Văn hóa – Di sản

Cao Huy Diệu – văn nhân ưu thời mẫn thế

Phạm Văn Hưng 22/11/2023 17:25

Chúng ta vốn đã quá quen thuộc với quan niệm của người xưa về mối quan hệ hai chiều giữa “địa linh” và “nhân kiệt”, trong đó yếu tố “địa linh” quyết định “nhân kiệt” và yếu tố “nhân kiệt” lại tác động làm nên “địa linh” như một chuỗi nhân quả bất tận. Thăng Long - Hà Nội vốn được xác định từ sớm với đặc trưng địa linh của mình và cũng sớm hình thành nên các làng, các vùng với những dòng họ nối đời khoa bảng. Vùng đất Phú Thị thuộc huyện Gia Lâm (Hà Nội) là một không gian địa lí như thế và dòng họ Cao ở đất này là một dòng họ như thế. Trong cả hai trục tọa độ không gian, thời gian ấy, danh nhân Cao Huy Diệu (Thế kỷ XVIII-XIX) - danh thần dưới triều Gia Long (1762 - 1820) - là một trong những con người tiêu biểu cho dòng họ Cao, cho quê hương Phú Thị và cho Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến.

song-thien-duc.jpg
Sông Thiên Đức.

Đất Phú Thị có con sông Thiên Đức chảy qua giáp lũy tre sau làng và phía trước mặt có núi Thọ Chương do chúa Trịnh đặt tên. Nơi sơn kì thủy tú ấy đã sinh ra nhiều danh nhân cho Thăng Long và cho đất nước. Chính miền quê này là nơi nuôi dưỡng tâm hồn Cao Huy Diệu. Tương truyền, ông là người nổi tiếng về tài năng văn chương từ rất sớm, người đương thời coi là bậc anh tuấn thông minh dĩnh ngộ hiếm có. Khi còn dùi mài kinh sử với các thầy tại trường, lúc làm bài hạch, ông thường được chấm hạng ưu. Đó là một hai nét điểm xuyết về mặt tiểu sử mà các nho sĩ đều khao khát có nhưng không mấy người đạt được. Dễ hiểu vì từ khi còn rất trẻ ông đã thuộc vào số ít những người danh tiếng lừng lẫy khắp Bắc Thành. “Hữu xạ tự nhiên hương”, những danh sĩ đương thời như Cao Khắc Kỉ và Lê Hồng Hân... cũng tìm đến cùng ông kết giao, lấy văn chương làm phương tiện thù đáp và tỏ ra mến phục cả nhân cách và tài năng Cao Huy Diệu. Có lẽ tên hiệu “Vô Song” của ông một phần bắt nguồn từ sự đánh giá của người khác về ông và một phần từ sự tự ý thức của ông - một nhà Nho sống vào nửa sau của thế kỉ XVIII và nửa đầu của thế kỉ XIX - về bản thân mình. Giống như nhiều nhân vật thời trước, ông có nhiều tên hiệu, bên cạnh Vô Song là tên hiệu Hồng Quế Hiên (trong đó chữ “Hiên” thường được dùng trong tên hiệu của họ Cao Phú Thị như Ngọ Hiên, Mẫn Hiên, Bái Hiên...); tên tự của ông là Cửu Chiếu. Có tài liệu nói ông là người cùng họ với Cao Bá Quát một cách chung chung, có tài liệu lại chỉ đích danh ông là nội tổ của Cao Bá Quát - một trong những nhà thơ lớn của lịch sử văn học Việt Nam trung đại và là một trong những thủ lĩnh của khởi nghĩa Mĩ Lương sau này dưới triều Tự Đức.

Cho đến nay vẫn chưa có tài liệu nào cho biết thông tin chính xác về năm sinh và năm mất của ông nhưng biết chắc Cao Huy Diệu đã có vào Phú Xuân một thời gian ngắn và không rõ ông đã nhận chức quan gì dưới triều Tây Sơn hay chưa. Từ những cứ liệu ít ỏi còn lại, có thể thấy Hồng Quế Hiên không phải là người có thể “dữ thế cộng phù trầm” như một số “thượng lưu nhân vật” và có lẽ trong con đường mà ông vạch ra cho mình (dưới thời loạn, nó tất yếu phải có nhiều ngã rẽ) thì có thể Tây Sơn cũng là một hướng đi mà ông đã từng tính đến hoặc có đi theo một thời gian. Khi nhà Tây Sơn sụp đổ, nhà Nguyễn lên thay, ông đi thi và đỗ đầu kì thi Hương tại trường thi Kinh Bắc vào năm Gia Long thứ 6 (1807) đời vua Nguyễn Thế Tổ. Sau khi đỗ cử nhân, ông giữ chức Tư nghiệp ở Quốc Tử Giám, Đốc học Thăng Long rồi thăng đến Thượng thư. Từ năm Quý Dậu (1813), ông làm Tri phủ Quốc Oai rồi làm Thị lang Bộ Lại, ít lâu sau đổi làm Đốc học trấn Hà Tiên và theo một số tài liệu thì khi vào Hà Tiên ông đã mở trường Gia Định để thu nhận học trò. Nếu như đồng ý với ước đoán rằng ông mất vào khoảng cuối đời Gia Long thì ông chính là một trong những “bạn đương thời của Nguyễn Du” theo cả nghĩa lịch đại và sự phân loại các tác gia thời trung đại theo những cảm hứng mà họ theo đuổi.

Trong sự nghiệp của Cao Huy Diệu, trừ những thông tin còn chưa có được sự kiểm chứng, chúng ta thấy hiện lên ở ông hình ảnh của một vị quan - nhà giáo rõ nét hơn cả dù cho các chức vụ mà ông đảm nhiệm khá đa dạng, vừa là học quan vừa là đường quan. Có lẽ chính điều đó đã phản ánh vào sáng tác của ông. Cao Huy Diệu có Hồng Quế Hiên thi tập, Phương Am Nguyễn tiên sinh truyện, ngoài ra còn tham gia biên soạn sách Luận biện tán tụng ca châm văn tập... Tác phẩm của ông được in trong Cấn Trai thi tập, Di Trạch đường phả kí, Đại Nam anh nhã tiền biên, Đại Việt giải nguyên, Đối liên thi văn tập... Nếu như coi “văn chương, đó chính là phong cách” và “cổ nhân bất đắc kiến - kiến thi như kiến nhân” thì sẽ thấy Cao Huy Diệu “phần nhiều viết về cảnh thiên nhiên và sinh hoạt nông thôn, cảnh trí mộc mạc giản dị, lời thơ trong sáng, nhiều hình ảnh. Đọc thơ ông ta thấy ông là một người nhân hậu, không sôi nổi nhưng lạc quan yêu đời” như nhận xét của soạn giả Tổng tập văn học Việt Nam (Tập VIII, Tái bản, 2000). Đó là cái nhìn trìu mến đầy ân tình của ông với khung cảnh làm ăn của làng gốm Bát Tràng:

Khinh chu ngọ bạc đại hà bàng,

Bàng thị ngô giao bạch thổ phường.

Thiển thiển ngạn biên tân dựng thổ,

Thâm thâm châu diện thủy sinh tang.

Võng lai yếu kính phồn hoa địa,

Công cổ sinh nhai phú quí hương.

Dục vấn chu đầu ngâm diểu giả,

Dã phi công cán dã phi thương.

(Bát Tràng ngọ bạc)

Ngô Linh Ngọc dịch thơ:

Thuyền nhẹ trưa về neo bến Nhị,

Cạnh thuyền đất trắng gốm quê hương.

Đất vừa bồi tới nông choèn bãi,

Dâu mới trồng thêm xanh ngút nương.

Mấy ngõ vãng lai đường tiện lợi,

Một vùng giàu có nghiệp công thương.

Đầu thuyền ngâm ngợi rằng ai đó,

Chẳng phải nhà quan chẳng khách buôn!

(Buổi trưa đậu thuyền ở Bát Tràng)

Qua con mắt nhà thơ, cảnh vật hiện lên sinh động và ấm áp. Điều đó có được là do quan niệm ôn nhu đôn hậu của nhà nho đã chi phối việc thể hiện cuộc sống quanh mình. Bên cạnh đó, Cao Huy Diệu cũng rung động và chia sẻ với nỗi vất vả của người dân trong suốt chục năm từ Bính Ngọ tới Bính Thìn phải chịu cảnh loạn lạc, phiêu bạt, đói kém và luôn mơ ước “có được chiếc chăn rộng để đắp cho tất cả mọi người trong thiên hạ” (Trung thu dạ vũ). Đó thực sự là tấm lòng của nhà Nho nhập thế một cách tích cực, tự ý thức được trách nhiệm đạo giác tư dân và luôn thường trực trong mình một nỗi niềm “tiên ưu” canh cánh!

Cũng như bao người dân Việt Nam, ở con người và thơ văn của Cao Huy Diệu luôn có một tâm thức hướng về cội nguồn, hướng về những chiến công của cha ông, xem đó là những điều đáng tự hào và là điểm tựa cho hiện tại. Bài Yết Phù Đổng tối linh từ cung kí đã nói lên điều đó. Trên thực tế, cảm hứng về lịch sử trong bài thơ: “Đền Xung Thiên lẫy lừng/ Chùa Kiến Sơ rạng rỡ/ Gươm, ngựa vút trời cao/ Tiếng thơm lưu sử cũ..” của ông cũng nằm trong sự thống nhất với những rung động trước vẻ “núi xuân tươi đẹp”: “Núi non dằng dặc uốn La thành/ Trời xuân trăm sắc thủy tươi xinh” và rung động trước những điều tưởng như bình dị: “Trẻ xóm qua cầu leo dốc núi/ Đường về chầm chậm bóng chiều rơi/ Roi tre in ngược lòng mây thẳm/ Nghé bướng nhờn nghe tiếng mõ lười...” Và như một qui luật muôn thuở, với rất nhiều nhà nho, những lúc cần tĩnh lặng thân - tâm, nhà Nho Cao Huy Diệu lại tìm đến cửa Thiền để chiêm nghiệm về lẽ tỉnh thức giữa cõi đời: “Thế giới dưới chân cờ nửa cuộc/ Cười ai bể trọc chửa nhìn ra” (Tiền đăng Tiêu Sơn tự) nhưng những khoảnh khắc đó không quá nhiều. Điều khiến ông bận lòng, lao tâm khổ tứ vẫn là làm sao có được cuộc sống an bình:

Một mai đời giống thuở Đường Ngu,

Đều đều cữ gió đúng tuần mưa.

Triều đình trong sáng, nước bình trị,

Làng xóm âu ca, dân ấm no.

(Trung thu dạ vũ)

Đối với Cao Huy Diệu, nỗi niềm canh cánh trong ông trước sau vẫn là lí tưởng chính trị xã hội “vua Nghiêu Thuấn, dân Nghiêu Thuấn” mà nhà Nho muôn đời hằng theo đuổi, theo đuổi một cách nhiệt thành.

Cuộc đời Cao Huy Diệu có một quãng khá dài đảm trách cương vị học quan. Chính tích của ông không quá nhiều, sự nghiệp của ông cũng chưa đủ để xếp ông vào nhóm những nhà sư phạm tiêu biểu nhất trong lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, ở những góc độ khác nhau, đặc biệt là qua thơ văn (nếu ta coi văn thơ của nhà nho là phương tiện để họ trình hiện bản thân, trong đó có cả mục đích “tải đạo”) sẽ thấy ở Vô Song Cao Huy Diệu một cái nhìn đôn hậu với cuộc đời, với cảnh vật. Ở ông, có những phẩm chất mà nếu phát triển lên sẽ in bóng trong hai hậu duệ là Cao Bá Quát và Cao Bá Đạt ở sự tinh tế, nhạy cảm, thương cảm cho thân phận con người. Chỉ có thể như thế bởi vì họ là những anh hoa của dòng họ Cao đất Phú Thị và cũng là anh hoa của đất kinh kì văn hiến./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Nguyễn Hiền – trạng nguyên thần đồng
    Nguyễn Hiền sinh ngày 12 tháng 7 năm Ất Mùi (1235), quê ở làng Vương Miện, huyện Thượng Hiền (sau đổi là Thượng Nguyên, phủ Thiên Trường, lộ Sơn Nam), nay là thôn Dương A, xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Cao Huy Diệu – văn nhân ưu thời mẫn thế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO