Ân tình hai chiếc bánh ngọt và hai tô phở đầu đời

Lê Thị Vịnh| 17/01/2023 17:36

Người Việt Nam và tất cả bạn bè trên thế giới đều không thể không biết đến Hà Nội, Thủ đô của nước Việt Nam. Riêng với tôi, Hà Nội đã in sâu trong ký ức gắn liền với một kỷ niệm qua bao tháng ngày không phai. Đó là kỷ niệm ân tình với người Hà Nội

phomay-1546426756-7151-1546426809(1).jpg

Hai chiếc bánh ngọt tình nghĩa đầu đời

Hôm ấy, vào một buổi chiều mùa thu đẹp trời, chuyến tàu thống nhất Nam – Bắc cập bến ga Hà Nội đã đưa tôi trở về từ thành phố Hồ Chí Minh. Đó là năm 1985, lần đầu tiên tôi xa nhà theo anh rể vô Đà Lạt thăm anh chị rồi qua Sài Gòn thăm anh trai. Chặng đường dài từ Sài Gòn về nhà, anh trai mua cho tôi vé tàu giường nằm. Tôi nằm ở giường tầng hai trong một toa gần cuối đoàn tàu. Suốt hai ngày ba đêm nằm trên tàu, tôi chỉ ăn một cái bánh mì và uống nước. Ngày ấy, cuộc sống còn khó khăn lắm. Tôi là giáo viên tiểu học mới đi làm được một năm. Tôi dạy ở một trường thuộc miền núi nên cuộc sống lại càng khó khăn hơn. Anh chị tôi ngày ấy đều là cán bộ công nhân viên nên cũng không khá giả gì. Toàn bộ tiền vé đi vô Nam và từ Nam ra Bắc anh trai và chị gái đã mua cho tôi. Giường nằm ngay kế phía dưới tôi là một chị ước chừng 45 tuổi, khi ấy tôi mới tròn 22 tuổi. Chị có gương mặt thật đẹp, nước da trắng hồng. Chị nói là chị quê Hà Nội và cũng đang làm việc tại Hà Nội. Thấy tôi cả ngày không ăn gì, tàu đỗ nghỉ các ga tôi cũng không mua gì, chị ái ngại nhìn tôi: Em hết tiền mua đồ ăn đúng không? Em cầm tạm cái bánh này ăn cho đỡ đói. Nói rồi chị dúi vào tay tôi hai cái bánh mì ngọt thơm phức và giục: Em ăn đi, ăn đi kẻo đói em ạ. Và cứ thế, mỗi bữa chị ăn gì chị đều chia cho tôi một phần. Qua hai ngày ba đêm, tàu cập bến ga Hà Nội. Xuống khỏi tàu thống nhất, chị bạn hành khách tốt bụng kéo tôi lại và nói:

"Về nhà chị nghỉ ngơi cho khoẻ rồi mai hãy về Phú Thọ em à".

Tôi vội nói:

  • "Em cảm ơn chị nhiều, thôi để em đón tàu về Phú Thọ ngay chị ạ kẻo bố mẹ em mong".

Chị nhìn tôi phút giây lo lắng rồi chị dúi vào tay tôi mấy nghìn tiền lẻ và nói:

"Em cầm lấy mua vé tàu về quê nhé, chị chỉ có ít".

Tôi luống cuống cảm động cầm ít tiền của chị trên tay lí nhí:

"Vâng ạ, Em cảm ơn chị nhiều".

Tôi nghẹn ngào nhìn theo bóng chị khuất dần theo dãy phố, tay vẫy vẫy theo bóng chị mà hai khoé mắt cay cay.

Ân tình hai tô phở đầu đời

Lúc này, bụng tôi đói cồn cào. Tôi thấy hơi hoa mắt nhưng cũng gắng hỏi thăm đường để tìm tới ga tàu mua vé tàu về Phú Thọ. Ra khỏi sân nhà ga tàu thống nhất, tôi đi theo dãy phố mà một bác đã chỉ đường cho tôi. Tôi chợt khựng người lại bởi một mùi thơm quyến rũ lạ kỳ. Tôi nhìn vào bên trong dãy phố. Tấm biển dựng nghiêng nổi bật hàng chữ: QUÁN PHỞ BÌNH DÂN. Nhìn những tô phở còn bốc hơi nghi ngút tỏa mùi thơm, bụng tôi càng cồn cào, mắt hoa lên loạng choạng. Tôi bước vào quán phở trong nỗi thèm tột cùng. Hỏi giá tiền một tô phở rồi tôi ngập ngừng đắn đo…

Bác chủ quán nhìn tôi giây lát rồi hỏi:

"Cháu vừa xuống tàu thống nhất hả? Cháu đi từ miền Nam ra chắc đói lắm rồi? Không còn tiền hả? Thôi cháu cứ ngồi xuống đây ăn phở đi, bác đãi cháu ăn thử phở Hà Nội đấy".

Tôi còn ngập ngừng, bác kéo nhẹ tay tôi xuống:

"Ngồi xuống đi cháu!"

Nói rồi bác đặt xuống trước mặt tôi một tô phở còn bốc hơi nghi ngút, mùi thơm ngào ngạt. Tôi khoan khoái hít hít một hơi dài như muốn nuốt hết cả mùi hương của bát phở, không muốn nó bay đi mất. Ngồi ngấu nghiến ăn phở, tôi ăn một cách ngon lành mà không để ý đến những người khách ngồi xung quanh. Sau một hồi ăn hết một tô phở, bụng bớt cồn cào, tôi mới có thời gian bình tĩnh ngắm nhìn bác chủ quán cùng quán phở. Quán phở tuy nhỏ không rộng lắm, gồm có hai dãy bàn ước chùng chỉ có mười bàn nhưng sạch và gọn. Mọi chỗ ngồi đều kín, ai cũng mải miết ăn một cách ngon lành. Bác chủ quá đi hết bàn này đến bàn kia chăm lo cho khách, trên vầng trán rộng hơi lấm tấm mồ hôi nhưng miệng luôn tươi cười, ánh mắt hiền dịu. Bác là một phụ nữ ước chừng đã ngoài 50 tuổi nhưng dáng người vẫn rất khoẻ mạnh. Mùi hương vẫn tỏa lên nghi ngút. Thơm quá, tôi đắm đuối nhìn mấy tô phở bác vẫn đang bưng cho khách như ngắm nhìn một báu vật gì đó. Nước phở trong veo nhưng thơm một mùi thơm quyến rũ khó tả. Mùi thơm của thịt, của xương quyện cùng mùi rau thơm và gia vị nữa, sao mà quyến rũ thế. Những cọng hành, cọng mùi xanh mướt phủ trên những sợi mì trắng mềm nhưng không nát. Tôi nhìn mấy tô phở đắm đuối như muốn ăn nữa. Một bàn tay ấm nóng khẽ vỗ vào vai tôi:

"Cháu ăn thêm tô nữa cho chắc bụng để về Phú Thọ nhé". Bác chủ quán cười hiền hậu và đặt tô phở trước mặt tôi. Tôi ngước nhìn bác đỏ mặt bối rối chưa biết nói gì, bác lại nói tiếp:

"Ăn đi cháu, đừng ngại, bác rất vui khi cháu thích ăn phở do bác nấu".

Nhìn tô phở thơm và đẹp mắt bây giờ tôi lại không nỡ ăn vì phá đi cái đẹp của tô phở và có lẽ tôi sợ ăn hết rồi tôi sẽ không còn bát phở để ngắm nhìn vẻ đẹp và ngửi mùi vị thơm ngon hấp dẫn này nữa. Tôi thoáng thấy nụ cười tươi vui hiền hậu hiện trên khuôn mặt bác chủ quán: “Phở thơm ngon vậy thì nhớ khi nào về Hà Nội ghé quán bác ăn nhé!”. Nhấp nhẹ thìa nước phở trên môi, tôi lí nhí: “Vâng ạ, cháu cảm ơn bác ạ!” Thế là tôi lại tiếp tục thưởng thức tô phở thứ hai. Bụng tôi lúc này no căng, tôi chép miệng như vẫn thèm ăn nữa. Chưa muốn rời khỏi quán phở, tôi ngồi tựa lưng vào ghế ngắm nhìn mọi người cũng đang ăn ngon lành. Tôi khoan khoái hít thở mùi hương thơm của những tô phở vẫn không ngừng nghi ngút. Tôi cũng mải mê cuốn hút bởi nụ cười tươi vui tận tình phục vụ khách hàng của bác chủ quán. Bác chỉ có một người con trai giúp việc, mồ hôi thấm thấm trên trán, trên lưng áo, nhưng họ vẫn luôn nở nụ cười tươi vui với khách hàng. Tôi cảm nhận trong tô phở ngon có cả hương vị ngọt ngào của tình người, tình cảm của chủ quán dành cho tôi và khách hàng.

Rời xa hai tô phở đầu đời - Tình yêu và nỗi nhớ

Rời xa quán phở, tôi trở lại ga tàu mua vé về Phú Thọ. Con tàu xình xịch chuyển bánh rời ga xa dần Hà Nội, màn đêm tối dần buông xuống, tôi ngoái nhìn ra cửa sổ, thành phố mờ dần rồi khuất hẳn. Tôi như muốn cố hít thở mùi hương phở ngọt ngào, tôi không muốn rời xa Hà Nội, rời xa mùi vị thơm ngon của những tô phở, tôi càng không muốn rời xa người Hà Nội mến thương. Tôi biết để có được những tô phở thơm ngon đó là cả một sự sáng tạo, lao động cần mẫn, tình yêu con người và sự say mê công việc.

Thế mà cũng đã gần 40 năm qua đi, ngày ấy tôi cũng khờ quá, quên không hỏi tên bác chủ quán phở và vị trí quán phở nữa, chỉ biết rằng nó cách ga tàu thống nhất Hà Nội không xa, nhưng mùi vị thơm ngon của tô phở và nụ cười tươi vui của bác chủ quán thì vẫn còn mãi in đậm trong trí nhớ của tôi. Trong gần 40 năm ấy, do bận rộn công việc nên tôi cũng ít có dịp trở lại Hà Nội. Thủ đô Hà Nội của chúng tôi ngày nay đã phát triển phồn vinh, ngày càng hiện đại. Nhưng ân tình của người Hà Nội thì mãi mãi còn đây. Tôi biết trong những phố phường hiện đại hôm nay, những tô phở tình nghĩa vẫn còn đây, nó làm ấm lòng những em bé lang thang cơ nhỡ, những người bệnh trong cơn đau yếu, những cụ già bơ vơ không nơi nương tựa. Ngày hôm nay, những tô phở tình nghĩa lại làm vơi đi nỗi nhọc nhằn của các y bác sĩ qua mỗi ngày dài miệt mài cứu chữa các bệnh nhân Covid-19. Những tô phở tình nghĩa cũng đã góp phần làm vơi đi bao mệt nhọc của các chiến sĩ trên mặt trận chống dịch.

Hà Nội, tình yêu, niềm tự hào, điểm đến của bè bạn năm châu

Rời xa Hà Nội, rời xa hai tô phở đầu đời, rời xa người Hà Nội mến thương, tôi mang theo bao kỷ niệm cùng với hương vị thơm ngon quyến rũ khó quên của phở và nụ cười thân thiện của bác chủ quán. Rời xa Hà Nội, tôi đem theo ân tình của người Hà Nội với hai chiếc bánh ngọt và hai tô phở đầu đời. Hình ảnh chị hành khách cùng đi trên tàu và bác chủ quán phở mãi in đậm trong tôi. Tôi tự hào về Thủ đô và con người Hà Nội. Hà Nội luôn mãi mãi ở trong trái tim tôi. Tôi mong ước Thủ đô Hà Nội - Việt Nam sẽ được tất cả bạn bè năm châu biết đến. Tôi tự hào về một Thủ đô phôn vinh văn minh và hiện đại. Tôi mong ước Hà Nội - Việt Nam sẽ mãi mãi là điểm đến lý tưởng của tất cả bè bạn năm châu.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Lê Thái Vịnh. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Bài liên quan
  • Lễ thượng cờ thiêng liêng
    Tôi là người miền Nam nhưng lúc nào cũng tự nhận mình người Hà Nội bởi cả thời thanh niên sôi nổi của tôi được sống, học tập và làm việc tại Thủ đô thân yêu, từng góc phố con đường Hà Nội in đậm trong tâm trí tôi.
(0) Bình luận
  • Hà Nội, mùa đầu nỗi nhớ
    Tôi chậm rãi bước từng bước nhẹ nhàng trên một con phố nhỏ quanh Hồ Tây, từng chiếc lá vàng từ tốn rơi trên mặt đường tấp nập người qua lại, mặt hồ còn nhấp nhô phản chiếu những tia nắng mờ nhạt còn sót lại của buổi hoàng hôn. Dường như thời gian đang trôi chậm lại để tôi có thể cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của miền đất Thủ đô, mà trước đây tôi chỉ có thể trông thấy qua lớp màn ảnh vô giác.
  • Ấn tượng thiên nhiên giữa lòng Hà Nội
    Dạo ấy, gần hai năm trước, nhân chuyến công tác Thủ đô, đoàn chúng tôi tổ chức chuyến thực tế thực sự ý nghĩa. Cho đến bây giờ, mọi người vẫn còn luyến tiếc, bởi với thời gian một ngày, chúng tôi chưa thể nào tiếp cận trọn vẹn không gian của “địa chỉ đó”. Cách trung tâm thành phố gần 40km về phía Tây, nơi hội tụ các sản phẩm văn hoá truyền thống của 54 dân tộc anh em. Nơi đó là “Làng Văn hoá các dân tộc Việt Nam” thuộc Khu du lịch Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.
  • Vé không khứ hồi
    Viết gì đây? Khi mỗi lần nhớ đến thời thơ ấu lòng lại buồn thương da diết. Tuổi thơ yêu dấu trong lòng Hà Nội, nơi mở ra những trang màu hồng đầy ắp kỷ niệm của hai đứa chúng tôi. Nay xa rồi tất cả tầm tay với.
  • Gửi cậu của một năm sau
    Bây giờ, tớ là một cô sinh viên năm ba vô lo, vô nghĩ chuyện tương lai. Hoặc đã từng nghĩ nhưng không quá nhiều lo lắng. Một năm sau cậu sẽ làm gì? Cậu sẽ trở thành ai? Liệu cậu có tiếp tục cuộc sống nơi Hà Nội nhộn nhịp xô bồ hay trở về miền quê yên bình của riêng cậu? Tớ chắc sẽ không khuyên nhủ gì cậu đâu, nhưng tớ muốn nói với cậu, mặc cho việc kiếm việc khó khăn, mặc cho áp lực cơm, áo, gạo, tiền đè nặng lên vai cậu thì đã từng có một Hà Nội yêu thương, che chở, bảo vệ cậu đến nhường nào.
  • Hà Nội mến thương
    Quê hương là nơi chôn nhau, cắt rốn, là nơi để những đứa con xa quê nhung nhớ mỗi khi có cơn gió hiu hiu thổi qua làm dấy lên cả một bầu trời nhung nhớ. Nhưng có những vùng đất ta sẽ gặp khi bước ra khỏi luỹ tre làng, để rồi khẽ thương từ độ nào không hay. Bởi ở nơi ấy, có những kỷ niệm, có những con người làm ta cảm mến, lưu luyến chẳng nỡ rời xa.
  • Hà Nội và những người thầy
    Tôi cùng một số bạn bè đến Thủ đô, dự Lớp bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Chiều cuối thu bên Hồ Tây, bốn người không chung giọng nói, cùng nhau nhâm nhi li bia hơi Hà Nội và đĩa mực khô nướng Quảng Bình. Được dịp, chuyện nổ như rang ngô, niềm vui cứ thế thăng hoa, khiến câu chuyện cũng trở nên không đầu không cuối…
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Ân tình hai chiếc bánh ngọt và hai tô phở đầu đời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO