Núi Đôi, du ca và huyền thoại
Nằm cách trung tâm thị trấn huyện lỵ Sóc Sơn không xa, khoảng chừng hơn một cây số về phía Đông, giờ đây địa danh Núi Đôi và bài thơ cùng tên của nhà thơ Vũ Cao đã trở thành một địa chỉ văn hóa và sống mãi trong tình cảm cũng như trong tâm thức của rất nhiều người Việt Nam, đặc biệt là người dân Hà Nội.
Bây giờ hai trái núi, thực ra là hai quả đồi nhưng người ta quen gọi là hai trái núi: “núi chồng núi vợ đứng song đôi” đã trở thành chứng nhân của một thời kỳ lịch sử đang được xanh hóa bởi những hàng thông cao vút, vươn cành, xòe tán, tỏa bóng lung linh và vi vu theo từng cơn gió thoảng giữa nắng sớm ban mai hoặc buổi chiều hôm khi hoàng hôn buông xuống. Không gian ấy đẹp như một bức tranh, nhẹ nhàng mà khiến ta không khỏi nao lòng.
Những thế, cứ tưởng bi thương của một thời đạn bom đã được khỏa lấp để cho Núi Đôi vốn đã thơ mộng nay lại càng thêm mộng mơ. Thoáng nhìn cứ ngỡ là vậy. Hóa ra không phải thế. Khúc ca bi tráng “núi vẫn đôi mà anh mất em” còn hằn sâu trong ký ức của biết bao người. Bởi thế những xóm làng, đồng ruộng bên hai trái núi dẫu có xanh tươi, những hàng thông dù có quyến rũ đến mê mẩn thì vẫn còn đó trong sâu thẳm ký ức chất chứa một nỗi niềm “Oán thù còn đó anh còn đây/ Ở đâu cô gái làng Xuân Dục/ Đã chết vì dân giữa đất này” của chàng trai “mới đôi mươi trẻ nhất làng” chiến đấu trên chiến trường Đông Bắc thấm sang nỗi lòng không ít người yêu thơ. Thế đấy, thời gian chỉ làm lành được những vết thương trên mặt đất còn nỗi đau tinh thần về sự mất mát của mối tình “Xuân Dục – Đoài Đông” chưa thể phôi pha, vẫn còn khắc khoải, vọng về và lay thức tâm can biết bao người qua các thế hệ.
Núi Đôi là hai quả đồi nhỏ, cao chừng khoảng năm mươi mét, nằm cạnh bên nhau theo hướng Đông – Tây. Ngọn đằng Đông nhỏ nhưng cao hơn. Hai quả đồi này thực chất là dấu tích của vùng gò đồi thấp cuối cùng của dãy Tam Đảo, nơi chuyển tiếp từ địa hình đồi núi trung du sang đồng bằng châu thổ. Theo truyền miệng trong dân gian hai quả đồi chính là dấu vết của hai gánh đất mà người khổng lồ đã bị đứt gãy trong quá trình khai thiên tạo địa còn sót lại. Bởi thế Núi Đôi là tên gọi theo đặc điểm địa hình nhưng tên gọi ấy theo thời gian cũng đã trở thành một địa danh mang theo những dấu tích của văn hóa - lịch sử. Đó là lịch sử của huyền thoại và lịch sử của con người.
Giờ đây hai trái núi ấy sừng sững bên con đường quanh co qua các xóm làng cùng với những rừng thông ba lá xanh mướt trải dài nhấp nhô như sóng lượn nhìn rất trù phú và thơ mộng nên ít người biết được chốn này cũng từng là một trong những trọng điểm rất ác liệt trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Trở lại với bảy mươi năm về trước, với địa hình và địa thế án ngữ trên con đường huyết mạch chuyển tiếp từ trung du Việt Bắc tiến về đồng bằng và ở ngay cửa ngõ phía Bắc của thủ đô Hà Nội nên Thực dân Pháp đã tăng cường và biến nơi đây thành một căn cứ phòng thủ nhằm khống chế hoạt động của quân ta. Chúng đưa lính Tây đến ở và càn quét trên vành đai trắng, đồng thời trang bị những hỏa lực rất mạnh và xây dựng hàng chục đồn bốt, hầm ngầm, lô cốt rất kiên cố bằng gạch, đá, bê tông cốt thép trên hai quả đồi. Các dấu tích ấy giờ vẫn còn nguyên đó cùng những rêu phong theo thời gian và trở thành những chứng nhân lặng thầm của lịch sử.
Vẻ đẹp của đất và người Núi Đôi ấy sống mãi trong tâm thức của người Phù Linh và làm lay động hồn thơ của Vũ Cao để rồi bài thơ “Núi Đôi” lại làm chấn động người đọc biết bao thế hệ. Và cũng chẳng biết từ khi nào Núi Đôi và bài thơ cùng tên của Vũ Cao cứ ẩn hiện trong nhau như hình với bóng và đưa chân biết bao người tìm đến với hai ngọn đồi để được thả hồn trong tiếng thông reo và kể cho nhau nghe về câu chuyện tình bi thương của anh bộ đội Trịnh Khanh và cô du kích Trần Thị Bắc. Bây giờ, liệt nữ Trần Thị Bắc (1932 – 1954), nguyên mẫu của nữ nhân vật trong bài thơ của Vũ Cao cũng đã được nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và đưa về quây quần bên những đồng đội thân yêu trong nghĩa trang liệt sỹ.
Biết vậy, nhưng mỗi khi đọc bài thơ của Vũ Cao và được ngắm nhìn hình ảnh người con gái đẹp nhất “thôn Đoài” năm xưa trên tấm bia mộ chúng ta hẳn vẫn khó cầm lòng. Người con gái ấy nay vẫn còn trẻ đẹp mãi với tuổi hai mươi hai trên tấm bia mộ đặt trong nghĩa trang liệt sĩ huyện Sóc Sơn. Thời gian, năm tháng đã trôi qua, chiến tranh cũng đã lùi xa, dẫu vẫn biết người con gái ấy đã “hóa thân cho dáng hình xứ sở” để góp phần “làm nên đất nước muôn đời” hôm nay nhưng cứ mỗi lần đến Núi Đôi và đọc bài thơ của Vũ Cao và ngắm nhìn di ảnh hẳn là câu chuyện tình yêu và tấm hình trên bia mộ ấy đến bây giờ vẫn còn lấy đi không ít những giọt nước mắt thương xót, cảm phục, ngưỡng mộ xen lẫn thương yêu của biết bao người.
Đến Núi Đôi chúng ta sẽ được đi trên con đường cùng tên. Dường như hai quả núi ấy đã trở thành chứng nhân của một mối tình rất đẹp và được vĩnh cửu hóa trong thi ca để trở thành một huyền thoại của lịch sử. Có lẽ câu chuyện tình bi tráng đầy xúc động của cô du kích “thôn Đoài” với anh bộ đội “chiến đấu quên mình năm lại năm” đâu chỉ là cảm hứng cho hồn thơ Vũ Cao mà còn cho cả các cơ quan chuyên môn khi lựa chọn tên đường. Đường Núi Đôi bây giờ không chỉ đơn giản là tên của một con đường. Con đường ấy với hai trái núi và câu chuyện tình bi thương không biết từ khi nào cũng đã trở thành một địa chỉ văn hóa, một địa danh lịch sử, một huyền thoại của Sóc Sơn.
Con đường Núi Đôi dài chỉ khoảng chừng hơn hai cây số, uốn lượn dưới những chân đồi dẫn lối chúng ta đi “giữa hai hàng núi” để hòa mình vào một không gian của bức tranh phong cảnh rất đỗi nên thơ với những rặng thông xào xạc trong gió; với những xóm làng và đồng quê thanh bình, yên ả. Chẳng tin, mọi người hãy cứ đến đó một lần để được thong dong dạo bước trên con đường tình yêu năm xưa của cô gái “thôn Đoài” để mà cảm nhận. Khi ấy hẳn là chúng ta đâu chỉ được hít thở cái không khí trong lành tươi xanh giữa muôn ngàn cỏ cây hoa lá mơ mộng của “một thời hòa bình” ở nơi đất trời thủ đô mà còn được ngắm nhìn cả những những dấu tích rêu phong của “một thời đạn bom” nơi vành đai trắng của quân đội Pháp còn vương lại trên những triền đồi; được thả hồn vào những cảnh trí huyền ảo phiêu lãng theo mùa, khi thì màn sương mờ ảo bảng lảng nhè nhẹ trôi theo những làn heo may, lúc thì lại dịu dàng cái nắng vàng ươm mơ màng xuyên qua vạt thông xanh biếc thẳng như đường chỉ thấp thoáng dưới màu trời thiên thanh bồng bềnh những đám mây vân xanh vân trắng. Hẳn là, ngắm nhìn cảnh ấy ta cứ ngỡ như mình như đang được lạc vào chốn bông lai của một một miền ôn đới nào vậy. Cứ như thế, mỗi lúc được đắm mình trong khung cảnh nhẹ nhàng và huyền diệu của Núi Đôi, chúng ta khác nào như đang được phiêu bồng, du ca giữa một miền huyền thoại, nơi cổ tích có thật trên mặt đất.
Núi Đôi hàng ngàn năm thiên tạo và ngót bảy mươi năm tình người hòa quyện vào trong nhau, nâng đỡ cho nhau và sẽ trở thành một trong những địa chỉ du lịch văn học – lịch sử tuyệt vời cho mọi người, nhất là các thế hệ học sinh của thủ đô. Ở nơi ấy đâu chỉ có non nước hữu tình với thảm cỏ hàng thông và những lô cốt rêu phong của một thời binh lửa mà còn có cả một huyền thoại của một mối tình bất tử: “Anh đi bộ đội sao trên mũ/ Mãi mãi là sao sáng dẫn đường/ Em sẽ là hoa trên đỉnh núi/ Bốn mùa thơm mãi cám hoa thơm”. Là người Pháp hẳn ai cũng có một ước muốn một lần được tham quan cống ngầm ở thủ đô Paris, nơi người tù khổ sai nhân hậu Giăng Văn Giăng từng suốt đời trốn chạy khỏi sự đeo bám của tên mật thám Gia ve. Như thế hẳn là người Việt Nam, nhất là người Hà Nội, những giáo viên và học sinh ai chẳng ước mơ có một lần được đến ngắm Núi Đôi để đọc thơ Vũ Cao và viếng mộ chị Bắc. Ước mơ và tương lai hy vọng như vậy. Mong rằng Sóc Sơn hãy giữ gìn, tôn tạo để Núi Đôi không chỉ là một địa điểm du lịch. Hơn cả đó còn là một trường học. Một nơi trải nghiệm về văn học, lịch sử và môi trường sinh thái. Hy vọng là như thế. Hy vọng và hy vọng./.
Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Phan Anh. Thông tin về cuộc thi xem tại đây. | |