Cà phê sáng ở Hà Nội
Tôi có thú vui tự pha cà phê phin vào mỗi buổi sáng, bày trên chiếc bàn gỗ nhỏ đã mọc nấm bởi mưa nắng ở phía góc ban công - nơi có thể nhìn xuống hiên nhà có giàn hoa Sử Quân Tử, cũng là điểm nhìn lý tưởng trông ra con ngõ gần chợ sáng nào cũng tấp nập người qua lại…
Trời đang vào hè, sáng sáng nắng đã ghé sát giàn hoa. Cơn gió lùa qua khiến những cánh hoa úa rơi lả tả xuống sân và ang cá ở gần chuồng chó. Chú chó già cả đêm nằm thấp thỏm bởi không ít lần có đám choai choai nẹt pô chạy qua ngõ vắng. Đến sáng, e đã mệt nhoài, cậu chàng nằm ngủ gật gà gật gù, mặc kệ nắng rọi vào tận chuồng, mặc kệ cả những cánh hoa rơi lộp độp xuống tấm lưng lông dày xụ.
Cà phê chảy tí tách từng giọt để chiếc bánh croissant đợi chờ đến mệt nhoài. Buổi sáng uống cà phê, ăn bánh croissant sao lại hợp đến lạ. Dưới ngõ nhỏ, tiếng còi xe chói tai mỗi lần định rẽ vào đường ngách để đi thông sang một con phố khác. Tiếng người đi chợ trò chuyện râm ran. Người dừng lại tám chuyện với người quen lâu ngày gặp lại. Cũng có người đứng mặc cả thanh đậu phụ, mớ rau, lạng tôm, lạng thịt.
Cạnh nhà tôi ở có một con hẻm thông ra chợ cóc. Trong hẻm có hàng bún chả, sáng nào cũng thấy mùi thịt nướng thơm lừng khắp phố. Chợ thì kệ chợ, một cô bán hàng rong ngày nào cũng lảnh lót rao bán bánh giò, bánh bao. Nghe giọng lơ lớ, tôi đoán chắc cô này ở mạn ngoại thành Quốc Oai lên đây buôn bán.
***
Hà Nội từ 6, 7 giờ đã nhộn nhịp. Ra phố thấy hàng phở sáng, quán cà phê nào cũng đông đúc người. Lúc tôi tản bộ trên vỉa hè, mùi cà phê rang xay quyện với mùi khói thuốc phảng phất vào trong không khí khiến những người đang ngái ngủ cũng chợt bừng tỉnh.
Trong lúc đứng đợi mua nước cam ép cho một chị đồng nghiệp, tôi đặc biệt chú ý đến chiếc bàn kê sát vạch trắng ngăn cách khu vực kinh doanh và phần đường dành cho người đi bộ. Đây là bàn của mấy chú trung niên đang ngồi nói chuyện về cái thú thưởng thức cà phê của người sành điệu. Sau khi ngửa cổ nhả làn khói thuốc trắng xóa một góc phố, chú bụng phệ nhất khẳng khái nói: “Uống cà phê mà thiếu điếu thuốc thì coi như vứt”. Sau mỗi ngụm cà phê, các chú đều dùng hai ngón tay kẹp hờ điếu thuốc đưa lên môi, rít một hơi thật sâu, từ từ nhả khói, đôi mắt lim dim trông thật tình. Lúc này thì tôi cũng tự có đáp án về câu chuyện các chú đang bàn dở. Với những người “sành điệu”, cà phê đi kèm điếu thuốc cũng lãng mạn chẳng kém gì cặp đôi mới hẹn hò.
***
Đến ngã tư, một chiếc xe đạp thồ đủ các màu hoa xanh đỏ tím vàng dừng lại chờ đèn đỏ. Nắng dịu buổi sáng như càng tô điểm vẻ đẹp của từng loài hoa. Đèn xanh vụt sáng, dòng xe lại hối hả lao đi cho kịp giờ làm, giờ buôn bán. Nhịp sống hối hả là thế, cuộc sống mưu sinh cực nhọc là thế, nhưng ít ai muốn bỏ lại thành phố để quay lại làng quê. Trong số đó, tôi tự xếp mình đứng đầu bảng những người muốn trụ lại thành phố. Chẳng biết đến kỳ nào mới đủ tiền mua nhà riêng, nhưng mỗi lần nghĩ đến việc rời xa nơi này thì trong lòng lại vấn vương đến lạ lùng.
Có đêm thao thức mãi chẳng ngủ được, tôi lại pha một ấm trà hoa cúc, bê ra chiếc bàn gỗ nhỏ bên ngoài ban công. Đôi mắt trong veo nhìn chòng chọc vào ánh đèn đường ngoài ngõ rồi nghĩ miên man về tương lai phía trước. Tôi nghĩ đến những người ngày ngày mưu sinh khó nhọc trên đường phố Hà Nội nhưng vẫn giữ trên môi nụ cười tươi rói. Còn mình, vẫn có việc đều để sáng đi, chiều về nhưng nhiều lúc vẫn than trách đời mình chưa may mắn. Tôi ngồi đó cho đến khi chiếc đồng hồ quả lắc điểm chuông 2 giờ sáng mới giật mình vào giường đắp chăn, cố chợp mắt vài tiếng trước khi trời sáng bảnh, lại mắt nhắm mắt mở vội vàng đến cơ quan.
Y rằng, lúc mở mắt buổi sáng đã sát giờ chấm công. Không còn nhởn nhơ, yêu đời đi bộ ngắm phố phường như mọi sáng, ngày hôm đó, tôi vắt chân lên cổ, phóng vượt cả đèn đỏ mới kịp giờ điểm danh. Vừa lên cơ quan, chị phòng hành chính nhân sự đang khom lưng sắp lễ thắp hương ban Thần Tài. Tiện hỏi ngày gì mà lễ bái tươm tất quá thì chị có ý như trách khéo: “Các cô chẳng để ý gì lịch. Nay là rằm tháng 6 âm rồi đấy. Mấy mà hết năm.”.
Nửa năm trôi vèo, biết bao việc dang dở chưa thành vì ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Buổi sáng sớm đã nặng trĩu tâm tư, bởi mỗi lần lên văn phòng lại một lần cảm thấy trống vắng, hoang mang khi nhìn các khoang làm việc bỏ trống sau đợt cắt giảm nhân sự. Chợt nghĩ, năm nay kinh tế khó khăn quá, liệu rằng, mình còn trụ lại ở thành phố thêm bao lâu? Hay một lúc nào đó đành rời đi với nhiều tiếc nuối? Bên ngoài cửa sổ, hoa vẫn nở, chim vẫn ríu rít reo ca. Tôi ước được hồn nhiên như cỏ cây, hoa lá, mặc mưa nắng vẫn hiên ngang đứng giữa đất trời, kiên định đợi sau mùa thay lá, những chồi non lại nhú lên.
***
Chiều tan tầm, tôi ghé vào ngồi một quán quen vì có hẹn với khách hàng. Sau khi chốt xong hợp đồng, anh khách rời đi trước vì có một cuộc hẹn khác. Tôi vẫn ngồi lại với những niềm vui nhỏ bé. Hà Nội thật đẹp lúc lên đèn. Dòng người đi lại không lúc nào ngớt. Một người đàn ông trông cứng tuổi đỗ chiếc phân khối lớn trước cửa quán rồi bước vào trong quầy bar. Vài phút sau, không gian quán ngập tràn tiếng nhạc Modern Talking. Tiếng nhạc vui nhộn xen lẫn với tiếng trò chuyện ồn ào và động cơ xe cộ ngoài đường như hợp thành một bản giao hưởng thật tươi vui.
Khi tôi ngước nhìn lên, một màu trời trong veo, gió hát ru trên những rặng bằng lăng tím đầu mùa trên phố Kim Mã khiến con tim khẽ vui trở lại sau nhiều những trăn trở tơ rối tuổi 30. Tôi lại hòa vào dòng người đi bộ trên vỉa hè, tay xỏ trong túi quần, miệng lẩm bẩm hát tiếp đoạn nhạc dang dở từ trong quán cà phê ban nãy.
Lúc tôi rời đi thì một vài cô cậu học sinh đang vi vu trên chiếc xe máy điện cũng tấp vào quán trà sữa bên cạnh. Những gương mặt non nớt đó khiến tôi chợt nhớ lại những ngày tháng sinh viên thật tươi đẹp. Thời chúng tôi đi học chỉ có chiếc xe đạp cọc cạch được gia đình gửi từ quê ra làm phương tiện chứ không được sung sướng như bọn trẻ thời nay.
Đúng là thời nào biết thời ấy. Chúng tôi ngày xưa lâu lâu mới rủ nhau ra quán cóc ở cổng phụ trường Nhân Văn làm cốc trà đá, đĩa hướng dương 7.000 đồng cũng gọi là sang. Câu chuyện của đám sinh viên nghèo chỉ xoay quanh việc thiếu tiền ăn, điểm thi cao thấp, nợ môn hay qua môn, đi dạy gia sư hay bưng bê quán cà phê. Giờ trưởng thành, đi làm, dư dả một chút thì bạn bè mỗi đứa một nơi. Muốn hẹn gặp mấy đứa bạn ở gần cũng chỉ tranh thủ chốc lát, vì đứa nào cũng vội về lo cơm nước cho gia đình nhà chồng hoặc vội đi đón con nhỏ. Còn đứa nào lấy chồng xa, hoặc ở rể xa thủ đô thì coi như mất bạn, vì chẳng có mấy dịp được gặp lại nhau.
***
Những ngày giữa mùa hè, Hà Nội trở nên lặng lẽ. Như quen dần với mùa đón bão, hầu hết ai ra đường cũng chuẩn bị sẵn áo mưa cất trong cốp xe, để khi thời tiết dở chứng còn kịp che chắn cho khỏi ướt. Có người sơ suất bỏ quên trên móc treo sau trận mưa hôm trước thì quáng quàng tấp vào một mái hiên bên đường trú tạm. Phố trầm tư cùng năm tháng. Phố như mang nét mặt người của một người từng trải nên bản lĩnh, bình thản đón chờ những hiện tượng thiên nhiên khắc nghiệt.
***
Tôi chưa bao giờ hết yêu Hà Nội ngay cả khi nó in hằn dấu vết phai sương. Dòng đời vẫn trôi thật lặng lẽ, còn tôi vẫn ở lại, để mỗi sớm mai thức dậy, bên ly cà phê chào buổi sáng, tôi lặng im ngắm nhìn ra phố phường, ngắm dòng người và xe cộ nối nhau đi xuôi ngược. Trong một khoảnh khắc thật ngắn ngủi, lòng tôi chợt bồi hồi, lưu luyến dù bàn chân vẫn dẫm trên nền đất xanh màu thủ đô.
Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Izerghin. Thông tin về cuộc thi xem tại đây. |