sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của thành phố Hà Nội. Quận cũng đã tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng, chỉnh trang đường, ngõ, chiếu sáng trên địa bàn phường; đặc biệt đã và đang chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án “Điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề truyền thống Xôi Phú Thượng” nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ tốt nhất cho làng nghề phát triển, khẳng định thương hiệu và nâng cao đời sống của người dân.

Và để định vị giá trị, bảo vệ và phát huy giá trị làng nghề truyền thống với tư cách là một di sản văn hoá, trong thời gian qua, với sự đồng hành, hỗ trợ của Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, sự hướng dẫn, giúp đỡ của Cục di sản văn hoá phi vật thể, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, các nhà khoa học đầu ngành văn hoá, Quận Tây Hồ đã hoàn thành việc lập hồ sơ khoa học đề nghị ghi danh “Nghề Xôi Phú Thượng” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội truyền thống Xôi Phú Thượng lần thứ VII; Lễ công bố Quyết định ghi danh Nghề Xôi Phú Thượng vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia hôm nay là dịp để tôn vinh Di sản; ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền phường Phú Thượng, các phòng, ngành liên quan của quận và cộng đồng nhân dân trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị Nghề truyền thống Xôi Phú Thượng; đồng thời thúc đẩy trách nhiệm bảo tồn, phát huy di sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống người dân.

Tin tưởng rằng, trong thời gian tới, Xôi Phú Thượng sẽ không chỉ là món ẩm thực nổi tiếng cung cấp tới mọi miền đất nước mà Làng nghề Xôi Phú Thượng sẽ là điểm du lịch với các tour du lịch hấp dẫn thu hút khách trong và ngoài nước thăm quan, trải nghiệm; góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Đồng thời, đóng góp tích cực vào việc đẩy mạnh quảng bá hình ảnh vùng đất và con người Tây Hồ với các điểm đến hấp dẫn, lễ hội truyền thống, các di sản văn hóa phi vật thể, sản phẩm văn hóa ẩm thực, góp phần phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn, hiện thực hoá khát vọng xây dựng Quận Tây Hồ trở thành Trung tâm du lịch văn hoá của Thủ đô, phó chủ tịch quận Tây Hồ nhấn mạnh.

Việt Nam nằm trong nền văn minh lúa nước, những chế phẩm có thành phần gạo hay nếp đều chiếm vị trí quan trọng trong nền ẩm thực. Gạo nếp có mặt trong nhiều món ăn, từ bữa cơm gia đình đến các mâm cỗ trong Lễ, Tết như bánh dày, bánh chưng, và một món ăn vô cùng phổ biến và quen thuộc với người dân Việt bao đời nay, ấy chính là Xôi.

Xưa có câu ca rằng:

“Làng Gạ có gốc cây đề,

Có sông tắm mát, có nghề nấu xôi”

Câu ca ấy truyền tụng món xôi ngon nức tiếng đất Kinh kỳ Thăng Long xưa, Hà Nội nay – Xôi làng Gạ - làng Phú Gia, Phú Thượng.

Làng Gạ - Phú Thượng có nghề thổi xôi từ bao giờ thì không ai rõ. Nhờ nước mát của dòng Nhị Hà và phù sa màu mỡ mà làng Gạ xưa có cánh đồng lúa trù phú và phì nhiêu. Mỗi khi vào mùa, hương lúa thơm ngát triền đê sông Hồng… Từ những cánh đồng màu mỡ này, người dân làng Gạ trồng được hai loại gạo thượng hạng là nếp cái hoa vàng và nếp dâu keo để đồ xôi. Để có một chõ xôi ngon đậm chất xôi Phú Thượng, người dân nơi đây phải bỏ ra nhiều công phu.

Mặc dù vậy, ở Phú Thượng, gần như ai trong làng cũng biết đồ xôi, làm bánh trôi, bánh chay, xôi chè, bánh đa kê, nấu rượu nếp. Thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước. Hiện làng có 3 nghệ nhân và có đến 600 gia đình đang làm nghề nấu xôi cùng một “hệ thống” bán lẻ với cả trăm người trong làng đưa hương thơm của xôi Phú Thượng đi khắp các ngõ ngách của đất Hà thành. Gánh xôi đời người của các mẹ, các chị không chỉ giúp mỗi gia đình của làng Gạ xưa qua cơn đói kém, Xôi Phú Thượng ngày nay còn giúp người dân làm giàu, trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế cao mang lại nguồn lợi cho người dân và địa phương.

Trong những năm gần đây, để phát huy giá trị làng nghề truyền thống, các nghệ nhân làng Xôi đã chủ động, sáng tạo trong việc tiếp cận thị trường, quảng bá du lịch; gắn nghề truyền thống với lịch sử văn hoá địa phương nhằm phục vụ khách du lịch. Hiện nay, ngoài việc làm xôi phục vụ kinh doanh, Phú Thượng còn là địa chỉ quen thuộc của nhiều đoàn khách du lịch, nhất là các đoàn học sinh trên địa bàn Thành phố đến thăm quan, trải nghiệm nghề truyền thống và tìm hiểu lịch sử văn hoá.

Xôi làng Phú Gia xưa, hay Phú Thượng nay đã nâng tầm lên nghệ thuật ẩm thực Hà thành với thương hiệu đã được công nhận, gìn giữ. Những bà, những chị bán xôi truyền thống chân chất nét người ven đô xưa được tôn vinh thành nghệ nhân đất nghề. Hội Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng đã có nhiều hoạt động hỗ trợ các thành viên như chia sẻ kinh nghiệm làm xôi, bán xôi, hỗ trợ kênh tiêu thụ sản phẩm… Qua đó, giúp các thành viên gắn kết và cùng giữ nét truyền thống của làng./.

Một số hình ảnh PV ghi nhận tại Lễ hội:

005.jpg
006.jpg
Đại biểu Trung Ương, Thành phố Hà Nội, quận Tây Hồ tham dự buổi lễ.
002.jpg
Chủ tịch UBND quận Tây Hồ trao quyết định ghi danh Nghề Xôi Phú Thượng vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cho phường Phú Thượng.
001.jpg

003.jpg
Ngày 16/02/2024, nghề làm xôi Phú Thượng Phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 344/QĐ-BVHTTDL ngày 16/02/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
0015.jpg
Một số gian hàng trưng bày tại ngày hội.
0011.jpg

0013.jpg
Du khách tham quan, trải nghiệm và check in tại các gian hàng.
Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Khôi phục và bảo tồn giống sen Bách Diệp nổi tiếng của Tây Hồ
    Chiều 12/7, Sở NNNT thành phố Hà Nội phối hợp với Viện nghiên cứu rau quả (Bộ NNPTNN), UBND quận Tây Hồ và Hội khoa học phát triển nông thôn Việt Nam tọa đàm, thảo luận về việc bảo tồn và phát triển hoa Sen Việt Nam. Đây là một trong những sự kiện trong khuôn khổ Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024.
  • Rước quạt thờ ở hội làng Canh Hoạch
    Canh Hoạch tên xưa là Cổ Hoạch, tên Nôm là làng Vạc hay làng Vác thuộc xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai.
  • Nghề truyền thống làm diều sáo làng Bá Dương Nội
    Thả diều là thú chơi quanh năm của người làng Bá Dương Nội từ nhiều đời. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sự tích về hội diều vẫn tồn tại trong lòng mỗi người dân nơi đây như một dấu tích khó thể phai mờ. Ngày 21/2/2024, Hội thả diều làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà (Huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
  • Ký ức không quên mùa thu năm ấy...
    70 năm đã trôi qua nhưng những ký ức về ngày Giải phóng Thủ đô dường như chưa bao giờ phai nhạt trong tâm trí của những người từng sống trong những ngày thu lịch sử. Mỗi người đều mang trong mình những kỷ niệm riêng, mà khi gợi nhắc, những ký ức ấy lại tô điểm thêm bức tranh toàn cảnh ngày tiếp quản Thủ đô (10/10/1954).
  • Ghi chép của Lê Quý Đôn về một số di tích ở kinh thành Thăng Long - Hà Nội
    Nhà bác học Lê Quý Đôn sinh thành đến nay đã gần tròn 300 năm. Kể từ khi ông còn thơ ấu cho đến hiện tại, người đời vẫn thường dùng nhiều mỹ từ để ca tụng ông như: thần đồng đất Việt, nhà bác học kiệt xuất, “tập đại thành” lớn của dân tộc Việt Nam… Các nghiên cứu về Lê Quý Đôn cũng luôn ghi nhận công lao đóng góp của ông trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt là Lê Quý Đôn đã để lại cho đời cả một lâu đài văn hóa và khoa học vô cùng quý báu.
  • Một con phố vẫn thơm mùi thuốc Bắc
    Phố nghề Lãn Ông kéo dài khoảng 180m, nằm trên khu vực từng là đất thôn Hậu Đông, tổng Hậu Túc của huyện Thọ Xương cũ, nay thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp chiếm đóng Hà Nội và đặt tên cho con phố này là “rue de Fou-Kien” (nghĩa là phố Phúc Kiến) do có nhiều người Hoa Kiều từ tỉnh Phúc Kiến di cư về đây sinh sống. Vào năm 1949, con phố này được đổi tên thành Lãn Ông - lấy theo biệt hiệu của vị danh y Việt Nam là Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nghề làm xôi Phú Thượng được ghi danh vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO